Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 4

CHỦ NHẬT 4 VỌNG A

Khởi đầu mới từ Thiên Chúa

Để đổi mới một thế giới, cần phải có một khuôn mẫu: đó là Chúa Giê su đang đến. Lời của Ngài khiến cho những điều mà trước đây người ta chưa hiểu được, nay trở nên rõ ràng; sự hiện hữu của Ngài khiến cho những gì mà người ta xem là quan trọng trở nên tầm thường. Thế giới mà Ngài đổi mới vượt quá tất cả những gì con người có thể tưởng tượng và mong ước. Tin mừng của Ngài ở trung tâm thế giới mới của sự công chính và bình an ban tặng cho chúng ta.

Sách Tiên tri Isaia 7,10-16

Vào khoảng năm 740 trước Công Nguyên, Giê ru sa lem bị quân Samari và Đa mát hăm dọa. Trong khi Vua Akhaz tìm hậu thuẩn và trợ giúp để tự vệ. thì Thiên Chúa gửi tiên tri Isai đến bảo ông hãy hướng về Thiên Chúa. Nhà Vua từ chối. Bấy giờ Isaia loan báo rằng Chúa sẽ không vì thế mà thôi không thực hiện chương trình cứu độ của Người. Isaia loan báo đấng Messia đến là con của một Trinh Nữ.

Thánh Vịnh 23

Để gặp Chúa trong đền thánh của Người, cần phải có một tâm hồn trong sạch. Đó là một điều bắt buộc, luôn luôn phải có đối với những người ki tô hữu đón chào Chúa Ki tô đến trần gian.

Thư Rôma 1,1-7

Trong thư Rô ma, Thánh Phao lô muốn tóm lược điều cốt yếu của Tin mừng. Đối với Ngài, việc canh tân cuộc sống mang lại cho con người được tỏ hiện nơi Chúa Giê su. Tất cả sự chờ mong của Isaraên qui chiếu đến Ngài, vì Ngài chính là Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta. Điều đó đã được khẳng định qua cuộc Phục sinh của Ngài. Bởi đó, tin vào Ngài là tìm được con được ơn Cứu độ.

Tin mừng: Mt 1,18-24

NGỮ CẢNH

Câu đầu tiên liên kết đoạn nầy với đoạn đi trước nói về gia phả Chúa Giê su và trình bày sứ mạng của ông Giuse qua bốn cảnh huống sau đây: nội tâm của ông Giuse (1,18b-19), sứ điệp của sứ thần Chúa (1,20-21), nhắc lại lời Chúa (1,22-23), và sự vâng phục của ông Giuse đối với thánh ý Thiên Chúa (1,24-25).

TÌM HIỂU

Gốc tích: nguồn gốc. Nhóm từ “Giêsu Kitô” ở đầu câu nối 1,18a với 1,16b. Trong nguyên ngữ Hi lap, ta dễ nhận ra từ “gốc tích” nhắc lại câu 1,1. Thật vậy, gia phả và trình thuật truyền tin cho ông Giuse có cùng một chủ đích. Sau khi đã nói về nguồn gốc của Chúa Giê su để cho biết Ngài là ai, Mt trình bày Chúa Giê su đã được sinh ra như thế nào từ dòng vua Đa vít mà không do bởi một người nam. Ông không kể lại việc Chúa Giê su giáng sinh, nhưng cho thấy làm thế nào mà ông Giuse đã nhận Ngài vào trong dòng dõi vua Đa vít.

Điều đã được viết trong gia phả truyền thống và có giá trị pháp lí sắp được Mt nói đến trong một lịch sử cụ thể, có thời gian và nơi chốn.

Bà Maria: rõ ràng việc Đức Maria và ông Giuse tách rời nhau chứng thực việc thụ thai đồng trinh. Đức Maria là mẹ Chúa Giê su “trước khi hai ông bà về chung sống với nhau”.

