CHỦ NHẬT 6 PHỤC SINH B
Tình yêu không có biên giới. Nó vượt qua mọi rào cản, chiến thắng mọi trở ngại do con người hay tôn giáo dựng lên. Nó là quà tặng của Thiên Chúa ban dù vẫn còn mang sắc thái mầu nhiệm và không thể hiểu được hết bằng cái nhìn của con người. Tình yêu đó chính là Nước Trời, một thực tại hòan tòan mới mẻ mà sự PHỤC SINH của Đức Ki tô đã mang lại. Vẫn còn con đường dài trước mắt phải vượt qua để Nước Trời thành hình trong chúng ta.
Sách Cv 10, 25-26.34-35.44-48:
Đối với người Do thái, lính La mã bị coi như là thù địch quốc gia. Viên Bách quan Cor nê li ô dường như là một kẻ thù và không ai chờ đợi ông ta có thể trở thành người ki tô hữu được. Nhưng Thánh Thần làm nổ tung các rào cản và giúp cho Giáo Hội Giê ru sa lem ý thức tính cách phổ quát của Sứ điệp Đức Ki tô, một điều mà cho đến lúc bấy giờ ít người biết đến .
Thánh vịnh 97:
Chiến thắng trên các dân tộc mà dân Is ra ên chờ đợi từ Thiên Chúa của họ mặc một sắc thái bất ngờ đối với những người chỉ miệt mài chờ đợi chiến thắng mang đậm tính cách quốc gia. Nó trở thành chiến thắng của Tình yêu khiến mọi người sững sờ mở ra cho Đức Ki tô. Hãy hân hoan ca mừng Chiến thắng ấy.
Thư 1Ga 4,7-10:
Đây là một trong những bản văn cô động nhất của thánh Gio an. Chỉ trong một vài câu ngắn gọn, ngài đã tóm kết tất những gì tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong quan niệm mà con người có thể có về Thiên Chúa. Nhưng cuộc cách mạng ấy được thể hiện trong Chúa Giê su cũng là một cuộc đảo lộn trong các tương quan con người. TÌNH YÊU là tất cả những gì thuộc về bản tính Thiên Chúa.
Tin mừng: Ga 15,9-17
NGỮ CẢNH
Cũng như bài tin mừng tuần trước, đọan văn nầy nằm trong bài diễn từ dài khởi từ 13,31 đến 17,26 thường được gọi là diễn từ Tiệc li, chứa đựng nhiều suy tư của Chúa Giê su về mối tương giao với Chúa Cha cũng như với các môn đệ, về ý nghĩa sứ mạng và cuộc Khổ nạn của Ngài..
Đọan văn của chúng ta thuộc phần đầu của chương 15, đi liền sau ví dụ về cây nho, nói đến nhựa sống lưu thông giữa cây và cành nho, là điều kiện để sinh hoa trái. Đó là hình ảnh nói lên sự liên kết bền chặt giữa Chúa Giê su và các môn đệ của Ngài. Đọan 15,9-17 gồm một vài giải thích của Chúa Giê su nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc lưu chuyển tình yêu giữa Cha Con và các môn đệ. Tình huynh đệ là giới răn trọng đại, là đòi hỏi phát xuất từ tình yêu của Cha và Con, và đồng thời cũng là sự chuyển thông của tình yêu ấy.
TÌM HIỂU
Niềm vui của Thầy: thực hiện thành công sứ mạng của mình là nguồn suối mang lại niềm vui. Ông Gio an Tẩy giả đã nói về niềm vui của mình (3,29) khi ông đã có thể biến đi trước đấng mà ông loan báo. Lần đầu tiên Chúa Giê su nói: “niềm vui của Thầy”. Ngài sẽ còn nói đến điều đó nữa (17,13). Ngài luôn luôn vui mừng khi thông truyền chương trình của Cha cho các môn đệ. Họ sẽ cảm nghiệm niềm vui bên kia đau khổ (16,20-24).
Điều răn của Thầy: điều răn của Chúa Giê su được gọi là mới không theo nghĩa là chưa bao giờ có, nhưng với nghĩa là phi thường, vô tận, không có giới hạn. Không chỉ là yêu tha nhân như chính mình (Lv 19,18; Mc 12,31) mà là yêu như Chúa Giê su đã yêu (x. Mt 5,43-48; Lc 6,27-35).
