LỄ THÁNH GIA
Một gia đình chỉ tìm được ý nghĩa trong cuộc sống hướng về Thiên Chúa. Khi giới thiệu Thánh Gia cho chúng ta, Phụng vụ đặt cho chúng ta câu hỏi: đâu là Gia đình Thực sự.
Sách 1 Samuel 1,20-22.24-28
Chúng ta thấy cha mẹ của Samuel thực hiện bổn phận đi trình diện con mình cho Chúa và dâng hiến cho Người bởi vì, nói cho cùng, đứa bé không thuộc về họ. Để đứa con có thể yêu thương và tự hiến sau nầy, nó cần phải được cưu mang trong tình yêu, được lớn lên trong tình yêu, được cảm nghiệm bầu khí yêu thương chung quanh nó. Sứ điệp cần phải gửi đến cho các gia đình thế giới trong ngày chủ nhật hôm nay chính là sứ điệp tình yêu.
Thánh Vịnh 83
Có những lúc trong cuộc sống, gia đình của chúng ta thiếu vắng tình yêu, sự dịu dàng và hiểu biết lẫn nhau. Cùng với tác giả thánh vịnh, chúng ta hãy xin Đấng là Tình yêu đổ tràn tình yêu cho gia đình chúng ta.
Thư 1 Gioan 3,1-2.21-24
Thánh Gioan nói với chúng ta về gia đình con cái Thiên Chúa và mời gọi chúng ta tiếp tục cố gắng trong bản thân mình để cải thiện các mối tương quan của chúng ta với người khác.
Tin mừng Lc 2,41-52
NGỮ CẢNH
Trình thuật trung gian giữa thời thơ ấu của Chúa Giê su và sứ vụ công khai của Ngài cũng được đặt trong đền thờ Giê ru sa lem, vốn là chủ đề ưa thích trong Tin mừng Luca (x. Lc 1,9; 24,53). Có thể coi đây là câu chuyện bổ sung các câu truyện về thời thơ ấu của Chúa Giê su mà thánh Luca muốn cung cấp cho độc giả hầu mang lại một tia sáng mới soi chiếu vào mầu nhiệm Chúa Giê su. Nhưng ở đây, chính Chúa Giê su là tác giả. Trình thuật kể lại cuộc hành hương lên đền thờ Giê ru sa lem (2, 41-42), việc lạc mất Chúa Giê su (2, 43-45), việc tìm ra Ngài và cuộc đối thoại lạ lùng giữa Chúa Giê su và cha mẹ Ngài (2, 47-50); việc Chúa Giê su trở về Nagiarét và câu điệp khúc nói về sự trưởng thành của Ngài (2,51-52) đã được tác giả Luca dùng để khép lại trình thuật. Hậu cảnh của trình thuật nầy cũng như trình thuật dâng con, chúng ta có thể tìm thấy trong lời tiên tri Ma la ki 3,1-4.
TÌM HIỂU
Lễ Vượt Qua: là một đại lễ của người Do Thái, họ qui tụ lại để mừng kỷ niệm cuộc giải phóng của họ: Chúa Giê su, trong bản thân Ngài đã mở rộng đại lễ theo chiều kích phổ quát và vĩnh cửu. Trên nền tảng của khung cảnh của lễ Vượt qua cũ, bằng lối hành xử riêng của mình, Chúa Giê su loan báo lễ Vượt Qua mới và quyết định.
Mười hai tuổi: là lứa tuổi mà người ta trao cho thiếu niên Do Thái cuộn sách Lề luật, trong một nghi lễ biến cậu trở thành một chủ thể của Lề Luật.
Sau ba ngày: Am chỉ đến biến cố Phục sinh, khi Chúa Giê su biến mất trong ba ngày.
Các thầy dạy: đây là lần đầu tiên Chúa Giê su gặp gỡ với các đại diện chính thức của Lề Luật, trong một khung cảnh lạ lùng, một đứa bé qui tụ chung quanh mình các vị chức sắc cao cấp của Do Thái giáo. Chúa Giê su được trình bày với sự thông hiểu sâu xa về lề luật và với tất cả cá tính của Ngài. Khung cảnh nầy báo trước những cuộc chạm trán nẩy lửa giữa Ngài với các vị tiến sĩ Luật: Ngài ban cho họ chìa khoá giải thích Thánh Kinh là chính cuộc đời của Người.
