Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH A

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

LÀM CHỨNG CHO CHÚA HÔM NAY

hiendung.jpgiO agN 10x350.pngI. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 28,16-20:

(16) Mười một Môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18) Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

2. Ý CHÍNH:

Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần để chứng minh cho các môn đệ thấy Người đã thực sự từ cõi chết sống lại. Nhưng lần này trước khi về trời, Đức Giê-su hiện ra lần cuối với Nhóm Mười Một trên một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Người không chứng minh Người đã sống lại như các lần trước, nhưng trao sứ mạng rao giảng Tin Mừng phổ quát cho Hội Thánh qua Nhóm Mười Một môn đệ như sau: “Hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người cũng truyền cho các ông tiếp tục dạy cho các tín hữu phải tuân giữ các huấn luyện của Người và hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.

3. CHÚ THÍCH:

- C 16-17: +Mười một môn đệ: Nhóm Mười Hai lúc này đã bị mất Giu-đa phản bội, nên chỉ còn mười một người (x. Mt 10,1-4; 27,5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Vâng lời dạy của thiên thần nhắn cho các môn đệ qua hai phụ nữ và sau đó Chúa Phục Sinh cũng nhắc lại lệnh truyền này khi hiện ra với hai bà này vào sáng sớm Ngày Thứ Nhất trong tuần (x. Mt 28,7.10). Ga-li-lê là trung tâm truyền giáo của Đức Giê-su trong thời gian Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. + Đến ngọn núi: Tin Mừng không xác định là núi nào. Còn sách Công Vụ Tông Đồ cho biết là núi Ô-liu (x. Cv 1,12). Núi tượng trưng nơi Thiên Chúa mặc khải cho các ngôn sứ thời Cựu Ước (x. Xh 3,1-5; 19,20; 1 V 19,8-14). Trong Tin Mừng Mát-thêu, nhiều lần Đức Giê-su cũng mặc khải những điều quan trọng trên núi. Chẳng hạn: Công bố Tám Mối Phúc Thật trên một quả núi (x. Mt 5,1), biến hình trước mặt ba môn đệ trên núi cao (x. Mt 17,1); ra lệnh cho các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc trên một ngọn núi (x. Mt 28,16). (17) + Khi thấy Người, các ông bái lạy: Các môn đệ thấy Chúa Giê-su Phục Sinh và biểu lộ niềm tin bằng việc sấp mình bái lạy Người. Hành động này tương tự như các đạo sĩ đã sấp mình bái lạy Hài Nhi Cứu Thế (x. Mt 2,2.8.11); Người phong cùi bái lạy xin Đức Giê-su chữa lành (x. Mt 14,33); Người đàn bà xứ Ca-na-an bái lạy xin Đức Giê-su chữa cho con gái bà khỏi bị quỷ ám (x. Mt 15,25). + Có mấy ông lại hoài nghi: Nói đến có môn đệ còn hoài nghi sau khi các ông đã bái lạy Chúa xem ra bất nhất và khó hiểu. Thực ra, lúc này khi từ giã Chúa Giê-su sắp về trời thì mọi môn đệ đều đã tin, và không ai còn hoài nghi gì nữa. Nhưng các trình thuật Tin Mừng hiện ra khác đều nói đến sự nghi ngờ, và đều được Người đánh tan sự nghi ngờ ấy. Riêng Tin mừng Mát-thêu ghi nhận sự kiện môn đệ hoài nghi vào thời điểm này và cũng đã được Chúa Giê-su đánh tan khi cho các ông biết Người đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18). Theo một số tác giả thì sự hoài nghi ở đây nhắm đến sự hoài nghi của cộng đoàn nói chung, vì từ đây các tín hữu sẽ không còn thấy Chúa Phục Sinh hiện ra nữa. Sự hoài nghi này sẽ được Lời Chúa đánh tan. Do đó, các tín hữu cần dựa vào Lời Chúa để củng cố đức tin hầu được chúc phúc như Chúa Phục Sinh đã nói với Tô-ma: “Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20,29).