Đã thành hôn: khế ước thành hôn đem lại cho hai người tư cách của vợ chồng: từ đây, kiểu gọi “chồng-vợ” được gán cho ông Giuse (1,19) và đức Maria (1,20). Khế ước đó đòi buộc sự trung tín; rồi kến đó sự chung sống với nhau biểu hiện sự trung tín ấy. Do vậy, câu chuyện xảy ra từ lúc đính hôn đến lúc sống chung với nhau. Theo luật thì khoảng một năm.

Đã có thai: Mt chỉ bàn đến sự thụ thai của đức Maria để nhấn mạnh tính cách đặc biệt của nó: Thiên Chúa là tác giả ngang qua tác động của Chúa Thánh Thần. Đức Maria đã thụ thai không do một sự can thiệp nào của con người; đấng thành thai trong dạ mẹ là công trình đặc biệt của Thánh Thần (x. Lc 12,35), như Thiên Thần sẽ nói trong câu 1,20.

Người công chính: kiểu nói đặc biệt nầy của Mt có ý nghĩa như thế nào?

Có nhiều lối chú giải khác nhau:

Một vài nhà chú giải nhấn mạnh đến lòng tín trung của ông Giuse đối với Lề Luật (Đnl 22,20-21); Một vài người khác lưu ý đến cách thức giữ Luật: bỏ cách kín đáo. Có người thì nói rằng ông Giuse tin vào sự vô tội của đức Maria, nhưng nếu vậy thì tại sao lại tìm cách bỏ Người? Sau cùng cũng có người chủ trương rằng ông Giuse không muốn chấp nhận đứa con không thuộc về mình, nhưng được Thiên Chúa ban cho: nhưng Thiên sứ thì lại chưa cho ông biết. Dù sao thì người ta chưa thấy việc từ bỏ cách kín đáo xảy đến như thế nào.

Trước hết phải hiểu ý nghĩa sự công chính nầy theo ý hướng và soạn thảo của Mt. Ông Giuse được gọi là công chính bởi vì ông là một dụng cụ ngoan ngoản trong bàn tay của Thiên Chúa. Ông chấp nhận cho đứa bé, tuy không thuộc dòng tộc Đa vít, được trở thành người thừa kế hợp pháp của triều đại nầy, và do đó mang lấy tước hiệu Messia. Ông Giuse dùng đức tin của mình để phục vụ những ý định của Thiên Chúa.

Sứ thần: so sánh với Abraham sẽ gợi đem lại nhiều gợi ý (Stk 17,19; 22). Abram vừa được Thiên Chúa cho biết là bà Sara vợ ông sẽ sinh một con trai; kế đến, Thiên Chúa bảo ông phải dâng hiến nó cho Người và rồi được nhận lại. Khi định tâm lìa bỏ đức Maria, ông Giuse được Thiên Chúa cho biết căn tính của người con, nên ông nhận lại đứa bé. Cả hai đều biết tuân phục những đòi hỏi Thiên Chúa.

Quan trọng hơn nữa là mối tương quan với sự phục sinh (28,1-8). Sứ thần của Chúa chỉ hiện ra vào lúc đầu và cuối cuộc đời Chúa Giê su (x. 2,13.19). Sứ thần can thiệp vào những lúc quyết định, trong đó đức tin chiến thắng mọi trở ngại: ở đây để nhận ra căn tính và hợp thức hoá một đứa bé; trong câu 2, 13 để giải cứu nó; trong 2,19 để đưa nó về quê hương; trong 28,2 để loan báo sự phục sinh. Bằng cách đó, các lời loan báo của Thiên Chúa và các quyết định con người không phát xuất từ sự khôn ngoan, nhưng từ đức tin và ân sủng.

Ông phải đặt tên: không chỉ thế, ông Giuse sẽ đặt cho đứa bé tên mà Thiên Chúa đã chọn lựa. Qua đó, ông nhận Người như con nuôi và đưa vào trong dòng tộc vua Đa vít. Ông Giuse hành động với tư cách là cha.

