Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm C
Lời Chúa: Lc 7, 18-23.
(18) Môn đệ của ông Gioan báo
cho ông biết tất cả những việc ấy; ông Gioan liền gọi hai người trong nhóm môn
đệ lại, (19) sai họ đến hỏi Chúa rằng: "Thầy có thật là đấng
phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" (20)
Khi đến gặp Ðức Giêsu, hai người ấy nói: "Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi
đến hỏi Thầy: "Thầy có thật là "Ðấng phải đến" không, hay là
chúng tôi còn phải đợi ai khác?" (21) Chính giờ ấy, Ðức Giêsu
chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều
người mù được thấy. (22) Người trả lời hai người ấy rằng: "Các
anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được
thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống
lại, kẻ nghèo được nghe tin mừng, (23) và phúc thay người nào không
vấp ngã vì tôi".
Suy
Niệm:
Kính thưa quý vị, “Hài
Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước
Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1, 76). Những lời từ miệng
ngôn sứ Da-ca-ri-a này diễn tả rất chính xác sứ mạng của thánh Gio-an Tẩy Giả,
hay còn gọi là Gio-an Tiền Hô.
Trước hết thánh Gio-an là một ngôn sứ dọn
đường cho Chúa: “Được đầy Thần Khí và quyền
năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch
lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc
1, 17).
Ngài dọn đường cho Chúa bằng cách: Chính bản
thân ngài từ bỏ vinh hoa trần thế để sống khắc khổ: “Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và
mật ong rừng làm thức ăn” (Lc 3, 4).
Sau đó, ông đi rao giảng kêu gọi mọi người
ăn năn sám hối để chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối” (Lc 3, 8). Khi
thấy Đức Giê-su ông đã giới thiệu cho các môn đệ của ông cũng như cho mọi người:
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội
trần gian” (Ga 1, 29).
Tuy vậy, ông vẫn nghĩ Đấng Cứu Thế đến sẽ
phân biệt đúng sai rõ ràng và trừng phạt những kẻ tội lỗi ngay tức khắc: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây
nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10). Và như
thế Đấng Cứu Thế đích thực phải giải thoát ông khỏi cảnh tù đày ông đang phải
chịu. Ông không thể hiểu về một Đấng Cứu Thế đến mà sự bất công vẫn xảy ra.
Chính vì vậy ông cho người đến hỏi Đức Giê-su: “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai
khác” (Lc 7, 19).
Đức Giê-su không trả lời trực tiếp nhưng
Ngài dựa vào lời các ngôn sứ mà trả lời. Theo lời các ngôn sứ cứ những dấu hiệu
này mà nhận biết Đấng Cứu Thế đến: “người
mù được thấy, kẻ kè được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết
trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng…” (x. Is 35, 5-6a).
Thánh Gio-an là người được sai đi trước dọn
đường mở lối cho Đức Giê-su nhưng đã không dễ dàng hiểu được Đức Giê-su thực hiện
chương trình cứu thế như thế nào?
Ngày nay chúng ta thật diễm phúc vì dựa
vào lời thánh Phê-rô chúng ta biết cách thức Đức Giê-su cứu chuộc chúng ta: “bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại;
chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình”
(x. 1 Pr 2, 20b- 25).
Những việc Đức Giê-su chữa lành thể lý chỉ
là những dấu chỉ cho thấy Ngài là Đấng Thiên sai; Đấng ấy còn đến để cứu chúng
ta khỏi tội lỗi nữa.
Mùa Vọng, chúng ta hãy trở nên giống thánh
Gio-an mặc dù chưa hiểu hết cách thức thực hiện chương trình Cứu Thế của Chúa
Giê-su, nhưng ông luôn tin tưởng vào Đấng Cứu Thế. Trước hết hãy chuẩn bị tâm hồn
mình đón Chúa đến, rồi dọn đường mở lối cho Chúa đến trong tâm hồn anh chị em nữa.
A-men.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Phương, OP