Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng
Cộng tác trách nhiệm
Lời Chúa: Lc 1, 26-38
(26) Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ
thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, (27) gặp một
trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy
tên là Maria.
(28) Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi
Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. (29) Nghe lời ấy, bà rất bối
rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
(30) Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà
đẹp lòng Thiên Chúa. (31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con
trai, và đặt tên là Giêsu. (32) Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi
là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua
Ðavít, tổ tiên Người. (33) Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời,
và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
(34) Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách
nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"
(35) Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và
quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là
thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. (36) Kìa bà Êlisabét, người họ
hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn
bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (37) Vì
đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.
(38) Bấy giờ bà Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của
Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra
đi.
Suy Niệm
Chỉ còn vài
ngày nữa cả thế giới hân hoan đón chào Ngôi Hai xuống thế làm người. Đấng
Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài là hiện thân của Bình An, Đấng Tình
yêu. Ngài đến để biến đổi thế giới. Ngài đến để đem bình an cho nhân loại. Ngài
đến để cho tình yêu, sự hiệp nhất của nhân gian trở nên một. Biến cố Thiên Chúa
giáng sinh, xuống thế làm người là quà tặng nhưng không, cao cả mà chính Ngài mặc
khải cho nhân loại. Biến cố ấy, con người chúng ta không thụ động đón nhận,
nhưng mau mắn cộng tác, tham gia vào công trình vĩ đại ấy. Hôm nay, phụng vụ Hội
thánh cho chúng ta chiêm ngưỡng khuôn mặt đặc biệt đã cộng tác tích cực, góp phần
trách nhiệm của nhận loại vào biến cố này. Khuôn mặt ấy chính là Đức Trinh nữ
Maria. Qua lời đáp trả Xin vâng một cách tự nguyện và phó thác. Ân sủng cao vời
của Thiên Chúa đã được con người đón nhận và đáp trả một cách có trách nhiệm và
chủ động.
Đứng trước lời
gọi mời cao cả của sứ thần Gabrien, thoạt tiên Đức Maria, với suy nghĩ của một
cô thôn nữ, Mẹ cũng bối rối, lúng túng và sợ hãi. Bối rối, lúng túng tự hỏi bởi
thân phận phàm nhân mỏng giòn, giới hạn làm sao có thể cáng đáng, đón nhận một
quà tặng cao cả nhưng không như vậy. Sợ hãi, run khiếp bởi bản chất con người tầm
thường làm sao có thể hoàn thành sứ mệnh nhiệm mầu này, đó là cưu mang hình hài
Con Thiên Chúa. Thế nhưng khi được sứ thần tỏ lộ, Đức Maria đã mau mắn nói lời
Xin vâng một cách có trách nhiệm và chủ động.
Trách nhiệm từ
đây không còn là một cô thôn nữ thụ động, chân yếu tay mềm nhưng mang vai trò
là một phụ nữ chủ động, sẵn sàng. Chủ động để cho lời tiên tri ấy được thực hiện
trên cuộc đời và ơn gọi của mẹ. Chủ động để vượt qua những giông bão phía trước
đang đợi chờ đời mình. Trước tiên, Mẹ sẽ phải đối diện với sự nghi kị nơi chính
người bạn đời là Giuse, làm sao để giải thích với chàng về bào thai trong bụng
khi hai người chưa về chung sống với nhau. Sự chất vấn, lời thách đố ấy không
chỉ gói gọn trong suy nghĩ nơi người bạn đời là Giuse nữa mà nó còn lây lan, tỏa
khắp trên dư luận, nơi những người xung quanh. Nơi ngôi làng bình dị, mọi sinh
hoạt cộng đồng đang êm ả, xuôi chèo mát mái bỗng xuất hiện một cô thôn nữ lại
mang một cái bầu to lớn như vậy. Chắc chắn “sự kiện” của cô sẽ làm đảo lộn mọi
sinh hoạt và nếp sống nơi cộng đồng này. Có lẽ đây là một cú sốc với cộng đồng!!!.
Thế nhưng, mặc cho những luận suy của nhân tình thế thái ấy. Mẹ đã chủ động và
trách nhiệm với sứ mệnh của mình. Từ đây một Hài nhi sẽ được Mẹ nuôi nấng, dưỡng
dục và cho vào đời. Ngài chính là thái tử bình an, đấng Hòa bình đang đến với
nhân loại.
Chúng ta đang
sống trong một môi trường xã hội mà sự gian trá, nghi kỵ, đổ lỗi cho người khác
dường như chiếm thế thượng phong. Trái lại, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh bản
thân dành cho tha nhân không còn là giá trị tự thân dành cho nhau nữa. Một xã hội
đề cao cái tôi cá nhân, một xã hội lấy sự ích kỷ làm đầu, một xã hội trong đó
con người thiếu sự hy sinh, chia sẻ, đồng lao cộng khổ cho nhau. Một xã hội
mang màu xám của những toan tính hơn thua, theo như triết gia Jean Paul Sartre
là một xã hội “buồn nôn” và tha nhân là “hỏa ngục”. Giữa một trào lưu sống thiếu
tính trách nhiệm và nhân bản như vậy, càng cho chúng ta thấy hình ảnh và việc
làm của Đức Trinh nữ Maria đáng để cho chúng ta chiêm ngưỡng, trân trọng và noi
theo.
Chúng ta
chiêm ngưỡng và làm theo những việc làm của Mẹ, đó là đối với bản thân, khiêm
nhu trong lời nói và trách nhiệm trong việc làm. Đối với tha nhân, đó là nhẹ
nhàng trong tương quan, tế nhị trong giao tế. Đối với cộng đồng xung quanh, đó
là bao dung trước những dị nghị, cảm thông trước những trách cứ, hiểu lầm. Như
Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta cũng phải trách nhiệm với ơn gọi Ki-tô hữu của
mình, chúng ta cũng chủ động để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi đời sống
hàng ngày. Chúng ta hãy phó dâng cuộc sống cho Mẹ. Qua Mẹ, chúng ta dễ dàng đến
với Chúa. Qua Mẹ, chúng ta chủ động để cho những sự kiện hàng ngày diễn ra theo
thánh ý và sự quan phòng của Chúa chúng ta. Amen.
Lm Micae Vũ
An Lộc