SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN THÁNH
I. LỜI CHÚA : Ga 18,1-19,42
"Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực." (Ga 19,35)
II. SUY NIỆM : CHÚA GIÊSU CHẾT VÌ TỘI LỖI CỦA NHÂN LOẠI
Như bao người trần thế, Chúa Giêsu đã chết và chết thật.
Hôm nay toàn thể Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu chết. Việc tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu không phải là ôn lại một kỷ niệm trong quá khứ, nhưng để chiêm ngắm việc Người chịu chết, không phải như cái chết của một ông vua, một nhà lãnh tụ của quốc gia, của một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử của loài người. Cái chết Chúa Giêsu là cái chết của Người Con Một, Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa.
Sự chết của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa : Đó là cái chết được báo trước : “Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng tế và Kinh sĩ. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết chết Người." (Mc 10,33-34). Đó là cái chết vì yêu mến Chúa Cha, để vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Chúa Giêsu chịu chết để tiêu diệt thần chết là ma quỷ và sự dữ.
Chúa Giêsu chịu chết vì tội lỗi của nhân loại, vì yêu thương và muốn cứu chuộc nhân loại. Nhờ sự chết của Chúa, loài người được giao hòa với Thiên Chúa. Nhờ sự chết của Chúa, con người được sống và được tham dự vào sự phục sinh của Người. Thật vậy, Chúa chịu chết để cho con người được hưởng vinh quang trong Nước Trời.
Cho dù có phải hy sinh, tủi nhục, đau khổ, bị bỏ rơi, Chúa vẫn sẵn sàng đi trọn con đường đau thương, vẫn trung thành vác thập giá và nhất là phải chết trên thập giá.
Trên thập giá, Chúa Giêsu trở nên "Chiên Thiên Chúa đến gánh tội trần gian" (Ga 1,29), mang lấy tội lỗi nhân loại nơi thân mình Người. "Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người." (2 Cr 5,21)
Thiên Chúa đã chết vì tội chúng ta. Thiên Chúa đã phải trả giá quá đắt để cứu loài người khỏi chết. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian như thế đó! Vậy mà tôi vẫn vô tâm !
Lẽ nào tôi vẫn tiếp tục vui hưởng cuộc đời và tiếp tục phạm thêm tội lỗi để mặc cho Chúa cứ phải triền miên đau khổ vì tôi?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết vì yêu thương và cứu chuộc chúng con. Chúng con xin chân thành cảm tạ tình yêu cao cả của Chúa. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với tình thương của Chúa và mãi trung thành với hồng ân cao quí Chúa đã dành cho chúng con. Amen.
Lm. Duy Khang
Nghi Thức Tưởng Niệm
Cuộc Thương Khó
1. Thập Giá và Lịch Sử Cứu Độ
Giống như Bí Tích Thánh Thể, chúng ta chỉ có thể chiêm ngắm, hiểu biết và cảm nếm cuộc Thương Khó với tất cả tầm mức “dài, rộng, cao, sâu”, khi khởi đi Lịch Sử Cứu Độ. Thật vậy, với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Đức Giê-su được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Người của Thiên Chúa Cha, một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3, 1-7: Thiên Chúa “lừa dối” con người, khi đưa ra “lệnh truyền”!), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay những phép lạ cả thể, bởi vì lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những cách hiểu và hành động lệch lạc.
Vì thế, trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su đã bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Ngời của Thiên Chúa Cha theo một cách khác, “một cách điên rồ”, nhưng là sự điên rồ của tình yêu và khôn ngoan thần linh, qua việc:
nhận hết vào mình thân phận của loài người chúng ta,
đảm nhận một số phận đầy tai họa,
gánh lấy mọi tội lỗi của loài người
và đối diện với chính Sự Dữ biểu dương ở mức độ tuyệt đối.
Xin cho chúng ta nhận ra hết những điều này, qua đó nhận ra bản thân mình, như mình là, nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi, nhưng hiện diện cách trọn vẹn, được đón nhận cách trọn vẹn và được bao dung cách trọn vẹn trên đôi vai của Đức Giê-su, trong ánh mắt của Đức Giê-su, trong trái tim của Đức Giê-su.
2. Thập Giá: Sự Dữ hiện hình
Nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Giêsu mà chúng ta đang cử hành, đạt tới đỉnh cao, hay nói theo nghi thức phụng vụ, phần long trọng nhất, khi chúng ta thực hiện cử chỉ kính thờ Thánh Giá: cụ thể là chúng ta sẽ quì hoặc cúi mình hôn hình tượng “Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh”. Nhưng cử chỉ tôn kính này chỉ tròn đầy khi chúng ta hiểu được trong nội tâm điều gì đã dẫn Đức Giêsu đến cái chết thảm thương trên Thập Giá, và Đức Giêsu để mình bị dẫn đến nơi hành hình với ý hướng nào. Các trình thuật Thương Khó, trong đó có trình thuật theo Tin Mừng theo thánh Gioan vừa được công bố cho chúng ta cách long trọng, được viết ra chính là để giúp chúng ta hiểu Thập Giá Đức Giêsu được dương cao vì những lí do gì và nhằm mục đích gì.
