Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 3

CHỦ NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN C

tin mung 2.jpgSỐNG giữa thế giới đầy bạo lực, chúng ta luôn khắc khoải chờ mong: “Bao giờ thì mới hình thành Nhân lọai mới trong đó con người thực sự được hạnh phúc?”. Ước muốn hình thành Nhân lọai mới là một lời mời gọi đi vào trong sự Khiêm Nhu của Thiên Chúa. Chỉ có Người mới là nguồn mạch tạo nên một sự Gặp gỡ đích thực. Đối với những ai biết mở rộng tâm hồn đón nhận “bí mật” đó, sự sống đang hiện diện, ngay trong thế giới đầy hận thù và chết chóc nầy. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón chào viễn tượng cuộc sống ấy.

Sách Nơ khê mia 8,1-4a.5-6.8-10

Trong suốt cuộc lưu đày, Dân Do thái đã suy niệm về những ảo tưởng đã đưa họ đến chỗ thất bại. Trở về cố hương, họ quyết định từ nay sẽ đặt đời sống của mình dưới dấu chỉ của Lề luật Thiên Chúa. Thầy Kí lục Esdras đã qui tập các truyền thống tổ tiên, long trọng công bố Lề Luật ấy. Mọi sự đang bắt đầu.

Thánh Vinh 18

Toàn thể Tạo Thành nói về Thiên Chúa. Nó giúp cho ta nghĩ đến một Luật khác không kém phần hoàn hảo: đó là Luật ghi chép trong Thánh Kinh mà người Do thái gọi là Tô ra. Tác giả Thánh vịnh chúc cho mọi người hiểu biết và vâng theo.

Thư 1 Cô rin tô 12,12-30

Vừa trở về với Tin Mừng, cộng đoàn tín hữu Cô rin tô lại sa vào tật xấu là chia rẽ nhau: phổ biến nhất là sự tách biệt giữa người giàu và người nghèo.Thánh Phao lô cực lực chống lại những lệch hướng ấy và chỉ cho biết một Cộng đòan Ki tô hữu có Đức Ki tô ngự trị phải như thế nào: đó là một Thân thể hòa hợp nơi mà mỗi người như chi thể có vị trí riêng nhắm đến ích chung cho tất cả.

Tin mừng Lc 1,1-4; 4,14-21

NGỮ CẢNH

Bài đọc Tin Mừng trong Phụng vụ được ghép bởi hai đoạn khác nhau, có lẽ vì muốn ráp nối hai đoạn văn mở đầu: phần nhập đề sách Tin Mừng Luca; và phần nói đến việc Chúa Giê su bắt đầu giảng dạy tại Nagiarét.

Đoạn thứ nhất được soạn theo kiểu các lời tựa các tác phẩm. Sau khi cho biết tình hình tổng quát về các bản trình thuật các biến cố liên quan đến Chúa Giê su, Thánh Luca nói đến mục tiêu, cách thức trong việc soạn quyển sách Tin mừng nầy. Và sau cùng là lời đề tặng.

Đoạn thứ hai kể lại việc Chúa Giê su trở về Nagiarét rao giảng Tin Mừng. Cả ba sách Tin Mừng nhất lãm đều đồng qui ở trình thuật kể lại việc Chúa Giê su bắt đầu rao giảng Tin Mừng ở Galilê sau khi được thanh tẩy và bị ma quỉ cám dỗ (Mc 1,14; Mt 4,12; Lc 4,14).

TÌM HIỂU

Nhiều người: dịch theo từ Hi lạp, nhưng phải hiểu là một vài.

Đã phục vụ Lời: người phục vụ Lời theo nghĩa tôi tớ. Các chứng nhân nguồn truyền thống không phải là những người sở hữu Lời, nhưng chỉ là các tôi tớ khiêm nhường phục vụ Lời.

