Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIX
Thường Niên
Lời
Chúa:
Mt 18, 15 – 20
(18) "Thầy
bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm
buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi
như vậy. (19) "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai
người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên
trời, sẽ ban cho. (20) Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh
Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ".
Suy Niệm
Đứng
trước lỗi lầm của một con người, có nhiều thái độ khác nhau: Có thái độ bàng
quan, mặc kệ, sống chết mặc bây, ta đây vô can; Có thái độ bức xúc, kêu ca, càm
ràm mà chẳng làm gì cả; có thái độ đả kích, chống đối, lên án, phê bình, chỉ
chích nhưng lại chẳng có đường lối giải quyết; có thái độ vui khoái vì ‘tên ấy’
chẳng hơn gì mình v.v…. Và ít có mấy ai nghĩ đến việc sửa lỗi giúp người anh chị
em mình nên tốt hơn.
Bài
Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ ra cho chúng ta một cách sửa lỗi huynh đệ
hoàn toàn đặt nền tảng trên đức ái, lấy đức ái làm trọng tâm.
“Nếu
người anh em của anh trót phạm tội, hãy đi sửa lỗi cho nó, một mình anh với nó
mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được lợi người anh em đó rồi” (c.).
Việc sửa lỗi một – một, rất riêng tư và rất cá nhân như thế làm nổi bật tính
nhân bản trong việc tôn trọng con người. Nó cũng làm sáng lên đức ái trong việc
giữ thể diện, không làm tổn thương, mất tiếng tăm của người anh em và giúp
người anh em thăng tiến.
“Còn
nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa để mọi “công
việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng” (x. Đnl 19,15). Ở
đây, chúng ta thấy tiến độ đã tăng dần, nhưng mục đích vẫn là để giúp người anh
em sửa lỗi trong tình huynh đệ chứ không phải để kết án. Tiếp theo, nếu cá nhân
hoặc nhóm người cũng không thể giúp người anh em có tội nhận lỗi để hoán cải
thì nhờ đến cộng đoàn Hội Thánh; nhưng mà nếu “Hội Thánh mà người anh em cũng
chẳng nghe, thì “hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (c.) Việc
coi người anh em như “người ngoại hay người thu thuế” ở đây không phải là một
thái độ cư xử loại trừ, nhưng người anh em ấy lại được đưa vào quĩ đạo là đối
tượng của lòng thương xót của Giáo hội, của mỗi người trong cộng đoàn. Bởi vì
xuyên suốt Tin mừng, chúng ta thấy “dân ngoại, những người thuế, tội lỗi” luôn
luôn là đối tượng mà Đức Giê-su hướng tới để mời gọi, yêu thương và chữa lành:
“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ người đau yếu mới cần. Ta đến không
phải để kêu gọi người công chính mà là người tội lỗi” (x).
Như
kinh nghiệm chúng ta đã biết, trong sinh hoạt đời thường, người ta hay thích
vạch mặt chỉ tên, rêu rao những lỗi lầm của người khác hơn là có ý định bảo vệ
danh dự và giúp người anh chị em sửa lỗi để thăng tiến. Thích nói xấu là một
căn bệnh dễ lây lan. Có khi người ta nói xấu, bêu diếu những lỗi lầm, khiếm
khuyết của người khác một cách vô tội vạ như là một câu chuyện để mua vui. Cũng
có khi người ta nói xấu nhằm thỏa mãn, hoặc che lấp tội lỗi của mình; có khi
người ta nói xấu kẻ khác để nâng mình lên; và cũng có khi người ta nói xấu
người khác vì ghen tị, muốn hạ bệ người xuống vì thấy họ tốt hơn mình, thánh
thiện hơn mình, tài giỏi hơn mình, được quí mến hơn mình; người ta cũng có thể
nhân danh chính nghĩa, làm ‘sạch môi trường’ để nói xấu, hạ gục đối thủ…. Và do
vậy, chỉ cần một lỗi lầm nhỏ thôi của người anh chị em, người ta cũng có thể
khuếch đại lên thành những chuyện to, thậm chí có khi là chuyện động trời. Đó
là những thói xấu đi ngược với tinh thần Tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô mà mỗi
Ki-tô hữu được mời gọi phải tiêu trừ tận căn.
Nhìn
chung, việc sửa lỗi cho người anh chị em để giúp họ thăng tiến là một việc
không dễ dàng, rất tế nhị nhiều khi đòi hỏi rất nhiều sự khôn ngoan, khéo léo và
trên hết phải có đức ái – một tình thương thực sự, không giả dối sẽ có tác dụng
nhiều hơn bất cứ một nghệ thuật nào. Không phải là lý lẽ đúng sai, mà tình
thương mới có thể đi vào lòng người và giúp tội nhân có thể hoán cải. Vì thế, nếu
cần, chúng ta hãy nói lời xây dựng, trao đổi, đối thoại trong tình yêu thương
của Chúa. Khi chưa thể giúp cho người anh chị em sửa lỗi, hãy cầu nguyện cho họ
và sống yêu thương nhiều hơn nữa. Tình thương và lòng chân thành sẽ giúp người
anh chị em hữu hiệu hơn là phê bình, chỉ chích và kết án.
Trong
thư chung của Hội Đồng Giám mục Việt Nam gửi các tín hữu, mỗi người Ki-tô hữu chúng
ta được mời gọi canh tân, thực hiện cuộc hoán cải nơi chính bản thân mình bằng
cách đi vào mối tương quan cá vị, thân tình với Đức Giê-su Ki-tô để chính mình
được phúc âm hóa. Tin mừng, lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô phải thấm nhập vào
trong con tim, khối óc chúng ta, để chúng ta có thể sống tình thương yêu thực
sự với người anh chị em, mong muốn điều tốt lành cho họ và giúp họ thăng tiến;
đồng thời xây dựng một đời sống cộng đồng lành mạnh, tốt đẹp tiến tới sự hiệp
nhất như Đức Giê-su mong muốn.
“Nơi
nào có hai hay ba người họp lại ….” Nơi nào có tình yêu thương hiệp nhất thì có
Chúa ở giữa; có Chúa ở giữa là có sự bình an, hạnh phúc. Có Chúa ở giữa thì gia
đình, cộng đoàn, xứ đạo sẽ tỏa sáng niềm tin, giúp cho người anh em đã xa rời
Chúa, hay chưa nhận biết Chúa được ơn trở về với Người, nhận biết Người để cũng
được sống trong tình thương của Người.
Lạy Chúa Giê-su!
Xin ban cho con quả tim của Chúa,
Để con biết chân nhận sự yếu hèn của
bản thân,
Đồng thời biết quảng đại thứ tha những
lỗi lầm của tha nhân.
Xin cho con tấm lòng của Chúa,
Để con có thể ôm ấp và yêu thương tất
cả mọi người không loại trừ ai,
Để con biết khát khao niềm vui và hạnh
phúc cho họ,
Để con dám hy sinh, vì sự thăng tiến
của tha nhân
Và dám dấn thân xây dựng cộng đoàn nước
trời mà Chúa hằng mong muốn. Amen
Nt.
Maria Chinh Anh