Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 2

CHỦ NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

thanh gia.jpg

Con đường đi tìm Thiên Chúa của chúng ta cũng giống như con đường hai môn đệ Gioan Tẩy giả.  Các ông đã khám phá và gặp gỡ Đức Ki tô, Con Chiên Thiên Chúa là nhờ vào chứng từ của chính Gioan. Ông đã nhận ra Chúa Giê su và đã không do dự để cho các môn đệ của mình đi theo Đức Ki tô, đấng Messia, Đấng Cứu thế.

Sách 1 Samuên 3, 3b-10.19

Từ câu truyện nầy, người ta có thể nghiệm ra rằng Thiên Chúa để cho những ai yêu mến và kiên trì tìm kiếm được gặp Ngài. Thiên Chúa tỏ mình ra cho những người ấy, hay đúng hơn, Ngài kêu gọi họ cộng tác vào việc cứu rỗi thế gian.

Thánh vịnh 39

Thánh vịnh nầy liên kết trong một mối cảm xúc tâm hồn và ý tưởng niềm Hi vọng của người tín hữu và sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa. Vừa khi chạm trán với nguy hiểm, người tín hữu liền ca lên niềm hi vọng, và tin chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ.

Thư thứ 1 Côrintô 6, 13b-15a.17-20

Đức tin đổi mới tận căn cái nhìn của chúng ta về thế giới. Nó cho chúng ta thấy tất cả trong ánh sáng Tình yêu được khẳng định nơi Chúa Giê su. Nếu chúng ta nhận ra nơi Ngài Đấng diễn tả tình yêu Thiên Chúa Cha, chúng ta sẽ đi vào đời sống mới, sẽ sống bằng tình yêu và chế ngự những mãnh lực sự dữ.

  TIN MỪNG: Ga 1,35-42

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng nầy nói về việc Chúa Giê su kêu gọi các môn đồ đầu tiên, nằm trong tuần khai mạc sứ vụ Chúa Giê su. Tác giả đã dành hai ngày đầu để ghi lại chứng từ của Gioan Tẩy giả (1,19-34). Ngày thứ ba, Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giê su cho hai môn đệ của mình (35-36). Đoạn văn của chúng ta bắt đầu từ đây và sẽ gồm thêm ngày thứ 4 (c.43), trước khi Chúa Giê su “biểu lộ vinh quang của Ngài” (2,11) tại Ca na xứ Ga li lê “ba ngày sau”, tức là vào ngày thứ 7.

Có nhiều khác biệt trong các trình thuật kêu gọi môn đệ trong các tin mừng. Tuy nhiên, so với các tin mừng nhất lãm thì dường như ở đây Gioan đã ghi lại kỷ niệm sự kiện lịch sử là các môn đồ đầu tiên của Chúa Giê su và có lẽ cả chính Gioan trước đó đã là môn đệ của Gioan Tẩy giả. 

TÌM HIỂU

Hôm sau: tin mừng Gioan khởi đầu bằng một tuần lễ khai mạc (x. 1,29.35.43), mà có lẽ đối với tác giả tương ứng với 7 ngày tạo dựng (Tự khởi nguyên: 1,1 x.Stk 1,1). Chúa Giê su khai mạc sự tạo thành mới. Tuần lễ nầy sẽ đối xứng với tuần lễ các cuộc hiện ra ở cuối tin mừng (20,1.36).

Đây là: x. c.29. Gioan Tẩy giả chỉ Chúa Giê su và sau khi đã tỏ cho các đồ đệ của mình thấy đấng phải đi theo, ông lui vào bóng tối.

Chiên Thiên Chúa:  chỉ cần nghe lời giới thiệu nầy các môn đồ của Gioan đã đi theo Chúa Giê su. Như thế họ đã nhận ra đây chính là lời mời gọi theo đấng thiên sai.

