Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

LỄ CHÚA GIÊ SU CHỊU PHÉP RỬA

chuachiupheprua.jpgKính nhớ Chúa Giê su chịu phép rửa là cơ hội tốt để chúng ta nhớ lại phép Rửa của mình. Chúng ta đã được Thanh Tẩy, và cũng như Ngài, chúng ta đã được sinh ra bởi tình yêu của Thiên Chúa Cha. Chúng ta có thực sự mở ra cho Thiên Chúa đang hiện diện trong chúng ta không? Chúng ta có cảm nhận mình được sinh ra để sống bởi Thánh Thần không? Cuộc sống hằng ngày của chúng ta có giúp chúng ta nghĩ đến phép Rửa tội của mình không?

Sách Tiên tri Isaia 40,1-5.9-1

Đoạn mở đầu sách Isaia thứ hai cho thấy Thiên Chúa hiển linh đầy vẻ oai phong. Người là đấng cứu độ và giải phóng dân ngưởi khỏi mọi áp bức ngọai bang. Người còn là vị mục tử vĩ đại lấy tình yêu qui tụ đàn chiên khỏi những kẻ chăn thuê và người lạ mặt. Trên bờ sông Gio đa nô, Chúa Giê su cũng được giới thiệu như thế.

Thánh Vịnh 104

Thánh vịnh ca tụng Thiên Chúa oai phong, đầy dũng lục. Công trình của Người thực vĩ đại. Thiên nhiên nói lên sự khôn ngoan, vinh quang và quyền năng của Người. Vì thế tác giả xin Người hãy sai Thánh Thần đến để canh tân bộ mặt trái đất.

Thư gửi Ti tô 2,11-14

Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện cho chúng ta, nhờ đó mà chúng ta được cứu độ. Vì thế chúng ta được mời gọi phải sống thánh thiện cho xứng hợp với đức tin chúng ta tuyên xưng. Đó là cách mà chúng ta đền đáp tình thưong của Người. Vì không phải công lao của chúng ta, nhưng là lòng thương xót của  Thiên Chúa đã nhờ Thánh Thần tái sinh chúng ta trong đời sống mới.

Tin mừng Lc 3,15-16.21-22

NGỮ CẢNH

Bài đọc Tin mừng ghép hai đoạn Tin mừng: 3,15-16: giới thiệu lời chứng của Gioan Tẩy giả, và đoạn 21-22 nói đến phép Rửa của Chúa Giê su.

Đoạn thứ nhất nằm trong phần nói về lời rao giảng của Gioan Tẩy giả (3,1-10) được các tác giả Tin mừng nhất lãm dùng để đưa vào đời sống công khai của Chúa Giê su. Phần nầy gồm có: khung cảnh lịch sử (3,1-2); lời loan báo vị Tiền hô theo sách Isaia (3,3-6); lược tóm lời rao giảng cho mọi người (3,7-9) và cho mọi thành phần xã hội (3,10-14); tương quan thấp hơn so với Đấng Messia (3,15-18); cuối cùng nói về việc ngài bị cầm tù (3,19-20)

Đọan thứ hai mô tả vắn tắt phép rửa của Chúa Giê su. Điểm nhấn nằm ở biến cố Thiên Chúa hiển linh.

TÌM HIỂU

Dân: đám đông ở câu 7 và 10 trở thành “dân” ở đây. Chúa Giê su biến họ thành một dân mới.

Đấng Messia: Gioan Tẩy giả khẳng định ngài không phải là đấng Messia, bởi vì ngài chỉ là người Tiền Hô (x. Cv 13,25; Ga 1,19-28).

Quyền thế hơn tôi: quyền năng là một ưu phẩm của Thiên Chúa. “Đức Chúa mạnh mẽ oai hùng. Đức Chúa oai hùng khi xuất trận” (Tv 24,8). Chúa Giê su sẽ mạnh mẽ hơn ma quỉ (11,32).

Toàn dân: phóng đại nhằm ám chỉ Hội Thánh, dân mới của Thiên Chúa, được qui tụ với Chúa Giê su trong cùng một phép Rửa.

Cầu nguyện: lần đầu tiên Luca nói đến việc Chúa Giê su cầu nguyện, và sẽ được lặp lại nhiều lần trong tin mừng (x.6,12). Qua lời cầu nguyện, Chúa Giê su cùng lúc liên kết với một dân tội lỗi đang sám hối và với Cha đã sai Ngài đến hoàn ý muốn của Người.