Cẩn thận tra cứu: thật là sai lầm khi coi trình thuật tin mừng Luca mang tính chất lịch sử theo cách hiểu ngày nay. Thật ra, có nhiều đoạn Tin mừng trong Mc hay Mt được nhìn nhận là cổ xưa và gần gủi với đời sống Chúa Giê su hơn trong tin mừng Luca. Thời đó, lời cắt nghĩa các biến cố thì có tầm quan trọng hơn là chính biến cố. Do đó, vấn đề không phải là kể lại các biến cố quá khứ như đã xảy ra, mà là công bố niềm tin, đặt độc giả trước Đức Ki tô phục sinh, cũng là chính Đức Ki tô lịch sử: các sự kiện liên quan đến Ngài do đó được qui chiếu dưới ánh sáng Phục sinh. Anh hưởng hổ tương của Đức Ki tô vinh quang và Chúa Giê su Na gia rét đem lại cho các sách tin mừng một tính cách đặc biệt: thể loại « tin mừng ».

Thật là vững chắc: đây không phải là bộ sách Hộ Giáo hay phê bình lịch sử, hay một thứ lịch sử cứu độ không liên quan gì đến lịch sử thế giới. Nhưng đây là một tác phẩm văn chương và lịch sử.

Quyền năng Thần Khí: việc qui chiếu đến Thánh Thần vào đầu trình thuật nầy muốn nhắc cho độc giả nhớ lại rằng sứ vụ Chúa Giê su đặt nền tảng trên biến cố phép Rửa (3,22) và kinh nghiệm về cuộc cám dỗ (4,1-2).

Giảng dạy: ngoài việc được dùng làm nơi cầu nguyện trong ngày sa bát, các hội đường còn dùng làm phòng hội hợp cho các ráp bi và môn đệ. Nơi Chúa Giê su dùng để giảng dạy khác biệt với nơi rao giảng của vị Tiền Hô: hội đường đối lập với hoang địa và bờ sông Gio Đan (3,2-3). Chúa Giê su thường đến dự các buổi nhóm họp của dân Ngài.

Tôn vinh: từ nầy Tân Ước luôn dành riêng cho Thiên Chúa, trừ trường hợp ở đây. Vinh quang mà Chúa Giê su nhận được báo trước vinh quang Ngài sẽ tiếp nhận ngang qua thập giá (24,26).

Hội đường: Luca thích đặt các biến cố quan trọng cuộc đời Chúa Giê su trong một khung cảnh cầu nguyện. Chúa Giê su hội họp với các đồng bào của Ngài để cầu nguyện. Và chính trong khi cầu nguyện vào ngày sa bát mà Ngài quyết định khai mạc sứ vụ của mình.

Đọc: Chúa Giê su đọc Thánh Kinh. Đó lại là một đặc điểm nữa về cuộc đời Chúa Giê su trong tin mừng Thánh Luca. Trong những thời khắc quan trọng, Chúa Giê su muốn so sánh với những gì mà ông Mô sê và các tiên tri đã nói (như trong trường hợp cám dỗ 4,1-13, biến hình 9,30, và sau khi sống lại với các môn đệ 24,27.44-46).

Trao cho Người cuốn sách ngôn sứ: theo thói quen trong các hội đường, sau khi đọc một đoạn sách lề luật, người ta đọc thêm một đoạn sách tiên tri, trong trường hợp ở đây, Chúa Giê su đọc đoạn sách tiên tri Isaia.

Thần khí: các Vua, Ngôn Sứ, Tiên tri được thánh hiến bằng nghi thức xức dầu, còn Chúa Giê su thì tuyên bố rằng Thần khí Chúa đã ghi một ấn dấu trên ngài. Không chỉ trên Ngài mà còn để hoàn thành công trình của Thiên Chúa: ban cho người nghèo niềm vui, ban cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người câm nói được...Với sự xâm nhập của Thần Khí nầy, thời đại thiên sai đã mở ra.

Nhìn Người: không còn phải là cuốn sách nói nữa, mà chính Chúa Giê su. Ngài là Lời Thiên Chúa, từ nay cần phải khám phá, lắng nghe, nhìn ngắm và đọc Ngài.