Đây là tước hiệu mới áp dụng cho Chúa Giê su, biến Ngài thành một nhân vật có một không hai trong lịch sử. Kiểu nói nầy có thể được hiểu như sau:

1. Con Chiên Vượt Qua. Trong trình thuật Khổ nạn, Gioan đã đưa ra nhiều ám chỉ đến hình ảnh của con chiên trong đền thờ song song với cuộc xử án Chúa Giê su (18,28-19,37). Do đó gọi Chúa Giê su là Con Chiên của Thiên Chúa Gioan muốn nói rằng máu của Chúa Giê su đổ ra có thể giải thoát con người khỏi sự dữ, và tiêu trừ tội lỗi (x.1 Ga 3,5).

2. Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, được so sánh trong Isaia 53,7 với “một con chiên được dẫn tới lò sát sinh”. Các ám chỉ đến người Tôi tớ không thiếu trong tin mừng thứ tư, bắt đầu là qui chiếu đến phép rửa của Chúa Giê su (1,32-33): “Đấng mà Thần khí đậu xuống”; trong 12,38 Gioan trích dẫn Isaia 53,1. Cụm từ “Con Chiên Thiên Chúa” do đó có thể khiến ta nghĩ đến Người Tôi tớ đau khổ, và có thể dịch như thế nầy: “gánh lấy tội lỗi của thế gian”, như “hi vật đền tội” (1Ga 2,2).

3. Kiểu cắt nghĩa thứ ba có lẽ hợp với cách suy nghĩ của Gioan Tẩy giả hơn, và cũng phù hợp với Tin mừng Nhất lãm. Ông loan báo đang đến “đấng cầm trong tay cái nia..” và “sẽ sẩy sạch sân lúa của Ngài..sẽ thiêu đốt lúa lép” (Mt 3,12). Như thế ông gặp lại quan niệm khải huyền, được diễn tả trong nhiều bản văn thời bấy giờ, về Con Chiên vương giả chiến đấu chống lại thú dữ và phá huỷ thế giới xấu xa (x. Kh 14,10;17,14). Nhưng ở đây hình ảnh trong do thái giáo đã được đức tin ki tô giáo điều chỉnh lại: trong Khải huyền, cuộc chiến của Con Chiên là cái chết của Ngài và phía bại trận không còn là các tội nhân, mà là tội lỗi của thế gian được Chiên Thiên Chúa gánh lấy. (xem thêm phần đào sâu ở dưới)

Các anh tìm gì thế?: đây là câu nói đầu tiên của Chúa Giê su trong tin mừng Gioan. Ngài sẽ đặt ra câu hỏi nầy thêm hai lần nữa về chính căn tính của mình, và luôn luôn vào những lúc chính yếu của trình thuật: khởi đầu cuộc Khổ nạn (18,4-7) và khi hiện ra cho bà Maria Magđala (20,15).

Tìm: không có thái độ nầy thì không thể có đức tin được. Các Tiên tri và các nhà Khôn ngoan mà Kinh Thánh nói đến tha thiết mời gọi “đi tìm” Chúa.

Thưa Rabbi: Tin mừng thứ tư 8 lần gán cho Chúa Giê su tước hiệu Rabbi và một lần Rabbuni (20,16). Đi đến với Chúa Giê su để tìm biết giáo huấn của Ngài, như khi ông Nicôđêmô đến gần và thưa với ngài là Rabbi (3,2).

Thầy ở đâu?: điều quan trọng không phải là tìm xem Chúa Giê su ở nơi nào. Câu hỏi căn bản từ đầu lời Tựa vẫn là tìm biết đâu là vị trí của Chúa Giê su trong tương quan với Cha Ngài. Một vài chi tiết của câu trả lời sẽ được cho biết “trong giờ Chúa Giê su qua khỏi thế gian mà về cùng Cha” (13,1; x. 14,10; 16,17-28).

Đến mà xem: Phần tiếp sau không cho biết nơi Chúa Giê su ở. Điều cốt yếu liên quan đến nơi Ngài ở không phải là đối tượng của lời giải thích, thậm chí khi được chính Chúa Giê su ban cho. Cần đi theo Ngài và thấy Ngài tỏ hiện.. “Hãy đến mà xem các kì công của Thiên Chúa” (Tv 66,5).

Câu trả lời của Chúa Giê su sẽ được ông Phi líp (1,46) và người nữ Samri lặp lại (4,29).

Khoảng giờ thứ mười:  ý nghĩa của chi tiết chính xác nầy chưa rõ. Có lẽ đây là kí ức về một thời điểm quyết định.

Ông An rê: thườngtrong tin mừng, ông Phê rô là người được nhắc tới trước tiên. Chỉ có ở đây, ông An rê được nhắc tới trước. Ông là người dẫn ông Si mon đến với Chúa Giê su: Giáo hội Hi lạp, anh em với Giáo hội La tinh, tôn kính ông An rê như là đấng sáng lập.

Chúng tôi đã gặp đấng Messia: Câu nói quan trọng, được lặp lại ở 1,45. Những gì họ tìm, được Thiên Chúa ban cho (1,38). Ngài để cho mọi người tìm kiếm. X. 6,25.

Nghĩa là Đấng Ki tô: chi tiết giải thích nầy được tác giả hoặc nhà xuất bản thêm vào bản văn giúp cho các độc giả ngôn ngữ Hi lạp dễ hiểu. Trong tin mừng thứ tư có nhiều kiểu giải thích tương tự như vậy.

Kê pha: hình thái cổ xưa của tên gọi được Chúa Giê su đặt cho ông Phê rô. Nhiều lần Phao lô dùng danh xưng nầy để gọi ông Phê rô (1Cr 1,12;15,5; Gl 2,11).

SỨ ĐIỆP

Các bài đọc chủ nhật hôm nay mời gọi chúng ta ý thức về những lời kêu gọi mà Chúa gửi đến chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Để được vậy trước hết, chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của thiếu niên Samuên trong bài đọc thứ nhất, và sau đó, của Gioan trong bài tin mừng.

Sa-mu-ên đã trải qua thời niên thiếu trong đền thờ dưới sự che chở của Thầy tư tế Hêli. Một đêm kia, em nghe một tiếng gọi. Em không ngần ngại trả lời ngay và chạy đến thầy Hêli: « Thầy gọi con, nầy con đây ». Thoạt đầu, thầy Hêli không biết và bảo em trở về nằm ngủ. Cảnh ấy lặp lại ba lần. Lần thứ ba, theo lời dạy của thầy Hê li, Sa-mu-ên bắt đầu lắng nghe tiếng gọi. Bài đọc không kể lại nội dung cuộc trò chuyện giữa Thiên Chúa và Sa-mu-ên. Điều duy nhất mà chúng ta có thể biết đó là thái độ lắng nghe. Và một điều khác không kém phần quan trọng là từ lúc đó, cuộc sống của Sa-mu-ên biến đổi bởi xác tín về sự hiện diện của Chúa nơi cuộc đời mình. Nhưng để có được sự gặp gở đó với Thiên Chúa, cần phải có một trung gian, một người nhận ra lời kêu gọi trong đêm đến từ Thiên Chúa . Trường hợp ở đây là Thầy cả Hê li.

Cũng có một cuộc biến cố tương tự như thế trong bài tin mừng, đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giê su và hai môn đệ, là ánh mắt đầu tiên giữa Chúa Giê su với ông An rê và người môn đệ kia. Điều đã khởi sự hôm đó vào khoảng bốn giờ chiều cũng được tiếp tục trong mỗi Thánh lễ cho tất cả những ai đáp lại lời mời gọi của Chúa. Vì niềm tin Ki tô trước hết là một tình bạn, một cuộc gặp gỡ. Từ Abraham cho đến ngày hôm nay, đức tin chính là tình bạn với Thiên Chúa.