Hy sinh tính mạng: tình yêu đối Chúa Giê su còn tiếp tục bên kia cái chết. Dụ ngôn người Mục tử tốt lành (10,1-18) đã chuẩn bị tinh thần các môn đệ. Thánh Phao lô (Rm 5,8) nhắc nhở rằng Đức Ki tô chết cho những tội nhân (thù địch) để biến họ thành bạn hữu, để từ nay không ai có thể tách biệt họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa nữa.
Bạn hữu của Thầy: nếu chỉ giới hạn vào câu nói nầy thôi, thì chỉ những ai trung thành với Chúa Giê su mới thật là bạn hữu với Ngài, Nhưng Chúa không phải là đấng ấn định một con số giới hạn các bạn hữu của Ngài. “Thiên Chúa đã yêu thương thế đến nỗi đã ban Con một của Người” (3,16).
Tôi tớ: với người tôi tớ hay nô lệ, người ta ra lệnh mà không cần phải giải thích. Còn với bạn bè, người ta tin tưởng chia sẻ các dự phóng, các khám phá hoặc cả các nghi ngờ. Người ta dìu bạn mình cùng đi vào tình thân ái.
Ngay trong CƯ, “Đức Chúa không làm điều gì mà không bày tỏ kế hoạch của Người cho các ngôn sứ, tôi tớ của Người được biết” (Am 3,7). Trước khi tàn phá Sô đô ma “Đức Chúa tự nhủ: “Ta có nên giấu Áp ra ham điều Ta sắp làm chăng? Không” (Stk 18,17). Với ông Mô sê: “Đức Chúa đàm đạo với ông Mô sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11), như người ngang hàng.
Những gì Thầy nghe được: sự hiện diện của Chúa Giê su giữa các môn đệ là mạc khải hoàn toàn về Cha. Cái “tất cả” mà Chúa Giê su tỏ cho bè bạn của Ngài biết là chính mối tương quan với Cha và thánh ý của Cha muốn liên kết họ vào trong tương quan thân tín của Ngài.
Không phải anh em: chính Chúa Giê su đã yêu các môn đệ của Ngài trước. “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta.. Chúng ta hãy yêu thương vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” (1Ga 4,10.19).
Tồn tại: tiến trình đi lên chặt chẽ của câu nầy (chọn, cắt cử, ra đi, sinh hoa trái, tồn tại) tóm tắt một cách tuyệt vời chương trình của Chúa Giê su dành cho các môn đệ của Ngài: ơn gọi nhưng không, củng cố đức tin, sai đi truyền giáo, kết quả bền vững cho Nước Thiên Chúa.
Ban cho anh em: “Thiên Chúa thực hiện bốn lần ý muốn của những ai thi hành thánh ý Người” (Cha sở Ars).
SỨ ĐIỆP
Bài tin mừng hôm nay đưa chúng trở về buổi chiều thứ năm tuần thánh. Chúa Giê su đang từng bước đến cuộc khổ nạn gần kề. Những lời dạy cuối cùng của Ngài có tầm mức đặc biệt quan trọng. Ngài nói với các môn đệ về giới răn trọng đại nhất trong sứ điệp tin mừng: tình yêu thương nhau của các môn đệ. Hai cách nói cho chúng ta thấy sự long trọng của sứ điệp: « Đây là giới răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » . Đây không phải là một lời khuyên hay khuyến dụ mà là một giới răn đề ra cho tất cả mọi người và có tính cách như một giới luật phải tuân hành.
Và tiếp đến, Ngài còn nhấn mạnh thêm: « Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu ». Đó là một ám chỉ đến sự hiến thân hoàn toàn mà Đức Ki tô sắp làm nơi chính bản thân mình trong thời gian ngắn sắp tới. Vì vậy, bản văn nầy có giá trị như một di chúc.
