Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

LỄ HIỂN LINH

hienlinh.jpgHiển linh có nghĩa là Thiên Chúa xuất hiện hữu hình giữa chúng ta. Chúa Giê su là Ánh sáng vĩnh cửu đã đến chiếu soi bóng tối trần gian. Nhưng “bóng tối không tiếp nhận Ánh sáng”. Để nhận biết ánh quang rạng ngời của Thiên Chúa, cần phải dứt khoát với bóng tối tội lỗi và chấp nhận đi theo ánh sao, chấp nhận tìm một điều gì khác hơn là điều chúng ta đang chờ đợi.

Sách tiên tri Isaia 60,1-6

Vào lúc trở về từ nơi lưu đày, nhiều người Do thái chọn ở lại nước ngòai. Đền thờ Giêrusalem vẫn chưa được tái thiết. Giêrusalem chỉ là một quận nhỏ trong đế quốc Ba tư. Nhưng Tiên tri đã nâng đỡ niềm Hi vọng bằng cách loan báo rằng sẽ có một ngày Kinh Thành hoang tàn đó sẽ là trung tâm của Vũ trụ.

Thánh vịnh 71

Thánh vịnh “hoàng vương” diễn tả niềm mong đợi một Vị Vua lí tưởng sẽ đến để hoàn tất công trình của vua Đa vít. Vị Vua ấy sẽ mang đến Công Chính, An Bình, Phúc lành, Quyền năng và sẽ giải thoát tất cả những ai đang đau khổ vì bị nghiền nát. Trong Người sẽ qui tụ tất cả mọi dân nước trên trần gian.

Thư Êphêsô 3,2-3a.5-6

Vào lúc cuối đời, tù nhân Phao lô suy tư về ý nghĩa Công trình của Thiên Chúa. Phải qua một thời gian dài nẩy mầm để con người có thể tiếp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa trong tất cả ánh quang của nó. Mầu nhiệm ấy được diễn đạt bởi sự giao hòa của tất cả mọi người bên kia những tranh chấp. Nơi nào Thánh Thần giúp con người nhận ra mầu nhiệm ấy, nơi đó bừng lên ánh sáng.

Tin mừng Mt 2,1-12

NGỮ CẢNH

Với chương 2, hành động của Thiên Chúa và con người gặp nhau và tạo thành lịch sử bi kịch của Chúa Giê su, Con Thiên Chúa. Sau khi đã mô tả cây ân sủng (1,1-17), Mt trình bày phúc âm của ân sủng, sự mạc khải quà tặng của Thiên Chúa cho các dân ngoại. Sau sự cắm rễ trong thời gian, giờ đến sự phát triển trong không gian; sau khi đến trần gian trong im lặng, giờ Ngài tỏ hiện cho muôn dân.

Mt muốn chứng minh rằng Tin Mừng được ban tặng cho lòai người, đã không được tất cả tiếp nhận, trước tiên là dân Do Thái, những địa chỉ đầu tiên.

Câu truyện về các nhà Chiêm tinh được trình bày theo dạng một lược đồ tương ứng với các giai đoạn của cuộc hành trình mà các nhà loan truyền Tin Mừng đã trải qua: đến Giê ru sa lem (2,1-2), gặp gỡ vua Hêrôđê (2,3-8), các nhà Chiêm tinh đến nơi ở của hài nhi (2,9-11) và cuối cùng họ ra đi (2,12)

TÌM HIỂU

Khi Chúa Giê su ra đời tại Bê lem: qui chiếu đơn giản đến biến cố Chúa Giê su giáng sinh trong sách Tin mừng Mt. Về nơi giáng sinh là Bê lem, Mt giống với Lc trong 2,4-7.

Vua Hêrôđê: là một người Iđumêô, thuộc dòng dõi Esau. Ông là một kẻ soán ngôi, dù cai trị trên phần đất Galilê nhưng lại không thuộc chi tộc Giu đa, cũng chẳng phải dòng vua Đa vít. Tước hiệu là Vua (từ nầy được lặp lại một lần nữa ở 2,3 rồi biến mất) đối lại với Chúa Giê su là Vua thực của người Do Thái.

Mấy nhà chiêm tinh: là những nhân vật quan trọng ở các nước ngoại giáo, chuyên về khoa học, đặc biệt khoa thiên văn. Chúng ta không biết là bao nhiêu vị và từ đâu đến. Lòng đạo đức bình dân cho là ba vị, vì có ba phẩm vật dâng cho Chúa (2,11) và trong Tv 72,10. Tác giả Mt thì không nói gì về vấn đề nầy cả.

