Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IV Mùa Vọng Năm C
Lời Chúa: Lc
1, 39-56
39Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc
chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41
Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên,
và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng:
"Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang
cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với
tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa
con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin
rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Suy Niệm
Khi cầu nguyện, chúng ta nên hình dung ra Đức Maria « vội vã lên
đường », bước đi và tâm tình của Mẹ trong cuộc hành trình đi đến miền núi,
đến thành thuộc chi tộc Giu-đa. Chúng ta cũng có thể hình dung ra nhà bà
Ê-li-sa-bét nơi gặp gỡ của hai chị em và cũng là nơi Đức Maria ở lại 3 tháng.
Vì thế, chúng ta cũng nên chúng ta cũng nên hình dung ra trong suốt ba tháng ở
nhà người chị họ, Mẹ đã làm những gì và với tâm tình nào.
Xin Chúa Thánh Thần khơi dậy nơi tâm hồn chúng ta, lòng khát khao mãnh
liệt, để cho mầu nhiệm Thăm Viếng của Đức Maria trở thành « linh
đạo » của chúng ta, nghĩa là được tái hiện trong cả cuộc đời và từng ngày
sống của chúng ta : đó là đón nhận Ngôi Lời, để cho Ngôi Lời lớn lên và để
cho Ngôi Lời đến với người khác qua sự hiện diện và những công việc nhỏ bé.
1. Nhìn
ngắm bà Ê-li-sa-bét và Mẹ Maria, diện đối diện
Bức tranh
« Visitation » (Thăm Viếng) của họa sĩ Mariotto Albertinelli
(người Ý), vẽ năm 1503, hoặc chính kinh nghiệm sống của chúng ta, sẽ giúp chúng
ta hình dung khung cảnh của cuộc gặp gỡ giữa hai chị em. Nghe biết chị Ê-li-sa-bét, vừa hiếm muộn vừa đã có
tuổi, nhưng lại có thai, Đức Maria liền vội vã lên đường đi thăm hỏi và giúp đỡ
bà chị của mình. Em đi giúp chị sắp sinh con là điều vẫn còn xẩy ra trong đời
thường của chúng ta, nhất là với những cuộc sinh ra đặc biệt. Và chính trong sự
việc rất nhỏ bé của đời thường này mà Ân Huệ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa
được nhìn nhận và tuyên xưng.
Tư thế diện
đối diện, có thể làm chúng ta nghĩ đến cách sắp xếp vị trí của các đan sĩ khi
hát kinh, đó chính là trung tâm mà từ đó lời ca tụng được khai sinh. Hay như
chính nhóm Linh Thao của chúng ta. Bởi lẽ, lời ca tụng là một sự hiệp thông.
Chúng ta không thể ca tụng Chúa, nếu không hiệp thông với nhau.
Cuộc gặp gỡ
có nhiều người hơn chúng ta tưởng (lời của bà Ê-li-sa-bét sẽ nói rõ cho chúng ta trong cuộc gặp này thực sự có
bao nhiêu người), vì Bà Ê-li-sa-bét
vừa nghe Đức Maria chào hỏi, đứa con trong bụng bà nhảy lên ! Như thế,
cùng với mẹ, em bé cũng đã nghe được (điều này y học ngày nay đã chứng thực),
nhưng nghe được tiếng của ai ? Tiếng chào của « Dì Maria ».
Nhưng với ơn gọi đang chờ đợi mình là « Người đi trước mặt Chúa » (1,
17), em bé Gioan như đã nghe được tiếng của em bé Giêsu (nói theo tương quan họ
hàng là em Giêsu của mình) ngang qua tiếng của « Dì Maria ». Vì khi
còn trong bụng mẹ, một cách nào đó, tiếng của mẹ là tiếng của con. Và đó chính
là trường hợp của bé Gioan : em đã nhảy lên trong bụng mẹ, chắc chắc là vì
Mẹ của em cũng đã rạo rực trong lòng khi nghe tiếng chào của Mẹ Maria. Bằng
chứng là, Mẹ Ê-li-sa-bét được
tràn đầy Thánh Thần và kêu lớn tiếng.
Như thế, ở
bên trong cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ, ẩn dấu một cuộc gặp gỡ khác nhiệm mầu
và vô hình, nhưng rất hiện thực và sống động (vì Gioan hẳn đã làm mẹ nhói đau, nhưng
là cái đau của hạnh phúc !) giữa hai người con ; và cả hai đều là ơn
huệ tuyệt đối của Thiên Chúa. Sau này, theo các Tin Mừng kể lại, họ sẽ gặp nhau
công khai tại sông Gio-đan, nhưng họ đã gặp nhau từ trước rất lâu qua cuộc gặp
gỡ rất đỗi bình thường của hai người mẹ.
Trong cuộc
sống, những cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác ban đầu tưởng chừng như
tình cờ hay vô nghĩa, nhưng lại ẩn chứa một hay thậm chí nhiều cuộc gặp gỡ
« nhiệm mầu » khác, và mang lại những hoa trái làm nên cuộc đời chúng
ta, mà sau này chúng ta mới biết. Khi « về quê », nhất là vào những
dịp đặc biệt, chúng ta sẽ nhớ lại một cách tự nhiên những kỉ niệm xưa, những
« cố nhân », những cuộc gặp gỡ làm nên con người chúng ta hôm nay. Vì
thế, chúng ta có thể tin rằng những cuộc gặp gỡ đang chờ chúng ta ở phía trước
cũng sẽ chất chứa biết bao hoa trái trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, mà
chúng ta không sao lường được.