Giêsu: tự nguyên của danh xưng dành cho Chúa Giê su đặt Ngài vào hàng Chúa, bởi vì Ngài sẽ mang ơn cứu độ qua việc tha tội. Danh xưng ấy, cũng là danh xưng của ông Giôsuê và nhiều người Do thái khác, chỉ có ý nghĩa biểu tượng mà thôi. Nhưng nơi Chúa Giê su, tên ấy thực hiện hoàn toàn ý nghĩa, với chính quyền năng của Thiên Chúa, bởi vì Ngài sẽ tha tội (9,6).

Để ứng nghiệm: kiểu nói Mt ưa dùng (14 lần; trong đó 11 lần để dẫn vào một bản văn Thánh Kinh). Sự hoàn tất Lời Thiên Chúa không chỉ là sự thực hiện một lời hứa, mà còn làm cho ý nghĩa của lời ấy được đầy đủ, được khai triển hoàn toàn và đạt tới viên mãn. Điều đó bao hàm vừa tính thừa kế vừa tính vượt qua. Như quả đối với hoa. Trong Tân Ước, Chúa Giê su soi sáng mọi sự: không phải Thánh Kinh giải thích và biện minh cho Ngài, nhưng chính Ngài đem lại cho Thánh Kinh ý nghĩa.

Trinh Nữ: như Lc (1,31), Mt qui chiếu đến Isaia 7,14 để minh chứng việc thụ thai đồng trinh.

Bản văn Isaia bằng tiếng Híp pri không xác định người phụ nữ có đồng trinh hay không. Tuy nhỉên, như Lc, Mt theo bản dịch cổ Kinh Thánh bằng tiếng Hi lạp, trong đó từ dùng thông thường có nghĩa là một cô gái đồng trinh. Lời sấm của Isaia có lẽ qui chiếu đến con vua Akhaz. Nhưng rồi sau đó, nó đã mặc lấy một màu sắc thiên sai, phù hợp với lòng mong đợi lời hứa của Thiên Chúa được hoàn tất.

Người ta sẽ gọi: Ai gọi? Trong vản văn Híp pri thì chính người phụ nữ sẽ phải đặt tên; còn trong bản dịch Hi lạp là vua Akhaz. Mt thì sửa lại và viết: “người ta sẽ gọi”, có lẽ vì ý nghĩa của từ “Emmanuel”.

Emmanuên: Trong bản văn Isaia đã có từ ngữ nầy. Mt dịch: “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”, trong đó “chúng ta” ở số nhiều.  Nhưng “chúng ta” là ai? Trong CƯ, người ta có thể nói: đó là dân ưu tuyển. Kiểu nói diển tả ý tưởng một giao ước của Thiên Chúa với dân của Người và giới từ “với” bao hàm nhiều ý. Còn đối với Mt, “chúng ta” là Hội Thánh với xác tín rằng Chúa Giê su phục sinh ở với họ; tin mừng của ông do đó cấu trúc theo cách thức đóng khuôn: 28,20 gợi lại 1,23.

Danh xưng nầy lấy từ Isaia không phải là tên mà ông Giuse phải đặt cho Chúa Giê su. Tuy nhiên, nó tương đồng và giải thích ý nghĩa; ơn cứu độ ban qua Chúa Giê su sẽ  được thực hiện trong một giao ước, và là một Giao Ước Mới (26,28). Đây không phải là lần duy nhất mà Mt trích dẫn một lời không hoàn toàn đúng với biến cố mà ông kể lại. Điều đó chứng tỏ rằng đối với ông các biến cố tin mừng chiếm vị trí ưu tiên chứ không phải bản văn của Thánh Kinh; chính các biến cố ban cho lời một ý nghĩa mới.

Đón vợ về nhà: đây là điểm đến cuối cùng của hôn nhân. Ông Giuse làm một hành vi tin vào lời Thiên Chúa. Bởi đó mà ông có thể được gọi là “người công chính” (1,19), như bao nhiêu tín hữu khác trong Thánh Kinh. Mt đọc được trong hành vi đức tin của ông Giuse biểu tượng của cả CƯ tiếp nhận đấng Messia trong Chúa Giê su; nhưng là một đấng Messia đến trong một tư thế hoàn toàn khác với những gì mà người ta mong đợi.