Từ phương Đông: bản văn chỉ ghi chú đơn giản mà không chính xác là từ đâu. Tuy nhiên phương Đông là nơi phát xuất của nhiều điều: là nơi mặt trời mọc, là nơi Abram khởi hành. Như thế các vị nầy theo gót chân của Abram đi về hướng đất hứa.

Đức Vua dân Do Thái: đây là cách nói của người ngoại về Chúa Giê su: Philatô (27,11), quân lính La mã (27,29), bảng gắn trên thánh giá (27,37), vua Hêrôđê trái lại dùng kiểu nói híp pri “Đấng Messia” (2,4). Các nhà chiêm tinh biết rằng Đấng Messia mà người Do Thái trông đợi đã sinh ra. Họ là những người đầu tiên biết điều đó giống như các mục đồng ở trong Lc 2,11. Thiên Chúa đã soi sáng họ khi cho họ biết trước.

Vì sao của Người: là dấu chỉ trên trời cho thấy ánh sáng của Thiên Chúa. Việc can thiệp của các nhà chiêm tinh mang ý nghĩa sâu xa là họ được lôi kéo và hướng dẫn bởi một sự soi sáng bên trong tâm hồn. Mt gợi ý một sự đối chọi giữa vì sao nầy với “vì sao của Gia cóp” mà tiên tri Balaam ngoại đạo đã nói đến (Ds 24,17).

Bái lạy Người: cử chỉ nầy chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Niềm tin của các nhà chiêm tinh thể hiện qua thái độ tiến đến với Hài nhi (“các ông đã thấy và đã đến”), không hề có ý định chính trị, nhưng chỉ là cầu nguyện và thờ phượng (“và họ đã dâng cho Ngài lễ vật”) (2,11).

Bối rối: lẽ ra nhà vua và toàn dân phải vui mừng trước tin một vì vua mới sinh ra. Nhưng tại sao họ lại bối rối? Vì đấng Messia mà họ trông chờ không hợp với những kì vọng của họ. Do đó, Chúa Giê su sẽ bị từ khước và bị bách hại. Giê ru sa lem thành thánh sẽ trở thành kinh thành từ chối. Chúng ta đừng quên rằng, khi Mt viết trình thuật nầy thì thành Giê ru sa lem đã bị tàn phá, dường như đó là dấu chỉ bị Thiên Chúa nguyền rủa.

Triệu tập: Hêrôđê không sẵn sàng chấp nhận một vì vua khác. Vì chính ông đang là Vua. Vì thế ông cho tham khảo ý kiến nơi các nhà thông thái Kinh Thánh. Nên để ý ở đây xuất hiện cụm từ “các Thượng tế và kí lục” mà người ta sẽ gặp lại trong khi họ âm mưu chống lại Chúa Giê su (21,15; 17,3) hay dưới chân thập giá (27,41).

Trong sách ngôn sứ: lời sấm ngôn sứ Mikêa tôn vinh Bết lê hem vì nơi đó vua Đa vít đã sinh ra như khởi đầu cho niềm hy vọng Thiên Sai, chứ không chủ ý chính xác chỉ ra nơi Chúa Giê su sinh ra. Mt lặp lại lời sấm nầy vì đã nhìn thấy một ám chỉ đến nguồn gốc Đa vít của Chúa Giê su. Lời trích dẫn không theo bản văn Mikêa nhưng lại kết hợp với câu 2Sm 5,2.

Vời các nhà chiêm tinh đến: Hêrôđê không muốn để lộ âm mưu chống lại Hài Nhi, nên bí mật cho vời các nhà chiêm tinh đến, trao cho họ những chỉ dẫn cần thiết, và hỏi thêm về thời giờ xuất hiện của Ngôi sao. Điều nầy cắt nghĩa lệnh giết các hài nhi dưới hai tuổi (2,16).

Phái các vị ấy đi: chi tiết nầy cho thấy sự tiếp đón cuối cùng của Hêrôđê, tức là của người Do thái đối với những người ngoại nầy. Đức tin của người ngoại đã vượt trên đức tin của dân Do Thái.

Ngôi sao: không một người Do thái nào ở Giê ru sa lem đã đi theo họ. Chỉ có niềm tin cùng với họ lên đường đi tìm Chúa. Mt nhấn mạnh đến niềm vui khi họ gặp lại ngôi sao chỉ đường.

Hài Nhi: vì sao chỉ là dấu chỉ, và đây là Hài Nhi, là ánh sáng đích thực. Sau cuộc hành trình đức tin, giờ đây là sự chiêm ngắm đấng Messia.

Maria: việc chỉ nói tới Đức Maria mà không nói tới ông Giuse một lần nữa là dấu cho thấy sự tượng thai đồng trinh của Chúa Giê su (1,16.20.25). Mầu nhiệm nầy cùng với việc kêu gọi dân ngoại ưu tiên vào ơn cứu độ đi đôi với nhau cho thấy Thiên Chúa đã thực hiện một điều mới mẻ (x. Gr 31,22).

Mở bảo tráp: đây là những lễ vật quí giá nhất thời đó kèm theo sự nhìn nhận thần tính của Chúa Giê su. Lẽ ra những lễ vật nầy phải được tiến dâng nơi đền vua ở Giê ru sa lem (theo Tv 72,10-11.15), thì lại đến Bết lê hem, trong một căn nhà không có một chút gì là đền vua, và dâng cho một đứa bé ốm yếu. Nhưng đứa bé nầy là VuaThiên Sai, nhà của Ngài là biểu tượng cho Giáo Hội.

Đã đi lối khác: Thiên Chúa can thiệp qua một giấc mơ, báo cho các nhà chiêm tinh, một khi đã tìm thấy đấng Messia rồi thì không cần trở lại Giê ru sa lem nữa. Một con đường khác được mở ra cho họ và mọi ki tô hữu thuộc mọi dân nước.

SỨ ĐIỆP

Đêm Giáng sinh, chúng ta đã hân hoan mừng ngày sinh nhật của Chúa Giê su. Tin mừng nầy đã được loan báo cho các mục đồng: “Hôm nay đấng Cứu thế đã sinh ra cho các ngươi”. Qua họ, mầu nhiệm đức tin đã được mạc khải cho những người bé mọn, những người nghèo và những kẻ bị loại trừ. Họ là những người đầu tiên lên đường đến máng cỏ.

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Hiển linh, một khía cạnh khác của lễ Giáng sinh được đề cao. Tin mừng kể cho chúng ta câu truyện các nhà đạo sĩ khám phá một ngôi sao mới xuất hiện, loan báo một Vì Vua mới sinh ra. Họ đã lên đường theo ánh sao lạ ấy đến thờ lạy Ngài.

Trong bài tin mừng Lễ Hiển Linh hôm nay, Thánh Mát thêu đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện của Ba nhà đạo sĩ và ngôi sao lạ.

Các nhà đạo sĩ chính là những nhà chiêm tinh. Họ là dân ngoại từ phương Đông đến, nhờ ngôi sao lạ dẫn đường. Ngôi sao ấy tỏa sáng trên trời cao vào lúc Chúa giáng sinh, một ngôi sao lạ, nhưng lại là điều thông thường vào thời đó: một ngôi sao xuất hiện là dấu chỉ một nhân vật lớn sinh ra. Biểu tượng của ngôi sao chúng ta tìm thấy trong khắp Kinh thánh; từ rất lâu, người ta đã đọc được lời loan báo đấng Messia sinh ra. Đối với các nhà đạo sĩ, nó là một chỉ dẫn giúp họ đến với Ngài. Thiên Chúa quan phòng luôn ban cho mỗi người chúng ta các phương tiện thích hợp để giúp gặp gỡ Ngài: đối với các đạo sĩ đó là ngôi sao; đối với các tư tế Giê ru sa lem, đó là lề luật cho phép họ khám phá nơi đấng Messia sinh ra. Còn đối với chúng ta ngày nay, ngôi sao ấy chính là Tin mừng và Thánh Thể. Trải nghiệm của các nhà đạo sĩ để lại cho chúng ta một sứ điệp rất quan trọng: ai đi tìm chân lí, sớm muộn gì sẽ gặp Đức Ki tô. Thật vậy, Chúa Giê su là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Ánh sáng của Ngài đã dẫn các nhà đạo sĩ đến Bết lê hem, và cũng có thể dẫn chúng ta đi trong suốt năm nay. Thật vậy, ngày nay Thiên Chúa không ngừng ban cho chúng ta các dấu chỉ; chúng là ngôi sao đưa chúng ta đến với Chúa Giê su; đối với những người nầy, đó là chừng từ của cuộc sống của một ai đó; đối với một số khác, đó là một cuộc hành hương; đối với một số khác nữa, đó là cơ hội đọc một cuốn sách hoặc một tạp chí ki tô. Tất cả các dấu chỉ đó và  nhiều dấu khác nữa chỉ thực sự có ý nghĩa nếu chúng đưa chúng ta đến với Đức Ki tô.

Từ phương trời xa xôi, các nhà đạo sĩ đã đến tìm và gặp Hài nhi. Đó cũng là lộ trình của nhiều người đi tìm chân lí. Có nhiều người sống xa Đức Ki tô, nhưng dưới bộ dạng dửng dưng, họ mang trong mình một sự tìm kiếm sâu xa về ý nghĩa cuộc sống và tình yêu.

Do đó, lễ Hiển Linh do đó là lễ của tất cả mọi người tìm kiếm Thiên Chúa. Việc tìm kiếm của họ đôi khi bị thử thách hay cản trở bởi một số người Ki tô hữu đóng kín trong ý tưởng của mình và không đem lại một chứng từ đức tin thực sự sống động. Vì thế, sống đức tin không phải chỉ là bằng lòng tiếp nhận các chân lí mặc khải, nhưng điều trước tiên đó là đứng dậy, là khởi động, là dấn thân, là tiếp tục tìm kiếm. Thiên Chúa của chúng ta luôn luôn ở bên kia ý tưởng mà chúng ta có về Ngài. Ngài yêu thương quan tâm đến mọi người, cả những người không biết Ngài. Ước muốn duy nhất của Ngài là tất cả mọi người có thể khám phá và tiếp nhận Ngài trong cuộc sống. Lễ Hiển linh là cơ hội cho chúng ta hướng về tất cả những ai chưa nhận biết Đức Ki tô: tất nhiên chúng ta nghĩ đến tất cả những người khác tôn giáo, hay những người công giáo còn ở bên lề cuộc sống giáo hội. Chính cho tất cả mọi người mà Đức Ki tô đã đến.

Khi tìm gặp hài nhi Giê su, các nhà đạo sỉ đã phủ phục và thờ lạy Ngài. «Thờ lạy» nghĩa là gì? Trước tiên đó là một tâm tình vui mừng, một niềm vui khi cảm nhận được rằng Thiên Chúa là đấng giàu lòng thương xót. Và nơi Chúa Giê su Ki tô, Ngài đã trở thành người gần gủi với chúng ta. Cũng như các nhà đạo sĩ đã mở ra tráp báu của mình, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa ngự. Chúng ta sống trải nghiệm nầy trong mỗi tiệc Thánh Thể vì ở đó chúng ta gặp gỡ chính Thiên Chúa ba lần thánh. Như các đạo sỉ, chúng ta được mời gọi ra khỏi tháp ngà tiện nghi và xác tín của mình để đi gặp Đức Ki tô và thờ phượng Ngài.

Sau khi đã tìm thấy, thờ lạy Hài nhi Giê su, các đạo sĩ đã ra về bằng con đường khác. Người ta có thể nghĩa rằng sự thờ phượng có thể dẫn đến việc trốn chạy thực tế. Thật ra, thờ phượng mở ra những con đường mới trong tâm hồn. Chúng ta nguyện ước rằng sự thờ phượng nầy giúp chúng ta khám phá ra những con đường mới. Trong suốt năm 2012 như các nhà đạo sĩ, chúng ta sẽ được mời gọi thám hiểm những con đường mới của đức tin.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Tại sao chúng ta kính thờ Chúa Giê su như một em bé nằm trong máng cỏ?

THƯA: Chúa Giê su  nói rằng ai không tôn kính Con, thì cũng không tôn kính Cha đã sai Con (x. Ga 5,21-23). Trong đoạn ấy, Chúa Giê su khẳng định rằng Ngài ngang hàng với Cha trong tư cách là nguồn ban sự sống và như Đấng Xét xử mọi người. Vì đồng hàng như vậy, Con phải được thờ kính như Cha được thờ phượng. Phải thờ phượng Chúa Giê su vì Ngài là Con Thiên Chúa. Chúa Giê su là đấng Emmanuên ngay từ lúc sinh ra, nên phải được thờ phượng cả khi mới sinh còn nằm trong máng cỏ.

2. HỎI: Có người cho rằng, khi chịu phép Rửa, Chúa Giê su mới thực sự được đặt làm Con Thiên Chúa?

THƯA: Trong phép Rửa của Gioan Tẩy giả, Chúa Giê su được công khai tuyên bố là Con Thiên Chúa, chứ không phải được đặt làm con Thiên Chúa. Ngài đã là Con Thiên Chúa ngay từ thuở đời đời.

3. HỎI: Vương quyền của Chúa Giê su có từ khi sinh ra, hay chỉ có sau khi sống lại?

THƯA: Chúa Giê su là Con Thiên Chúa ngay từ khi mới sinh ra, do đó là Vua ngay tự khi được thụ thai. Hài nhi trong máng cỏ đã có chức năng là Vua và sẽ được mạc khải trong suốt cuộc sống (x. Lc 1,31-35).

4. HỎI: Các nhà đạo sĩ là ai?

THƯA: ‘Đạo sĩ ‘ dịch từ Hi lạp magos (số nhiều là magoi), là một tước hiệu đặc biệt gán cho các tư tế một tôn giáo ở Ba tư thời cổ. Họ được gọi là đạo sĩ không phải vì họ giỏi khoa pháp thuật, mà vì chuyên môn trong khoa chiêm tinh. Nhưng người uyên bác như thế, người Ba tư gọi là Magos, người Híp pri gọi là Luật sĩ, người Hi lạp gọi là triết gia, người La tinh gọi là bậc khôn ngoan. Họ có phải là Vua không? Không. Không đâu trong Kinh Thánh, trong Giáo phụ nói họ là Vua. Tuy nhiên, các đạo sĩ trở thành “Vua” khi truyền thống phụng vụ Công giáo liên kết lễ Hiển linh với câu 10 Thánh vịnh 72(7) nói rằng: “Từ Tarsis và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả rập, Xơ va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật”. Dù bản văn thánh Mát thêu không nói là bao nhiêu đạo sĩ, truyền thống cũng dựa vào ba phẩm vật để nói đó là Ba Vua. Từ đó có một thời người ta gọi lễ Hiển linh là lễ Ba Vua.

5. HỎI: Cử chỉ các nhà đạo sĩ có nguồn gốc ngoại giáo?

THƯA: Cử chi của các nhà đạo sĩ hoàn thành Lời Thánh Kinh. Đó là một cử chỉ biểu tượng tỏ lòng kính trọng Hài nhi sau nầy sẽ trở thành đại nhân. Đức Maria và Thánh cả Giu se chấp nhận tặng phẩm bởi vì các ngài hiểu lòng tốt và tầm quan trọng của chúng.

6. HỎI: Tại sao tặng phẩm vàng, nhủ hương và mộc dược là biểu tượng?

THƯA: Ngoài giá trị vật chất, ba tặng phẩm còn có và đặc biệt giá trị biểu tượng, bởi vì từng tặng phẩm mô tả một cách độc đáo Chúa Giê su Ki tô là ai, Ngải đã làm gì cho tất cả mọi người, và điều mà Cha đã cảm nhận nơi Ngài. Thật vậy, những tặng phẩm đó biểu tượng cho cuộc đời Chúa Giê su từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Hương được dùng trong đền thờ, nên là biểu tượng chỉ thần tính của Chúa Giê su. Vàng chỉ vương quyền. Mộc dược dùng ướp xác trước khi chôn cất, chỉ việc táng xác Chúa Giê su.

7. HỎI: Có thực một ngôi sao lạ đã xuất hiện khi Chúa Giê su giáng sinh không?

THƯA: Nhiều người cho đó là một ngôi sao chổi. Bản văn rất súc tích không cho phép chúng ta xác định nhiều hơn những gì tác giả muốn nói. Nhưng chắc chắn đã xảy ra một biến cố gì đó đặc biệt mặc khải sự hiện diện của Thiên Chúa.

8. HỎI: Vậy tác giả muốn nói điều gì?

THƯA: Ơn cứu rỗi Chúa Ki tô mang lại bị người Do thái từ chối và được người ngoại đón nhận.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN II MÙA GIÁNG SINH. M. Tố Quyên
     SUY NIỆM THỨ NĂM SAU TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH- CỨ ĐẾN MÀ XEM.
     SUY NIỆM THỨ TƯ SAU TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM THỨ BA SAU TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. Minh Tứ
     Mẹ Maria, Mẹ của chúng sinh. Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM THỨ HAI SAU TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH: SỐNG CHỨNG NHÂN
     LỄ MẸ THIÊN CHÚA. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     CHÚA NHẬT CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH: THÁNH MARIA, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI. Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH-THÁNH MARIA, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. M. Joseph Đinh Thị Đào