Thánh Thần ngự xuống: Bây giờ Chúa Giê su nhận được Thánh Thần, Ngài đã được cưu mang bởi Thánh Thần (1,35), rồi Ngài sẽ nhận được Thánh Thần từ Chúa Cha khi được nâng lên bên hữu Cha (Cv 2,33). Vào những giây phút quan trọng trong cuộc đời, Ngài lại nhận được Thánh Thần cho sứ vụ.

Luca coi biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê su như “xức dâu” cho Ngài, tấn phong Ngài làm “Đấng được xức dầu”.

Dưới hình dáng: kiểu nói cho thấy sự khó khăn khi muốn so sánh Thần Khí với một hiện tượng khả giác. Luca cũng mô tả một cách dè dặt như thế các lữoi “như lửa” đậu xuống trên các tông đồ ngày Hiện Xuống (Cv 2,3).

Một thời đại mới khai mào: Thánh Thần ngự trên Đấng Messia (4,18) và chim câu chỉ là dấu chỉ khả giác (xem lời tuyên bố khác rõ ràng của Gioan Tẩy giả trong Ga 1,32-34).

Chim bồ câu: hình ảnh chim câu hướng độc giả đến sứ mạng của tình yêu, yếu đuối, hi tế nơi Chúa Giê su.

Tiếng: nhiều bản ghi lại ở đây tiếng lấy từ tin mừng Mác cô và Mát thêu.

Con là con yêu dấu của Cha: đấng phán ra lời nầy là đấng mà Chúa Giê su đang ngỏ lời cầu nguyện, mà Ngài gọi là Cha. Cha đáp lại lời cầu nguyện của Ngài bằng một lời tấn phong Ngài làm vua mượn từ Tv 2,7: “Con là Con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con”. Việc tấn phong nầy hoàn toàn xứng hợp với Chúa Giê su: Luca đã nói rằng Ngài sẽ làm vua (1,33), và sẽ “được gọi là Con đấng Tối Cao” (1,32). Ở đây, kiểu nói nầy có một ý nghĩa còn sâu xa hơn nữa, vì tương quan giữa Chúa Giê su và Thiên Chúa là tương quan độc nhất. Tương quan nầy được diễn tả trong câu “Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Luca áp dụng câu nầy vào sự sống lại của Chúa Giê su trong một câu nói của Phao lô (Cv 13,33), và coi biến cố Chúa Giê su chịu phép rửa là mầm giống và loan báo cho sự sống lại.

SỨ ĐIỆP

Tin mừng chủ nhật hôm nay loan báo cho chúng ta một tin vui trọng đại. Chúng ta thấy Gioan Tẩy giả mời gọi đám đông chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối. Ông khuyên nhủ họ thanh tẩy tội lỗi mình để xứng đáng lãnh nhận Đấng sẽ thanh tẩy họ “trong Thánh Thần và trong lửa”. Ngang qua tất cả những người ấy, Thánh Luca mời gọi chúng ta nhìn ra đám đông những tội nhân trong suốt các thế kỉ, khao khát được thanh tẩy. Dù nhiều khi vô thức, nhưng lúc nào họ cũng ước mong được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Và đây Chúa Giê su đến xin lãnh nhận phép rửa do Gioan Tẩy Giả thực hiện, dù Ngài không có tội để được tha thứ. Ngài đến với Gioan Tẩy giả, chính là để gia nhập vào đòan người tội lỗi đang cầu khẩn Thiên Chúa tha thứ cho họ. Ngài hòa nhập với họ, để tỏ ra liên đới với họ. Khi lãnh nhận phép rửa ấy, Đấng không hề có tội dìm mình vào trong dòng nước vẫn đục vì tội lỗi con người để tẩy sạch bằng cách chạm đến nó. Rồi từ dòng sông đi lên, Ngài gánh lấy tất cả tội lỗi con người. Ngài muốn lôi kéo chúng ta đi theo Ngài để biến chúng ta thành một dân tộc con Thiên Chúa.

Sau khi chịu phép rửa, Chúa Giê su cầu nguyện, toàn tâm toàn ý hướng về Thiên Chúa. Bằng cách ấy, Ngài chỉ cho chúng ta con đường sám hối đích thực. Ngài lôi kéo chúng ta vào trong cuộc đàm thoại thân ái đầy tình phụ tử với Cha. Sám hối, tức là rời xa khỏi bản thân mình và quay hướng về Thiên Chúa. Sám hối như thế không chỉ được thực hiện một lần thôi, nhưng cần phải bắt đầu lại mỗi ngày cho đến cuối đời chúng ta. Tuy nhiên, trong cuộc hành trình hướng đến Thiên Chúa, chúng ta không đi một mình, nhưng luôn có Đức Ki tô ở với chúng ta để hướng dẫn và dạy chúng ta liên kết với lời cầu nguyện của Ngài.

