SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN II PHỤC SINH
LỜI CHÚA: Gioan 6, 1-15
(1) Sau đó, Ðức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria. (2) Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người làm cho những kẻ đau ốm. (3) Ðức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. (4) Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Dothái.
(5) Ngước mắt lên, Ðức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?" (6) Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. (7) Ông Philípphê đáp: "Thưa có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút". (8) Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: (9) "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!" (10) Ðức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi". Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. (11) Vậy, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. (12) Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi". (13) Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. (14) Dân chúng thấy dấu lạ Ðức Giêsu làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Ðấng phải đến thế gian!" (15) Nhưng Ðức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
Câu chuyện “cháo đá!”
Một làng hẻo lánh nọ, do hạn hán lâu nên nhiều người trong làng không có gì để ăn, và những người còn lương thực dự trữ, họ cố gắng dành dụm dè xẻn để phòng cho gia đình mình. Một ngày Chúa Nhật nọ, bỗng dưng dân làng nhìn thấy một ông cụ già kê 3 cục đá thật to giữa làng, ông cụ đặt một cái nồi thật to bên trong lỏng bỏng với vài cục đá xanh, và lẻo tẻo vài hạt gạo. Ông cụ bắt đầu nấu… thỉnh thoảng ông lại nếm thử…Nhiều người ngạc nhiên theo dõi và thắc mắc…Ông cụ trả lời: Tôi muốn nấu món cháo đá cho một số người không có gì ăn trong làng. Nhưng họ lại ngạc nhiên hỏi: số người đói thì đông quá, nhưng nồi cháo thì chỉ có vài hạt gạo?! Ông cụ bảo: tôi muốn chia sẻ những hạt gạo cuối cùng của mình…Nghe thế, một vài người cảm kích tấm lòng của ông, và một số người đã chạy về nhà và đem bỏ vào nồi cho ông cụ thêm một ít gạo, người khác thấy vậy cũng vội vã mang ít muối, ít hạt đậu bỏ vào nồi… Nồi cháo trở nên đặc và mặn quá, họ lại lấy nồi khác pha loãng ra thành 2 nồi…thế là hôm đó, nhiều người đã được ăn no nê và vẫn còn dư cháo…
Câu chuyện “cháo đá” này đã làm cho người viết liên tưởng đến “phép lạ hóa bánh” của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giê-su thật là một nhà Xã hội và Tâm lý đại tài! Lẽ nào, một đám rất đông như thế-hơn 5,000 người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ đi theo Chúa Giê-su lại không mang theo thức ăn? Hay là vì họ có thức ăn nhưng vì sợ không đủ cho người khác? Hay là họ có cái riêng nhưng không có cái chung cho mọi người? Hay là họ chưa hiểu rằng góp những cái riêng thành cái chung, sẽ có chung to lớn và mạnh mẽ gấp bội? Hay là vì họ chưa biết tác động và tâm lý của đám đông là dễ lây lan và bắt chước nhau?
Phép lạ đã thực sự xảy ra khởi đi từ việc một em bé sẵn sàng hiến tặng cái riêng của mình để chia sẻ cho một tập thể khổng lồ. Thế là người này lấy bánh ra khỏi túi của mình, cho người bên cạnh và người bên cạnh thấy vậy lại cũng muốn tỏ lòng hào phóng với nhau, và cứ thế bánh cá đã được bẻ ra, chia ra thì lại phát sinh ra. Bánh càng trao đi thì càng được tăng thêm nhiều, cá càng được chia ra thì lại phát sinh gấp bội, nhiều đến nỗi cả năm ngàn người ăn không hết còn dư lại cả mười hai thúng đầy!Và đó chính là phép lạ. Cũng giống như cây chuyện “cháo đá”, nồi cháo đã không có thể thực hiện được để cứu đói cho những người nghèo nếu không có người khởi xướng bằng một việc tốt và cứ thế việc tốt đã nhân lên và nhân lên.
Chúa chờ đợi mỗi người một chút lòng chạnh thương, một chút bắt đầu, một chút riêng ta góp vào… và cứ thế chắc chắn phép lạ sẽ xảy ra. Một số người chết đói hôm nay vì dư thừa lương thực trong tay một số người. Khi trái tim mỗi người mở ra thế giới sẽ không những chỉ đủ mà còn dư chỗ cho mọi người.