Ngạc nhiên: lúc nầy Chúa Giê su chưa phải là một người lớn, nhưng đã cho thấy một sự khôn ngoan siêu việt hơn hẳn các bậc thầy trong dân Israel (x. Tv 119,99-100).
Tại sao?: đây là lời đầu tiên của Chúa Giê su trong Tin Mừng Luca. Đáp lại câu hỏi của Đức Maria, Chúa Giê su trả lời bằng một câu hỏi kép. Câu thứ nhất báo trước câu hỏi sẽ được đưa ra cho các người phụ nữ đi đến mồ (24,6) mời gọi một đức tin chưa được soi sáng cần phải đi xa hơn. Câu thứ hai dựa vào lời qui chiếu mà Đức Maria đã nói về Ong Giuse là “Cha” (2, 48): câu nầy là cơ hội để Chúa Giê su nói về mối tương quan của Người với Cha. Chúa Giê su mời gọi sự hiểu biết của Đức Maria và ông Giuse: lẽ ra các Ngài phải biết, và một ngày nào đó sẽ biết, về căn tính và sứ mạng của Chúa Giê su.
Con có bổn phận: một lời nói lên một nhu cầu thầm kín, đã thúc đẩy Chúa Giê su chấp nhận thực hiện chương trình của Thiên Chúa, hoàn thành Thánh Kinh liên quan đến Đấng Messia. Trong cuộc sống công khai, Chúa Giê su thường qui chiếu đến mối tương quan ràng buộc nầy (4,43; 13,33,19,5; 22,37), đặc biệt về cuộc Khổ nạn (9,22; 18,25; 24,7.26,44; Cv 17,3). Đối với Chúa Giê su, sự tùng phục đưa đến cái chết, nhưng vì Thiên chúa là Cha, thì đây là sự vâng phục của con cái, hoàn thành trong một sự tín thác từ bỏ.
Ở nhà Cha con sao?: Chúa Giê su không nói: “ở trong đền thờ”, hoặc “ở giữa các thầy Tiến sĩ”. Ngài muốn nói rằng: ở với Cha tôi; lo việc cho Cha tôi, trong nhà Cha tôi. Và Ngài nói đến điều đó một cách mới mẻ, vì Ngài gọi Thiên Chúa là Cha Ngài. Đức Maria vừa nói về cha Ngài, ông Giu se, còn Chúa Giê su thì nói về Cha của Ngài và về lất cả những gì liên kết Ngài với Cha. Do đó, ngài tạo một khoảng cách với cha mẹ Ngài và tuyên bố phục vụ cho Cha.
Câu nói ấy mạc khải căn tính đích thực của Chúa Giê su, tương quan ưu tiên nối kết Ngài với Thiên Chúa. Sau nầy, khi nói về Thiên Chúa, Chúa Giê su nhiều lần nói: “Cha” (9,26; 10,21; 22,42,23,34-46); hoặc “Cha tôi” (10,22; 24,49). Như thế Chúa Giê su nhìn nhận tước hiệu là Con Thiên Chúa mà Thiên sứ loan báo (1,32.35). Trong phép rửa và cuộc biến hình, Thiên Chúa sẽ gọi Ngài là “Con Ta” (3,22; 9,35).
Nhưng hai ông bà không hiểu: Chúa Giê su đã thực hiện một hành vi đoạn tuyệt đối với cha mẹ mình và mời gọi họ chấp nhận tất cả mọi sự từ bỏ mà sứ mạng Ngài sau nầy sẽ đòi hỏi. Nhưng hai ông bà không hiểu gì cả. Cũng như các vị tiến sĩ, hai ông bà ngạc nhiên về sự hiểu biết của Chúa Giê su. Nhiều chi tiết (lạc mất và tìm lại được sau 3 ngày, “tại sao tìm con” (24,5) cho thấy Luca đã hiểu biến cố nầy như báo trước biến cố phục sinh.