Lúc ấy là bốn giờ chiều, và sau đó là một buổi tối thân mật họ ở chung với nhau: đó là sự khám phá đầu tiên và chắc chắn dẫn đến bữa cơm thân mật đầu tiên. Chúng ta không biết gì về những điều mà họ trao đổi với nhau. Nhưng điều mà chúng ta chắc chắn khi đọc phần tiếp theo tin mừng thánh Gioan, là cuộc gặp gỡ đã xảy ra đầy ấn tượng và có tính quyết định đến nỗi từ nay họ gắn bó với nhau trong suốt cuộc đời còn lại. Nó lưu lại trong trung tâm cuộc sống họ, cả khi họ phải rời xa nhau.

Dĩ nhiên như tất cả chúng ta, hằng ngày họ cũng phải đối đầu với những vui buồn. Có khi phải xa cách nhau. Và nhiều lúc, chính Chúa Giê su phải lánh riêng và trốn chạy bởi vì người ta không thể lợi dụng một người bạn. Nhưng sẽ có một sự gắn bó mật thiết đến nỗi ‘không gì có thể chia lìa họ được’. Không một sự bất trung nào, kể cả sự chối từ của Phê rô và của chúng ta có thể ngăn cản Đức Ki tô nồng nàn yêu thương chúng ta.

Đó chính là Rất Thánh Trái tim Chúa Giê su. Đức Ki tô đề nghị một cuộc đối thoại thân tình với Ngài. Đức tin không chỉ là chuyện tin nhau, cũng không hạn chế vào lãnh vực luân lí. Tất cả những điều đó đều tốt, nhưng đức tin trước tiên thuộc lãnh vực tình bạn. Nếu chúng ta trở thành những tín hữu đi theo Chúa, chính là vì chúng ta đã được nhìn bởi ánh mắt sáng ngời và đầy yêu thương của Ngài. Các tín điều, luân lí, các dấn thân mà chúng ta thực hiện trong Giáo Hội, cũng như các cơ cấu của Hội thánh, không còn ý nghĩa ở ngoài sự hiện diện và tình bạn rất gắn bó của Đức Ki tô. Tất cả những điều ấy đã bắt đầu chiều hôm đó trong sự gặp gỡ với người môn đệ. Và vẫn tiếp tục từ hơn hai ngàn năm bởi vì nhiều người đã được gặp Đức Ki tô.

Tin mừng chủ nhật hôm nay còn cho chúng ta biết có một ai đó đã chủ động cuộc gặp gỡ nầy. Khi muốn bạn bè biết nhau, chúng ta đứng ra làm trung gian và mời họ đến gặp nhau. Cũng thế, chúng ta có thể tìm cách giúp cho những người mà chúng ta thương yêu được giao tiếp với Đức Ki tô. Đó là mục tiêu mà các giáo lí viên vẫn theo đuổi với các em đã giao phó cho họ. Điều họ làm không phải là dụ dỗ hay thuyết phục các em theo Chúa, nhưng là làm sao để từng cá nhân gặp gỡ Đức Ki tô. Thầy cả Hê li đã giúp Sa-mu-ên đón nhận và lắng nghe Lời Thiên Chúa phán.

Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Ki tô hữu là đáp ứng một trong những lời mời gọi quan trọng nhất mà Đức Ki tô gửi đến cho Giáo Hội của Ngài. Ước gì chúng ta là những người lắng nghe Thiên Chúa nói về tình yêu của Ngài hãy hợp nhau trong lời kinh cầu nguyện cho sự hòa giải và hiệp nhất tất cả những người tin vào Chúa Giê su Ki tô. Như trẻ Sa-mu-ên, chúng ta hãy cùng nhau thưa với Chúa:  « Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe ».

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Sách Sa-mu-ênlà sách gì?

THƯA: Sách Sa-mu-ên thuộc về loại sách sử, ghi chép các biến cố xảy ra trong khoảng từ năm 1070 đến năm 970, từ thời thủ lãnh  Sa-mu-ên đến sau Vua Đa vít.