Để kết thúc, người viết xin mượn lời thơ của một thi sĩ:
Lạy Chúa, con chỉ là một sợi dây, xin hãy biến con trở thành chiếc đàn.
Con chỉ là một giọt nước, xin hãy biến con trở thành một dòng suối.
Con chỉ là một tia lửa, xin hãy biến con trở thành một ngọn đuốc bùng cháy
Nguyễn Thị Minh Tứ
Thứ sáu, sau CN II Phục Sinh
- “Lúc ấy, sắp đến lễ VQ là đại lễ của người Do-thái”. Như thế, bầu khí của của trình thuật “bánh hóa nhiều” trong Tin Mừng Gioan tái hiện lại bầu khí của Xuất Hành; Đức Giê-su tái hiện lại bầu khí này, nhưng tái hiện lại một cách mới mẻ, chứ không lập lại như cũ: bánh ăn là khởi điểm, là dấu chỉ của bánh đích thật: đó là Lời và Ngôi Vị của Ngài. Đức Kitô là như thế đối với lịch sử dân Chúa, đối với lịch sử đời ta.
Sang bên kia, nhắc nhớ hành trình vượt Biển Đỏ.
Có đông đảo dân chúng đi theo Người. Dân Israel vượt Biển Đỏ đi vào sa mạc dưới sự chăn dắt của Đức Chúa qua trung gian Môsê.
Lí do là vì họ chứng kiến những dấu lạ phục hồi sự sống. Giải thoát Dân khỏi kiếp nô lệ, chính là phục hồi sự sống.
- Tuy nhiên có một điểm khác tuyệt đối: họ, đám đông và các môn đệ, đi theo Đức Ki-tô, Ngôi Lời TC, thay vì Môsê.
1. Đức Giêsu “thử thách” Philiphê
- “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Trong các Tin Mừng nhất lãm, lí do Đức Giêsu muốn cho dân chúng ăn là vì họ đã theo Ngài suốt ngày và lúc đó trời đã xế chiều, họ đang đói lả. Với Tin Mừng Gioan, lý do khác hẳn, và có tầm mức lịch sử cứu độ: đó là bầu khí của Lễ Vượt Qua, Ngài muốn tái hiện lại ơn huệ Đức Chúa nuôi dưỡng dân chúng bằng Manna, bánh ban xuống từ trời, và dâng hiến chính bản thân mình để làm cho viên mãn ơn huệ lương thực.
- Xưa kia Đức Chúa thử thách Dân của Ngài trong sa mạc, ở đây Đức Giêsu thử thách đích thân môn đệ Philiphê! Chúa cũng thử thách đích thân mỗi người chúng ta. Chúa thử thách chúng ta, tùy chúng ta hiểu Chúa thử thách để làm gì. Nhưng kinh nghiệm tưởng nhớ và nhận ra ơn huệ mang tính quyết định, nhất là ơn huệ tha thứ và tái tạo. Thánh I-nhã cho chúng ta một giải đáp: “để chúng ta cảm nhận cách sâu xa tất cả là ơn huệ và là ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta” (Linh Thao, số 322).
- Chúa thử thách chúng ta, đó là quyền của Đấng Tạo Dựng, của Đấng Sinh Thành; nhưng chúng ta là tạo vật, là tôi tớ, là con cái, là môn đệ, chúng ta có quyền thử thách Chúa không? Nhà Dòng thử thách chúng ta trong thời gian huấn luyện, nhưng chúng ta dám thử thách Nhà Dòng không? Thế mà, Dân Chúa xưa kia đã thử thách Đức Chúa tới 10 lần (Ds 14, 22), nghĩa là lúc nào cũng thử thách, không chịu tin. Ở đây, dường như Philiphê, Anrê và các môn đệ cũng thử thách Đức Giêsu khi nêu ra vấn đề tiền bạc và khả năng eo hẹp: đào đâu ra tiền; trong khi kho lương thực chỉ có “năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”, hơn nữa không phải của nhóm môn đệ, nhưng của một em bé!