SỨ ĐIỆP

Các bài đọc chủ nhật thứ tư mùa Vọng là lời loan báo một lời hứa. Bài đọc thứ nhất nói với chúng ta về tình thế nguy cấp của dân Israen bẩy thế kỉ trước Chúa Giê su Ki tô: cả nước hoàn toàn hoảng hốt vì bị các quân đội nước bao vây hăm dọa. Vua Akhaz lên cai trị Giêrusalem lúc chỉ có 20 tuổi; ngay từ đầu, ông phải có những quyết định đầy khó khăn.

Còn vị Tiên tri thì mời gọi vua hướng về Thiên Chúa và xin Người một dấu chỉ. Ông muốn cho vua hiểu rằng để có một quyết định hợp thời, cần phải cậy dựa vào đức tin, nghĩa là chỉ trông cậy vào Thiên Chúa mà thôi. Ông muốn đưa vua trở về trung tâm của đức tin: Thiên Chúa đã hứa rằng triều đại vua Đa vít sẽ không tàn lụi; Người đã hứa và Người sẽ giữ lời hứa. Người sẽ không bao giờ bỏ dân của Người. Tiên tri muốn cho vua hiểu rằng đối với Thiên Chúa, không có hoàn cảnh nào là tuyệt vọng cả. Vì thế tiên tri đến với Vua một lần nữa để mời gọi vua hãy an tâm đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa.

Trước khi nói với người ki tô hữu hôm nay, lời trong bài đọc nầy được nói ra trong một tình thế rất đặc biệt: Isaia nói với Akhaz: « Bởi vì ngươi cứng tin, nên hãy xin Thiên Chúa một dấu dưới âm phủ hoặc trên chốn cao xanh. Người hiện diện khắp nơi ». Nhà vua trả lời rằng : « Tôi sẽ không xin vì tôi không dám thử thách Đức Chúa ». Một câu trả lời mới nghe có vẻ đạo đức, nhưng kì thực hoàn toàn giả hình vì ông đã có những quyết định ngược lại những lời khuyên của vị tiên tri. Hơn nữa, ông đã hi sinh đứa con trai duy nhất của mình, đứa con của lời hứa của Thiên Chúa. Vậy thì tại sao lại nhà vua lại tự hào là mình không muốn đòi hỏi gì nơi Thiên Chúa.

Dù nhà vua nhiều lần bất trung, Isaia loan báo một vì Thiên Chúa luôn trung tín với giao ước và ông ban cho vua một dấu chỉ cho thấy sự can thiệp của Người : “Nầy đây, ngưòi trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuên nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Đó là câu trả lời của Thiên Chúa cho tình thế xem ra không có lối thoát của dân. Chắc chắn vua Israên đã phải nghĩ rằng việc đứa bé nầy sinh ra không thể mang lại thay đổi cần thiết cho tình hình tuyệt vọng của đất nước ông. Trái lại, cách hiệu nghiệm và nghiêm chỉnh nhất là tìm những giải quyết thực tế, là xử dụng những phương tiện lớn để giải phóng đất nước bị hăm doạ tứ phía. Vì thế, lời của tiên tri dường như không đáp ứng được kì vọng của nhà Vua.

Từ trang tin mừng đó chúng ta có thể rút được bài học nào? Chắc chắn có nhiều, nhưng điều quan trọng nhất đối với chúng ta là Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Khi Người can thiệp, thì luôn bằng cái cách mà chúng ta không bao giờ ngờ trước. Người không phải là người tạo ra những phương thế lớn. Toàn bộ Kinh Thánh và toàn thể lịch sử Giáo Hội cho thấy rằng Thiên Chúa kêu gọi và tin tưởng những người hèn kém, những người nghèo và những người dốt nát để giao cho họ sứ mạng truyền lại thế gian những sứ điệp quan trọng nhất. Những ai tự hào về sự giàu có, sự xác tín, sự hiểu biết của mình thì không thể hiểu được.