Đi xuống: sau khi lên Giê ru sa lem, Chúa Giê su và cha mẹ ngài đi « xuống » về làng Na gia rét, sống một cuộc sống bình thường như mọi người và với mọi người.
Vâng phục: sự sẵn sàng của Thiên Chúa giờ được diễn tả qua sự vâng phục cha mẹ, chờ ngày sẽ dứt khoát lìa xa. Khi thưa « vâng » với Cha, Ngài đã thưa « vâng » với tất cả mọi thực tại của một cuộc sống giữa loài người.
Mẹ Ngài:x.2,19.
Chúa Giê su ngày càng thêm khôn ngoan: giờ đây tác giả hướng mọi sự chú ý trên chính Chúa Giê su khi đề cập đến sự lớn lên về phần thể chất và thiêng liêng. Luca trích lại ở đây một bản văn nói về bé Samuel (1Sm 2,26) chỉ thêm từ « khôn ngoan » (x.2,40). Tuy nhiên từ chủ yếu đối với Luca là từ « ân sủng ». Nó nói lên sự trợ giúp của Thiên Chúa trên tất cả những gì mà Chúa Giê su đã làm ở Nagiarét, khi ngài cầu nguyện, làm việc, phục vụ mọi người.
Tin mừng về thời niên thiếu khởi sự ở Giêrusalem, kết thúc ở Nagiarét. Ngược lại, sứ vụ công khai khởi sự ở Nagiarét (4,16) và kết thúc ở Giêrusaelm (24,53). Từ đó khởi đầu sứ mạng của Hội Thánh bành trướng cho đến tận Rôma, trung tâm thế giới dân ngoại theo Luca (Cv 28).
SỨ ĐIỆP
Trong bầu khí lễ Giáng sinh, Phụng vụ mời gọi chúng ta mừng lễ Thánh gia của Đức Giê su, Đức Maria và Thánh Giu se. Đó là một gia đình nhân lọai rất đơn sơ, nhưng hoàn toàn để cho đức tin hướng dẫn. Chúa Giê su, Con vĩnh cửu của Cha, đã nhập thể trong một gia đình nhân lọai, gia đình của Đức Maria và Thánh Giu se. Chính từ các Ngài mà Chúa Giê su đã học cách làm người, đã tiếp nhận những cách thức nhìn và hành động đánh dấu từng giai đoạn lớn khôn của đứa trẻ, có ảnh hưởng trong suốt cả cuộc đời. Cũng chính từ cha mẹ mà Ngài đã học ngôn ngữ con người để sau nầy có thể sử dụng để nói Lời Thiên Chúa.
Biến cố được tin mừng kể lại hôm nay là câu chuyện duy nhất mà người ta biết về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giê su. Vào lúc Đức Maria và Thánh Giu se rời Giê ru sa lem để trở về Na gia rét, Chúa Giê su không đi theo các ngài, nhưng còn nán lại trong Đền thờ. Đó không phải là do tính khí thất thường hay khinh suất trẻ con, nhưng là do một quyết định tự ý và có suy nghĩ. Ngài muốn cho thấy rằng ở trong Đền thờ, nhà Thiên Chúa Cha Ngài, cũng là ở trong nhà Ngài. Trước khi là con Đức Maria Ngài đã là Con Thiên Chúa Cha Ngài
Tất cả chúng ta đều hiểu được nỗi lo âu của Đức Maria và Thánh Giu se: lo cho con có thể bị bọn cướp bắt cóc, hoặc bị tai nạn. Và cũng như mọi bậc cha mẹ có con bị lạc mất, các ngài sợ điều tệ hại hơn có thể xảy ra cho con mình. Sau ba ngày vất vả tìm kiếm khắp nơi, các ngài mới tìm gặp Ngài trong Đền thờ, đang tranh luận với các thầy tiến sĩ Luật.