Trước tiên, Chúa Giê su mô tả sự chuyển thông tình yêu mà Ngài truyền lại cho chúng ta: “Như Cha đã yêu thương Thầy, Thầy cũng yêu thương anh em. Hãy ở trong tình yêu của Thầy ». Tình yêu chân thật không đến từ chúng ta, và không khai triển bằng con đường sức mạnh tình cảm của chúng ta. Nhưng chính Cha chuyển thông nó cho Con để chúng ta tiếp nhận từ Ngài. Tông đồ Gioan cũng nhấn mạnh về chân lí đó: « Chúng ta hãy yêu thương nhau bởi vì tình yêu đến từ Thiên Chúa.. Thiên Chúa là tình yêu ».
Cả khi người ki tô không giữ độc quyền về tình yêu của Thiên Chúa và người khác, thì ai tin vào Chúa Giê su Ki tô cũng vẫn nhận được sức mạnh yêu thương từ trái tim của Thiên Chúa trong Đức Ki tô. Yêu thương trước tiên là ơn ban của Thiên Chúa: Người ta tiếp nhận và chăm sóc nó trong cuộc sống để « được bám rễ sâu trong tình yêu » (Ep 3,17). Như thế, tình yêu hôn nhân đến từ Thiên Chúa và phải được tiếp nhận như một món quà giúp cho đời sống nên phong phú. Ai cảm thấy khó khăn để yêu thương thực sự, ai không thể tha thứ hoặc chịu đựng người khác, hoặc chia sẻ với họ thì điều trước tiên là phải cầu nguyện để xin ơn ấy. Chúng ta sống trong một thế giới đang đau khổ vì hận thù và bạo lực của con người. Vì thế mỗi ngày chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta và ban cho thế gian ước muốn cháy bỏng yêu thương như Ngài và với Ngài.
Như thế, chúng ta đang ở trung tâm đời sống Ki tô giáo. Yêu thương biến chúng ta nên giống Thiên Chúa. Khi yêu thương như Ngài, chúng ta mang lấy dấu ấn thần linh. Chúng ta tạo nên hình ảnh của Ngài. Chắc chắn hình ảnh ấy chưa hoàn hảo: nó bị méo dạng vì tội lỗi của chúng ta, vì tính ích kỉ và dửng dưng của chúng ta. Nhưng ngang qua tình yêu, chúng ta được nhận biết là con cái Thiên Chúa: “Tất cả những ai yêu thương đều là con cái Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa”.
Chắc chắn để đạt đến tầm mức đó, cần phải lưu ý đến phẩm chất của tình yêu. Thật vậy, có nhiều biến dạng mà chúng ta phải cảnh giác. Trong ngôn ngữ chúng ta, động từ yêu thương mang nhiều sắc thái khác nhau đi từ chỗ cao cả đến chỗ thấp hèn nhất. Từ ngữ mà ta gọi là tình yêu được xử dụng trong các bài hát, văn chương và cuộc sống hằng ngày thường là cái bẫy. Nó mang lấy nhiều ý nghĩa khác biệt để rồi cuối cùng không có một ý nghĩa nào cả.
Có những cấp độ tình yêu như :
Người ta thích được yêu: rõ ràng là tất cả chúng ta đều cần được nhận biết, yêu thương và đánh giá cao. Nhưng tình yêu vụ lợi có thế thoái hóa thành ích kỉ. Vì thế cần phải cảnh giác.
Cấp độ thứ hai, đó là tình trạng của người cảm thấy thích thú yêu thương người khác: khi người ta hiến thân cho một điều cao cả, người ta cảm thấy thỏa mãn. Đó là điều tốt. Nhưng với điều kiện là nó không được thoái hóa thành tình yêu vị kỉ nhằm chế ngự kẻ khác.
Cấp độ thứ ba: yêu thương người khác vì họ, hoàn toàn nhung không và không mong muốn đáp đền.
Dĩ nhiên cả ba cấp độ đều hiện diện trong cách chúng ta yêu thương. Nhưng tình yêu chân thật làm cho chúng ta giống Thiên Chúa, đấng yêu thương chúng ta trước. «Người đã sai Con của Ngài tự hiến dâng vì tội lỗi chúng ta ».
Chương trình to lớn mà Thiên Chúa dự định cho thế gian là tất cả mọi người cuối cùng được qui tụ trong một đại gia đình trong tình anh em với nhau, dù thuộc văn hóa hay tôn giáo nào. Ước muốn của Ngài là nhìn thấy chúng ta tiếp nhận và sống hòa thuận với nhau: « Điều Thầy mong muốn là anh em hãy yêu thương nhau ». Ước gì Thánh Thể ban cho chúng ta được kín múc nơi đấng là nguồn mạch mọi tình yêu.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một như thế nào?
THƯA: Sau khi Phao lô được kêu gọi làm tông đồ (9,1-30), Hội thánh trải qua thời kì yên ổn (31). Nhờ vậy Phê rô mở rộng địa bàn truyền giáo, ông xuống Lốt (32-35), Giáp pha (36-43). Sau khi được thị kiến (10, 9-16), ông đi xuống Kai sa ria đến nhà ông Cornêliô, một người ngoại cũng được thị kiến (1-8). Tại đây, bắt đầu cuộc hội ngộ lịch sử.
2. HỎI: Bài đọc một có bố cục như thế nào?
THƯA: Bài đọc một có bố cục 3 phần: 1. (cc 25-26): cuộc gặp lịch sử giữa Phê rô và Cor nê liô; 2 (cc34-35): diễn từ của Phê rô khẳng định rằng Thiên Chúa không thiên vị ai cả; 3 (cc 44-48): Thánh Thần đổ xuống trên tất cả mọi người.
3. HỎI: Động cơ nào thúc đẩy ông làm việc đó?
THƯA: Phê rô có một thị kiến thúc đẩy ông vượt qua những điều cấm kị của lề luật để chấp nhậnlời mời của ông Cor nê li ô.Chúng ta hiểu được cái giá phải trả qua việc nầy, và chỉcó Thánh Thần mới có thể giúp Phê rô can đảm thực hiện điều đó.
4. HỎI: Tại sao gọi đây là cuộc gặp gỡ lịch sử?
THƯA: Đó là cuộc gặp gỡ lịch sử vì không những lật đổ các khái niệm thần học mà còn phá vỡ các định kiến và đồng thời thúc đẩy một cuộc hoán cải cho phép các cộng đoàn ki tô hữu non trẻ tíntrung với Thánh Thần.
5. HỎI: Lề Luật Mô sê buộc như thế nào?
THƯA: Luật cấm người Do thái có liên hệ thân thiết với người ngoại, nếu không sẽ bị ô uế nghi thức. Phê rô là một người Do thái sùng đạo, biết và tuân giữ nghiêm nhặtnhững qui định của Lề luật. Thế nhưng giờ đây Thánh Thần đã mở cửa để ông gặp gỡ Cor nê li ô, một người ngoại.
6. HỎI: Tại sao đây là cuộc gặp gỡ đặc biệt?
THƯA: Đặc biệt vì đó là cuộc gặp gỡ giữa hai con người hoàn toàn khác biệt: Phê rô là người Do thái, tín hữu xác tín, từ ít lâu là môn đệ của Chúa Giê su. Và Cor nê li ô là người ngoại, một người không ai dám giao thiệp, vì không những ông ta là người xâm lăng mà còn là một người ngoại giáo.
7. HỎI: Ai đã thúc đẩy cuộc gặp gỡ lịch sử nầy?
THƯA: Không phải ông Phê rô có sáng kiến về cuộc gặp gỡ nầy mà là chính Thiên Chúa. Chính Ngài sắp đặt cho hai người làm nên biến cố vô cùng quan trong cho cộng đoàn non trẻ ki tô hữu. Cả hai cùng hưởng thị kiến Thiên Chúa ban cho trước khi đi gặp nhau.
8. HỎI: Tại sao biến cố trên tạo khúc quanh quan trọng trong công cuộc Loan báo tin mừng?
THƯA: Trong giai đoạn đầu của lịch sử cứu độ, dân Do thái được chọn lựa và trong thời gian dài cần thiết để họ trưởng thành, cần phải gìn giữ và bảo vệ đức tin nơi các tín hữu. Nhưng từ nay, một giai đoạn mới bắt đầu, cần phải mở cửa cho dânngoại được nghe loan báo tin mừng.