Hôm nay: các tiên tri chỉ là bản sơ thảo Lời Chúa, và Thần khí trợ giúp họ để họ loan báo Lời Thiên Chúa là chính Đức Ki tô. Chính Chúa Giê su đã nói ngang qua lời sấm các tiên tri. Nhưng hôm nay thì trung gian ấy không còn cần thiết nữa. Quả thật chính Thiên Chúa đã làm cho lời Tiên tri được ứng nghiệm.

Ưng nghiệm Lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe: sự ứng nghiệm đây không phải là một cảnh tượng mà người ta có thể thấy, nhưng là một tin mừng có thể nghe được, để có thể cùng với đức tin « làm chứng » cho sứ điệp (4,22). Như thế, ngang qua điều đã được nghe và được đọc, cần phải nhìn nhận rằng sự hoàn tất đã được thực hiện trong Chúa Giê su.

SỨ ĐIỆP

Phần đầu của bài tin mừng Chủ nhật hôm nay ghi lại lời tựa tin mừng Thánh Luca. Ngay từ đầu, tác giả xác định mục đích của những câu truyện được kể lại trong Tin mừng là nhằm củng cố đức tin cho ông Tê ô phi lô: “Mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc”. Lời mở đầu ấy cũng gửi đến chúng ta hôm nay, được mời gọi chăm chú lắng nghe, suy niệm và thực hành, để rồi đến lượt mình, chúng ta cũng ra đi chia sẻ tin mừng mà chúng ta đã nhận được cho những người khác. Đó là phương thức phát triển Hội Thánh.

Kế đến, bài tin mừng trình bày cho chúng ta bước khởi đầu của sứ vụ Chúa Giê su. Ít lâu sau phép rửa, Ngài bắt đầu giảng dạy ở Ga li lê. Tất cả mọi người đều nói về Ngài với lòng đầy ngưỡng mộ và kính phục. Hôm ấy nhằm ngày sa bát, trong chuyến trở về Na gia rét, ngôi làng quê nơi ngài đã lớn lên, theo thói quen, Ngài vào hội đường tham dự buổi cầu nguyện cùng với những người đồng hương. Ngài đứng lên đọc sách Thánh. Bài đọc hôm ấy nhằm đọan sách Isaia chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu thánh hiến tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo, loan báo cho người tù đày được tự do, và cho người mù được nhìn thấy ánh sáng, giải thoát cho những kẻ bị áp bức, loan báo một năm hồng ân của Chúa”. Sau khi cuộn sách lại, Ngài lớn tiếng công bố: “Hôm nay đã ừng nghiệm lời Kinh Thánh tai quí vị vừa nghe”.

Tin vui đêm giáng sinh loan báo cho các mục đồng giờ đây được cụ thể hóa: sau ba mưoi năm ẩn dật chuẩn bị, Chúa Giê su từ nay chính thức khởi sự công cuộc giải phóng cứu độ của Ngài. Tin mừng đó cũng được thực hiện trong chính hôm nay: Thiên Chúa luôn yêu thương và quan tâm đến những người bé nhỏ, những người nghèo, những kẻ bị tù đày, những bệnh nhân và những kẻ tội lỗi. Chính vì thế mà chúng ta không run sợ khi đứng trước nhan Người, để nhận ra mình thấp hèn, nghèo khổ, đui mù và tội lỗi. Chính trong tư thế đó chúng ta có thể tiếp nhận sự giải phóng mà Chúa Giê su Ki tô mang lại và trở nên những sứ giả cho thế giới hôm nay.