Bài tin mừng hôm nay còn tiếp tục với một biến cố lạ lùng xảy ra trong khi Chúa Giê su cầu nguyện, “trời mở ra”. Điều đó có ý nghĩa gì? Những ai đã quen thuộc Thánh kinh đều biết đến lời cầu nguyện thời danh của tiên tri Isaia được ghi lại trong Cựu Ước: “A! phải chi Chúa xé trời và ngự xuống!”(Is 63,19). Thế là hôm nay, lời van xin ấy được thực hiện; trời xé ra; tiếng của Thiên Chúa phán xuống; những tương quan mới giữa trời và đất được thực hiện. Với Chúa Giê su, đám đông tội nhân đã trở thành dân Thiên Chúa; Thánh Thần phát động lời kinh của Ngài, thì bây giờ hướng dẫn lời kinh của chúng ta. Từ nay, trong Chúa Giê su, Thiên Chúa có thể nhìn nhận chúng ta là con của Người.

Vấn đề là hiện giờ chúng ta có cảm tưởng là cửa trời lại đóng. Sự im lặng của Thiên Chúa đè nặng trên những khốn khổ trần gian, bệnh tật, thiên tai, và bạo lực ập xuống trên những người vô tội. Rồi những lời cầu xin trong nước mắt dường như không được trả lời. Chính vì thế mà chúng ta phải trở về với tin mừng hôm nay: nếu Chúa Giê su đã muốn dìm mình vào trong thế giới đau khổ là để đi vào trong tình yêu thúc đẩy Ngài hướng về Thiên Chúa và anh em mình. Ngài cũng chờ đợi chúng ta làm như thế. Ngài muốn sử dụng đôi mắt của chúng ta, đôi tay của chúng ta và trái tim của chúng ta để cùng với Ngài làm việc xây dựng một thế giới công bằng hơn và huynh đệ hơn, một thế giới con cái của Thiên Chúa.

Việc Chúa Giê su dìm mình chịu phép rửa có nghĩa là Ngài dìm mình trong bản tính nhân lọai của chúng ta với gánh nặng tội lỗi, đau khổ và sự chết. Ngài mang lấy bản tính nhân lọai còn hằn bao vết thương do tội lỗi gây nên. Chính Thiên Chúa hạ cố đến tận thân phận tro bụi của con người.

Rồi sẽ đến một ngày, Chúa Giê su quì gối trước các môn đệ để lau chân họ sạch bụi trần Như thế, Đức Ki tô vẫn không đổi thay, Ngài vẫn tiếp tục dìm mình trong nhân tính của chúng ta để đặt nơi đó tình yêu của Cha. Và qua chúng ta Ngài muốn tiếp tục đi tới tất cả mọi người.

Trong Bí tích Thanh tẩy ki tô giáo, chính chúng ta được dìm mình trong tình yêu của Thiên Chúa. Trong phép rửa, trời vẫn luôn rộng mở cho chúng ta. Chỉ cần chúng ta tiếp nhận Chúa Giê su trong cuộc đời chúng ta. Ngài không tiêu diệt sự ác, đau khổ hay sự chết, nhưng tước lấy quyền nói tiếng nói cuối cùng. Thế gian nầy, đầy dẫy những vết thương gây ra bởi bao sự nghèo khó, bạo lực, chiến tranh và tai ương, nhưng được Thiên Chúa yêu thương vô cùng. Chính vì tình yêu ấy mà Người đã sai Con một mình đến đế lôi kéo chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu.

Ước gì Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta ơn sủng Thanh Tẩy, và làm cho niềm vui đức tin luôn luôn chiến thắng những nghịch cảnh, nghi nan và thất vọng trong cuộc đời chúng ta.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Nội dung bài đọc 1 như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ sách “An ủi” gồm các chương 40 đến 55 sách tiên tri Isaia. Phần nầy là những lời an ủi dân Ít ra ên kiên trì chịu đựng thử thách trong cuộc sống lưu đày ở Babylon. Vị tiên tri vui mừng loan báo cho họ biết thời kì nô lệ sắp chấm dứt và mời gọi họ hãy chuẩn bị một con đường trong sa mạc để chào đón Thiên Chúa đến viếng thăm. Ngài sẽ đến như người chiến thắng và chăm sóc đàn chiên của Ngài như Vị Mục Tử nhân lành.