Đó là tin mừng cho chúng ta với điều kiện là chúng ta biết đặt tất cả lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Tính hiệu quả theo Thiên Chúa thì không theo tiêu chuẩn của trần gian. Trái với chúng ta, Người dùng những phương tiện nhỏ bé và khiêm nhường để cứu độ trần gian. Trong trường hợp hiện tại, đó là sự giáng sinh của một đứa bé.

Tin mừng hôm nay đúng là lời loan báo sự giáng sinh của Chúa Giê su Con Thiên Chúa. Khi tiếp nhận Ngài, thánh Giuse chia sẻ chương trình lớn của Thiên Chúa. Có nhiều điều phải nói về đoạn Kinh thánh nầy, nhưng chúng ta cần để ý đến điều cốt yếu được tóm gọn trong lời của sứ thần: “Con trẻ sẽ được sinh ra bởi Đức Maria là do Chúa Thánh Thần”. Đó là lời mời gọi thánh Giuse và mỗi người chúng ta nhận biết Con Thiên Chúa và tin tưởng tiếp nhận Ngài vì Ngài là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Vậy việc Chúa Giê su giáng sinh chính là sự thực hiện lời hứa của Isaia. Ngài chính là đứa trẻ được Isaia loan báo. Một đứa trẻ sinh ra trong những điều kiện thiếu thốn mọi sự, được quấn trong tả và đặt nằm trong máng cỏ. Tuy nhiên, đứa trẻ ấy chính là Con Thiên Chúa. Lời hứa của Isaia được hiện thực không những cho đất nước Palestina, mà còn cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Chính Thiên Chúa hạ mình xuống với chúng ta để nâng chúng ta lên hàng con Thiên Chúa. Tất cả Tin mừng nói với chúng ta rằng Chúa Giê su đã muốn ở giữa những người tội lỗi để tha thứ và dẫn họ về cùng Thiên Chúa.

Một lần nữa, chúng ta thấy Thiên Chúa dùng những phương tiện tầm thường, không ra gì để cứu thoát dân Người. Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa thực hiện điều bất khả và vào lúc cuối cùng. Ngài tin cậy chúng ta, bởi vì không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người. Điều kì diệu là mặc dù chúng ta có những giới hạn, Người không ngần ngại tin tưởng kêu gọi mỗi người chúng ta loan báo sứ điệp hi vọng của Người khắp nơi trên trần gian. Người không giao cho chúng ta bổn phận phải làm cho người khác tin, nhưng là nói và làm chứng cho niềm hi vọng thúc đẩy chúng ta. Phần còn lại, chính Người sẽ lo liệu.

Khi cử hành Tiệc Tạ ơn, Chúa ban cho chúng ta một dấu chỉ để nói với chúng ta rằng Người hiện diện. Chúng ta được nuôi sống bằng lời và Thân mình của Ngài để thi hành sứ mạng mà Ngài đã giao phó cho chúng ta. Chúng ta hãy tiếp nhận dấu chỉ từ trời để sống Mùa Giáng sinh một cách trung thực nhất

ĐÀO SÂU

THIÊN-CHÚA-Ở-CÙNG-CHÚNG-TA

Is 7,10-14 Thiên Chúa hứa ban một đấng Cứu độ

Tv 24,1 Lạy Chúa xin hãy đến! Chính Ngài là Vua vinh quang

Rm 1,1-7 Thánh Tông đồ loan báo ơn cứu độ trong Đức Giê-su Ki-tô

Mt 1,18-24 Giuse được loan báo là Đấng Em-ma-nu-ên sẽ đến

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: EM-MA-NU-ÊN. THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA. Tiên tri I-sai-a loan báo Đấng Em-ma-nu-ên sẽ sinh ra (Bđ1). Đấng ấy chính là Đức Giê-su (BTM). Và nơi Ngài, nhân loại được ban ơn cứu độ (Bđ2).

2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Is 7,10-14)như thế nào?

THƯA: Vào khoảng năm735 trước Công nguyên, Ít-ra-ên đứng trước một trong những thời kì bi đát nhất của lịch sử của mình: vương quốc Đa-vít bị chia làm hai có hai vua và hai thủ đô, Sa-ma-ri phía Bắc, Giê-ru-sa-lem phía Nam, nơi nhà Đa-vít ngự trị và chính Đấng Mê-si-a sẽ được sinh ra. A-kha, vị vua mới 20 tuổi vừa lên ngôi đã phải có những quyết định rất khó khăn.

3. HỎI: Tình hình khó khăn như thế nào?

THƯA: Tình hình chính trị bấp bênh: vương quốc Giê-ru-sa-lem nhỏ bé bị kẹp giữa hai thế lực hùng mạnh đang lên ở vùng Trung đông là đế quốc Át-si-ri và hai vương quốc nhỏ là Sy-ri và Sa-ma-ri. Họ đưa quân vây hãm Giê-ru-sa-lem nhằm lật đổ vua A-kha và đặt lên ngôi một vua khác để liên minh với họ chống lại Ni-ni-vê.

4. HỎI: Vua A-kha phản ứng như thế nào?

THƯA: Khi được tin vua A-ram đưa quân tiến đánh,nhà Vua quá sợ hãi, “Lòng vua cũng như lòng dân đều rúng động như cây rừng rung rinh trước gió” (Is 7,2). Tiên tri I-sai-a được sai đến để trấn an Vua giúp Vua quay lại tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa.

5. HỎI: Nhà Vua có nghe theo lời tiên tri không?

THƯA: Vua A-kha không nghe theo lời Tiên tri I-sai-a khuyên nhủ. Trái lại, ông còn làm những điều bất trung trước mặt Thiên Chúa. Ông dâng hi tế thờ các bụt thần, và điều kinh khủng hơn cả là giết đứa con duy nhất của mình để tế các thần ngoại. Cuối cùng vì quá quẫn bách, ông quay sang cầu cứu quân Át-si-ri.

6. HỎI: Trước những bất trung của Vua A-kha, Tiên tri I-sai-a đã làm gì?

THƯA: Tiên tri I-sai-a cực lực phản đối cách giải quyết của Vua A-kha, vì như thế là sự tự do mà Mô-sê đã gầy dựng cho dân tộc không còn nữa. Thấy Vua A-kha cứng lòng tin, Tiên tri I-sai-a bảo vua hãy xin một dấu chỉ từ Thiên Chúa. Nhưng A-kha từ chối, viện cớ không dám thử thách Thiên Chúa.

7. HỎI: Trước thái độ giả hình của Vua A-kha, Tiên tri I-sai-a đã tuyên sấm như thế nào?

THƯA: Tiên tri I-sai-a tuyên sấm rằng dù con người có phản bội, Thiên Chúa vẫn tín trung và sẽ ban cho nhà Vua một dấu chỉ là người vợ trẻ, tức là hoàng hậu trẻ, sẽ mang thai, và đứa con sinh ra cho Vua sẽ được gọi là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

8. HỎI: Lời sấm ấy đã được thực hiện như thế nào?

THƯA: Lời sấm loan báo người trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai Em-ma-nu-ên đã được thực hiện qua việc Trinh nữ Maria thu thai và sinh hạ Đức Giê-su là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

9. HỎI: Nội dung bài đọc hai (Rm 1, 1-7) như thế nào?

THƯA: Trong phần đầu thư gửi tín hữu Rô-ma, Thánh Phao-lô tự giới thiệu là tông đồ của tin mừng Đức Giê-su, Đấng được Thiên Chúa hứa ban trong Thánh Kinh qua các tiên tri và được đặt làm Chúa qua sự chết và sống lại.