2. HỎI: Câu chuyện về Sa-mu-ênbắt đầu như thế nào?

THƯA: Sa-mu-ên là một đứa bé của phép lạ. An na mẹ ngài dù đã cao niên vẫn chưa có con. Quá buồn tủi về thân phận hẩm hiu của mình, một hôm bà khấn với Chúa: nếu Chúa ban cho bà một đứa con trai, nó sẽ được hiến thánh phụng sự Thiên Chúa suốt đời. Thế rồi sau đó Chúa đoái thương ban cho bà một đứa con như lòng bà ước nguyện, và được đặt tên là Sa-mu-ên. Anna đã giữ lời hứa nên dâng con trẻ cho thầy Ê li (khôngphải tiên tri Ê lia) giữ đền thờ ở Si lô.

3. HỎI: Si-lô ở đâu?

THƯA: HIện nay, Si-lô chỉ là một thôn xóm nhỏ cách Bắc Giê-ru-sa-lem chừng 30 cây số. Nhưng thời đó là một nơi quan trọngqui tụ các chi tộc Ít-ra-ên trong một thời gian. Và dĩ nhiên nơi nào dân qui tụ thì nơi đó có đền thờ.

4. HỎI: Tại Si lô, Sa-mu-ên lãnh nhận ơn gì?

THƯA: Chính tại Si-lô mà vào năm 1050, Sa-mu-ên đã lãnh nhận ơn gọi làm tiên tri. Về sau ông trở thành Thủ lãnh, một trong những nhân vật tiếng tăm trong lịch sử Ít-ra-ên đến nỗi về sau được tiên tri Giê-rê-mi-a sánh với Mô sê (Gr 15,1; x. Tv 98).

5. HỎI: Tại sao thế?

THƯA: Vì cũng như ông Mô sê, Sa-mu-ên đã trở thành lãnh tụ về mặt tinh thần và chính trị của Ít-ra-ên. Ông còn đảm nhận vai trò của một Tư tế vừa dâng hi tế cho Thiên Chúa vừa đem lại công lí cho dân nữa. Rồi cũng chính ông được Thiên Chúa sai đi tấn phong hai vua đầu tiên của Ít-ra-ên là Saun và Đa vít, tao nên khúc quanh lịch sử cho dân It-ra-ên. Ông đóng vai trò quan trọng trong triều đình vì được Thiên Chúa chọn để chuyển lại cho Vua các quyết định của Người như một Tiên tri đích thực.

6. HỎI: Tác giả muốn nhấn mạnh điều gì khi viết lại câu truyện Sa-mu-ên?

THƯA: Giữa thời khó khăn cho đức tin, tác giả muốn cảnh giác dân chống lại các tiên tri giả, những người tự quyết định thay vì đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Tiên tri đích thực là người như Sa-mu-ên, biết chuyển lại cho dân mọi lời Chúa phán và chỉ những lời của Chúa mà thôi.

7. HỎI: Câu chuyện về ơn gọi Sa-mu-ên chuyển đến sứ điệp gì?

THƯA: Câu chuyện trên đề ra một gương mẫu về việc đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa về ba điểm sau đây: Một là Sa-mu-ên hãy còn nhỏ khi được kêu gọi. Điều đó xác minh chân lí: quyền năng Thiên Chúa bày tỏ trong yếu đuối của con người (x.Gr 1, 7).Hai là vai trò của Thầy Ê li. Thầy giúp cho Sa-mu-ên nhận ra và đáp trả tiếng Chúa gọi chứ không xen vào việc riêng của ông. Và cuối cùng là lời đáp trả của Sa-mu-ên, đơn giản nhưng nói lên lòng sẵn sàng đáp lại lời Chúa, điều duy nhất mà Người tìm kiếm để thực hiện chương trình của Người.

8. HỎI: Tác giả muốn nhấn mạnh điều gì khi kết thúc: ‘Phần Sa-mu-ên ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa. Đó là lời Chúa.’ (1 Sm 3, 19)?

THƯA: Tác giả muốn dạy chúng ta nhớ rằng trong ơn gọi của mỗi người, chúng ta luôn bảo đảm có sự hiện diện và sức mạnh của Thiên Chúa phù trợ.