Trong nỗi âu lo đè nặng, Đức Maria không thể che dấu sự đau khổ của mình: “Tại sao con đã làm cho cha mẹ như thế?”. Chúa Giê su đã trả lời: “Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà của Cha con sao?”. Ngài cho họ thấy rằng Ngài hòan toàn dấn thân lo phục vụ Cha mình. Từ lúc còn trẻ, Ngài đã là người thờ phượng tuyệt hảo. Ngài luôn đặt sứ mạng của mình trước mọi quan tâm khác. Chắc chắn Đức Maria và Thánh Giu se đã phải trải qua nhiều khó khăn để có thể gắn bó với chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa đối với Chúa Giê su, con của họ. Đó là cả một cuộc hành trình dài trong đêm tối.
Rồi đến một ngày kia, khoảng hai mươi năm sau, một lần nữa Đức Maria lại mất Chúa Giê su. Dưới chân thánh giá, mẹ sẽ sống lại cuộc Khổ nạn đau đớn tột cùng. Nhưng lần này, sau ba ngày mẹ sẽ gặp lại Ngài. Ngài sẽ không còn ở nhà, không còn ở trong Đền thờ Giê ru sa lem nữa, mà ở trong nhà Cha Ngài. Biến cố Phục sinh soi sáng biến cố được kể lại trong đoạn tin mừng chủ nhật hôm nay. Toàn bộ sách Tin mừng cho thấy Chúa Giê su thật sự say mê tình yêu đối với Cha Ngài, được tỏ hiện ngay từ những năm tháng đầu đời, như trong biến cố được thuật lại hôm nay.
Sứ điệp Tin mừng hôm nay là bài học cho cuộc sống và có ý nghĩa về vị trí mà chúng ta dành cho Thiên Chúa trong gia đình. Nó nhắc chúng ta nhớ rằng tất cả phải tùy thuộc vào Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa phải được phụng thờ trên hết mọi sự. Người mong muốn rằng chúng ta phải dành cho Người vị trí tuyệt đối ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta.
Kinh nghiệm lạc mất con của Đức Maria và Thánh cả Giuse cũng là một bài học lớn trong việc giáo dục con cái. Mọi cuộc sinh ra đều có nghĩa là một sự đoạn tuyệt, mọi đường lối giáo dục đều luôn bao hàm một sự xa cách. Cầu nguyện và để cho con trẻ lớn lên, để cho nó thành người, là làm chứng cho một tình phụ tử đến từ nơi khác. Cha mẹ không sở hữu con mình, không làm chủ được tương lai nó, nhưng nâng đỡ con trong quá trình đi đến tự do. Điều đó gọi là tình yêu. Các bậc cha mẹ luôn ngạc nhiên khi thấy con cái mình “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa”. Khi đứa con vuột khỏi tầm tay mình, có nghĩa là nó lớn rồi (G. Defois).
Ước gì Gia đình thánh giúp chúng ta tập sống phó thác hòan toàn cho Lời Chúa trong đêm tối của lòng tin, qua những khó khăn, nghi ngờ và thử thách trong cuộc sống nầy. Ước gì nhờ gương sáng của Chúa Giê su, Đức Maria và Thánh cả Giu se, chúng ta càng ngày càng khám phá sâu xa hơn mầu nhiệm Thiên Chúa ẩn mình giữa chúng ta!
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Đâu là bối cảnh lịch sử câu truyện kể lại trong bài đọc 1?
THƯA: Chúng ta đang ở cuối thời kì các quan án. Sau khi Mô sê qua đời và dân Híp pri vào đất hứa vào khoảng năm 1200 trước Công Nguyên, các bộ tộc dần dần định cư trong xứ và cuộc chinh phục lâu dài ấy đã mất khỏang 150 năm. Trong thời gian đó vẫn chưa có hệ thống cai trị tập trung. Đứng đầu mỗi bộ tộc là một lãnh tụ mà người ta gọi là “các Thủ lãnh” theo nghĩa “thống đốc”, vừa là tướng trận, vừa là người đứng đầu chính trị và tôn giáo, vừa là quan án lo giải quyết các cuộc tranh chấp và kiện tụng trong dân.