Hai ngàn năm sau, sự dữ, những bất công, mọi đau khổ vẫn còn đó. Hàng ngàn người, đàn ông, đàn bà và con trẻ bị chết thảm trong những cuộc động đất, lũ lụt, sống thần kinh hoàng xảy khắp nơi trên thế giới. Những người đáng thương khác đang phải chiến đấu chống lại những chứng bệnh nan y. Và dĩ nhiên, chúng ta cũng không quên những nạn nhân của thù hằn và bạo lực của con người. Bên cạnh chúng ta, vẫn còn nhiều người đang đối đầu với những khó khăn chồng chất khiến họ không có nỗi một cuộc sống đúng phẩm giá con người. Khi nhìn thấy nhiều tai họa liên tục ập xuống, chúng ta dễ bị chao đảo, thất vọng và tự hỏi: Đâu rồi cái “ngày hôm nay” của Tin mừng mà Chúa Giê su công bố?

Để trả lời cho câu hỏi ấy, chỉ cần nhìn vào muôn vàn chứng từ sống chung quanh chúng ta và trên thế giới: Tin mừng ấy chúng ta đang thấy thể hiện trong trong làn sóng bao la những người ki tô và không ki tô đang quảng đại tiếp cứu dân trốn chạy bạo lực và thiên tai.

Và tin vui cũng đến khi chúng ta chứng kiến nhiều bệnh nhân can đảm chiến đấu với bệnh tật trên giường, khi chúng ta quảng đại chia sẻ với những người đang đói khát. Hội Thánh đang trở thành nhà vô địch trong việc cứu trợ những người nghèo. Trong suốt các thế kỉ qua, chính Hội Thánh đã mở những bệnh viện, nhà cô nhi, trại phong cùi. Và ngày hôm nay, Hội Thánh vẫn còn hiện diện ngang qua nhiều cơ quan cứu trợ công giáo, các nhà giáo dục, và những người công tác trong nhiều lãnh vực khác.

Chính vì thế chúng ta có bổn phận phải làm sao để cho Lời Chúa được thể hiện ngay chính ngày hôm nay trong những môi trường khác nhau của cuộc sống. Điều ấy chỉ có thể thành hiện thực nếu chúng ta để cho đời sống mình thấm nhuần lời Chúa để trở nên những tôi tớ trung thành. Như những người trong hội đường, chúng ta hướng mắt đăm đăm nhìn vào Chúa Giê su để tiếp nhận sứ điệp giải phóng của Ngài. Để rồi, cũng như Ngài và cùng với Ngài, chúng ta được sai đi gặp gỡ mọi người ngay nơi họ đang sống. Tin mừng ấy phải được loan báo trong các nhà thờ cũng như trong những môi trường khác nhau của cuộc sống, nơi làm việc cũng như nơi giải trí. Chính vì sứ vụ ấy mà Thánh Thần của Đức Ki tô đã được ban cho chúng ta. Hôm nay cũng như ngày xưa, Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến với những người nghèo khổ, những kẻ bị lọai trừ, những con người bất hạnh đã mất hoặc quên đi nhân phẩm của mình.

“Lạy Chúa, xin hãy nhìn dân tộc của Chúa đang qui tụ, dân tộc đang lắng nghe Chúa. Xin hãy mở tai chúng con, tâm hồn chúng con lắng nghe Lời có thể biến đổi chúng con. Và xin biến đổi chúng con thành những sứ giả của tin mừng nầy trên khắp thế giới”.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Hoàn cảnh lịch sử bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc một đưa ta về Giê ru sa lem vào khoảng năm 450 trước Công Nguyên. Cuộc lưu đày ở Babylon đã chấm dứt, Đền thờ Giê ru sa lem cuối cùng đã được tái thiết xong, cuộc sống dần ổn định. Tất cả tai ương khổ nhục đều đã đi vào quá khứ, nhưng hậu quả vẫn còn kéo dài. Dường như dân đã mất niềm hi vọng vốn là linh hồn nuôi sống dân Chúa qua nhiều cuộc thăng trầm của lịch sử.