9. HỎI: Khung cảnh nào giúp Sa-mu-ên trả lời Thiên Chúa?

THƯA:  Sở dĩ Sa-mu-êncó thể trả lời cho Thiên Chúa vì đã có thể nghe được lời Chúa phán trong đền thánh.

10. HỎI: Bài đọc một có liên hệ gì đến bài tin mừng không?

THƯA: Cách đáp trả lời Thiên Chúa mời gọi của Sa-mu-ênlà mẫu mực để các thánh sử chép lại lời mời gọi của Thiên Chúa và cách đáp trả của các tông đồ.

11. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?

THƯA: Thánh Gioan Tông đồ dùng khuôn khổ một tuần lễ để giới thiệu bước đầu sứ vụ của Chúa Giê su. Tước hết, tác giả đã dành hai ngày đầu để ghi lại chứng từ của Gioan Tẩy giả (1, 19-34). Ngày thứ ba, Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giê su cho hai môn đệ của mình (35-36). Đoạn tin mừng của chúng ta (35-42) nói về việc Chúa Giê su kêu gọi các môn đồ đầu tiên, bắt đầu từ đây và kéo dài sang ngày thứ 4 (c.43), trước khi Chúa Giê su “biểu lộ vinh quang của Ngài” (2, 11) tại Ca na xứ Ga li lê “ba ngày sau”, tức là vào ngày thứ 7.

12. HỎI: ‘Chiên Thiên Chúa’ có nghĩa gì?

THƯA: Đối với những ai biết Cựu Ước thì ‘Chiên Thiên Chúa’ có 4 ý nghĩa sau đây: Một là ‘Con Chiên Vượt Qua’ trong nghi thức mừng lễ Vượt qua hằng năm nhắc lại việc Thiên Chúa giải thoát dân khỏi ách nô lệ Ai cập. Hai là ‘Con Chiên’ khiến người ta nhớ đến ‘Đấng Messia’ mà tiên tri Isaia đã nói đến. Ông đã gọi Đấng Messia là ‘Người Tôi tớ của Thiên Chúa’ và so sánh với một con chiên (Is 53, 7). Ba là gợi nhớ đến Isaac, con của Abraham, mà ông định tế sát dâng cho Thiên Chúa. Bốn là, khi nghe Gioan Tẩy giả nói đến ‘chiên Thiên Chúa’ các môn đệ nghĩ ngay đến ông Môsê, vì văn chương Do thái thường so sánh Môsê với con chiên.

13. HỎI: Tại sao gọi đấng Messia là ‘Chiên Thiên Chúa’?

THƯA: Bởi vì Ngài giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tàn khốc nhất là tội lỗi. Ngài xóa bỏ tội lỗi ra khỏi trần gian, nghĩa là ‘Ngài gieo rắt tình yêu trên khắp thế gian’, giải hòa nhân loại với Thiên Chúa.

14. HỎI: Tại sao đấng Messia được gọi là ‘Tôi tớ Thiên Chúa’?

THƯA: Gọi đấng Messia là ‘Tôi tớ Thiên Chúa’ vì ngài hoàn thành sứ mạng giao phó cho đấng Messia là mang ơn cứu độ đến cho nhân loại; và như ‘Người Tôi tớ đau khổ được Isaia mô tả, Ngài phải trải qua cuộc khổ nạn và bách hại (Thánh giá) để được vinh quang (Phục sinh).

15. HỎI:  Tại sao thánh Gioan nhìn thấy Chúa Giê su là một Isaac mới?

THƯA: Vì chính Ngài cũng là một người con được yêu dấu hoàn toàn và sẵn sàng vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha (x. Hr 10,6-7).

16. HỎI: Tại sao so sánh Đấng Messia với ông Mô sê?

THƯA: Trong biến cố xuất hành, ông Mô sê được ví như con chiên bé nhỏ trước mặt bạo quyền Pharaô. Cũng vậy, Chúa Giê su trong cuộc sống, nhất là trong khổ nạn, cái chết và sống lại đã hoàn thành mầu nhiệm con chiên bé nhỏ bị sát tế nhưng chiến thắng (1Pr1,18-19).