- Trước một nhu cầu lớn như thế, các môn đệ nghĩ ngay đến tiền. Chúa bảo mình làm nhưng lại không cho tiền ! « Tiền » ở đây có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tất cả các phương tiện và điều kiện để làm việc, nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng sống tương quan với Chúa, và nhất là khi cộng tác với sứ mạng của Chúa, nghĩa là làm chứng cho Tin Mừng qua đời sống gia đình, đời sống tu trì, việc phục vụ, việc tông đồ, mục vụ…, chúng ta không thể chỉ suy xét trên bình diện phương tiện, nhưng còn trên bình diện thần nhiệm nữa, như thánh Phaolô đã kinh nghiệm : « Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi : Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối » (2Cr 12, 8-9). Sống chiều kích thần nhiệm là kết hợp với Đức Kitô và để sức sống Phục Sinh của Ngài tỏ hiện ra nơi con người giới hạn, mỏng dòn, yếu đuối của chúng ta, và nơi những phương tiện hạn hẹp và nghèo nàn của chúng ta. Năm chiếc bánh và hai con cá diễn tả con người thật của chúng ta.
2. Lời tạ ơn trên bánh
- Chúng ta hãy dừng lại để nhìn và nghe từng cử chỉ là lời nói của Đức Giêsu : Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Các TM Nhất lãm kể rằng, Ngài trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Các môn đệ phân phát bánh, nhưng không còn là bánh của mình nữa, nhưng là từ bàn tay của Chúa. Chúa không làm cho bánh rơi xuống từ trời ào ào, như xưa Đức Chúa cho Manna đổ xuống từ trời như mưa rào, nhưng Đức Giêsu làm cho những gì có sẵn, dù rất nhỏ bé và giới hạn sinh sôi nẩy nở đến vô hạn. Đó lạ dấu lạ cả thể, nhưng lại được thực hiện ngang qua một hành động rất đỗi bình thường nhưng ý nghĩa thật lớn lao: Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời Tạ Ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.
- Bánh đến từ đất trời và công lao của con người: “Lạy Chúa, là Chúa Cả Trời Đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này, là hoa màu của ruộng đất và công lao của con Người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên Bánh Trường Sinh cho chúng con”. Và Bánh chưa hóa nhiều, nhưng Đức Giêsu đã tạ ơn rồi; Đức Giêsu chưa được cứu thoát khỏi sự chết, Ngài đã tạ ơn rồi, ngang qua Bí tích TT, Eucharistie, vốn là Bí Tích Tạ ơn. Đó là lời Tiền Tụng (Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta – Thật là chính đáng) trước khi truyền phép trên bánh và rượu, hiện thân của cuộc Thương Khó. Tạ ơn trước khi dấu lạ xẩy ra, tạ ơn trước khi được Thiên Chúa cho trỗi dậy từ cõi chết, diễn tả lòng tín thác vào quyền năng Thiên Chúa ở mức độ tột cùng. Chúng ta được mời gọi tạ ơn hằng ngày, dù còn đang ở trên đường đi đầy thách đố. Chúng ta có thể dừng lại thật lâu để chiêm ngắm từng cử chỉ của Chúa, và để những cử chỉ này đánh động, gợi mở, soi sáng ơn gọi và những băn khoăn của chúng ta. Có ba cấp độ ý nghĩa của phép lạ bánh hóa nhiều.
(1) Bánh lương thực. Bánh ăn hằng ngày đã hóa nhiều thực sự, và trong những năm thi hành sứ vụ, Đức Giêsu thực hiện 2 lần (theo TM Ga, thì một lần). Điều này cho thấy, Đức Giêsu đến không để giải quyết nạn đói cho con người. Vì con người có khả năng lo cho nhau no đủ, nếu biết chia sẻ. Phép lạ là những « dấu chỉ » của một thực tại khác.