9. HỎI: Thành Kai sa ri a có ýnghĩa nào trong biến cố nầy?
THƯA: Địa danh thật giàu ý nghĩa. Được xây dựng trên bờ biển hướng về Địa Trung Hải và thủ đô đế quốc Rô ma,Kai sa ria từ 35 năm sau khi xây dựng, trở thành thủ phủ của tỉnh Giu đê. Khi đến Kai sa ria, Phê rô chỉ có hai lựa chọn: một là quay trở lại con đường cũ để giam chặt Hội Thánh trong những giới hạn của Do thái giáo, hai là cùng với Hội Thánh ra khơi để đi đến Rô ma, thủ đô ngoại giáo, một Ba by lon mới hiện thân của mọi thứ tội lỗi (Kh 17,5). Dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Phê rô đã chọn con đường thứ hai.
10. HỎI: Thánh Thần đã hoạt động như thế nào trong Hội Thánh sơ khai (cc.44-48)?
THƯA: Diễn từ ông Phê rô nói một cách dạn dĩ và đầy uy quyền (cc.44-48) đặt ra một nguyên tắc nền tảng không thể chối cải được: Thánh Thần Thiên Chúa thổi bất cứ nơi đâu Ngài muốn, vì Ngài là chủ tể tuyệt đối các ơn ban của Ngài và quảng đại trao ban cho ai tùy ý Ngài. Ngài hoạt động trong tâm hồn con người, kể cả người ngoại trước khi họ chịu phép Rửa và dĩ nhiên không bắt họ phải cắt bì.Qua đó, Thiên Chúa gửi sứ điệp cứu độ cho tất cả mọi người.
11. HỎI: Như thế Phê rô có phải là ‘tông đồ dân ngoại’ không’?
THƯA:Tước hiệu‘Tông đồ dân ngoại’ thường được gán cho Phao lô. Nhưng ở đây chúng ta thấy, dưới sự hướngdẫn của Chúa Thánh Thần, Phê rô đã đem tin mừng cứu độ đến chongười ngoại trước cả Phao lô.Như thế, Phê rô xứng đáng được gọi là Tông đồ dân ngoại La mã.
12. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng thế nào?
THƯA: Đọan tin mừng nằm trong bài diễn từ dài bắt đầu từ câu 13,31 đến câu 17,26 thường được gọi là diễn từ Tiệc li, chứa đựng nhiều suy tư của Chúa Giê su về mối tương giao với Chúa Cha cũng như với các môn đệ, về ý nghĩa sứ mạng và cuộc Khổ nạn của Ngài.Đọan tin mừng thuộc phần đầu của chương 15, đi liền sau ví dụ về cây nho, nói đến nhựa sống lưu thông giữa cây và cành nho, là điều kiện để sinh hoa trái. Đó là hình ảnh nói lên sự liên kết bền chặt giữa Chúa Giê su và các môn đệ của Ngài.
13. HỎI: Đoạn tin mừng có nội dung như thế nào?
THƯA: Đọan 15,9-17 gồm một vài giải thích của Chúa Giê su nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc lưu chuyển tình yêu giữa Cha Con và các môn đệ. Tình huynh đệ là giới răn trọng đại, là đòi hỏi phát xuất từ tình yêu của Cha và Con, và đồng thời cũng là sự chuyển thông của tình yêu ấy.
14. HỎI: Niềm vui của Chúa Giê su xuất phát từ đâu?
THƯA:Niềm vui của Chúa Giê su phát xuất từ sựthực hiện thành công sứ mạng của mình là nguồn suối mang lại niềm vui. Như Gio an Tẩy giả đã nói về niềm vui của mình (3,29) khi ông đã có thể biến đi trước đấng mà ông loan báo. Lần đầu tiên Chúa Giê su nói: “niềm vui của Thầy”. Ngài sẽ còn nói đến điều đó nữa (17,13). Ngài luôn luôn vui mừng khi thông truyền chương trình của Cha cho các môn đệ. Họ sẽ cảm nghiệm niềm vui bên kia đau khổ (16,20-24).
15. HỎI: Điều răn của Chúa Giê su được gọi là ‘mới’?
THƯA:Điều răn của Chúa Giê su được gọi là mới không theo nghĩa là chưa bao giờ có, nhưng với nghĩa là phi thường, vô tận, không có giới hạn. Không chỉ là yêu tha nhân như chính mình (Lv 19,18; Mc 12,31) mà là yêu như Chúa Giê su đã yêu (x. Mt 5,43-48; Lc 6,27-35).