Thập Giá Đức Kitô được dựng trên đồi cao, và ngày nay Thập Giá cũng được treo hoặc dựng trên cao ở khắp nơi (chẳng hạn Thánh Giá ở Núi Bãi Dâu), chính là để mọi người nhìn thấy. Nhưng mọi người có nhìn thấy không? Và nếu có nhìn thấy, thì nhìn thấy những gì? Chúng ta thường vội nhìn ra những điều vô hình (thiên đàng, luyện tội, hỏa ngục…), hay nghĩ đến những tư tưởng cao siêu (bản tính, nhân tính, thiên tính, ngôi hiệp…); hoặc lòng đầy mặc cảm, khi vội nghĩ đến tội của mình, hay mặt đầy nước mắt, vì thương cảm với những đau khổ tinh thần về thể xác Chúa phải chịu.
Tuy nhiên, Đức Giê-su để cho mình bị treo trên thập giá, được đặt trên đồi cao, thân thể nát tan, chính là để chúng ta nhìn thấy những điều thật hữu hình, thật cụ thể, đập vào mắt mỗi người chúng ta. Thực vậy, trong cuộc Thương Khó, chúng ta cần nhận ra rằng Đức Giêsu bị dẫn tới thập giá bởi nhiều ý muốn của con người và cuộc «Thương Khó » (Passion) của Đức Giê-su, chính là « hành động » (action) của con người. Vậy chúng ta hãy hướng lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh và nhìn vào những gì thật hữu hình:
Cây thập giá, đến từ vụ xét xửa gian dối, vô trách nhiệm, từ những lời tố cáo và kết án nhân danh lề luật.
Chữ INRI (Iesus Nazarenus, Rex Iudaeorum : Giê-su Nadarét, Vua người Do Thái) vừa là bản án bất công, vừa là lời diễu cợt trên ngôi vị và trên cả một dân tộc.
Thân thể nát tan vì roi vọt, kết quả của tình cảnh bị bỏ rơi, lòng ghen ghét, của sự phản bội, của sự bất trung.
Thân thể trần trụi, đầu đội mạo gai, diễn tả sự sỉ nhục, những lời nhạo báng, sỉ nhục, diễu cợt trên ngôi vị.
Chân tay bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ, nói lên rằng con người đã đánh mất nhân tính và hành động theo thú tính.
Thập Giá một cách “cụ thể” là như thế đó và không ai có thể phủ nhận, vì là một mặc khải của Thiên Chúa, nhưng khởi từ những biến cố lịch sử: đó là Sự Dữ hiện ra nguyên hình dưới mọi hình thức và cấp độ! Thế mà tất cả những gì chúng ta nhìn thấy nơi Thập Giá vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong thế giới loài người: tương quan của mỗi người với bản thân (qua việc đối xử bạo lực với bản thân) và tương quan giữa chúng ta với nhau. Sự Dữ vốn hay ẩn nấp, nhưng lại hiện hình rất rõ ràng và cụ thể nơi Thập Gía Đức Kitô. Chúng ta sẽ được giải thoát khỏi Sự Dữ khi nhìn thấy nó hiện hình nơi thân thể nát tan nhưng thánh thiện của Đức Kitô (x. Ds 21, 4-9 và Ga 3, 13-17), bởi vì con người được dựng nên theo Sự Thiện và cho Sự Thiện, nên không thể tương hợp với Sự Dữ hiện ra nguyên hình. Nhưng ai có thể mang vào mình cùng một lúc tất cả những điều này, nếu không phải là chính Thiên Chúa vô cùng bao dung và thương xót?
3. Thập Giá: Khuôn Mặt của Thiên Chúa
Chúng ta còn được mời gọi nhìn thấy chính cây giá gỗ, trên đó Đức Giêsu chịu đóng đinh như là một dụng cụ nhục hình và tử hình. Thập giá là hình phạt tiêu biểu mà Lề Luật dành cho người phạm trọng tội. Vì thế, Thập Giá là biểu tượng cho công lí của con người. Thế mà, người chịu đóng đinh là chính Đức Giêsu, Đấng hoàn toàn vô tội, Đấng công chính hoàn hảo; vì thế, sự công chính của con người chỉ là giả tạo, gian dối và chỉ có vẻ bề ngoài. Nơi Thập Gía, Đức Kitô muốn giải thoát chúng ta một cách chính xác khỏi sự công chính giả tạo nhân danh Lề Luật, sự công chính bề ngoài đến từ chính chúng ta, để trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa.
Nơi Thập Giá, Đức Kitô mang vào mình mọi “bệnh hoạn tật nguyền” của chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên lành mạnh, nên công chính cách nhưng không, như bài ca về “Người Tôi Tớ Đau Khổ” đã loan báo. Vì thế, trên tất cả, nơi thập giá của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nhìn ra trong tín thác và bình an thẳm sâu “Khuôn Mặt đích thật” của chính Thiên Chúa.
Hôn kính
ĐỨC KI-TÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH
là hôn kính
Khuôn Mặt đích thật và rạng ngời của
CHÍNH THIÊN CHÚA
Thứ Sáu Tuần Thánh 2014
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc