Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng Năm C
Lời
Chúa: Mt 1, 1-17
(1) Ðây là gia phả Ðức Giêsu Kitô, con cháu vua Ða-vít, con cháu
tổ phụ Áp-ra-ham: (2) Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp
sinh Giu-đa và các anh em ông này; (3) Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh
Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; (4)
A-ram sinh Am-mi-na-đáp; ông Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xam-môn; (5)
Xam-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; (6)
Gie-sê sinh Ða-vít. Vua Ða-vít lấy vợ ông
U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; (7) Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am
sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; (8) A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát;
Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; (9) Út-di-gia
sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; (10)
Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; (11)
Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở
Ba-by-lon. (12) Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên;
San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; (13) Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút;
A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; (14) A-do sinh Xa-đốc;
Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; (15) Ê-li-hút sinh
E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; (16) Gia-cóp
sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Ðức Giêsu cũng gọi là Ðấng Ki-tô. (17) Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua
Ða-vít, là mười bốn đời; từ vua Ða-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười
bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Ðức Kitô, cũng là mười bốn đời.
Suy
niệm
Kể từ ngày 17 đến 24 tháng 12,
nghĩa là một tuần trước ngày áp lễ Giáng Sinh, Giáo Hội dành những ngày này để chuẩn
bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh gần kề. Các bài đọc trong Thánh lễ đều được chọn với
mục tiêu trên, và rải đều trong các sách Tin Mừng, nhất là Tin Mừng của thánh
Mathêu và thánh Luca. Bài đọc Tin Mừng hôm nay giới thiệu gia phả của Đức Giêsu
Kitô, Con Thiên Chúa, qua đó nhằm cho thấy dấu chỉ tình yêu cứu độ của Thiên
Chúa được chuẩn bị từ ngàn đời trong lịch sử ngang qua dòng tộc này.
Khởi đầu Tin Mừng, thánh Mathêu kể ra một
chuỗi tên của những người trong gia tộc của Chúa Giêsu để chỉ cho thấy kế hoạch
của Thiên Chúa không phải là một sự bất ngờ. Vì ngay từ đầu, Thiên Chúa đã chuẩn
bị cho Đức Kitô - Ngôi Lời nhập thể - và sẽ sai Ngài đến trong thế gian vào thời
viên mãn. Sự “viên mãn” theo lối nhìn của con người cũng dễ gây ra một sự hoang
mang nào đó: nghĩa là đã một thời không có gì để hy vọng, còn nơi mà Chúa sinh
ra là một đất nước quá nhỏ bé, Giuse thuộc dòng tộc Đavít nhưng được biết đến với
một công việc quá tầm thường… nhưng, Thiên Chúa làm chủ những điều mà con người
cho là ‘không thể được’ và thực hiện các chương trình của Người khi tất cả chúng
ta được mời gọi ‘đừng suy nghĩ những điều không thể đó nữa’, mà hãy để cho
Thiên Chúa làm, ngay cả trong đời sống của chúng ta nữa bằng sự kiên nhẫn, chờ đợi
và tin tưởng tràn đầy nơi Thiên Chúa.
Trong bài đọc thứ nhất, lời tuyên sấm của
Giacóp nói về vương trượng của Giuđa và hứa hẹn sẽ là người chiến thắng “Giuđa là sư tử con”, người cai trị “anh em cùng cha với con sẽ sụp xuống lạy con”.
Đức Kitô là con của Giuđa, nhưng làm thế nào gán hình ảnh này cho Đức Kitô?
Sách Khải huyền cho thấy điều đó một cách
bất ngờ: một trong các Kỳ mục bảo tôi “đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân
từ chi tộc Giuđa” (Kh 5,5), nhưng Đấng chiến thắng chính là Con Chiên được hiến
tế chứ không phải là con sư tử đang ngấu nghiến một con mồi. Tuy nhiên, người
chiến thắng thực sự vẫn là sư tử của Giuđa, nhưng sự chiến thắng giành được không
theo cách của con người, mà bằng một cách khác hoàn hảo hơn. Ngài chiến thắng bằng
hy sinh của chính mình và sự chiến thắng của Ngài vẫn tiếp tục đang được thực
hiện: đó là Đức Kitô, từ thập giá, Người đã lôi kéo hết mọi người; như thế, Ngài
chính là người chiến thắng theo lời hứa đến từ chi tộc Giuđa.
Cả thánh vịnh hôm nay cũng qui về ý tưởng này,
tức là nói về một vị vua, nhưng không phải là vua gây chiến; trái lại, Người dịu
dàng và tốt lành. Con của vua sẽ lên cai trị một dân tộc trong khiêm nhường và
khó nghèo, Người sẽ lắng nghe những người cùng khốn, sẽ đem lại sự công chính để
cứu con cái của những người nghèo khổ.
Đây chính là niềm vui mà chúng ta cần suy
gẫm để nhận ra những dấu hiệu trái ngược nhất của vương quốc Thiên Chúa, vì đó luôn
là những khía cạnh mới của Mầu Nhiệm trong sự trung thực và mới mẻ.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn thuộc về gia đình của
Chúa, hầu chúng con biết sống, biết gắn bó đời mình với Chúa và làm chứng cho
tình yêu phổ quát mà Người đã dành cho nhân loại ngay từ thuở đời đời. Amen.
Nt. Maria
Phạm Thị Hoa O.P