Suy Niệm Lời Chúa Thứ
Tư Tuần III Mùa Vọng
“ĐẤNG PHẢI ĐẾN”
Lời Chúa: Lc
7, 18-23
(18) Môn đệ của ông Gioan báo cho ông biết tất cả những việc ấy; ông Gioan
liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, (19) sai họ đến hỏi Chúa rằng: "Thầy có thật là đấng phải đến không, hay
là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" (20) Khi đến gặp Ðức Giêsu, hai
người ấy nói: "Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng
tôi đến hỏi Thầy: "Thầy có thật là "Ðấng phải đến" không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai
khác?" (21) Chính giờ ấy, Ðức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. (22) Người trả lời hai người ấy rằng:
"Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe:
người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe tin mừng, (23) và phúc thay người nào không
vấp ngã vì tôi".
Suy Niệm:
Trong cuộc
sống, có những người chúng ta mong chờ nhưng họ không đến. Và có những người
chúng ta không hề nghĩ đến, họ lại xuất hiện. Những người này khi xuất hiện, để
lại trong tâm trí những người xung quanh không ít những dấu chấm hỏi. Họ từ đâu
đến? Gia cảnh? Nghề nghiệp? Mục đích của họ là gì?... Hôm nay thánh sử Luca
cũng kể lại một trường hợp tương tự. Chúa Giêsu xuất hiện như một dấu chấm hỏi
lớn trong đầu dân chúng, đặc biệt với người biệt phái, các thầy kinh sư và kể cả
Gioan Tiền Hô- vị sứ giả dọn đường cho Thiên Chúa. Tuy rằng “Đấng phải đến” ở
đây là người dân chúng đang mong đợi, nhưng Người lại xuất hiện trong cách thức
không có trong “lập trình” của họ. Chúng ta cùng nhau đọc trình thuật này.
Mở đầu bài
tin Mừng là câu nói của Gioan Tiền Hô “ Thầy có thật là Đấng Phải Đến hay chúng
tôi còn phải đợi ai khác?” (19). Dấu chấm hỏi trong đầu Gioan. Gioan xác định Đấng
Phải Đến là Đấng Mêsia, Đấng muôn dân đặc biệt là người Do Thái đang trông chờ.
“Thày có thật là Đấng ấy không?”: Có lẽ Gioan cũng thấm nhiễm tinh thần do thái
khi cho rằng Đấng Mêsia sẽ xuất hiện trong vinh quang sáng lạn, trong uy quyền
rực rỡ, vì thế ông không xác tín lắm, nên sai môn đệ của mình tới thẩm vấn Chúa
Giêsu. Với câu 20 là dấu chấm hỏi của môn đệ Gioan được lập lại y như thầy của
mình. Gioan và môn đệ ông khao khát mong chờ Đấng Cứu Thế. Họ xin Chúa 2 điều:
thứ nhất, xin xác nhận Người có phải là Đấng Phải Đến mà họ đang trông đợi? Thứ
2: Nếu Người không phải là Đấng ấy, thì
nói cho họ biết, họ phải đợi ai? Đây là sự khao khát kiếm tìm chân lý. Ngay lúc
đó, Chúa Giêsu đang chữa bệnh. Ngài chữa lành mọi thứ bệnh tật trong thể xác và
trong tâm hồn. Ngài xua trừ ma quỷ, tháo gỡ xiềng xích trói buộc của Satan nơi
con người và ban ơn cho nhiều người nhận ra ơn cứu độ đã đến (21) trong hình ảnh
mở mắt người mù. Những việc làm của Chúa chứng minh và trả lời cho vấn nạn của
Gioan và môn đệ ông đang thắc mắc. Khi thấy họ khao khát kiếm tìm chân lý, Người
bèn trả lời họ như trả lời về danh phận của mình “ Các anh cứ về thuật lại cho
ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù được thấy, kẻ què được đi, người
mù được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại và kẻ nghèo được nghe Tin
Mừng ” (22). Đây là sứ mệnh của Đấng Mêsia – Đấng đến từ Thiên Chúa – Đấng vì
yêu nhân loại và đã đến để cứu rỗi nhân loại. Đấng đã nhập thế, nhập thể. Người
sống kiếp phàm nhân và nên giống con người về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi.
Đấng đến cứu chữa những gì đã hư mất và quy tụ con cái Chúa tản mác khắp nơi về
một mối – Đấng xoa dịu và chữa lành thương tích nơi thân xác và trong tâm hồn
con người _ Đấng trả lại sự sống mà xưa kia Adam – Eva đã đánh mất trong vườn địa
đàng – Đấng dẫn con người vào nguồn hạnh phúc của Thiên Chúa Ba Ngôi. Người
không phải là Đấng Mêsia trong khía cạnh thẩm phán xét xử, đánh phạt. Người
không là Đấng đến để trút cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trên con người. Người đến
không chỉ chữa lành nhưng còn tha tội.
Bài Tin Mừng
kết thúc bằng một mối phúc “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (23). Thật
hạnh phúc cho ai chấp nhận Chúa Giêsu
trong vai trò Đấng Mêsia với cách thức như Người là: cứu độ chứ không xét xử.
Chính Chúa đến ban tặng ơn cứu độ, nhưng cách thức biểu lộ tình thương ấy đã
gây vấp ngã cho những ai cứ giữ trong tư tưởng về Đấng Mêsia theo ý họ.
Chúng ta
đang sống trong giai đoạn đón chờ Chúa Giáng Sinh. Đó là mầu nhiệm tình yêu và
đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta càng hiểu hơn về tình yêu
Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người khiếm khuyết cả về phần xác lẫn
phần hồn. Noi gương Chúa và nhất là được Chúa nuôi dưỡng qua bàn tiệc Lời Chúa
và Thánh Thể hàng ngày, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta
cũng có lòng thương cảm đối với anh em đồng loại, như chúng ta đã lãnh nhận từ
Thiên Chúa qua bí tích Hoà Giải, để thế giới bớt chiến tranh, thù hận, để con
người xích lại gần nhau hơn, nắm chặt tay nhau, cùng nhau xây dựng một thế giới
yêu thương huynh đệ, một nền văn hoá sự sống và thiên đàng sẽ hiển trị tại đây,
bây giờ và lúc này. Amen
Nữ tỳ Thánh
Thể