17. HỎI: Câu hỏi: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” có nghĩa gì ?

THƯA: Khi hỏi Chúa Giê su như thế, các môn đệ chỉ muốn biết nơi Ngài cư trú để có thể đến gặp Ngài. Nhưng Thánh Gioan lại đưa vào nghĩa thứ hai: “Cách thiêng liêng, Ngài ở đâu?” giống như Phi líp hỏi Chúa Giê su: “Ngài hãy chỉ cho chúng tôi Chúa Cha (mà Ngài đang ở bên trong) và như vậy là đủ cho chúng tôi”.

18. HỎI: Câu: “Hãy đến mà xem” có nghĩa gì?

THƯA: Câu trả lời của Chúa Giê su cũng có hai ý: (1) việc khám phá chỗ ở của Ngài nơi trần gian tượng trưng và chuẩn bị cho việc khám phá (2) nơi ở thiêng liêng của Ngài. Bước đi theo Chúa Giê su, các môn đệ thấy nơi Ngài ở, và khi đi theo Chúa Giê su một cách thiêng liêng bằng đức tin, họ cũng bắt đầu thấy nơi ở thiêng liêng của Ngài, tức là Cha của Ngài: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (14,9).

19. HỎI: Điều gì đã quyết định cuộc đời của Gioan Tẩy giả cũng như các môn đệ của ông?

THƯA: Đó là Đức tin vào Chúa Giê su là Đấng Cứu độ. Thật vậy, Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giê su là Chiên Thiên Chúa, và khiêm nhường tự xoá mình trước Đấng mà Ngài loan báo. Ông cho phép các đồ đệ của mình đi theo vị Thầy mới nầy. Đối với họ, Chúa Giê su vẫn còn là một người lạ. Theo lời Gioan họ sắp làm một chuyến phiêu lưu. Chính trong đức tin mà họ bước vào con đường mới nầy.

20. HỎI: Ơn gọi theo Đức Ki tô trong tin mừng thánh Gioan có đặc điểm gì?

THƯA: Ơn gọi các môn đệ theo tin mừng thánh Gioan diễn ra trong bối cảnh cuộc sống bình thường với những biến cố hằng ngày và ở những nơi chốn họ đang sống. Sáng kiến luôn đến từ Chúa Giê su, tức là Thiên Chúa, và từ mối ưu tư cũng như tìm kiếm mà con người ai cũng đặt ra cho mình: “Anh em tìm gì?” (c.38). Đó là một cuộc khám phá tiệm tiến: “Hãy đến mà xem”.(c.39).

21. HỎI: Các sách Tin mừng trình bày Chúa Giê su như một người cần sống gần với mọi người. Tại sao thế?

THƯA: Chúa Giê su đã sống với tất cả mọi khía cạnh của một người bình thường, trừ những gì liên quan đến tội lỗi. Ngài đã cảm nghiệm cần thiết phải có bạn đồng hành, bởi vì con người được dựng nên là để sống hiệp thông với người lân cận chứ không như một hòn đảo và Ngài cũng không thoát khỏi sự đòi hỏi đó. Đàng khác, Ngài cũng muốn rằng nhân loại được biểu hiện nơi nhóm Mười Hai, chia sẻ sứ mạng của Ngài và tiếp tục sau khi Ngài về trời.

22. HỎI: Thế nhưng tại sao các Thánh sử cũng cho thấy Chúa Giê su là một người luôn đi tìm sự tĩnh lặng để gần gủi với Thiên Chúa Cha?

THƯA: Bởi vì Chúa Giê su luôn cảm nhận nhu cầu gặp gỡ Cha của Ngài, được ở trước mặt Đấng Toàn năng, nhất là trước các giai đoạn quan trọng trong sứ mạng của Ngài. Đàng khác, kẻ thù là ma quỉ liên tục cám dỗ Ngài nghi ngờ về căn tính và quyền năng của mình và sao lãng sứ mạng mà Cha đã giao phó. Thế nên Chúa Giê su đã luôn tìm cách tiếp xúc với Thiên Chúa Cha trong tĩnh lặng và cầu nguyện lâu giờ.