2. HỎI: Lời sấm ấy có ý nghĩa gì đối với Gioan Tẩy giả?

THƯA: Khoảng 5, 600 năm sau, khi nhìn thấy Chúa Giê su đến bờ sông Gio đa nô chịu phép rửa, Gioan đã nghe vang vọng lại lời sấm ấy và tin rằng: Ngài chính là đấng đến để qui tụ đoàn dân cho Thiên Chúa Cha. Ngài sẽ biến đổi những con đường gồ ghề của con người thành những con đường tràn ngập ánh sáng. Ngài sẽ hồi phục phẩm giá cao quí cho dân Chúa. Ngài là đấng tỏ ra vinh quang Thiên Chúa. Như thế, thời tiên tri đã chấm dứt vì từ nay chính Thiên Chúa ngự giữa chúng ta.

3. HỎI: Các sách tin mừng nhất lãm kể lại phép rửa của Chúa Giê su như thế nào?

THƯA: Các sách tin mừng nhất lãm (Mát thêu, Mác cô và Luca) đều kể lại biến cố Chúa Giê su chịu phép rửa, nhưng mỗi người theo cách riêng của mình. Lu ca bắt đầu câu chuyện bằng cách ghi nhận rằng lúc bấy giờ cả dân chúng cũng chịu phép rửa. Đặc biệt hơn hết, chỉ có ông cho biết khi Chúa Giê su cầu nguyện thì trời mở ra. Qua chi tiết ấy, ông muốn nói rằng Chúa Giê su là người giống như mọi người, nhưng đồng thời luôn kết hiệp với Cha của Ngài.

4. HỎI: Phép rửa do Gioan Tẩy cử hành là phép rửa gì?

THƯA: Đó là phép rửa cánh chung. Qua đó, ông công bố cho mọi người biết thời cuối cùng bắt đầu cùng với việc Đấng Messia xuất hiện, và mời gọi mọi người sám hối để hoán cải và chuẩn bị lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi.

 5. HỎI: “Trời mở ra” có nghĩa gì?

THƯA: “Trời mở ra” cho thấy điều mà người ta trông chờ sẽ xuất hiện vào ngày cánh chung thì nay đã được thực hiện: “A! Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, để núi đồi run khiếp trước nhan Thánh Nhan ” (Is 63,19). Trời mở ra quả thật là một biến cố quyết định: Chúa Giê su là nơi Thiên Chúa xuất hiện trên trái đất nầy, nhờ đó sự thông hiệp giữa trời và đất được tái lập.

6. HỎI: “Chúa Thánh Thần ngự xuống” có nghĩa gì?

THƯA: Việc cả bốn tin mừng đều nói đến việc Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim câu cho thấy chi tiết ấy là rất quan trọng. Trong Cựu Ước, ngày từ đầu lúc sáng tạo: “Thần khí Thiên Chúa bay là là trên mặt nước” (Stk 1,2). Và giờ đây trong biến cố Chúa Giê su chịu phép rửa, Thánh Thần lại xuất hiện ngự xuống trên Ngài. Do đó, chúng ta đang đứng trước một thời đại mới, một tạo dựng mới, một giao ước mới.

7. HỎI: Chúa Thánh Thần hiện diện vào những lúc nào trong cuộc đời Chúa Giê su?

THƯA: Trước tiên, Chúa Giê su được thành thai trong lòng Thân mẫu bởi phép Chúa Thánh Thần (1,35). Kế đến trong khi chịu phép Rửa. Và sau cùng, Ngài sẽ lãnh nhận Thánh Thần từ Chúa Cha khi được đặt ngồi bên hữu Người (Cv 2,33). Trong những thời khắc quan trọng, Chúa Giê su chiếm hữu Chúa Thánh Thần một cách mới mẻ.

8. HỎI: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê su có ý nghĩa gì?

THƯA: Dựa vào lời sấm Isaia 61,1 cộng đoàn tín hữu sơ khai tin rằng Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê su khi Ngài chịu phép rửa là việc xức dầu hiến thánh Ngài, phong nhậm Ngài làm Đấng Thiên Sai (x. Lc 4,18; Cv 10,37-38).

9. HỎI: Lời phát xuất từ trời: “Này là Con Ta yêu dấu, hôm nay Ta sinh ra con” có ý nghĩa gì?

THƯA: Đó là lời trích dẫn Thánh vịnh 2,7 được hát trong ngày Phong Vương. Lời ấy cho thấy tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa gọi Vua Ít ra ên là con và tin tưởng đặt làm người thay mặt Ngài cai trị dân. Khi áp dụng cho Chúa Giê su, Thánh Luca đã coi phép rửa chính là lễ phong Ngài làm Vua và đấng Thiên sai.

10. HỎI: Phép rửa của Chúa Giê su có ý nghĩa gì?

THƯA: Có những ý nghĩa sau đây:

1. Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa để tỏ tình liên đới với người tội lỗi, và như thế mở đầu cho biến cố đánh dấu sự hoàn thành Phép Rửa đẫm máu hy sinh mà Ngài phải chịu để hoàn tất sứ mệnh của mình (Mc 10,38).

2. Chúa Giêsu được xức dầu trở thành Đấng Thiên sai, con yêu dấu của Chúa Cha (Mc 1,10-11), Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài giống như hình dạng một chim câu từ trời, và ở lại với Ngài (Ga 1,32).

3. Điều này biểu hiện sức mạnh sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa:  được đầy tràn Chúa Thánh Thần và được xức dầu làm Đấng Cứu Thế, Chúa Giê su có thể hoàn thành sứ vụ cứu độ của Ngài: giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và khôi phục lại chủ quyền của Thiên Chúa.

11. HỎI: Thánh Luca đã cho thấy lời cầu nguyện của Chúa Giê su như thế nào?

THƯA: Theo Thánh Luca, cuộc đời Chúa Giê su là một cuộc đời hiệp thông với Thiên Chúa Cha qua lời cầu nguyện: sau khi chữa người phung cùi, Ngài tránh đám đông, trốn lên núi cầu nguyện ( Lc 5,16); suốt đêm trước khi tuyển chọn mười hai tông đồ (6,12); sau khi hóa bánh ra nhiều (9,18); trong cuộc hiển dung (9.28.29); trước khi dạy các môn đồ kinh Lạy Cha (11,1); trước cuộc khổ nạn (22,32.41.44).

12. HỎI: “Hiển linh” là gì?

THƯA: “Hiển linh” dịch từ epiphania, bởi động từ Hy lạp epiphaino có nghĩa là “tỏ cho thấy”. Trong Hy Lạp cổ điển, thuật ngữ này được sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau, đặc biệt trong lãnh vực quân sự. Nó chỉ sự xuất hiện đột ngột và bất ngờ của đối phương có thể quyết định số phận của trận đánh. Cùng với ý nghĩa quân sự, Epiphania cũng chỉ sự xuất hiện trợ giúp của thần linh.

13. HỎI: Chỉ trong Kitô giáo mới có lễ Hiển Linh?

THƯA: Không, từ nhiều thế kỷ trước Kitô giáo, người ta thấy đã có lễ Hiển Linh trong nhiều thành phố Hy Lạp, hay còn gọi là: “ ngày Thần Apollo đến” tổ chức vào mùa Xuân hoặc đầu mùa Hè. Dionysiô được coi là vị Thần Hiển linh số một vì ban vô số kinh nghiệm xuất thần để khen thưởng những kẻ hết lòng thờ phượng mình.

14. HỎI: Trong Cựu Ước, chúng ta có tìm thấy từ Hiển linh không?

THƯA: Có, trong bản dịch Hy Lạp của Cựu Ước, từ được dùng theo nghĩa quân sự chỉ lực lượng cứu viện xuất hiện.

15. HỎI: Còn trong Tân ước, từ ấy được dùng trong những ngữ cảnh nào?

THƯA: Nó chỉ được dùng với ý nghĩa tôn giáo, và hầu như luôn chỉ sự quang lâm (= xuất hiện vào lúc cuối thời gian) của Chúa Kitô, như: “Chúa Giêsu sẽ tên diệt gian ác khi Ngài quang lâm” (2 Tx 2,8).

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH. Lm. Jos. Trần Quốc Thắng
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH. Giuseppina Nguyễn Thị Minh Tứ
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH. Mai Đệ Liên
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH. Nữ Tỳ Thánh Thể
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN LỄ CHÚA HIỂN LINH NĂM C. Nt. Maria Chinh Anh, OP.
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH C.Nhiều tác giả
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH. Lm. Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY ĐẦU THÁNG. Lm Đaminh Đỗ Hữu Nam
     LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA.Nt. Maria Anh Thư, OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH: LỄ THÁNH GIA. Nhiều tác giả