2. Lắng
nghe bà Ê-li-sa-bét
Lời của bà Ê-li-sa-bét mở đầu và kết thúc đều
bằng lời tuyên xưng ân phúc của Mẹ Maria : phúc được Thiên Chúa ban nhưng
không cho cả hai Mẹ Con (c. 41-42) ; phúc vì Mẹ Maria đáp lại bằng lòng
tin vào Lời Thiên Chúa (c. 45). Lời này làm chúng ta nhớ lại biến cố Truyền
Tin, ở đó chúng ta nhận ra rằng lòng tin của Mẹ Maria thật là tuyệt đối, bởi vì
Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ một hành động tuyệt đối ; lòng tin của Mẹ
là tuyệt đối, còn là vì Mẹ đã đón nhận trước cách triệt để cả một hành trình
dài đằng đẵng và đầy bất trắc phía trước.
Ở giữa câu
nói, bà Ê-li-sa-bét nói về
mình : « Bởi đâu tôi được… ; này tai tôi… »
(c. 43-44), nhưng hoàn toàn như người đón nhận : đón nhận với sự khiêm tốn
cuộc viếng thăm của « em Maria », đón nhận với tất cả « tấm
lòng » lời chào hẳn là rất đỗi bình thường và đơn sơ của cô em, và sau
cùng là đón nhận hiệu quả của lời chào (vì mẹ đâu có làm chủ được chuyện con nó
giẫy trong bụng). Chúng ta có thể tự hỏi, làm sao lời chào của Mẹ Maria mang
lại hiệu quả kì diệu như thế, lại « đánh động » người nghe sâu xa như
thế ? Hằng ngày và nhất là trong dịp lễ lớn, chúng ta cũng sẽ chào hỏi rất
nhiều và cũng nhận được rất nhiều lời chào hỏi. Làm sao để lời chào của chúng
ta đánh động người nghe, như lời chào của Đức Mẹ ?
Như thế,
lời của bà Ê-li-sa-bét hoàn toàn
hướng về em của mình và Ân Huệ Chúa ban nhưng không cho em. Tương tự như chính
Mẹ Maria, Mẹ đã hoàn toàn hướng về chị Ê-li-sa-bét
trong cuộc hành trình « thăm viếng » (thực tế là hơn cả thăm viếng,
vì Mẹ ở lại tới ba tháng !). Ra khỏi mình để nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban
cho người khác, đó chính là hiệp thông và ca tụng , vốn là ơn gọi của con
người. Thái độ ngược lại là đóng kín và ghen tị.
Lời của bà Ê-li-sa-bét thật là đẹp, đẹp cả về
hình thức lẫn nội dung, chính vì thế mà lời này trở thành một phần lời
« Kính Mừng » vang lên liên lỉ và bất tận của chúng ta ; và nhất
là với « Sự Vui Thứ Hai », chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một
hành trình của Đức Mẹ, đó là ra khỏi mình để hướng về Ân Huệ tuyệt đỉnh Thiên
Chúa ban cho Mẹ cách nhưng không, hướng về ân huệ Thiên Chúa ban cho anh chị
em, bà con của mình. Cảm nhận như thế khi đọc lời kinh « Kính Mừng »,
chính là cách tốt nhất để chuẩn bị mình đón nhận sự chia sẻ cùng một Ân Huệ của
Mẹ, Ân Huệ Giêsu Kitô.
3. Lắng
nghe Mẹ Maria
Mẹ Ê-li-sa-bét ca tụng Mẹ Maria bằng lời
chúc mừng: Phúc cho người phụ nữ đã tin! (Lc 1, 45) Đức Maria dâng lời
tạ ơn và ca tụng cùng với tất cả những người sẽ thụ hưởng điều Mẹ đã lãnh nhận.
Trong trình thuật này của Luca, chúng ta chứng kiến biến cố khai sinh của bài
ca tán tụng bất hủ Magnificat. Bài ca diễn tả cả một kinh nghiệm vừa sâu
vừa rộng về Thiên Chúa của Đức Mẹ. Và mỗi khi chúng ta đặt mình vào chủ thể
« Tôi » của bài ca, chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một kinh
nghiệm về Thiên Chúa như Mẹ.
Mỗi khi đọc
hay hát bài ca Magnificat của Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi nhận lời
của Mẹ làm của mình, nếu không lời của chúng sẽ chỉ là giả tạo. Nhận lời của Mẹ
làm của mình, điều này có nghĩa là kinh nghiệm Thiên Chúa thực sự là
« Đấng cứu độ của tôi », bằng cách nhận ra những gì Thiên Chúa đã
làm cho mình. Đúng là chúng ta không được ban những ơn cao cả như Đức Mẹ,
nhưng chúng ta được thụ hưởng, được chia sẻ những gì Mẹ đã lãnh nhận từ Thiên
Chúa. Và chỉ khởi đi từ kinh nghiệm thiết thân về Thiên Chúa, mà chúng ta mới
có thể nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho người khác, trong cộng
đoàn, Hội Dòng… và dân tộc Việt Nam.
* * *
Cuối cùng,
chính khi chúng ta có cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa, cả cuộc đời của chúng
ta sẽ trở thành bài ca Magnificat, tán tụng Thiên Chúa, như cuộc đời của
Mẹ Maria, « Nữ Tì Hèn Mọn » của Đức Chúa.
Giuse Nguyễn Văn Văn Lộc