16. HỎI: ‘Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy’ có nghĩa gì?
THƯA: Trước khi ra đi chịu khổ nạn, Chúa Giê su đã để lại những lời trăn trối quan trọng cho các môn đệ của Ngài. Một trong những lời đó là: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Tình yêu của Chúa Giê su dành cho các môn đệ cũng giống như tình yêu mãnh liệt mà Thiên Chúa đã dành cho Ngài. Ở lại trong tình yêu có nghĩa là đừng tạo một chướng ngại nào hay cản trở nào trước tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta. Cản trở lớn nhất chính là tội lỗi khiến chúng ta không sống trung thành với tình yêu của Ngài. Ở lại trong tình yêu do đó là giữ những lệnh Ngài truyền, và trung thành thực hiện những gì Ngài đòi hỏi.
17. HỎI: Chúa Giê su có ‘lưu lại trong tình yêu của Thiên Chúa Cha’ không?
THƯA: Có. Chính Chúa Giê su đã làm gương cho chúng ta trong suốt cuộc đời của Ngài. Ngài đã từng nói rằng, thực hiện những gì thánh ý Chúa Cha muốn chính là lương thực nuôi sống Ngài. Việc hoàn thành ấy đòi hỏi những hi sinh lớn lao, nhưng đem lại cho Ngài niềm hân hoan vui sướng vì biết rằng Thiên Chúa yêu thương Ngài, và xứng đáng đáp lại tình yêu ấy.
18. HỎI: Tuân giữ lệnh truyền là lưu lại trong tình yêu, nhưng đâu là lệnh truyền lớn nhất?
THƯA: Lệnh truyền quan trọng nhất gồm tóm tất cả các lệnh truyền khác là hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương. Chính Chúa Giê su đã nêu gương bằng chính cuộc sống xả thân hi sinh cho người mình yêu: “Không có tình yêu nào lớn cho bằng hiến mạng sống vì kẻ mình yêu” (x. Rm 5,7): đó là tình yêu của người Mục tử tốt lành (Ga 10,11). Theo gương Ngài, các môn đệ phải sẵn sàng hiến mạng sống cho nhau.
19. HỎI: Cái chết của Chúa Giê su trên thánh giá cho ta thấy điều gì?
THƯA: Cái chết tự hiến của Chúa Giê su trên thánh giá cho ta thấy tình yêu trung thành của Ngài đối với Chúa Cha, và đồng thời cũng cho thấy tình yêu thí mạng cho các bạn hữu của Ngài. Đó chính là mẫu mực cho tình bạn hữu.
20. HỎI: Bạn hữu và tôi tớ khác nhau như thế nào?
THƯA: Với người tôi tớ hay nô lệ, người ta ra lệnh mà không cần phải giải thích. Còn với bạn bè, người ta tin tưởng chia sẻ các dự phóng, các khám phá hoặc cả các nghi ngờ. Người ta dìu bạn mình cùng đi vào tình thân ái.
21. HỎI: Tình bạn mà Chúa Giê su mong muốn nơi người môn đệ mang những đặc tính nào?
THƯA: Nhiều lần trong lời từ biệt, Chúa Giê su lặp đi lặp lại rằng Ngài yêu thương các môn đệ (13,1.34;14,21;15,9.10), nhưng đó chưa phải là tình bằng hữu. Tình bạn mà Chúa Giê su nói đến phải mang tính cách thân mật, tin tưởng nhau, có qua có lại, phát xuất từ một sự cộng thông tư tưởng và tình cảm nào đó. Bởi đó, dù giữa Thầy và trò luôn có một khoảng cách, nhưng vẫn có thể coi nhau như bằng hữu.
22. HỎI: Được Chúa Giê su chọn lựa làm bạn hữu của Ngài, các môn đồ phải như gì để đáp lại ?
THƯA: Các môn đồ được chọn không phải vì tài đức của mình nhưng vì được yêu mến, thế nên họ phải đáp lại bằng một cuộc đời truyền giáo sinh nhiều hoa trái. Khi giữ lời Chúa truyền dạy bằng cách yêu thương nhau, các môn đệ sẽ chứng minh tình bạn của họ đối với Ngài, sẽ được Ngài yêu thương, và sẽ mang lại kết quả dồi dào trong sứ mạng của mình.