23. HỎI: Do vậy, Chúa thích ở một mình hơn?

THƯA: Không, dù những gì đã nói là sự thật, chúng ta không thể coi nhẹ các lời nới và cử chỉ thân thiện của Ngài đối với nhóm Mười Hai. Tâm hồn của Ngài thoải mái khi ở với họ và tỏ ra rất tha thiết với họ trong giờ Ly biệt. Chúa Giê su thật sự sống rất có tình cảm với những người chung quanh. Ngài cảm thấy yêu thích trẻ em và những người đơn sơ. Ngài khóc trước mộ của La gia rô và thành thánh Giê ru sa lem. Trong bữa Tiệc li, Ngài gọi các môn đệ là “những đứa con thân yêu”. Ngài thật sự lo lắng cho tương lai của họ, không biết điều gì sẽ xảy đến khi Ngài ra đi, và quan tâm xin Cha dành cho họ một chỗ trên Nước Trời.

24. HỎI: Các tông đồ và cả các đám đông có biết rằng Chúa Giê su không phải là một thầy Ráp bi như các thầy Ráp bi khác không ?

THƯA: Có biết, vì lời của Ngài độc lập chứ không lệ thuộc vào một quyền uy nào cả. Đàng khác, sứ điệp tôn giáo và luân lí của Ngài đưa mọi người đến gần Thiên Chúa chứ không xa cách họ. Các lãnh đạo dân và các tiến sĩ luật thì hành động ngược lại. Khi qui định sứ điệp kinh thánh thành lề luật một cách quá đáng, họ đã đánh mất tinh thần lề luật: đó là tình yêu Thiên Chúa.

25. HỎI: Có người nói: “Tôi tin Chúa Giê su chứ không tin Giáo Hội”, câu nói đó đúng không?

THƯA: Chắc chắn là không rồi, trước tiên bởi vì linh hồn Giáo hội là Ba Ngôi Thiên Chúa, nên không tin vào Giáo hội đồng nghĩa với không tin Thiên Chúa. Ngoài ra, Giáo hội được hình thành bởi những viên đá sống động: các tín hữu giáo dân, các linh mục, phó tế hằng ngày phục vụ những người nghèo khổ, bệnh nhân vì tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Thường Niên_Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Thứ Hai Tuần II Thường Niên_Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên C_ Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Thường Niên-Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Thường Niên- Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Thường Niên_Lm J.P

Các bài viết cũ hơn
     Thánh Vịnh - Chúa Nhật II Mùa Thường Niên Năm B
     Suy niệm Thứ Bảy Tuần II Thường Niên :Lễ Kính thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại. Lm. Đaminh Nguyễn Hữu Cường
     Suy Niệm Thứ Sáu Tuần II Thường Niên: CHỌN GỌI VÀ SAI ĐI. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Thứ Năm Tuần II Thường Niên : BIẾT ĐỂ SỐNG. Lm. Phaolô Nguyễn Nguyện
     Suy Niệm Thứ Tư Tuần II Thường Niên: “NGÀY SABÁT ĐƯỢC PHÉP LÀM ĐIỀU LÀNH HAY ĐIỀU DỮ?”. Maria Tố Quyên
     Suy Niệm Thứ Ba Tuần II Thường Niên: Con Người làm chủ ngày sa-bát. Lm.Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên A: Lời chứng của ông Gioan. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Gợi ý suy chiêm Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên Năm A: LÀM CHỨNG VỀ ĐỨC GIÊSU. Nt Têrêsa. Ngọc Lễ
     Suy niệm Tin Mừng thứ Sáu tuần II Thường Niên. Giuseppina Minh Tứ
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN HAI THƯỜNG NIÊN C. Nt. Maria Chinh Anh