2. HỎI: Bài đọc một có nội dung như thế nào?

THƯA: Sau nhiều năm lưu đày, lần đầu tiên toàn thể dân Chúa đã được qui tụ lại tại quảng trường để lắng nghe Kinh sư Ết ra, tổng đốc Nơ khê mia và các thầy Lê vi giải thích lời Thiên Chúa. Họ hết sức cảm động nghe Chúa phán và phủ phục thờ lạy Người, và được mời gọi vui lên trong ngày thánh hiến cho Thiên Chúa.

3. HỎI: Điều gì đã cứu dân Ít ra ên trong cơn bĩ cực?

THƯA: Thời gian thử thách thật khủng khiếp, nhưng lại rất phong phú. Họ giữ được đức tin toàn vẹn trong cuộc lưu đày giữa mọi nguy hiểm thờ bụt thần, nhưng điều quan trọng hơn là họ vẫn còn là một dân tộc và lòng nhiệt thành họ đã lớn lên. Được như vậy là nhờ vào các tư tế và tiên tri đã miệt mài trong việc mục vụ, nhất là không ngừng giúp dân đọc lại và suy niệm Kinh Thánh.

4. HỎI: Những nhân vật nào đã phục hồi dân Ít ra ên sau cuộc Lưu đầy?

THƯA: Đó là các ông Esdras và Nơ khê mia. Họ cố gắng tìm mọi cách để vực dậy tình thế, nhất là phục hồi đời sống thiêng liêng cho dân. Các yếu tố của Giao Ước vẫn còn: Đất hứa đã có; Thành thánh Giê ru sa lem, Nơ khê mia sẽ hoàn tất việc tái thiết; Đền thờ đã được xây lại; còn Lời chúa  sẽ được công bố trong cuộc cử hành vĩ đại ở ngoài trời.

5. HỎI: Thánh Luca viết lời tựa tin mừng có mục đích gì?

THƯA: Là một sử gia có khả năng văn chương, Thánh Luca theo cách viết của các nhà văn đương thời. Ngài dành những lời nói đầu tiên để cho biết mục tiêu, phương pháp cũng như đối tượng của tác phẩm. Mục tiêu là viết một trình thuật về những gì Chúa Giê su đã nói và đã làm. Phương pháp là nghiên cứu cẩn thận các nguồn thông tin để bố cục một tác phẩm hoàn hảo. Đối tượng mà ông nhắm tới là đề tặng cho ông Thêôphilô để củng cố đức tin cho ông.

6. HỎI: Lời xác nhận của Thánh Luca có giá trị không?

THƯA: Lời xác nhận của Thánh Luca thật quý giá đối với các nhà sử học. Nhờ đó mà người ta biết ngay từ lúc đầu đã có nhiều người viết những bản tường thuật ghi lại những gì Chúa Giê su đã nói và đã làm theo lời các chứng nhân thuật lại. Chính từ các tài liệu ấy, cùng với các các nguồn thông tin được trung thành truyền lại trong Hội Thánh, các tác giả sách Phúc âm đã viết các tác phẩm của mình.

7. HỎI: Messia là đấng nào?

THƯA: Messia (tên gọi Híp pri) hay Đấng Ki tô (tên gọi Hi lạp) có nghĩa là được xức dầu. Đấng Messia lúc đầu đồng nghĩa với Vua vì được xức dầu ngày được phong Vương. Việc xức dầu là dấu chỉ cho thấy chính Thiên Chúa linh hứng thường xuyên cho Vua để có thể hoàn thành sứ mạng cứu thoát dân Ngài.

8. HỎI: Sự chờ đợi Đấng Messia đã chuyển biến như thế nào ở Ít ra ên?

THƯA: Dần dần tên gọi “Đấng Thiên sai” có hai nghĩa: một là người có sứ mạng hướng dẫn cứu thoát dân Thiên Chúa. Hai là người được Thiên Chúa linh hứng, vì Thánh Thần ngự trên Ngài. Hai ý nghĩa ấy được áp dụng trước tiên cho Vua, rồi đến các tư tế, và tiên tri. Về sau, người ta gọi “Đấng thiên sai” để chỉ người được Thánh thần ngự xuống, dù không được xức dầu. Đó là trường hợp các tiên tri. Vào thời Chúa Giê su, người ta chờ đợi một vị Messia vừa là Vua vừa là tiên tri, được Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống tràn trề.