Về tôn giáo cũng chưa có Thành Thánh và Đền thờ Giê ru sa lem. Hòm bia Giao Ước đồng hành với dân trong suốt cuộc hành trình về đất hứa được đặt trong Đền Thánh Si lô, ở trung tâm Pa-lét-tin, 30 ki lô mét về phía Bắc Giê ru sa lem hiện nay. Đền thánh nầy được đặt dưới sự chăm sóc của Thầy cả Hê li. Vỉ có Hòm bia Giao Ước nên Đền Thánh Si lô đã trở thành trung tâm hành hương hằng năm cho dân Ít ra ên.
2. HỎI: Bài đọc 1 nói về chuyện gì?
THƯA: Bài đọc một là câu chuyện về gia đình bà Anna hiến thánh trẻ Sa-mu-ên cho Thiên Chúa. Sau khi Bà Anna sinh con, chồng Bà đã lên Đền thánh dâng hi lễ tạ ơn Thiên Chúa. Còn bà Anna thì chờ đến khi con dứt sữa, mới đem Sa-mu-ên lên đền thánh và để con ở lại đó phụng sự Thiên Chúa suốt đời như lời Bà đã hứa.
3. HỎI: Tại sao câu chuyện nầy được chọn cho Thánh lễ Thánh Gia?
THƯA: Thưa vì ba lí do: Một là Thiên Chúa lắng nghe. Đó là ý nghĩa của tên gọi Sa-mu-ên: Thiên Chúa lắng nghe, Thiên Chúa chấp nhận. Như trường hợp của Anna, từ nỗi ô nhục, bà đã kêu lên cùng Chúa và Chúa đã lắng nghe. Hai là qua lịch sử con người, qua các gia đình nhân loại mà Thiên Chúa đã thực hiện chương trình của Người. Ba là chúng ta đang đứng trước hai cuộc sinh ra mầu nhiệm: của Chúa Giê su là của Sa-mu-ên, và Kinh thánh còn ghi lại nhiều cuộc sinh ra tương tự khác. Điều ấy nhắc chúng ta nhớ rằng mọi đứa bé sinh ra đều là một phép lạ, một quà tặng của Thiên Chúa. Chỉ có Người mới có thể ban sự sống. Còn phần đóng góp của chúng ta là đem cuộc sống và mọi khả năng cộng tác vào chương trình của Người.
4. HỎI: Có thể tóm tắt ý nghĩa bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Bài tin mừng cho thấy Chúa Giê su tỏ hiện mầu nhiệm của Ngài, nhưng những người thân của Ngài đã không hiểu. Có thể dùng câu tin mừng thánh Gioan nói về mầu nhiệm Chúa Giê su để tóm tắt nội dung bài tin mừng hôm nay: “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
5. HỎI: Mầu nhiệm của Chúa Giê su thể hiện như thế nào?
THƯA: Trong biến cố nầy, mầu nhiệm Chúa Giê su thể hiện trước hết qua sự kinh ngạc của tất cả mọi người, đặc biệt các tiến sĩ Luật trước “trí thông minh và những lời đối đáp của Ngài”. Kế đến qua khoảng thời gian ba ngày ở lại trong đền thờ, là thời gian cần thiết để gặp gỡ Thiên Chúa, và cũng sẽ là thời gian Chúa Giê su ở trong mồ trước khi Sống lại. Và cuối cùng qua câu nói lạ lùng của Chúa Giê su: “Con phải ở trong nhà Cha con..”.
6. HỎI: Tại sao hàng năm, Thánh Gia phải lên Giê-ru-sa-lem? Họ không thể mừng lễ Vượt qua tại Nazareth sao?
THƯA: Lề luật Mô sê bắt buộc tất cả mọi người thuộc dân Ưu tuyển, trừ trẻ em, người già, người bệnh và những người nô lệ, một năm ba lần phải lên đền thờ Giê-ru-sa-lem để mừng long trọng các ngày lễ lớn của người Do Thái, đó là: Vượt qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều.
7. HỎI: Các lễ trên có cùng một ý nghĩa tôn giáo như lễ Phục sinh và Hiện xuống của chúng ta ngày nay không?
THƯA: Chính xác là không, đối với người Do Thái, các ngày lễ lớn ấy có giá trị không những về mặt tôn giáo mà còn về lịch sử và dân tộc vì giúp họ nhớ lại các sự kiện quan trọng trong lịch sử.