10. HỎI: Ngữ cảnh của đoạn tin mừng (Mt 1, 18-25) như thế nào?

THƯA: Thánh Mát-thêu bắt đầu sách tin mừng bằng gia phả của Đức Giê-su (1,1-17), rồi đến việc Chúa Giêsu giáng sinh để hoàn tất lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa đối với dân Người (2,1-12). Trình thuật về Giu-se (1,18-25) là đoạn chuyển tiếp giữa hai đoạn về gia phả và giáng sinh. Gia phả Đức Giê-su bắt đầu từ A-bra-ham đi dần xuống các thế hệ kế tiếp, đến Đa-vít và cao điểm là việc Người sinh ra (1,1-17). Khi đến Giu-se, ngài thay đổi cách viết. Thay vì viết: “Ông Giu-se sinh Đức Giê-su” thì Mát-thêu viết: “Gia-cóp sinh Giu-se là chồng Đức Maria, từ ngài Đức Giê-su Ki-tô được sinh ra”.

11. HỎI: Tại sao có sự thay đổi như thế?

THƯA: Để Đức Giê-su được đưa vào dòng tộc Vua Đa-vit, Ngài phải được Giu-se chấp nhận làm con nuôi. Như thế kế hoạch của Thiên Chúa tùy thuộc vào sự chấp thuận của một người là Giu-se. Sự chấp nhận tự do của một người công chính là điều kiện để khởi đầu cuộc hành trình của Đức Giê-su trên trần gian.

12. HỎI: Mầu nhiệm về Đức Giê-su được nhấn mạnh như thế nào?

THƯA: Các câu tiếp theo cho thấy mầu nhiệm vể Đức Giê-su: Ngài sinh ra không do ông Giu se, nhưng do quyền phép Chúa Thánh Thần, dù vậy, vẫn được nhận là con của Giu se. Nhờ đó, Đức Giê-su chính thức được đưa vào dòng tộc Giu se thuộc dòng Đa-vít và chính ông sẽ đặt tên cho Ngài.

10. HỎI: Khi viết đoạn tin mừng 1, 18-25, Thánh Mát-thêu nhắm mục đích gì?

THƯA: Khi viết đoạn tin mừng 1,18-25, trước tiên Thánh Mát-thêu không nhằm mô tả việc thụ thai Đức Giê-su cách lạ lùng, vì đó là một sự kiện mà người đương thời đều biết rõ. Mục tiêu ông nhắm đến là trình bày tại sao Giu-se phải đem Đức Maria về nhà mình mặc dù Đức Maria thụ thai đồng trinh.

11. HỎI: “Giu-se chồng bà là người công chính” có nghĩa gì?

THƯA: Sự công chính của Giu-se không có nghĩa là ngài hành động theo những gì Lề luật Mô- sê dạy, vì chuyện âm thầm li dị không được qui định trong Lề luật. Thật ra, Giu-se được gọi là công chính vì ngài tôn trọng công trình của Thiên Chúa nơi Đức Maria và cho rằng mình không được quyền đem về nhà một người mà Thiên Chúa dành riêng cho Người. Như thế, ngài phản ứng giống như mọi người công chính trong Thánh Kinh trước việc Thiên Chúa can thiệp vào đời sống của họ.

12. HỎI: Tên gọi Giê-su có nghĩa là gì?

THƯA: Tên gọi Giê-su có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ, và Thánh Mát-thêu giải thích thêm: “Vì chính Ngài sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi.”

13. HỎI: Giu-se đã phản ứng như thế nào trước thánh ý Thiên Chúa?

THƯA: Sau khi được Thiên Chúa cho biết ý của Người, Giu-se không còn do dự nữa, ngài chỗi dậy tuân hành mọi điều Thiên Chúa dạy: ngài “đón vợ về nhà”.

14. HỎI: Câu 25 tiếp theo có ý nghĩa như thế nào?

THƯA: Câu 25 tiếp theo cho biết là ngài không có quan hệ phu thê với Maria, và như thế hài nhi Giêsu không phải là con của ngài. Nhưng câu văn này cũng không hề ám chỉ là sau đó Giuse có quan hệ vợ chồng với Maria. Với lại tác giả không quan tâm đến vấn đề này. Ông còn đang cho thấy là Giuse thi hành chính xác lệnh Thiên Chúa truyền: “ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”.