(2) Bánh Thánh Thể. Bánh Thánh Thể được trao ban cho chúng ta một cách quảng đại mỗi ngày trong Thánh Lễ ; chúng ta chỉ cần mở tay và mở lòng ra để đón nhận. Tuy không có sự dư tràn vật chất, nhưng lại có sự « dư tràn » về ơn huệ sự sống và ngôi vị của Đức Ki-tô. Ngoài ra, phép lạ « Bánh Lời Chúa » hóa nhiều cũng được Chúa thực hiện cho chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ và nhất là khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa và chia sẻ Lời Chúa.
(3) Bánh đời ta. Đây chính là ý nghĩa đích thật nhất và sâu sa nhất. Chúng ta được mời gọi dâng cho Chúa « tất cả », tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là ; và cái « tất cả » của chúng ta thì nhỏ bé và giới hạn như « 5 cái bánh và 2 con cá », nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đây là cử chỉ mang chiều kích Thánh Thể : « năm chiếc bánh và hai con cá », là chính con người chúng ta, đã trở thành chính Chúa ; tương tự như bánh là « hoa mầu của ruộng đất và công lao của con người » nhưng được dâng cho Chúa, để trở thành « Bánh Trường Sinh » nuôi dưỡng chúng ta. Và chúng ta được mời gọi cộng tác để chia sẻ và trao ban chiếc « bánh đời tôi », đã được trao vào tay Chúa và Chúa làm cho trở thành chính Chúa, cho nhiều người.
3. Ơn huệ dư tràn
- Xưa kia, Đức Chúa không cho để dành Manna cho hôm sau: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử thách chúng như vậy để xem chúng có tuân theo luật của ta hay không” (Xh 16:4). Lệnh truyền này mời gọi Dân sống bởi ân huệ Thiên Chúa ban cách trực tiệp từng ngày một; không được ham muốn. Và khi họ không giữ lời Chúa dặn, và biến dấu chỉ Manna thành một tài sản, thì khi đó: “dòi bọ sinh sôi và phần để dành bốc mùi hôi thối” (Xh 16:20). Điều này có nghĩa là ơn huệ sẽ trở nên vô nghĩa, bốc mùi sự chết, nếu bị ham muốn, bị giữ làm của riêng.
- Ơn huệ bánh của Đức Kitô được ban dư tràn, và Ngài còn mời gọi thu lượm lại. « Dư Tràn » nhưng không chính là dấu vết của Thiên Chúa (mẻ cá lạ, gấp trăm, 70 lần 7, 6 chum nước trở thành rượu ngon, chữa bệnh gắn liền với tha tội, nước hằng sống..). Bánh tiếp tục được ban cho dân của Chúa, cho từng người chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày cách dư tràn. Bánh diễn tả hồng ân, hồng ân TC được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người của anh chị em, đó là những bữa ăn hàng ngày ; bánh diễn tả sự sống đời đời, đó là bánh Thánh Thể ; và cả hai đều diễn tả chính Chúa, chính Ngôi vị của Chúa. Đấng chúng ta khát khao và chỉ ngài mới làm chúng ta no thỏa, dư tràn.
* * *
- Qua ơn huệ bánh được ban dư tràn, thay vì đón nhận như một dấu chỉ và nghe ra Lời yêu thương của Thiên Chúa, họ lại muốn tôn Đức Giêsu làm vua. Đây chính là một cách thức khác để giữ lại bánh, nhưng nghiêm trọng hơn vì, Đức Giêsu mà làm Vua, thì ta sẽ có tất cả: quyền bính, tiền tài và danh vọng, tương lại bảo đảm. Có phải chúng ta đi theo Chúa là vì vậy không? Có phải chúng ta sống đời tu, vì ham muốn những chuyện này không? (x. Mt 20, 17-28)
- Đức Giêsu lánh mặt, nhưng khi họ bắt Ngài đi đóng đinh thì Ngài chịu. Và trên thập giá họ viết: INRI (Iesus Nazareus, Rex Iudaeorum), Giêsu Nazareth, Vua Dân Do Thái. Bởi vì, Đức Giêsu không muốn làm vua theo kiểu loài người, bắt người khác phải phục vụ và trao ban; Đức Giêsu muốn làm vua theo cách thức của Thiên Chúa, đó là phục vụ và trao ban chính mình cho muôn người.
Giuse Nguyễn Văn Lộc