Lễ Vượt qua nhắc lại việc chuyển từ chế độ nô lệ sang tự do và phải được cử hành vào ngày thứ 14 của tháng đầu tiên, gọi là Abib (sau này gọi là Nisan, tương ứng khoảng tháng Tư dương lịch. X. Xh 12-13; Lv 23; Đnl 16, 2; 2 V 23,21-23; 2 Sb 35,1-19; Ez 45,21-24 ; Ds 9,1-14).
Lễ Ngũ Tuần đã được cử hành vào cuối vụ thu hoạch, để cảm tạ Thiên Chúa cho vụ mùa, là lễ bảy tuần, là lễ quan trọng thứ hai sau lễ Vượt qua. Thường nhằm vào các ngày thứ 50, tức là đúng 7 tuần sau khi dâng các bó lúa đầu mùa trong ngày lễ Bánh Không Men.
Lễ Hiện Xuống nhớ lại việc Thiên Chúa ban Mười Điều Răn trên núi Sinai cho ông Môi sê, 50 ngày sau khi rời khỏi Ai Cập (Xh 34,22; Đnl 16,10.16; 2 Sb 8,13, Xh 23,16; Ds 22,26).
Lễ Lều cũng ghi nhớ cuộc xuất hành từ Ai Cập, được tổ chức vào ngày 5 của tháng tishiri (tháng 9-10 dl). Các tín hữu dựng lên những túp lều, mô phỏng các túp lều được ông Mô sê cho xây dựng trong sa mạc, và hân hoan rước lên đền thờ (Lv 23, 39tt).
8. HỎI: Tại sao Thánh Gia đã hành hương lên Giê-ru-sa-lem chỉ một lần trong năm?
THƯA: Bởi vì những người Do Thái ở xa Giê-ru-sa-lem cũng như những người sống trong vùng ngoại đạo khó thực hiện các cuộc hành hương hằng năm như luật buộc. Vì thế, họ chọn dâng cho Thiên Chúa hy lễ mỗi năm một lần, vào dịp lễ Vượt qua. Thánh Gia vì đang sống ở Nazareth cách xa Giê ru sa lem nên cũng đã chọn cách thức nầy.
9. HỎI: Tác giả Luca viết: “Xong kì lễ.”, lễ kéo dài bao nhiêu ngày?
THƯA: Lễ Vượt qua thường kéo dài bảy ngày, và kết thúc bằng một nghi lễ long trọng đặc biệt, tuy nhiên, không buộc phải ở lại Thành Thánh cả tuần. Thánh Lu ca gợi ý rằng cha mẹ của Chúa Giêsu ở đó cho đến hết lễ.
10. HỎI: Việc Chúa Giêsu lạc mất trong Đền thờ có phải là do Thánh Giuse và Đức Maria sơ suất hoặc quá tin tưởng vào sự trưởng thành của Chúa Giê su không?
THƯA: Không, cần phải loại bỏ các lí do trên. Trong các cuộc hành hương, trẻ em thường đi chung với bạn bè và người thân nên đi lạc là một việc ít xảy ra . Hơn nữa, cha mẹ Chúa Giê su vẫn để cho Ngài tự do vì Ngài đã khôn lớn. Tuy nhiên, lý do thực sự là Chúa Giêsu đã có kế hoạch riêng để thực hiện và một sứ mạng để hoàn thành ở trung tâm Do Thái giáo khi đã đến 12 tuổi.
11. HỎI: Thánh Luca muốn dạy chúng ta điều gì khi nói rằng Chúa Giêsu đã lắng nghe họ và hỏi các Thầy dạy?
THƯA: Thánh Luca muốn cho thấy rằng dù mới mười hai tuổi, Chúa Giê su đã tranh luận như một vị tiến sĩ hoàn toàn thông thạo về Lề luật Mô sê. Ngài đã lắng nghe ý kiến của các luật sĩ, rồi đặt cho họ những câu hỏi và trả lời cho họ một cách rõ ràng và sâu sắc khiến họ phải ngạc nhiên và cảm phục.
12. HỎI: Chúa Giê su muốn mạc khải điều gì khi nói: “Con có bổn phận phải ở nhà của Cha con sao?”?
THƯA: Qua câu nói ấy, Ngài tự khẳng định rõ ràng là Con Thiên Chúa. Khi truyền tin, thiên thần Ga-bri-ên đã cho biết Ngài là “Con Đấng Tối Cao” nhưng tên gọi ấy chỉ được hiểu như là tước hiệu của Đấng Messia. Lần nầy, mạc khải tiến xa hơn: tước hiệu Con Thiên Chúa áp dụng cho Chúa Giê su không chỉ là một tước hiệu chỉ Vua nhưng nói lên mầu nhiệm Chúa Giê su là Con Một Thiên Chúa.
13. HỎI: Đức Maria có hiểu ngay những gì đã xảy ra trong biến cố Chúa Giê su đi lạc không?
THƯA: Thánh Luca luôn gợi ý rằng Đức Maria đã không hiểu ngay tất cả những gì xảy ra chung quanh mình. Như trong biến cố Giáng sinh, sau khi các mục tử trở về từ Bết-lê-hem, Thánh Luca đã ghi nhận: “Riêng Mẹ Ngài thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,19). Và ở đây cũng thế, những gì đang xảy ra vượt xa trí hiểu, nên Mẹ tiếp tục ghi nhớ và tìm hiểu trong suốt cuộc đời. Rõ ràng, niềm tin của Đức Maria cũng là một cuộc chinh phục nhiều thử thách giống như chúng ta.
14. HỎI: Thánh Luca muốn dạy điều gì khi viết về Chúa Giê su ngày càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, và khôn lớn ..?
THƯA: Thánh Luca muốn nói rằng, Chúa Giê su dù là Con Thiên Chúa, nhưng khi làm người thì cũng cần phải lớn lên giống như mọi đứa trẻ khác. Còn Thiên Chúa, Người luôn kiên trì chờ đợi chúng ta trưởng thành: đối với Người, ngàn năm cũng chỉ như một ngày (Tv 89/90).
15. HỎI: Tại sao Chúa Giê su vừa cho biết phải ở nhà của Cha là Đền thờ Giê ru sa lem, rồi ngay sau đó cùng với cha mẹ trở về nhà ở Na gia rét?
THƯA: Bé Sa-mu-ên trong bài đọc thứ nhất được hiến thánh cho Thiên Chúa và đã sống suốt đời trong Đền thánh Si lô để phụng sự Người. Còn Chúa Giê su thì khác hẳn. Ngài cũng phụng sự Thiên Chúa nhưng ở ngoài Đền Thánh vả hướng tới dân tộc mình. Đối với Ngài, ở nhà Cha trước tiên có nghĩa là phục vụ anh em mình.
16. HỎI: Giáo Hội được soi sáng bởi những suy tư của Kinh Thánh đã nghĩ thế nào về gia đình?
THƯA: Giáo Hội coi gia đình như là xã hội tự nhiên đầu tiên, sở hữu các quyền đặc biệt và căn bản và đặt gia đình ở trung tâm của đời sống xã hội. Thật vậy, gia đình sinh ra từ sự hiệp thông mật thiết trong cuộc sống và tình yêu vợ chồng, dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, mang một chiều kích xã hội đặc thù và nguyên thủy, vì đó là nơi đầu tiên phát sinh các mối quan hệ giữa các cá nhân. Do vậy, gia đình là một tổ chức do Thiên Chúa thiết định làm nền tảng của tất cả các tổ chức xã hội khác.
17. HỎI: Hình ảnh Con Thiên Chúa, để lớn lên như là một người thực sự cần Mẹ Maria và Thánh Giuse, dạy chúng ta hôm nay những gì?
THƯA: Trong gia đình, sự trao ban cho nhau của người đàn ông và người đàn bà kết hợp trong hôn nhân, tạo nên một môi trường sống để đứa trẻ có thể phát triển tiềm năng và nhận thức được phẩm giá của mình để chuẩn bị đương đầu với cuộc sống độc nhất và không thể tái diễn lại.