15. HỎI: Tân Ước có mấy bản văn nói về việc Đức Giê-su được thành thai một cách mầu nhiệm?

THƯA: Tân ước có hai bản văn: bản văn tin mừng Mát-thêu (1,18-24) và bản văn truyền tin trong Lu-ca (Lc 1,26-38).

16. HỎI: Vậy thì cuối cùng Ngài được gọi bằng tên nào: Giê-su hay Em-ma-nu-ên?

THƯA: Con trẻ sẽ được gọi là Giê-su, có nghĩa là Chúa cứu dân Người khỏi tội. Nhưng khi Ngài sắp rời các môn đệ, Ngài nói với họ: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Đó là ý nghĩa của từ Em-ma-nu-ên. Được cứu khỏi tội lỗi chính là biết và đừng bao giờ nghi ngờ rằng rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và sống trong sự hiện diện của Người như tiên tri Mi-kê-a đã nói. Đó chính là điều mà thánh Giu-se đã sống.

17. HỎI: Lời Chúa muốn dạy chúng ta điều gì?

THƯA: 1. Thiên Chúa luôn làm chúng ta bất ngờ. Ngài thực hiện lời Ngài hứa một cách lạ lùng. Ngài mời gọi chúng ta hãy để cho Ngài hành động lạ lùng như thế để Đức Giê-su con Ngài tiếp tục là Đấng ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’. 2. Thánh Giu-se luôn cho chúng ta khám phá ra một vài ‘cách thức’, một vài thái độ nền tảng cho phép chúng ta sống tốt lễ Giáng sinh. Đó là việc sẵn sàng lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào trong đời sống.

GLCG437. Thiên thần đã loan báo cho các mục đồng việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu, với tính cách là việc ra đời của Đấng Messia đã được hứa ban cho Ít-ra-ên: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavid, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11). Ngay từ đầu, Chúa Giêsu là “Đấng Chúa Cha đã hiến thánh và sai đến thế gian” (Ga l0,36), với tư cách là “Đấng Thánh” (Lc 1,35) được cưu mang trong lòng dạ trinh khiết của Đức Maria[23]. Thánh Giuse được Thiên Chúa kêu gọi đón bà Maria vợ ông về, “vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20), để Chúa Giêsu, “cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16), được sinh ra do vợ ông Giuse trong dòng tộc thiên sai (in generatione messianica) của vua Đavid. [24].

GLCG722 Chúa Thánh Thần đã dùng ân sủng của Ngài mà chuẩn bị Đức Maria. Mẹ của Đấng ‘nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể’ (Cl 2,9) tất phải ‘đầy ơn phúc’. (X. Niềm vui của Đức Maria ‘Con gái Sion’ 722, 2767. Maria vâng phục trong đức tin 148-149. Cầu nguyện trong sự hiệp thông cùng Đức Maria mẹ Thiên Chúa 2673-2679).

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Mùa Vọng C_ Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Mùa Vọng C_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Vọng C_ Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư tuần IV Mùa Vọng - Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Mùa Vọng Năm C - Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng Năm C - Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Vọng - Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IV Mùa Vọng - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Mùa Vọng

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Bát Nhật Giáng Sinh: "ĐỨC GIÊSU LÀ AI?"_Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Ngày 25 Thang 12 Mừng Chúa Giáng Sinh_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc.
     LỄ GIÁNG SINH 2015: "TÌNH YÊU ĐƯỢC TRAO TẶNG CHO NHÂN LOẠI"_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc
     LỄ GIÁNG SINH: "Chúa vẫn buồn khi nhìn thấy nhân loại khổ đau"_Lm. Jos Ta Duy Tuyền
     LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2015: "ĐỨC VUA TÌNH YÊU, HOÀNG TỬ THÁI BÌNH ĐÃ ĐẾN"_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG THÁNH LỄ VỌNG GIÁNG SINH_ Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư NGÀY 23 THÁNG 12 Mùa Vọng Năm C: "Sứ Giả Dọn Đường"_Lm. Mi-ca-e Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần IV Mùa Vọng Năm C: "MARIA – NỮ TÁC VIÊN TIN MỪNG"_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng.OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng C_ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Sống tình xót thương_ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền