Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 33

CHÚA NHẬT XXXIII TNB:

TẬN THẾ-BẠN SẼ LÀM GÌ?

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

light of the world_0.jpgThưa quý OBACE, trong những thập niên gần đây, lâu lâu người ta lại rộ lên tin đồn sắp tận thế, hoặc sắp tối ba ngày ba đêm. Không chỉ con người ngày nay, mà ngay từ cổ xưa, con người cũng vẫn tiên đoán sẽ có ngày trái đất và con người sẽ trải qua cuộc làm mới lại, chẳng hạn như lịch của người Maya cổ thì cho rằng vào ngày 22/12/2012 sẽ là ngày cuối cùng của vũ trụ. Điều đó chứng tỏ rằng con người từ xưa đến nay, có tôn giáo hay không cũng đều tin rằng vũ trụ này sẽ có ngày bị biến đổi. Ở Mỹ và một số quốc gia, một số người đã chuẩn bị cho ngày tận thế ấy bằng nhiều đồ tích trữ, từ đồ ăn thức uống, cho đến các đồ dùng của gia đình, ở Việt Nam cũng vậy có một thời người ta tích trữ mì gói và dầu đèn để dự trù cho ngày tận thế. Còn bạn, là người Công Giáo bạn chuần bị những gì cho ngày cuối cùng của cuộc đời?

Nhưng trước hết chúng ta cần xác định có ngày tận thế hay không?Thưa, chính Chúa Giêsu đã nói đến ngày Ngài sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết; và trời đất này sẽ qua đi để nhường chỗ cho trời mới đất mới và trước khi những sư kiện đó xảy ra thì sẽ có những dấu hiệu lạ lùng xuất hiện để báo trước ngày ấy. Một số tác giả thì cho rằng trời đất này sẽ trải qua một cuộc thanh tẩy để nên mới, chứ không bị hủy diệt để trở về hư vô, vì tác giả Thánh Vịnh cũng đã nói: Trời là của Chúa, còn mặt đất thì Chúa cho con cái lòai người, trời là ngai Thiên Chúa, còn đất là bệ kê chân người. Cách nói đó cũng diễn tả niềm tin rằng: Thiên Chúa sẽ không hủy diệt tạo vật của Ngài, nhưng Ngài sẽ làm cho nó nên hoàn hảo vào ngáy tận thế.

Vấn đề về ngày tận thế cũng được các tôn giáo giải thích theo cái nhìn riêng, và Kinh Thánh cũng có cách giải thích riêng theo quan điểm và truyền thống của mình. Các bài đọc của Chúa nhật hôm nay cũng đã đề cập đến các khía cạnh của ngày cuối cùng ấy. Bài đọc một sách Đaniel chúng ta vừa nghe, tác giả đã nhìn về một viễn tượng sẽ xảy ra cho con người, đó là thời kỳ Thiên Chúa sẽ sai các Thiên Thần của Ngài đến thanh lọc con người, cuộc thanh lọc này được diễn tả là hết sức ngặt nghèo và khủng khiếp chưa từng thấy, chỉ những người tín trung với Thiên Chúa, những người được tuyển chọn và được ghi tên trong sách sự sống thì sẽ được cứu thoát. Tác giả cũng tiên báo số phận chung cuộc của tất mọi người: Ngày đó tất cả mọi người chết cũng sẽ chỗi dậy, người lành thì để được hưởng phúc trường sinh cả hồn lẫn xác, còn kẻ dữ thì phải chịu tủi hổ muôn đời, các hiền sĩ sẽ chói lọi như những vì sao ở trên trời. Như thế, theo tác giả sách Daniel, ngày tận thế sẽ là ngày kinh hoàng cho những kẽ dữ kẻ bất trung mà thôi, còn ngược lại sẽ là ngày hân hoan mọng đợi cho những kẻ lành, người công chính.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm sáng tỏ thêm cái nhìn của sách Daniel về ngày quang lâm, ngày Ngài sẽ trở lại trong vinh quang. Nếu như lần thứ nhất Ngài đễ đến trong khiêm nhường đơn sơ dưới hình hài của một em bé sơ sinh, thì lần thứ hai Ngài sẽ đến trong vinh quang của một vị Thiên Chúa, với uy quyền của một thẩm phán để xét xử muôn dân muôn nước, để tái lập sự công bằng cho Thiên Chúa, cho con người và cho vũ trụ; Lần thứ nhất Ngài đền trong nhân từ và chờ đợi, còn lần thứ hai này Ngài sẽ đến trong công thẳng để xét xử, ngày ấy Thiên Chúa sẽ cho các Thiên Thần đi quy tụ tất cả mọi người, và mọi điều tốt điều xấu của mỗi người sẽ được phơi bày để chịu một cuộc xét xử công khai và lãnh án chung cuộc cho mình.

Như thế cuộc phán xét vào ngày cuối cùng của vũ trụ chắc chắn sẽ đến, tuy nhiên Chúa Giêsu đã muốn nhấn mạnh đến một thái độ cần thiết khác, đó không phải là việc tìm hiểu chính xác ngày giờ biến cố đó sẽ xảy ra, có thể là ngay hôm nay hay ngày mai, điều đó không quan trọng cho bằng mỗi người biết nhìn những dấu hiệu báo trước đang xảy ra, để kịp thời điều chỉnh cuộc sống mình. Giống như, nhìn sấm chớp thì đóan được trời mưa, thấy cây vả đâm chồi thì biết đó là mùa mưa, mùa hè đã đến, thì cũng vậy Thiên Chúa vẫn cho những dấu lạ xảy ra trong vũ trụ để mỗi người có thể đọc được tín hiệu báo trước ngày của Chúa, để biết chuẩn bị cho cuộc đời mình trở nên sẵn sàng, thanh thản và hân hoan ra đón Chúa. Chỉ chi khi mỗi người có một tâm hồn sạch tội, sống trong tình bằng hữu với Thiên Chúa thì mới không sợ hãi, không phải lẩn trốn, còn những người để mình sống trong sự dửng dưng lạnh lùng, thù nghịch với Thiên Chúa, thì ngày ấy họ cũng sẽ phải đối diện với gương mặt lạnh lùng, và là ngày sợ hãi đối với họ.

Ngày tận thế không chỉ là ngày kết thúc của vũ trụ, nhưng trước khi ngày ấy xảy ra thì mỗi chúng ta sẽ phải chứng kiến ngày kết thúc của chính mình, ngày tạ thế, thì đó cũng chính là ngày tận thế của mỗi người. Ngày ấy chính là ngày Thiên Chúa đến với mỗi người, và mỗi người sẽ trải qua cuộc phán xét về những việc mình đã làm, về những gì mình đã sống, và chắc chắn việc thưởng hay phạt, công hay tội đã được quyết định ngay từ giờ phút ấy. Như thế, thì điều cần thiết không phải là tìm biết ngày nào, năm nào là tận thế, mà là biết nhớ đến ngày tận cùng của mình, và những cơ hội cũng như thời gian Chúa cho để sống tốt, làm việc tốt, và nhật ra dấu hiệu và tiếng nói của chúa dành cho riêng mình.

Chúa Giêsu Đấng đã tế lễ cuộc đời mình qua hiến lễ thập giá, đã chiến thắng sự chết và sống lại về trời vinh quang, Ngài đã thánh hóa nhân loại, tẩy rửa tội lỗi nhân loại, những ai được thanh tẩy sẽ được cùng với Ngài bước vào vinh quang nước trời, còn kẻ thù nghịch với Ngài thì sẽ bị đặt làm bệ kê chân, bị khốn khổ muôn đời, đó là điều thư Do Thái đã nhắc lại cho chúng ta.

Thưa quý OBACE, giả dụ ngay ngày hôm nay hay biết chắc ngày mai sẽ là ngày tận thế, thì bạn sẽ làm gì? Khi được hỏi như thế, có người trả lời tôi sẽ tổ chức ăn uống vui chơi để chờ đợi biến cố đó, có người thì nói: tôi sẽ vào nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, người khác thì đi mua sắm một số đồ dùng cần thiết cho gia đình để có thể sống sót, người khác nữa thì sẽ đi thăm gia đình và nói lời từ giã với người thân. Cậu Đaminh Saviô cũng từng được hỏi, giả dụ con đang học bài mà giờ tận thế đến, con sẽ làm gì?Cậu trả lời: Thưa cha, con vẫn tiếp tục học bài. Đây là một câu trả lời dũng cảm được cha Gioan Bosco khen là rất đúng. Vì một khi chúng ta đã có một tâm hồn sẵn sàng thì còn gì phải băn khoăn, khi chúng ta đã yêu thương hết mình thì không còn gì phải nuối tiếc.

Sống tốt phút giây hiện tại và làm thật tốt công việc hiện tại đó là cách tốt nhất để chúng ta chuẩn bị cho ngày Chúa đến.Trước hết là một người Tín hữu chúng ta chu toàn bổn phận đối với Chúa đó là bổn phận thờ phượng tôn kính Thiên Chúa, tuân giữ giới răn lề luật mỗi ngày; kế đến là một thành viên trong cộng đòan Giáo Hội, mà giáo hội cụ thể nhất là giáo xứ, hãy chu toàn bổn phận của mình là một thành viên có trách nhiệm, không thể sống dửng dưng ơ hờ, vì Thiên Chúa muốn chúng ta thành một dân của Ngài chứ không chỉ là một cá thể, vì thế đừng biến mình trở thành kẻ xa lạ với cộng đoàn giáo xứ, hoặc chỉ ghép tạm thời như một miếng thịt thừa trên cơ thể cộng đoàn.

Sống tốt phút giây hiện tại là gì?Là người sống trong đời hôn nhân gia đình, hãy sống tốt và chu toàn một cách tốt đẹp trách nhiệm làm vợ làm chồng, hãy là một người chống có trách nhiệm, là người mẹ đảm đang chuyên cần,hãy là một người cha độ lượng, làm trụ cột cho gia đình, là người mẹ đạo đức tạo nên nếp sống tốt cho gia đình và vun đắp cho gia đình mỗi ngày nên ấm cúng thuận hòa, xây dựng cho gia đình và con cái có một nền tảng đạo đức. Là những người con hãy chu toàn bổn phận thảo hiếu, tôn kính mến yêu mẹ cha, đem lại niềm vui và sự thuận hòa cho gia đình.

Ngày tận thế đến, chúng ta sẽ phải làm gì nữa?Hãy là những công dân tốt trong xã hội, góp phần làm cho xã hội thêm công bằng, nhân ái, hãy là những công nhân tốt ở nơi xí nghiệp, cần mẫn với công việc, ngay thẳng thật thà trong cách sống, yêu thương vui vẻ trong các mối tương quan. Là các bạn trẻ sinh viên học sinh, hãy sống cho xứng đáng là những bạn trẻ, sinh viên công giáo, chuyên chăm học tập và làm việc, làm những việc giúp ích cho nhau cho gia đình và xã hội, đừng để phí thì giờ vào những chuyện vô bổ.

Khi mỗi người sống như thế là chúng ta đang chuẩn bị cho ngày tận thế, và chúng ta không phải sợ hãi dù ngày ấy xảy ra ngay hôm nay hay ngày mai thì chúng ta cũng đã sẵn sàng đón Chúa với công việc bổn phận thường ngày của mình. Amen

 

NHỮNG CON NGƯỜI SỐNG VÌ ĐẠO, VUI VÌ ĐẠO VÀ CHẾT VÌ ĐẠO

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Kính thưa quý OBACE, ngày 11/10 vừa qua Giáo Hội long trọng khai mạc Năm Đức Tin, với sự kiện này, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người tái khẳng định niềm tin của mình, để biết mình đang tin vào ai, tại sao mình tin, và niềm tin ấy đem lại gì cho chúng ta? Kế đến mời gọi mỗi người khi đã xác tín về niềm tin của mình thì cũng dám sống cho đến cùng chọn lựa tin của mình, không chỉ sống một cách hời hợt, nhưng phải sống một cách sống động đức tin ấy, và trở thành người loan truyền niềm tin đó cho mọi người xung quanh.

Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam trong bối cảnh của Năm Đức Tin, chúng ta tự hào và hãnh diện với thế giới về cha ông của chúng ta, quả thực các Ngài là những bậc anh hùng, những con người trổi vượt trong sự kiên trung với đức tin. Chúng ta có thể nhìn thấy tấm gương sống đức tin ở nơi tổ tiên cha ông chúng ta, những con người dám SỐNG VÌ TIN, VUI VÌ TIN VÀ DÁM CHẾT VÌ TIN.

Có lẽ khi nói đến các vị thánh tử đạo, chúng ta thường chỉ nghĩ đến những cuộc hành hình ghê rợn mà các Ngài đã trải qua, mà quên rằng, trước khi tử đạo, họ đã là những con người dám sống vì đức tin của mình, điều đó đã làm nên sự anh hùng của các Ngài. Chúng ta cứ thử hình dung trong xã hội lúc đó, đạo Chúa còn rất xa lạ và bị nghi kỵ, những người theo đạo bị coi như công dân hạng hai, là những kẻ nguy hiểm, và xã hội lúc ấy họ chụp lên đầu những người theo đạo là những người theo tây. Thực sự các vị này không hề theo tây, họ chỉ theo Chúa mà thôi, và vì theo Chúa, họ dám sống khác với mọi người, chấp nhận bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử, bị người ta khắc lên mặt hai chữ tà đạo để cho mọi người khi nhìn thấy thì phải dè chừng… thế mà cha ông chúng ta vẫn cứ cố gắng sống thật tốt, sống tha thứ quảng đại với những người khinh rẻ mình ức hiếp mình, người ta còn vu cáo cho những người có đạo là  những kẻ ăn thịt trẻ con, bất hiếu bất trung, vậy mà những người tín hữu vẫn cứ gắn bó với xã hội và gắn bó với nhau, tha thứ và đón nhận, thông cảm và chia sẻ, để đến độ, nhiều người lúc ấy chẳng biết gọi họ là gì nên đã gọi họ là “bọn người theo đạo thương nhau”.

Bị vua Chúa, người đời quan quyền nghi kị dè chừng, thế nhưng cha ông chúng ta vẫn cứ chu toàn bổn phận là người dân trong đất nước, chăm chỉ làm ăn, và tối đến họ lại tụ tập để đọc kinh lần hạt…, trong tất cả các vị tử đạo, khi bị tra hỏi các Ngài vẫn một mực tuyên bố trung thành với vua, và còn tuyệt đối trung thành với vua trên trời mà chúng tôi gọi là đức Chúa Trời. Tất cả những cách sống ấy, nếu là một người thường sẽ khó có thể chấp nhận, nhưng các Ngài đã sống và cân bằng được cuộc sống của mình giữa các nghịch cảnh như thế, là vì các Ngài có một đức tin kiên trung, hoặc nói theo ngôn ngữ ngày nay đó là các Ngài đã dám sống đến cùng những đòi hỏi của đức tin.

Các vị tử đạo đã không kéo lê hoàn cảng sống khó khăn của thời ấy, song họ còn sống đức tin với một niềm vui hân hoan, lạc quan tin tưởng. Thông thường khi bị thử thách, bị tàn sát như thế, hằng ngày nhìn thấy anh em đồng đạo của mình bị bắt bớ hành hạ tù đày giết chóc như vậy, không làm cho họ buồn sầu hay bi quan, song vì tin nên các thế hệ tổ tiên của chúng ta vẫn sống vui và sống đầy tràn tình yêu thương trong hòan cảnh của mình. Sống vui và luôn nở nụ cười thay vì khóc lóc than van, đó là điều các Ngài đã thể hiện khi gặp gỡ nhau dù ở các gia đình hay nơi lao tù, thì các Ngài vẫn cứ vui với bổn phận của mình giúp đỡ và động viên nhau, an ủi các bạn tù. Nhiều người khi cổ đeo gông, tay chân mang xiềng mà vẫn nở nụ cười và chào hỏi những người đi xem mình hành hình, và vui vẻ với những người hành hạ mình, vì biết rằng những người hành hạ mình, họ phải làm vì bổn phận mà thôi. Sống và giữ được một tâm hồn vui tươi thanh thản như thế phải chăng vì Tin Mừng thật sự đã thấm sâu vào trong cuộc đời các Ngài, và Tin Mừng đã thực sự trở thành niềm vui và hy vọng cho các Ngài, mà những người từ chối Tin Mừng sẽ không thể nào cảm nhận được niềm vui ấy. Các Ngài vui vì các Ngài được chịu đau khổ vì danh Chúa Kitô và cùng với Chúa Kitô, các Ngài vui vì các Ngài đã nhìn thấy triều thiên Chúa hứa cho những kẻ trung thành, và vì thế, ước ao được tử đạo là ước ai của các tin hữu thời ấy.

Khi đã dám sống vì niềm tin, vui vì niềm tin thì các vị tử đạo cũng sẵn sàng chết vì niềm tin của mình. Các bản án mà vua chúa lúc ấy kết án các Ngài là vì các Ngài không chấp nhận chà đạp lên thập giá của Đức Giêsu, và cũng không vị nào bị kết án vì tội danh phản quốc cả, mà chỉ có một tội duy nhất là bất tuân lệnh vua, không bỏ Thiên Chúa. Các vua quan thời ấy cũng đã nghĩ ra đủ mọi cực hình để hành hạ các Ngài để làm nhụt chí các bậc anh hùng, nhưng họ đều thất bại, vì tất cả các cực hình càng ghê rợn bao nhiều lại càng làm cho các Ngài thêm vững tin mà thôi. Dĩ nhiên cũng có một vài vị vì quá sợ hãi nên đã đầu hàng với cực hình, nhưng liền sau đó, họ lại được ơn cản đảm để xác tín lại niềm tin của mình và chấp nhận đánh đổi sự giàu sang, hứa hẹn bổng lộc để chọn cái chết, để minh chứng đến cùng lòng tín trung vào Thiên Chúa, vì Các Ngài đã xác tin rằng: Có Thiên Chúa bênh vực chúng ta thì không ai có làm gì được chúng ta…và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô, cho dù là gian truân ngục tù bắt bớ.

Thưa quý OBACE, tin Chúa, theo Chúa, không phải là để sống một cuộc sống dễ dãi, nhưng là chấp nhận đáp lại một đòi hỏi quyết liệt đó là đòi chúng ta phải dám sống đến cùng đức tin của mình, sống vui với chọn lựa của mình, tuyên xưng niềm tin và dám liều cả mạng sống vì niềm tin ấy. Ngày xưa thời Maccabe, vì trung thành với lề luật của Thiên Chúa và các truyền thồng tốt đẹp của cha ông, mà bao người cũng đã phải đầu rơi máu chảy, thì ngày ngay, vì Đức Giêsu, cũng đã có bao lớp người đã ngã xuống, chấp nhận trở nên những hạt mầm đem đến mùa gặt đức tin cho chúng ta hôm nay.

Ngày hôm nay sẽ không còn cảnh đầu rơi máu chảy, nhưng vì danh Đức Giêsu mà vẫn còn những tín hữu ở nhiều nơi nhiều quốc gia đang trải qua những cuộc bắt bớ tù đày, nghi kỵ, loại trừ, nhiều người đang bị người đời coi thường và đề phòng, bởi vì thế gian và xã hội họ ghét Đức Giêsu và họ thù nghịch với Tin Mừng của Ngài thì cũng thù nghịch với những người tin Đức Giêsu. Như vậy thì ngày hôm nay khi mỗi người tín hữu thực sự sống vì Đức Giêsu và vì Tin Mừng của Ngài, thì cũng được coi như những người đang chịu tử đạo mỗi ngày và đang là những con người anh hùng của ngày hôm nay.

Cũng giống như tổ tiên cha ông, chúng ta cũng phải dám sống vì đạo, vui vì đạo và dám chết vì đạo- Nói như thế có vẻ dễ nhưng trong thực tế thì không dễ chút nào. Nhiều người không bị xiềng xích bởi gông cùm, nhưng bị xiềng xích của tiền bạc, của quyền lợi và tiếng tăm trói buộc thì đã quỵ ngã đã chối bỏ đức tin và cách sống của Tin Mừng, để sống theo lối sống của dân ngoại, của những kẻ vô tín vô thần. Hãy sống đạo không chỉ trong nhà thờ, cũng đừng chỉ mang danh là người có đạo mà hãy dám sống đức tin của mình ngay trong gia đình bằng việc tạo nên nếp sống đạo đức cho gia đình và con cái, hãy làm gia tăng niềm vui của Tin Mừng trong gia đình bằng tình bác ái tình yêu thương và sự chia sẻ hòa thuận. Đừng để mình gục ngã hay buồn sầu vì những thử thách của cuộc sống, và không thể để mình rơi vào thất vọng buồn chán như những người không có niềm tin, nhưng hãy dám vì đức tin mà chấp nhật thiệt thòi, gạt bỏ gian lận cũng những cách sống lỗi đức bác ái và giới răn yêu thương.

Ngày nay người ta không ép chúng ta chà đạp lên thập giá, nhưng qua cách sống nhiều bạn trẻ đang chà đạp lên Đức Giêsu và thập giá của Ngài khi họ lao vào cuộc sống buông thả chơi bời, cuộc sống không mục đích không lý tưởng, không phục vụ. Nhiều người trẻ đang bị cuốn hút bởi quyền lực tiền bạc, danh vọng, nên họ sẵn sàng cúi đầu khất phục tội lỗi và ma quỷ cùng những bè lũ của nó, và tự mình hủy hoại danh Kitô hữu nơi mình; Nhiều người khác đã hòa mình với xã hội đến độ bị tan biến trong đó, đã đánh mất chính mình và không biết mình là ai, và cũng không biết Thiên Chúa của mình là ai.

Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho dòng máu tín trung, dòng máu anh hùng, sức sống của Tin Mừng, luân chuyển trong chúng ta và nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta. Amen

 

DŨNG CẢM LÀM CHỨNG

CHO CHÚA GIÊ-SU

LM ĐAN VINH

1.LỜI CHÚA: Chúa phán: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).

2.CÂU CHUYỆN: CUỘC TỬ ĐẠO CỦA THÁNH ANRÊ TRẦN AN DŨNG LẠC

TRẦN AN DŨNG LẠC sinh năm 1795, gia đình ngoại giáo nghèo khó ở Bắc Ninh. Lớn lên, cậu theo cha mẹ đến xứ Kẻ Chợ sinh sống. Tại đây, cậu được một Thầy giảng nhận làm con nuôi và cho ăn học. Cậu được chịu phép rửa tội và nhận tên thánh là Anrê. Sau đó cậu đáp lại ơn gọi dâng mình cho Chúa và theo học tại chủng viện Vĩnh Trị. Thầy Anrê Dũng được thụ phong linh mục vào năm 1823 khi mới có 28 tuổi. Từ khi thụ phong linh mục, cha Anrê được sai đi giúp xứ. Ở đâu cha cũng nêu gương sáng đạo đức qua cuộc sống khổ hạnh. Ngoài những ngày ăn chay theo luật định, Cha còn tự nguyện giữ chay thêm suốt cả Mùa Chay và các ngày thứ Sáu thứ Bảy hàng tuần. Nhờ đời sống đơn sơ khiêm hạ và khắc khổ như vậy, nên cha đã gây được thiện cảm của những người chung quanh và thành công trên bước đường tông đồ: Qua cha, nhiều tội nhân đã được ơn giao hòa với Chúa và nhiều người lương đã tin theo Chúa và xin gia nhập đạo Công giáo.

Trong thời gian đạo Công giáo bị bách hại gắt gao thời vua Minh Mạng, cha Anrê Dũng đã phải trốn lánh nhiều nơi. Một lần kia ở Kẻ Roi, khi vừa dâng lễ xong thì bị quan quân vây bắt và được giáo dân chuộc về. Sau đó cha đã đổi tên Trần An Dũng thành Trần An Lạc. Lần thứ hai cha bị bắt ở xứ Kẻ Sông khi đang xưng tội với cha Phêrô Thi. Hai cha bị quan quân đòi tiền chuộc tới 200 quan tiền. Nhưng giáo dân chỉ quyên góp được một nửa số tiền nói trên, nên chỉ mình cha Lạc được thả. Rồi sau đó cha lại bị đám quân lính khác bắt mang về huyện giam chung với cha Phêrô Thi và cả hai được áp giải về Hà Nội.

Hôm sau, quan án cho điệu hai cha ra công đường tra xét và bắt phải bước qua Thánh Giá để bày tỏ ý định bỏ đạo. Nhưng thay vì làm theo lệnh quan, hai cha lại cùng quì xuống hôn kính Thánh Giá và nói: “Không bao giờ chúng tôi chối Chúa và bỏ đạo cả. Chúng tôi đã suốt đời hy sinh vất vả đem Chúa đến cho người khác, thì lẽ nào bây giờ lại hèn nhát chối bỏ Chúa!”. Trước sự bất tuân của hai cha, quan tức giận sai lính đem nhốt các ngài vào ngục thất và làm thành án gửi về Kinh. Suốt thời gian ở trong tù, hai cha luôn cầu nguyện và ăn chay hãm mình, xin Chúa cho được ơn bền đỗ đến cùng. Tuy giáo dân được phép thăm nuôi hằng ngày, nhưng hai cha yêu cầu họ đừng đem đồ ăn ngon đến, và nếu bữa nào có thịt cá thì các ngài lại cho các bạn tù hoặc lính canh.

Ngày 21 tháng 12 năm 1839, hai cha đã chính thức nghe án lệnh xử trảm của nhà vua. Rồi các ngài bị điệu ra pháp trường Cầu Giấy ở Hà Nội. Đến nơi, các ngài cầu nguyện ít phút, rồi cúi đầu cho lý hình dễ dàng thi hành phận sự. Đức Thánh Cha Lêô 13 đã tôn phong các ngài lên hàng Chân Phước tử đạo vào ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã suy tôn hai ngài lên bậc hiển thánh.

3. SUY NIỆM:

1) SỐ LIỆU CÁC ANH HÙNG TỬ ĐẠO VIỆT NAM: Ngay từ thời Giáo Hội Sơ Khai, các tín hữu đã phải chịu chung số phận với Thầy Giê-su là bị cấm cách, bắt bớ và giết hại. Thời nào và nơi nào đạo được truyền tới cũng đều có các vị anh hùng tử đạo. Tại Việt Nam, theo sử liệu, đạo Chúa đã được truyền giảng từ thế kỷ thứ 16. Và suốt thời gian gần 300 năm sau đó, uôn bị đàn áp bách hại với những cảnh đầu rơi máu chảy! Sau Hội Thánh Rô-ma thì có lẽ Hội Thánh Việt Nam đã dâng cho Chúa được nhiều thánh tử đạo hơn cả! Người ta ước tính có tới hằng trăm ngàn người Công giáo đã bị giết hại vì đức tin dưới các triều đại nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đưc và bị các phong trào Cần Vương Văn Thân đàn áp bách hại. Trong số đó, 117 vị đã được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong lên bậc hiển thánh và được mừng chung trong niên lịch toàn thể Hội Thánh. Trong số này có: 8 Giám mục, 50 Linh mục, 16 Thầy giảng, 1 Chủng sinh và 42 Giáo dân. Các ngài đã chịu nhiều cực hình như: 79 vị bị trảm quyết (chém đầu): 16 vị bị xử giảo (treo cổ); 8 vị bị chết rũ rù do đói khát bệnh tật khi bị giam trong ngục; 6 vị bị thiêu sinh (chết thiêu trong hỏa lò).

2)LÝ DO CÁC NGÀI BỊ BÁCH HẠI:

Các thánh Tử Đạo bị vua quan và dân chúng thời đó thù ghét đàn áp giết hại không phải vì các ngài là những kẻ xấu làm điều gian ác, nhưng chỉ vì các ngài đã tin vào danh Đức Giê-su và đã dũng cảm tuyên xưng đức tin ấy, thể hiện qua thái độ bất khuất, không chịu bước qua thập giá theo lệnh vua quan, hầu ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã tiên báo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thóat” (Mt 10,22).  

Đàng khác, vua quan và dân chúng thù ghét và ra tay bách hại các tín hữu là do hiểu lầm về giáo lý của đạo khi cho rằng theo đạo là vọng ngọai, là bất hiếu vì phải bỏ việc thờ cúng ông bà tổ tiên, đang khi thực ra không phải như vậy: điều răn thứ tư trong mười điều răn của đạo Chúa đã truyền dạy: con cái phải “thảo kính cha mẹ” và người tín hữu vừa phải chu tòan bổn phận thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất lại vừa phải tôn kính và tưởng nhớ cầu nguyện và tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời.

Nhưng lý do chính yếu khiến vua quan và các phong trào Cần Vương Văn Thân thời đó thù ghét bách hại các tín hữu là do tự ái dân tộc và hiểu lầm về lòng yêu nước của các tín hữu: Họ sợ người theo đạo sẽ bị các thừa sai ngọai quốc xúi giục làm lọan, trong khi các vị thừa sai ngọai quốc đã dám bỏ quê hương và từ giã người thân đến vùng đất xa xôi và chấp nhận hy sinh ngay cả mạng sống là do đức tin và lòng mến Chúa thôi thúc. Các ngài chỉ muốn chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Giê-su: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19-20); “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8b). Và quả thật, các thánh Tử Đạo Việt Nam đã bị vua quan kết án chỉ vì đức tin mà thôi chứ không do tội phản lọan theo giặc chống phá triều đình.

3)SỐNG CHỨNG NHÂN NOI GƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO: Bí quyết khiến các anh hùng Tử Đạo vượt qua gian nan thử thách là do các ngài biết “sống sự sống của Chúa Giê-su trong thân xác yếu hèn của mình”. Đức Giê-su đã hứa sẽ ban Thánh Thần giúp các môn đệ phải nói gì và nói thế nào khi bị điệu ra trước quan quyền (x Mt 10,19-20). Để được như vậy, các ngải đã phải mỗi ngày “chết đi cho bản thân”, và sống trong ơn nghĩa của Đức Giê-su.

Ngày nay có lẽ chúng ta không có cơ hội làm chứng cho Chúa như các thánh Tử Đạo tiền nhân, nhưng chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Chúa ngay giữa đời thương: Trước khi hy sinh mạng sống vì Chúa, chúng ta phải biết sống công bình ngay chính. Trước khi dũng cảm làm chứng cho Chúa, chúng ta phải là những người chồng người vợ chu tòan trach nhiệm đối với gia đình, những người con có lòng hiếu thảo đối với các bậc tiền nhân; Trước khi trở thành công dân của Nước Trời, chúng ta đã phải là những công dân tốt, chu tòan nghĩa vụ đối với quê hương và ăn ở ngay chính gây được thiện cảm với đồng bào.

4. THẢO LUẬN: 1)Tại sao đạo Công giáo thường bị người đời thù ghét bách hại? 2)Tử đạo là sẵn sàng hy sinh chịu chết để làm chứng cho Chúa (x. Cv 1,8). Vậy các tín hữu chúng ta sẽ phải dũng cảm làm chứng cho Chúa thế nào trong xã hội Việt Nam hôm nay ?

5. NGUYỆN CẦU:

- Lạy Chúa Giê-su là vị Tử Đạo tiên khởi. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian. Xin cho chúng con luôn giữ được bản lãnh đức Tin của mình, giữ được vị mặn của muối, tác động của men... để thánh hóa thế gian bằng một tinh thần mới và một sức sống mới.

- Lạy Chúa, xưa Chúa đã dạy các môn đệ rằng: “Anh em sống giữa thế gian, nhưng không được theo thói thế gian”. Xin cho chúng con đừng bao giờ bỏ Chúa để chạy theo cám dỗ của thế gian, ma quỉ và chiều theo các đam mê xác thịt. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: “Con nhà tông không giống lông, cũng giống cánh”, để chúng con luôn xứng đáng là con cháu của các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam. Xin cho chúng con luôn chiếu ánh sáng tin yêu trước mặt người đời: Biết nở nụ cười khi tiếp xúc, sẵn sàng cởi mở đi bước trước để làm quen với những người mới gặp, mở miệng an ủi những ai đang gặp tai nạn rủi ro; biết khiêm hạ phục vụ tha nhân, đặc biệt phục vụ những người đau khổ bất hạnh đang cần được cảm thông trợ giúp.

SẴN SÀNG ĐÓN CHỜ CHÚA LẠI ĐẾN

LM ĐAN VINH

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 13,24-32

(24) Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, (25) Các ngôi sao từ trời sa xuống, và quyền lực trên trời bị lay chuyển. (26) Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. (27) Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. (28) Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà tìm hiểu. khi cành nó mềm ra và trổ lá, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. (29) Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”. (30) Thầy bảo thật anh em: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. (31) Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. (32) Còn về ngày hay giờ thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không. Chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong diễn từ về “Cuộc quang lâm của Đức Giê-su” (x. Mc 13,1-37). Bằng những hình ảnh tượng trưng về sự sụp đổ của Đền Thờ kèm theo những điềm báo trước, Đức Giê-su nhắc nhở các tín hữu về “Ngày của Chúa”. Khi đó sẽ có những cơn bách hại xảy ra, trời đất cũ sẽ bị rung chuyển và biến đổi thành “Trời Mới Đất Mới” (x Kh 21,1), trước khi Con Người đến trong đám mây.

3. CHÚ THÍCH:

- C 24-25: + Trong những ngày đó: Ngày nói đây là ngày Đền Thờ Giê-ru-sa-lem nguy nga tráng lệ bị tàn phá bình địa. + sau cơn gian nan ấy: Cơn gian nan như một điềm báo trước về Ngày Tận Thế. + Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, các quyền lực trên trời bị lay chuyển: Những hình ảnh trong các sách Cựu Ước này nói về “Ngày của Đức Gia-vê”. Ở đây các hình ảnh này nhằm đề cao sự uy nghiêm của Đức Ki-tô trong Ngày Tận Thế: bấy giờ các tầng trời sẽ bị rung chuyển, công trình sáng tạo xưa kia sẽ biến mất và một Trời Đất Mới sẽ xuất hiện.

- C 26-27: + Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến: Con Người là hình ảnh một nhân vật trong sách Đa-ni-en, trổi vượt hơn hình ảnh “Đấng Mê-si-a Con Vua Đa-vít”. Ngài đến trong đám mây trời, tiến lên trước toà Thiên Chúa và nhận lãnh một vương quyền phổ quát (x Đn 7,13). Trong các sách Tin Mừng, Đức Giê-su đã xưng mình là Con Người tới 70 lần (x. Mt 8,20; Ga 3,13...): Người tự xưng là Con Người với 2 ý nghĩa. Một là Người Tôi Tớ của Đức Gia-vê: “Tôi, Người Tôi Tớ bị loại bỏ, bị giết chết nhưng sẽ được tôn vinh và sẽ cứu độ muôn người” (x. Mc 8,31). Hai là Chúa Con, được đưa lên trời ngự bên hữu Chúa Cha (x. Tv 110,1) và đến ngày tận thế, sẽ lại đến (x. Đn 7,13). + “Đến trong đám mây”: Mây không phải là một phương tiện di chuyển, nhưng chỉ là một biểu tượng về sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Xh 13,21; Mt 17,5) + Người sẽ sai các thiên sứ đi và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời: Từ khắp nơi, Đấng Ki-tô sẽ ra lệnh cho các thiên thần qui tụ tất cả những người lành thánh được tuyển chọn tập trung lại.

- C 28-29: + Lấy thí dụ cây vả... khi thấy những điều đó xảy ra: Các ngôn sứ thường dùng hình ảnh mùa hè và mùa gặt để diễn tả ngày cánh chung hay ngày tận thế. Ở đây Đức Giê-su dùng hình ảnh cây vả báo trước mùa hè sắp tới, để ám chỉ về ngày cùng tận của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là hình ảnh tiên báo về ngày tận thế (x Mc 13,4-19).

- C 30-31: + Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra: Việc tàn phá Đền Thờ Giê-ru-sa-lem xảy ra vào năm 70, là thời điểm những ai nghe lời Đức Giê-su giảng vẫn còn sống và chứng kiến những điều Người tiên báo được ứng nghiệm. + Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu: Vũ trụ vật chất sẽ có ngày tan biến (x Is 24,19.23), nhưng Lời Đức Giê-su sẽ luôn tồn tại nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

- C 32: + Về Ngày Giờ đó: câu này nói về ngày tận thế sẽ xảy ra. + chỉ có Chúa Cha biết mà thôi: Ngày Giờ cánh chung hay tận thế thuộc quyền Chúa Cha định liệu. Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa (x. Pl 2,6), với tư cách là Ngôi Lời, đồng bản tính vơi Chúa Cha nên dĩ nhiên Người biết mọi sự giống như Chúa Cha. Nhưng với tư cách là Đấng Thiên Sai (x. Pl 2,8), Người “nên giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ không có tội” (x. Gl 4,4), nên Người không biết được Ngày Giờ ấy, hầu mọi người phải luôn tỉnh thức ị sẵn sàng chuẩn bị cho ngày ấy (x. Mc 13,33).

4. CÂU HỎI: 1)Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã tự xưng là “Con Người” mấy lần? Đức Giê-su muốn mặc khải mình là ai khi tự xưng mình là Con Người? 2)“Con Người ngự trong đám mây mà đến”: Phải chăng đám mây là phương tiện Đức Giê-su dùng để di chưyển? 3)Đức Giê-su có biết rõ ngày cùng tận của thế giới là ngày nào không? Tại sao?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến (Mc 14,26).

2.CÂU CHUYỆN: TIN ĐỒN VỀ NGÀY TẬN THẾ

Vào cuối năm 1992, hàng chục ngàn tín đồ của một giáo phái tại Hàn quốc đã tụ tập nhau trong hơn 150 nhà thờ để đón chờ ngày tận thế, đón Đức Giê-su tái lâm trong vinh quang để phán xét chung. Theo những người lãnh đạo của giáo phái này thì chính xác ngày tận thế là vào lúc nửa đêm ngày 28/10/1992. Các tín đồ của giáo phái trương lên biểu ngữ:”Chúng ta sẽ gặp nhau trên trời”. Đồng thời hàng ngàn cảnh sát Hàn quốc cũng được đặt trong tình trạng báo động cao trên toàn quốc để phòng ngừa một cuộc tự sát tập thể, nếu ngày tận thế không xẩy ra.  Bởi vì, rất nhiều người do quá tin tưởng đã bán hết nhà cửa và phát tán mọi tài sản gia đình… để chuẩn bị cho ngày tận thế này. Nhưng cuối cùng ngày tận thế đã không xẩy ra, nên sau đó giáo phái này đã tự giải thể.

Đây chỉ là một trong nhiều tiên báo không chính xác về ngày tận thế trên thế giới. Sở dĩ người ta đóan sai là do đã hiểu lời Chúa cách lệch lạc và không đúng theo ý Chúa Giê-su dạy. Đối với các tín hữu chúng ta: nhân dịp cuối năm phụng vụ, Hội Thánh muốn nhắc nhở chúng ta ý thức về ngày tận thế chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng không xác định cụ thể ngày giờ. Việc đề cập đến ngày này nhằm giúp chúng ta canh tân đời sống và tích cực chuẩn bị cho ngày Chúa đến viếng thăm trong giờ chết của mỗi người.

3.SUY NIỆM:

1)Ngày tận thế chắc chắn sẽ đến:

-Tin mừng Marcô hôm nay nói về ngày tận thế: Hôm ấy các môn đồ chỉ cho Đức Giê-su thấy cảnh huy hoàng của Ðền Thờ khi được ánh sáng mặt trời chiếu vào! Nhưng Đức Giê-su đã tiên báo cảnh ấy có ngày sẽ không còn nữa và Đền Thờ sẽ bị phá hủy không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào, vì dân Giê-ru-sa-lem đã từ chối đón nhận ngày Thiên Chúa đến viếng thăm.

-Ðức Giê-su đã dùng những hình ảnh về thời kỳ chiến tranh, cũng như các công thức về thời cánh chung trong các sách ngôn sứ để diễn tả cảnh tàn phá của Giê-ru-sa-lem. Từ đó, Người đề cập đến ngày cùng tận của thế giới. Nhưng lời của Đức Giê-su được các thánh sử ghi lại sau khi Ðền Thờ đã bị sụp đổ và Hội Thánh bị bách hại khắp nơi. Qua Lời Chúa hôm nay, Mác-cô muốn trình bày các điều sau:

+Một là các hiện tượng trời đất như mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống và các thiên thể lay chuyển… là điềm báo Chúa đến trong ngày tận thế.

+Hai là mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống… cho thấy vũ trụ này sẽ quay trở lại lúc khởi nguyên hỗn mang khi chưa có ánh sáng. Và như thế, ngày tận thế là lúc vũ trụ sẽ biến mất để cho “trời mới và đất mới” xuất hiện.

+Ba là người ta sẽ thấy “Con Người đến trong đám mây”. Con Người chính là Ðức Giê-su Cứu thế. Hình ảnh mây trời nhấn mạnh tính cách "hiển linh" của việc Người đến. Và như vậy "ngày của Chúa" sẽ trở thành ngày của Thiên Chúa đến “trong và nhờ” Con Người là Chúa Giê-su.

+Bốn là Vua Ki-tô sẽ sai các thiên thần đi khắp cùng mặt đất thâu họp những kẻ được chọn lại, để đưa họ vào hưởng vinh quang của Người trên trời.

2)khi nào điều ấy xảy ra?

-Đây là thắc mắc của mọi thế hệ loài người. Theo Tin mừng Mác-cô: Ðức Giê-su dạy các môn đệ phải tiên liệu: Khi thấy các điềm kia xảy ra, thì hãy biết rằng “Con Người đã đến gần bên cửa” (x Mc 13: 28-29).

-Các điềm báo về ngày tận thế như: Mùa hè ám chỉ thời kỳ tận thế, các chi tiết khác như: Ðền thờ bị tàn phá, chiến tranh lọan lạc, các ki-tô giả xuất hiện, niềm tin trở nên nguội lạnh, các tầng trời bị lay chuyển v.v... cho thấy tính không bền vững của vũ trụ vật chất.

-Nghe lời Chúa hôm nay, nhiều người đã lầm tưởng ngày tận thế sắp đến. Nhưng ngay sau đó Đức Giê-su đã khẳng định: "Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được... cả Con Người nữa, trừ phi là Chúa Cha" (Mc 13,32).

-Thực ra, với bản tính Thiên Chúa, Đức Giê-su ngang hàng với Chúa Cha, nên cũng biết rõ ngày tận thế. Nhưng với bản tính lòai người thì cũng như chúng ta, Người không biết rõ đó là ngày nào.

3)Chúng ta phải làm gì?

-Không nên hỏang sợ nhưng hãy hy vọng chờ đón Chúa đến:

Đức Giê-su báo trước sẽ có ngày tận thế, nhưng lại dạy môn đệ không nên hoảng sợ. Người đến để phán xét mọi người, nhưng “đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến”(2 Tm 4,8), thì Người sẽ là Đấng Cứu Độ và là vinh quang của họ : ”Người sẽ sai các thiên thần đi quy tụ từ bốn phương trời, những người được tuyển chọn”. Giáo hội bị bắt bớ nhưng cũng được an ủi vì “sẽ thấy vinh quang của Đức Giê-su Ki-tô”(Tt 2,13). Đứng trước các tin đồn về ngày tận thế, thái độ đúng đắn nhất của các môn đệ là: ”tỉnh thức và cầu nguyện luôn”, trong niềm mong chờ, vì Chúa sẽ đến bất ngờ như Người đã nói: ”Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”(Mt 24,44).

-Chuẩn bị cho giờ chết của mỗi người và ngày tận thế chung tòan nhân lọai:

Người Ki-tô hữu chỉ có thể “đứng vững trước mặt Con Người” khi biết thanh luyện tội lỗi, tránh xa sự dữ và các thói hư, nhất là thói ích kỷ, tham lam…, và góp phần xây dựng một thế giới mới yêu thương, trong đó mọi người luôn quan tâm, cảm thông và chia sẻ phục vụ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng cho gia đình, cộng đòan và môi trường sống ngày một tốt đẹp hơn.

-Cần ý thức tính tập thể của ơn cứu độ:

Đường về trời không dành riêng cho từng người, nhưng là con đường chung cho hết mọi người. Trong ngày phán xét,  Đức Ki-tô sẽ tái lâm xét xử nhân lọai dựa trên tiêu chuẩn thực thi bác ái chia sẻ và phục vụ tha nhân. Ai sống trong yêu thương, người đó sẽ được sống lại và hưởng hạnh phúc trường sinh, còn kẻ “ghét anh em chính là kẻ sát nhân” (1 Ga 3,15) cũng sống lại để chịu hình phạt “khóc lóc và nghiến răng” (x Mt 25,31-46). Còn “Ai làm cho người ta nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao”(Đn 12,3).

-Maranatha: Lạy Chúa Ki-tô, xin hãy đến:

Các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai đã mong ước ngày trở lại của Chúa qua lời cầu nguyện: “Maranatha - Lay Chúa Giê-su, xin ngự đến” (Kh 22,20). Trong Thánh lễ, sau khi truyền phép, các tín hữu chúng ta cũng dâng lời xin: ”Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”. Mỗi tín hữu chúng ta cần năng hồi tâm sám hối và tích cực chuẩn bị cho ngày Chúa đến bằng việc làm các việc bác ái chia sẻ phục vụ cho tha nhân nhằm “Làm vinh danh cho Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn”, kèm theo một lời nguyện như sau: “Lạy Chúa Ki-tô, xin hãy đến“.

4.THẢO LUẬN: 1)Bạn hiểu thế nào về ngày tận thế? 2)Chết là gì? 3)Bạn làm gì để chuẩn bị đón Chúa đến trong giờ chết mỗi người và ngày tận thế chung tòan nhân lọai?

5.LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con một quả tim mới và một thần trí mới để chúng con sẵn sàng góp phần xây dựng Hội Thánh và phục vụ Chúa trong mọi người chung quanh ngay từ hôm nay. Xin cho chúng con sẵn lòng chấp nhận các đau khổ trái ý xảy đến để thành tâm sám hối tội lỗi, khử trừ thói hư và tích cực góp phần làm cho gia đình, cộng đòan, xã hội… trở nên công bình yêu thuơng và bình an hoan lạc hơn, hầu đón chờ Chúa sẽ tái lâm và biến thành một “Trời Mới Đất Mới” trong ngày tận thế.

 

 

           

 

           

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên Năm B_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A. Nt. Maria Chinh Anh
     " KHÁ LẮM HỠI ĐẦY TỚ GIỎI VÀ TRUNG THÀNH". Lm.Gioan B.Phan kế Sự
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A-Sống chứng nhân. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C. Minh Tứ
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C. Nguyễn Loan
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM-“ĐÂY BÀI CA NGÀN TRÙNG”.Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     AI MUỐN THEO TÔI PHẢI TỪ BỎ CHÍNH MÌNH. Lm HK
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Phao lô Nguyễn Văn Đông