THÁNH GIA THẤT – GIA ĐÌNH SỐNG ĐỨC TIN
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Kính thưa quý OBACE, cách riêng là các gia đình,
Nhìn vào đời sống của các gia đình hôm nay, nhiều người không khỏi e ngại vì thấy hơn lúc nào hết, gia đình đang gặp rất nhiều vấn đề, sự đổ vỡ gia tăng, gia đình không hạnh phúc, mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, tiền bạc, công việc và các lối sống tiêu cực đang ảnh hường và len lỏi vào trong các gia đình, khiến cho nhiều gia đình trở thành lạnh lẽo, và cuộc sống chung trở thành một gánh nặng đè lên mọi thành viên, và vì các thành viên không có được kinh nghiệm về một gia đình hạnh phúc xum họp ấm cúng, vì thế sau này họ cũng không biết phải xây dựng gia đình mình theo khuôn mẫu nào.
Hôm nay ngày lễ Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, đây thực sự là một gia đình thánh, gia đình hạnh phúc và là khuôn mẫu cho các gia đình, vì gia đình này có một thứ mà nhiều gia đình ngày nay không có đó là đời sống đức tin của cả gia đình. Các gia đình ngày nay có nhiều thứ, từ nhà cửa, đến tài sản, công việc, nhưng có một thứ họ đang bị thiếu trầm trọng đó là nền tảng đời sống đạo đức, đời sống đức tin và tình yêu trong gia đình, và chỉ khi có yếu tố nền tảng này thì một gia đình mới thực sự là gia đình hạnh phúc êm ấm thuận hòa.
Lời Chúa của ngày lễ hôm nay giới thiệu cho chúng ta hình ảnh của các gia đình đã sống đức tin như thế nào? Trước hết là gia đình của bà Anna mẹ tiên tri Samuel – một gia đình tin tưởng Thiên Chúa qua sự cầu nguyện: Bà Anna đã lớn tuổi mà không có con, đêm ngày bà chỉ biết cầu xin Thiên Chúa thương cất đi sự tủi hổ của một người phụ nữ để ban cho bà một đứa con. Bà cầu nguyện đêm ngày và cậy trông kiên trì đến độ những người chung quanh thấy bà quỳ cầu nguyện nhiều như thế thì cho rằng bà bị điên. Trước sự cậy trông kiên trì, Thiên Chúa đã thương nhận lời và ban cho bà một đứa con trai lúc tuổi đã lớn, bà đặt tên cho đứa trẻ là Samuel, bà xác tin rằng: Tôi đã cầu xin và Thiên Chúa đã ban cho tôi như thế.
Câu chuyện trong bài đọc một cho thấy gia đình bà Anna là gia đình biết sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Tâm tình tạ ơn này được thể hiện bằng việc hai ông bà trung thành với việc thờ phượng tế tự Thiên Chúa, bằng việc dâng của lễ thường niên như Chúa truyền; Khi nhận ra đứa con là quà tặng của Thiên Chúa, thì hai ông bà đã chuẩn bị lễ vật và đem con mình đến đền thờ Thiên Chúa để dâng của lễ tạ ơn Ngài. Cùng với của lễ tạ ơn này, bà Anna còn dâng trọn đứa con của mình cho Chúa để nó thuộc về Thiên Chúa; Và vì nó đã thuộc về Thiên Chúa, nên khi nhận lại đứa trẻ, bà đã nuôi đứa bé như thể nó là của Thiên Chúa. Có lẽ tâm tình thái độ này của gia đình bà Anna nhiều gia đình ngày nay đã không có được như thế.
Tấm gương sống đức tin của gia đình thứ hai đó là gia đình của Maria và Giuse. Gia đình này, trước tiên không phải là một gia đình giàu có, cũng không có một vị trí xã hội nào, họ bình thường như nhiều gia đình khác, vì thực tế, họ chỉ đủ tiền dâng của lễ bằng một đôi chim bồ cầu mà thôi. Mặc dù là một gia đình được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng Thiên Chúa cũng không miễn trừ cho gia đình này khỏi những thử thách sóng gió. Có thể nói cuộc hôn nhân của Giuse Maria đã gặp thử thánh ngay thừ phút đầu tiên, tưởng rằng gia đình sẽ đỗ vỡ vì sự nghi ngờ, rồi kế đến là cảnh nghèo đeo bám gia đình này và nhiều lúc cũng làm cho Giuse Maria chao đảo. Không chỉ những lý do bên ngoài đưa đến, như việc họ phải vất vả lên đường về quê, lúc sinh con mà không có nơi nương nhờ, kế đến lại phải lánh nạn vì sự nguy hiểm đang đe dọa tính mạng con mình, và những lý do đến từ bên trong gia đình, chẳng hạn, “do sự lơ đễnh” họ đã để lạc mất đứa con mấy ngày…, những lúc như thế họ đã làm gì?
Trước hết cả hai người đều có một đời sống đại đức thực sự sâu xa, trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ không hề càm ràm trách móc nhau, nhưng trước tiên họ tìm đến với việc cầu nguyện để nhận ra ý Chúa: Giuse khi thấy bạn mình có thai chắc chắn không phải là của mình, thay vì làm lớn chuyện, ông đã âm thầm xin rút lui, để cho Thiên Chúa xếp đặt, đến khi chỉ cần một dấu chỉ trong giấc mộng, ông đã nhận ra tiếng nói và lời mời gọi của Thiên Chúa: nhận Maria về nhà làm bạn mình, và không một chút lăn tăn gì nữa. Maria cũng thế, trước những biến cố dồn dập xảy đến cho mình, và việc sinh con trong cảnh cô đơn buồn tủi như thế, rồi các mục đồng đến viếng thăm… Đức Maria không hề than thân trách phận, cũng không đòi hỏi một ưu tiên nào, mà chỉ biết ghi nhận các biến cố xảy ra để suy niệm và cầu nguyện, chính thói quen đạo đức đó đã giúp cả hai ông bà vượt qua khó khăn thử thách.
Từ nếp sống đạo đức cá nhân, hai ông bà Giuse và Maria đã xây dựng nên một nếp sống đạo đức cho cả gia đình mới của mình: Tin Mừng cho thấy, mặc dù là nghèo, chỉ là những người di dân trên quê hương của mình, hai ông bà vẫn ưu tiên cho việc thờ phượng Thiên Chúa, chu toàn giới răn lề luật Chúa truyền, hai ông bà đã đem con của mình dâng cho Thiên Chúa như lề luật đã dạy; và dù ở tận Nazareth, cách xa Girusalem cả trăm cây số, vậy mà tác giả Thánh Kinh đã ghi nhận: Hàng năm cha mẹ Đức Giêsu có thói quen lên Giêrusalem vào dịp lễ vượt qua. Chính thói quen đạo đức này nó thể hiện đời sống đức tin của gia đình Giuse Maria, hai ông bà đã tạo nên được một thói quen đạo đức tốt lành một nếp sống đạo cho con cái của mình, không phải bằng lời nói mà bằng việc làm và sự chuyên chăm của cả hai ông bà, cũng từ thói quen đạo đức này đã hình thành nên thói quen vào Hội đường mỗi ngày Sabat của đức Giêsu mà sau này Thánh Kinh đã ghi nhận.
Thưa quý OBACE, nhìn vào đời sống của các gia đình thánh, đặc biệt là gia đình của Giuse và Maria, để chúng ta soi rọi lại đời sống đức tin, đời sống đạo của gia đình chúng ta. Có khi nào chúng ta tự hỏi tại sao gia đình của mình cứ lục đục hòai, hết chuyện này đến chuyện khác? Tại sao gia đình mình không được êm ấm vui vẻ như những gia đình khác? Tại sao con cái nhà mình không chăm ngoan như con cái nhà người khác?
Có nhiều gia đình xây những căn nhà thật đẹp và đầy đủ tiện nghi, không thiếu thứ gì, nhưng chỉ thiếu có một điều đó là đời sống đạo đức của các thành viên và của cả gia đình, chính vì thế mà gia đình cứ lạnh lẽo, cãi vã lục đục. Dựa vào Lời Chúa hôm nay cùng với tấm gương của gia đình Thánh Gia, trước hết trách nhiệm của các bậc cha mẹ cần xem lại và nhìn thẳng vào vấn đề của gia đình mình, đừng bỏ qua những lỗ hổng trong gia đình vì từ lỗ hổng ấy mà chính mình và con cái mình sẽ bị thụt chân, cũng đừng dựa vào sư bận rộn và sự vất vả của cơm áo gạo tiền mà bỏ qua đời sống đạo đức của bản thân và gia đình. Các bậc cha mẹ sẽ phải giáo dục đời sống đức tin cho con cái bằng chính gương sống của mình: cha mẹ lười biếng thì con cái lười biếng, cha mẹ khô khan thì con cái nguội lạnh, cha mẹ bất hòa thì con cái lục đục; Ngược lại cha mẹ siêng năng thì con cái chăm chỉ, cha mẹ nhiệt thành với Chúa và giáo Hội thì con cái cũng sẽ như thế.
Ngày hôm nay một số gia đình trong giáo xứ mừng kỷ niệm 60 năm, 40 nằm, 30 và 25 năm ngày thành hôn- Những dịp như thế này là để cả gia đình cùng nhìn lại chặng đường đã qua để cùng nhau cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa. 20 năm và kể cả 60 năm không phải là dài so với lịch sử nhân loại, nhưng trong đời sống hôn nhân, thì con số năm như thế đã là cả cuộc đời con người, đón nhận nhau, chịu đựng nhau, chia vui sẻ buồn với nhau, cùng nhảy vượt qua biết bao sóng gió. Đồng thời đây cũng là dịp để mỗi gia đình điều chỉnh lại và làm mới lại tình yêu và đời sống gia đình của mình, có thể trong những năm qua, cuộc sống và thói quen đã làm cho vợ chồng không còn quan tâm đến nhau cho đủ, cũng có thể vì mải mê công việc mà mỗi người quên việc xây dựng đời sống đạo đức của bản thân và gia đình cũng như việc giáo dục con cái, thì ngày kỷ niệm này là dịp để mỗi gia đình bắt tay vào sửa chữa điều chỉnh lại.
Đây cũng là dịp để mỗi gia đình có cho mình một kế hoạch, một quyến tâm điều chỉnh những gì còn bất ổn bất hòa trong gia đình, trang hoành cho gia đình nhiều niềm vui nhiều nụ cười và sự cảm thông hơn, để mọi thành viên luôn cảm nhận được gia đình mình thực sự là một gia đình hạnh phúc như gia đình của Chúa Giêsu Đức Mẹ và Thánh Giuse. Amen
LỄ THÁNH GIA C
HÃY TRỞ NÊN MỘT THÁNH GIA KHÁC
Lm Paul NGUYỄN NGUYÊN
Đã từ lâu, đời sống gia đình đã được mặc cho những cái tên thật là kêu: “Gia đình là đơn vị nền tảng xã hội”; “Gia đình là ngôi trường đầu tiên của con người”. Gia đình là một tế bào sống động của xã hội và Giáo Hội, là nơi cung cấp cho xã hội những công dân tài năng và lương thiện, cho Giáo hội những tín hữu nhiệt thành và anh dũng. Chính tại nơi đây, con người được sinh ra, nuôi dưỡng và học được nơi cha mẹ, là những người thầy đầu tiên, những bài học quan trọng về nhân cách và các nhân đức. Chính tại nơi đây, con cái được “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Thế nhưng, những ngôn từ mĩ miều ấy ngày hôm nay có còn được nhắc đến nữa không, hay xã hội đang rung lên một hồi chuông báo động để cảnh báo về sự tụt dốc của đời sống gia đình: con số các gia đình đổ vỡ cứ gia tăng đến chóng mặt vì giữa giòng đời hôm nay vẫn còn đó những người chồng, người cha đang bê tha rượu chè, đang ngoại tình lang chạ, đang đánh mất niềm tin với Thiên Chúa nên cũng bỏ bê gia đình. Giữa giòng đời hôm nay vẫn còn đó những người vợ đang bất tín, bất trung, đang thiếu trách nhiệm và hy sinh cho gia đình, vì họ không còn niềm tin nơi Chúa nên cũng chẳng còn hy sinh cho nhau. Giữa giòng đời hôm nay, vẫn còn đó những người con đang lao vào những danh lợi thú trần gian mà lãng quên tình Chúa nên cũng xem thường tình nghĩa mẹ cha.
Trong ngày lễ Thánh Gia, Giáo Hội kêu mời chúng ta suy tư nghiêm chỉnh, trở lại ý nghĩa cuộc sống gia đình và cũng đề nghị với chúng ta một mẫu gương. Đó là mẫu gương tổ ấm yêu thương của gia đình Nagiarét, gia đình của Chúa Giêsu với Mẹ Maria và Thánh Giuse.
Khi nghĩ hay nói đến gia đình Nadarét, nhiều người chúng ta chỉ nghĩ đến sự vinh quang và đời sống thánh thiện của ba thành viên của gia đình ấy, mà quên bẵng đi những nỗi vất vả và khổ đau, những thử thách cam go mà ba Đấng ấy đã phải gánh chịu. Vì thế mà chúng ta không thấy được sự gần gũi và tương đồng giữa gia đình Thánh Gia và gia đình chúng ta. Nếu chỉ nhìn vào sự thánh thiện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse làm sao chúng ta noi gương bắt chước cho được? Nhưng nếu chúng ta nghĩ đến cảnh Thánh Giuse thấy người bạn đời của mình có thai ngoài kế hoạch của hai người hay cảnh Thánh Giuse không tìm được chỗ trọ cho Đức Maria ở Bêlem khi giờ sinh ra đã gần kề hay cảnh Con Trẻ mới sinh được đặt trong máng cỏ là chốn náu thân của đàn gia súc, hay cảnh hai ông bà đem con chạy trốn khỏi sự lùng bắt giết hại con trẻ của nhà vua thì chúng ta thấy gia đình Nadarét đã trải qua những khoảnh khắc nghiệt ngã giống như những cảnh huống đời thường của gia đình chúng ta ngày nay. Hoặc nếu chúng ta hình dung cảnh lao động vất vả của hai cha con người thợ mộc là Thánh Giuse và Chúa Giêsu trong thôn xóm nhỏ bé Nazareth thì chúng ta thấy cảnh lao động của các ngài cũng giống hệt như cảnh lao động của hàng triệu triệu con người trong xã hội chúng ta. Hoặc nếu chúng ta nghĩ đến cảnh Chúa Giêsu xuất hiện công khai, rao giảng Nước Chúa, nay đây mai đó, lang thang khắp xóm khắp làng, đi hết đầu đường xó chợ... để tìm kiếm chiên lạc và đem chúng về thì chúng ta thấy Chúa vất vả cực khổ hơn các nhà giảng đạo ngày nay bội phần. Nhất là cảnh Đức Maria đi bên cạnh Con trên đường lên Golgotha và thấy Con ngã lên ngã xuống dưới sức nặng của thập gía và rồi cảnh Mẹ đứng lặng bên chân thập giá mà Con Mẹ bị treo trên đó, thì chúng ta mới thấy cảnh ấy khủng khiếp kinh hoàng như thế nào đối với một người phụ nữ làm Mẹ.
Vậy đó, cuộc sống của gia đình Thánh gia không phải là một cuộc sống bình yên, sung sướng; ngược lại, ta thấy những khó khăn cực nhọc, những đe dọa, những truân chuyên. Nhưng đó vẫn luôn là một gia đình thánh, tràn đầy hạnh phúc và tình yêu, bởi vì cuộc sống đó luôn được dẫn dắt bởi Thánh Ý Chúa; bởi vì thánh Giuse và Đức Mẹ là những người luôn sống trong ân nghĩa với Chúa. Trong chúng ta cũng vậy có nhiều người, nhiều gia đình phải sống những hoàn cảnh khắt khe nghiệt ngã, nhưng có lẽ chưa có ai, chưa có gia đình nào phải sống những cảnh mà Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu đã sống. Xin Chúa giúp chúng ta qua mẫu gương của gia đình thánh gia, biết đặt thánh ý Chúa làm quy luật duy nhất và nền tảng cho đời sống cá nhân và gia đình chúng ta. Nhờ vậy, mỗi gia đình Công giáo chúng ta sẽ trở nên “một Thánh gia khác”, một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất để làm chứng về sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.