Suy Niệm Thứ Tư Tuần II Thường Niên
“NGÀY SABÁT ĐƯỢC PHÉP LÀM ĐIỀU LÀNH HAY ĐIỀU DỮ?”
Lời Chúa: Mc 3,1-6
(1) Ðức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. (2) Họ rình xem Ðức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. (3) Ðức Giêsu bảo người bại tay: "Anh chỗi dậy, ra giữa đây!" (4) Rồi Người nói với họ: "Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?" Nhưng họ làm thinh. (5) Ðức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra!" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.
(6) Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Ðức Giêsu.
Suy niệm
Trong đời sống công khai của Chúa Giêsu, các hoạt động của Ngài nhằm mục đích đem lại cho con người hạnh phúc và niềm vui. Vậy mà không biết bao nhiêu lần, Chúa Giêsu đã phải đối đầu với các đối thủ Pharisiêu nệ luật bắt bẻ không cho phép làm gì trong ngày Sabát, ngay cả khi đó là một việc lành phúc đức. Chúa Giêsu đã làm gì để đối thoại với hạng người này?
Chúa Giêsu cho thấy Ngài là người biết rõ ý định của họ. Ý định đó là gì? Thánh Mác-cô chỉ rõ: “họ rình xem Đức Giêsu có chữa người bị bại tay vào ngày Sabát không”, vì người ấy cũng đang có mặt ở Hội Đường. Trước đó – trong câu chuyện “các môn đệ bứt lúa” – Chúa Giêsu đã khẳng định với họ về ngày Sabát: ngày đó “được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát” (Mc 2,27). Có lẽ vì thấu rõ lòng chai dạ đá của họ mà Chúa Giêsu đã muốn cho anh bại tay ra đứng giữa họ để cật vấn họ: "Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?". Câu hỏi của Chúa Giêsu đạt họ vào tình trạng suy nghĩ để thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày Sabát, nhưng “họ làm thinh không trả lời”.
Sự thinh lặng có thể đưa họ đến tình huống khó trả lời hoặc cố chấp không nhận ra lẽ phải. Trong cái nhìn của Chúa Giêsu, người bại tay làm cho Ngài động lòng trắc ẩn nên tìm cách chữa lành cho anh; trong khi những người Pharisiêu chỉ thấy những khoản luật và dễ dàng lên án. Những điều luật này không những phủ lấp trái tim khô cằn của họ, khiến họ không nhìn ra nỗi khổ đau của tha nhân, mà còn coi đó là cơ hội để bắt bẻ và lên án Chúa Giêsu. Khi Chúa chữa lành cho người anh em trong cùng Hội Đường được khỏi bệnh thì họ không vui mừng, nhưng cảm thấy tức tối và tìm cách hại ngài luôn luôn. Một tác giả cho rằng đây là cuộc tranh luận thứ năm trong các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các đối thủ của Ngài. Và câu chuyện cho thấy: trong cùng trong một sự kiện, lại có hai cái nhìn ngược nhau. Cái nhìn của Chúa Giêsu xuất phát từ tấm lòng yêu thương, nhân hậu, trong khi cái nhìn của các đối thủ thì cứng cỏi và chai đá biết là dường nào. Sự thù ghét Chúa Giêsu càng đưa họ đến thái độ cấu kết với những người thuộc phe Hêrôđê - vốn là nhóm xấu xa mà trước đây họ không thích - để chống đối và tìm cách hại Ngài như tác giả thuật lại: “Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Ðức Giêsu”.
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cũng thường gặp những trường hợp tương tự. Những người có trái tim quảng đại, tốt lành, thánh thiện, sẵn sàng giúp đỡ người khác hơn là giữ luật vì luật luật thì cũng bị những kẻ xấu chơi khăm, lên án và tìm cách loại trừ ra khỏi sân chơi. Họ còn xấu đến nỗi cấu kết với những người khác để cố tình tẩy chay, gây hại cho đối phương chỉ vì sự ganh tị, ghen tương, bất đồng… Nếu tôi gặp trường hợp như thế thì tôi sẽ làm gì? Tôi có đứng về phía người đáng bênh vực hay không? Hoặc tôi sẽ cấu kết với những người xấu để hại người tốt?
Lạy Chúa, xin cho con biết giữ luật Chúa trong tình bác ái, biết tôn trọng sự thật và dám đứng về phía sự thật để làm chứng cho sự thật, chứ không a dua theo thói đời để lên án, kết tội cho những những người vô tội. Amen.
Maria Tố Quyên