9. HỎI: Chúa Giê su phải là đấng Messia không?

THƯA: Chúa Giê su không ngừng khiến cho những người đương thời phải ngạc nhiên: Ngài đúng là Đấng Messia người trông đợi, nhưng khác xa với điều mà người trông đợi! Điều đó đã khiến Lu ca phải cẩn thận cảnh giác độc giả ngay từ đầu sách bằng cách nhấn mạnh rằng Chúa Giê su được Thánh Thần hỗ trợ, đó là dấu chỉ đặc biệt của Đấng Messia

10. HỎI: Từ “Hôm nay” có nghĩa gì?

THƯA: “Hôm nay” là từ đặc biệt của Lu ca thường dùng để nói đến ơn cứu độ được thực hiện trong suốt cuộc đời Chúa Giê su: ngày giáng sinh (2,11), chịu thanh tẩy (3,22), chữa lành người bất toại (5,26), các phép lạ và đi lên thành Giê ru sa lem (13,32-33), tha thứ cho ông Gia kêu (19,5-9), lời hứa cho người trộm lành (23,43). Qua đó, Luca đã nhìn thấy nơi sứ mạng của Chúa giê su một thời kì đặc biệt của lịch sử, một thời đại ân sủng giữa thời gian chuẩn bị trong Cựu Ước và thời Giáo hội bành trướng.

11. HỎI: Chúa Giê su tự nhận mình là Đấng Messia?

THƯA: Chúa Giê su áp dụng cho mình lời sấm Isaia 61, nhận lãnh Thánh Thần trong phép rửa như được xức dầu khởi đầu sứ mạng Messia. Tuy nhiên, Ngài là Đấng Messia khác xa với vua trần gian mà nhiều người trông đợi. Chính vì thế mà Ngài không công khai tuyên bố là Đấng Messia, mà chỉ tỏ cho nhóm môn đồ khi họ có đủ khả năng lãnh hội (9,18-21). Còn bây giờ, lúc khai mào sứ vụ, Ngài thích tự nhận là tiên tri mang đến tin mừng cứu độ.

12. HỎI: Chương trình hành động của Ngài gồm những gì?

THƯA: Qua lời tiên tri Isaia, Chúa Giê su đã cho biết chương trình hành động Ngài sắp thực hiện. Trước hết Ngài đem đến ơn cứu độ, giải phóng, soi chiếu và ủi an những người nghèo khó và bị áp bức. Như thế một năm toàn xá đã bắt đầu với việc Ngài xuất hiện. Chính trong con người của Đấng được xức dầu, Thiên Chúa đến tha nợ cho con người và giải thoát con người khỏi nô lệ sự dữ.

13. HỎI: “Năm hồng ân” có nghĩa gì?

THƯA: Năm hồng ân là năm toàn xá được định sẵn mỗi 50 năm như đã nói đến trong sách Lê vi (25,20-23). Chúa Giê su xuất hiện để khai mào cho thời kì hồng ân đã được các tiên tri loan báo.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên_Tôma Aquinô Trần Vũ Hoàng
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời chúa Lễ Thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô, giám mục_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường - Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III - lúc Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM B. NT Rosa Cẩm Hoàng
     Mùng hai Tết: ÔNG BÀ TỔ TIÊN. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     BÀI GIẢNG THÁNH LỄ MÙNG HAI TẾT CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     VIỆC LÀM VÀ LÀM VIỆC TRONG NĂM MỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO ?
     BIẾT ƠN TỔ TIÊN – ÔNG BÀ CHA MẸ
     ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI. TGM. Ngô Quang Kiệt
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM B: TÌNH YÊU VÔ GIÁ.
     TẠ ƠN VÀ CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí.
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm. Phao Lô Nguyễn văn Đông