- C 18-19: + Đức Giê-su đến gần: Đến gần là hành động ưu ái đặc biệt, lấp đầy khoảng cách giữa thiên quốc và trần gian mà chỉ Đức Giê-su Phục Sinh mới làm được. + Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Lúc khởi đầu việc rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã từ chối nhận quyền do ma quỷ hứa ban cho Người trên mọi nước thế gian (x. Mt 4,8-10), thì giờ đây, sau khi đã vâng phục thánh ý Chúa Cha để đi con đường "Qua đau khổ vào vinh quang", Người đã được Chúa Cha ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, để ứng nghiệm lời tuyên sấm trong sách Đa-ni-en về Con Người: “Người được ban tặng quyền bính, vinh dự, vương triều. Tất cả các dân các nước và các tiếng nói đều phải phụng sự Người” (Đn 7,14), và quyền bính của Người còn bao trùm cả trời đất (x. Cv 13,33). + Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Các môn đệ đại diện Hội Thánh nhận bài sai của Chúa Giê-su để đi chinh phục thế giới. Từ nay Hội Thánh phải nhân danh Chúa Giê-su mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người, trước tiên là những người Do thái (x. Mt 10,5-6; 15,24), rồi đến mọi dân trên thế giới (x. Mt 8,11; 21,41). + Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Làm cho người ta trở thành môn đệ Chúa Ki-tô gồm cả việc rao giảng Tin Mừng. Để chu toàn việc này, các môn đệ phải cho họ lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, nghĩa là đặt người dự tòng trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

- C 20: + Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền: Việc đào tạo người ta nên môn đệ Chúa phải được tiếp tục sau phép rửa qua lời giảng dạy, cho tới khi Hội thánh đạt tới sự viên mãn của Đức Ki-tô (x. Ep 1,23). Vì thế các Tông đồ phải hướng dẫn muôn dân tuân giữ các giới răn của Chúa. Dân của Giao Ước Mới phải sống theo Luật Mới do Chúa Giê-su công bố mà các Tông đồ phải truyền đạt. + Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Ki-tô Phục Sinh hứa sẽ hiện diện mãi trong Hội Thánh để hỗ trợ, giúp Hội Thánh chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho đến tận thế. Vì Người chính là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23).

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao chỉ còn Mười Một môn đệ có mặt khi Chúa lên trời ? 2) Tại sao các môn đệ lại họp mặt tại miền Ga-li-lê ? 3) Chúa lên trời trên núi nào ? 4) Tại sao các môn đệ bái lạy Đức Giê-su khi Người xuất hiện ? 5) Tại sao Tin Mừng nhắc đến thái độ hoài nghi của các môn đệ vào lúc này ? 6) Tại sao trước khi lên trời Chúa Giê-su tuyên bố mình được trao toàn quyền trên trời dưới đất ?

HỎI 7) Mệnh lệnh thâu nạp môn đồ khắp muôn dân cũng như công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi chính xác đến mức độ nào, đang khi sách Công Vụ Tông Đồ lại cho biết Hội Thánh sơ khai dùng công thức rửa tội “nhân danh Chúa Giê-su” (x. Cv 2,38; 10,48) ?

ĐÁP 7): Thực ra, mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc và việc nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong đoạn Tin Mừng Mát-thêu nói trên bắt nguồn tư Chúa Giê-su. Tuy nhiên việc mở rộng sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc đã dần dần được sáng tỏ do tác động của Chúa Thánh Thần (x. Cv 11,15-18). Sau một thời gian sống và rao giảng Tin Mừng, Hội Thánh do kinh nghiệm thực tế đã dần dần hiểu biết trọn vẹn lệnh truyền của Chúa Giê-su và đưa công thức rửa tội nhân danh Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần vào phụng vụ phép rửa. Đến khi biên soạn Tin Mừng thứ nhất (khoảng thập niên 80-90), Mát-thêu được Thánh Thần linh hứng, đã đưa mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi vào lệnh truyền rửa tội của Chúa Giê-su cho các môn đệ trước khi lên trời (x. Mt 28,19).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18b-20).

2. CÂU CHUYỆN:

1) DÙNG LỜI NÓI ĐỂ LÀM CHỨNG CHO CHÚA:

JUNE là một bé gái 5 tuổi có khuôn mặt đẹp như thiên thần và rất lanh lợi. Cha mẹ em đều là nhà giáo có lòng đạo đức. Mẹ thường đem em đi theo mỗi khi bà có việc phải đi ra ngoài. Một hôm, hai mẹ con dắt nhau vào trong bưu điện thành phố. Đang lúc bà mẹ lo gửi thư bảo đảm cho một người thân, thì bé June chạy chơi loanh quanh gần đó quan sát người ta làm việc. Bấy giờ một ông lão ngồi gần đó thấy bé gái kháu khỉnh dễ thương, liền bắt chuyện làm quen như sau: “Này cháu bé. Cháu có mái tóc đẹp lắm ! Mà tại sao mái tóc của cháu lại đẹp đến thế nhỉ ?” Cô bé liền vui vẻ trả lời: “Thưa ông, mẹ cháu dạy rằng: Chính Thiên Chúa đã ban mọi sự tốt đẹp cho cháu và cháu phải biết tạ ơn Người nhiều lắm đó !” Nói xong em nhìn thẳng vào mặt ông lão, nhoẻn một nụ cười thật dễ thương và hỏi: “Thế ông đã được Chúa ban cho điều gì tốt đẹp chưa ? Ông có đươc Chúa ban ơn cứu độ không ?”. Ông lão kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ của cô bé. Ông ngẩn người suy nghĩ giây lát về tình trạng của mình rồi đáp: “Chưa đâu, cháu ạ”. Em bé liền nói: “Thế thì ông phải cầu xin Chúa ban ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông trở thành con của Chúa, và ông sẽ được Chúa biến đổi nên một người mới rất xinh đẹp đó !” Nói xong, bé vội chạy về phía mẹ đang vẫy gọi ở lối đi bên kia. Ít tuần sau, ông lão tìm đến một nhà thờ xin học giáo lý dự tòng. Về sau ông cho biết: chính câu nói đơn sơ của cô bé hôm ấy đã đánh động tâm hồn vốn chai lì của ông, và luôn ám ảnh khiến ông không thể quên được. Cuối cùng ông đã quyết định phải  theo đạo để được trở nên con của Thiên Chúa và được biến đổi nên tốt đẹp như em đã nói.

Câu nói của một bé gái tuy đơn sơ nhưng đã có sức mạnh khiến một người già cứng lòng phải suy nghĩ và quay trở về với Chúa. Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta có dám biểu lộ đức tin trước mặt người khác không ? Có dám nói về Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa để họ tin Chúa và đi theo làm môn đệ Người hay không ?

2) LÚC CẤP BÁCH CẦN TRUYỀN ĐẠT ĐỨC TIN CÁCH CỤ THỂ:

Trong tác phẩm “Hương rượu mới”, tác giả thuật lại về giờ phút cuối cùng của cha mình như sau: Bấy giờ cha tôi đang hấp hối trên giường bệnh. Trong khi tôi chỉ biết ngồi nhìn cha với tâm trạng chán nản thất vọng, thì một nữ tu Công giáo với dáng người nhỏ nhắn đã bước vào phòng. Chị đi vòng qua bên kia giường cha tôi đang nằm, cầm lấy tay ông đưa lên vỗ nhè nhẹ. Sau đó chị hỏi: “Bác có nghe cháu nói không ?” Ông cụ gật đầu. Đoạn chị nói với ông: “Trước đây bác đã tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế chưa ?” Ông cụ lắc đầu. Chị nữ tu liền nói: “Bây giờ bác có muốn tin Chúa không ?” Ông cụ đáp: “Dạ có”. Thế là chị yêu cầu ông lặp lại theo mình: “Lạy Chúa Giê-su, con tin nhận Chúa là Đấng Cứu Thế của con. Xin Chúa ban cho con được làm môn đệ Chúa và được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa trên trời. Lạy Chúa Giê-su, xin đón nhận linh hồn con”. Ông cụ lặp lại theo từng câu và sau đó từ từ nhắm mắt qua đời.

3. SUY NIỆM:

1) THẾ NÀO LÀ LÀM CHỨNG CHO CHÚA ?

Làm chứng cho Chúa là giới thiệu Đức Giê-su cho người khác. Muốn giới thiệu Đức Giê-su thì trước hết là phải làm cho đức tin nơi mình được lớn lên nhờ năng tham dự các buổi hiệp sống Tin Mừng với cộng đoàn hằng tuần, năng đến nhà thờ dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng để được kết hiệp với Chúa, năng cầu nguyện bằng lời nguyện tắt…

Mỗi tín hữu đã chịu phép Thêm Sức đều đón nhận được ơn Chúa Thánh Thần để nên trưởng thành về đức tin và chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa Giê-su theo lệnh Chúa truyền trước khi về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Cụ thể chúng ta cần loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, bắt đầu từ những người thân như: chồng vợ, con cái, cha mẹ, anh chị em… Rồi đến những người cùng xóm ngõ, bạn bè, đồng nghiệp …  Sau cùng là mọi người nhất là những người bất hạnh, các bệnh nhân, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa…

2) PHƯƠNG CÁCH TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU:

Khi ra giảng đạo, Đức Giê-su đã nhận sứ mạng Thiên Sai từ nơi Chúa Cha khi được Chúa Cha giới thiệu là “Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha” (x. Mt 3,17) và truyền dạy các môn đệ “Hãy vâng nghe lời Người” (x. Mt 17,5).

Người đã thực thi sứ mạng Thiên Sai ấy nhờ kết hiệp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần: Được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ (x. Mt 4,1); Nêu gương cầu nguyện trước khi chọn mười hai Tông đồ (x. Lc 6,12-16). Hằng ngày đi cầu nguyện với Chúa Cha ngay từ sáng tinh sương (x. Mc 1,35).

Người nêu gương khó nghèo “Con Người không có chỗ dựa đầu” (Mt 8,20), ăn ở “hiền hậu và khiêm nhường” (x. Mt 11,29), nêu gương hầu hạ rửa chân môn đệ trước khi dạy bài học yêu thương phục vụ lẫn nhau (x. Ga 13,12-15), và chỉ thị cho các môn đệ cách ứng xử khiêm tôn yêu thương phục vụ khi sai các ông đi thực tập truyền giáo (x. Mt 10,5-42).

Người giảng dạy Tin Mừng trong các hội đường Do thái (x. Mt 13,54), giữa cánh rừng vắng (x. Mt 14,13), ở ven biển hồ (x. Mt 13,1), vừa đi đường vừa giảng như tại Giê-ri-cô (x. Lc 19,1-6), giảng trong bữa tiệc (x. Lc 5,29-32). Người giảng trong các thành thị làng mạc trên đường lên Giê-ru-sa-lem (x. Lc 13,22), và tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem (x. Ga 10,22-30)…

Người trình bày giáo lý bằng những ví dụ cụ thể thường ngày là các dụ ngôn để diễn tả các mầu nhiệm cao siêu về Nước Trời (x. Mt 13,3-52). Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền (x. Mt 7,29).

Người rao giảng Tin Mừng Nước Trời kèm theo việc làm phép lạ cứu nhân độ thế như: xua trừ ma quỷ và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyện trong dân (x. Mc 1,21-22.32-34), quan tâm đáp ứng nhu cầu tinh thần và thể xác của dân chúng và đòi môn đệ cộng tác vào phép lạ nhân bánh ra nhiều (x. Mt 14,15-18).

Nhờ rao giảng theo phương cách bác ái cụ thể như vậy mà Đức Giê-su đã được dân chúng tin theo rất đông, thể hiện ra khi Người khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem (x. Mt 21,10-11).

3) PHƯƠNG CÁCH HỮU HIỆU LÀM CHỨNG CHO CHÚA HÔM NAY:

Ngày nay để làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu, mỗi tín hữu cũng cần học tập phương cách truyền giáo của Đức Giê-su. Cụ thể làm những việc như sau:

- Cầu nguyện để xin ơn trợ giúp: Muốn làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu trước hết phải cầu nguyện như lời Đức Giê-su dạy: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Phải cầu nguyện xin ơn Chúa giúp vì đây là việc làm vượt khả năng tự nhiên giới hạn của chúng ta, như lời Chúa Giê-su đã nói trong diễn từ giã biệt: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

- Nêu gương sống tốt lành thánh thiện:  chúng ta còn phải tỏa hương thơm nhân đức, có thái độ ứng xử hiền hòa nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân, biết quên mình để nghĩ đến người khác, khiêm tốn phục vụ người nghèo như phục vụ chính Chúa Giê-su. Nhất là các vị chủ chăn cần ý thức mình là hiện thân của Đức Giê-su trước mặt lương dân, nên cần noi gương hiền hậu bao dung và khiêm tôn phục vụ khi làm các thủ tục về hôn phối giữa tín hữu đạo gốc với tân tòng hay phép chuẩn khác đạo, hoặc trong thánh lễ có người lương tham dự… Chính thái độ bao dung nhân hậu và thánh thiện thanh thoát của các vị mục tử sẽ gây ấn tượng tốt và giúp người lương hiểu đúng về đạo công giáo và dễ tin theo Chúa sau này.

- Quảng bá văn hóa đức tin công giáo: Làm chứng cho Chúa bằng phương tiện truyền thông xã hội như lập nhiều website Công Giáo nội dung phong phú và có uy tín, xuất bản các sách truyện tranh Kinh thánh, truyện các thánh, sách hộ giáo nghắn gọn dễ hiểu để giải tỏa các thắc mắc về đức tin, luân lý công giáo… Trao tặng các cỗ tràng hạt kèm theo sách hướng dẫn lần hạt Mân côi kèm theo Lời Chúa và lời cầu trước mỗi mầu nhiệm Vui Sáng Thương Mừng khi lầm hạt mân côi…

- Chủ động đi bước trước đến với tha nhân: Mỗi người cần làm chứng cho Chúa bằng việc chủ động mỉm cười làm quen với người mới gặp, lắng nghe những người đau khố tâm sự hoàn cảnh để cảm thông và khôn ngoan đáp ứng theo khả năng giới hạn của mình… Chọn một người chưa biết Chúa, một gia đình lương mình quen biết để cầu nguyện cho họ …

- Lời rao giảng phải đi đôi với việc bác ái cụ thể: Ngoài việc làm chứng cho Chúa bằng việc trình bày về Chúa, Hội thánh ngày nay còn chú trọng làm việc bác ái cụ thể như: Cứu trợ thiên tai lũ lụt, mở cô nhi viện, nhà nuôi người già, giúp người khuyết tật, mở lớp học tình thương, mở các đợt khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo vùng sâu vùng xa, mở bữa ăn miễn phí cho người hành khất hay quán cơm phục vụ giá rẻ cho người lao động v.v… Ngoài ra về mặt xã hội, Hội Thánh cũng khuyến khích các tín hữu tích cực tham gia làm công tác xã hội với các người thiện chí như: Dọn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hiến máu nhân đạo để cứu người bị tai nạn, góp phần đẩy lùi và loại trừ các tệ nạn xã hội như cờ bạc, hút chích sì-ke, đĩ điếm, say xỉn ra khỏi khu vực…

TÓM LẠI: Nhờ các việc bác ái cụ thể được thực hiện trong sự khiêm tốn yêu thương vô vụ lợi, mà Tin Mừng Nước Trời sẽ tỏa sáng, giúp cho nhiều anh em lương dân nhận biết chúng ta thực là môn đẹ Chúa Giê-su và tôn vinh Thiên Chúa Cha chúng ta ở trên trời như lời Đức Giê-su: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

4. THẢO LUẬN: 1) Theo bạn, các công tác bác ái từ thiện noi gương Đức Giê-su như: chia sẻ cơm áo gạo tiền cho những người nghèo đói bệnh tật… có hữu hiệu trong xã hội hiện nay không ? Tai sao? 2) Bạn có kinh nghiệm nào để giới thiêu Chúa cách hữu hiệu cho người bên cạnh trong một chuyến đi xa, hay một bệnh nhân nằm chung phòng tại bệnh viện … ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay cùng với Hội Thánh, chúng con mừng lễ Chúa về trời. Trời đích thực là quê hương của chúng con, là nơi chúng con luôn hướng về. Tuy nhiên, trong bài Sách Thánh hôm nay, thiên thần lại nói với các môn đệ: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11). Qua đó, Chúa muốn dạy rằng: điều quan trọng nhất các ông phải làm bây giờ là tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Giê-su, bằng việc loan Tin Mừng “bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”. Làm chứng trước hết bằng sự rao giảng Tin Mừng Nước Trời với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Nhưng chúng con cũng có thể làm chứng bằng những hành động bác ái yêu thương, bằng sự khiêm nhường phục vụ, bằng việc quảng đại cho đi, bằng việc hy sinh bản thân vì lòng mến Chúa và yêu tha nhân... Xin giúp chúng con chu tòan sứ mạng ấy trong cuộc sống đời thường của chúng con.

- LẠY CHÚA. Chúng con thường hay cho tằng: “Tôi phải lo cái ăn cái mặc cho bản thân và gia đình tôi trước đã ! Tôi không có khả năng trình bày về Chúa cho người khác ! Tôi không có thì giờ …” Đang khi Chúa dạy chúng con: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Vậy xin Chúa giúp chúng con hôm nay đừng quá lo cơm áo vật chất cho bản thân hay gia đình, nhưng phải biết lo việc của Chúa và phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Xin Chúa giúp chúng con biết làm lợi gấp năm gấp mười nén vàng đức tin mà Chúa đã ban cho chúng con, để nhờ đó chúng con hy vọng sẽ được Chúa thương xét xử khoan dung và nói với chúng con: “Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM

 

 

 

CHÚA VỀ TRỜI TRONG VINH QUANG  - RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG

Thưa quý OBACE, khác với cuộc chia tay lần trước, khi Chúa Giêsu cùng với các tông đồ ngồi bên nhau trong căn phòng tiệc ly, bầu khí của buổi chia tay hôm ấy thật nặng nề. Còn hôm nay, Chúa Giêsu cùng với các học trò cũng chia tay nhau, nhưng ai cũng phấn khởi ; để từ hôm nay, tất cả đều bước vào một giai đoạn mới, với một sứ mạng mới. Chúa Giêsu thì bước vào vinh quang sau khi hoàn thành nhiệm vụ, còn các tông đồ thì hân hoan để lên đường cho sứ vụ mới : Giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và con và Thánh Thần.

Về trời không có nghĩa là Chúa bỏ rơi các tông đồ và nhân loại chúng ta, nhưng về trời là Đức Giêsu trở về với vinh quang của một vị Thiên Chúa, mà do mầu nhiệm Nhập Thể làm người, vinh quang ấy dường như bị lu mờ, bị che khuất ; thì nay, ở bên Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu như vị anh hùng thắng trận trở về trong vinh quang cùng những lời ca mừng chiến thắng của cả triều thần thiên quốc. Về trời, không phải là Chúa về một hành tinh xa xôi nào đó, nhưng là Chúa thay dổi cách thức hiện diện. Kể từ đây, Chúa không hiện diện bằng xương bằng thịt như trước nữa, nhưng vẫn hiện diện bằng tình yêu thương, bằng sự quan phòng và hiện diện qua các thừa tác viên của Ngài. Hình ảnh Thánh Luca thuật lại trong bài đọc một đã cho thấy điều đó: Người được cất lên cao trước mặt các ông, và có đám mây bao phủ lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Tác giả muốn cho thấy rằng, vì được vinh quang Thiên Chúa bao bọc, nên mắt phàm của con người bị che phủ không nhận ra Ngài. Vì thế, muốn nhận ra Ngài cần có cái nhìn đức tin để nhìn xuyên bức màn ấy để thấy Đức Giêsu.

Thế nhưng, điều mà Thánh Kinh muốn nhắm đến không phải là việc đứng đó nhìn lên trời, mà là phải trở về với cuộc sống thường ngày để loan truyền Tin Mừng và giáo huấn của Đức Giêsu cho đến khi Ngài trở lại. Có hai thiên thần hiện ra và nói: Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn trời ? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa xa các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông thấy Ngài lên trời. Đó là sứ điệp cho mọi người. Chúng ta không thể cứ nhìn trời mà bỏ qua những thực tại trần thế. Chúng ta không thể hướng về trời mà quên mất nhịp sống ở trần gian, và càng không thể quên anh chị em chung quanh, cùng với những lo âu của cuộc sống, của xã hội. Nhưng trái lại, chúng ta phải chu toàn một cách tốt đẹp bổn phận là một người tín hữu, một người công dân, là vợ chồng, là cha mẹ, con cái trong niềm hân hoan, hy vọng, đợi chờ ngày Chúa sẽ trở lại.

Tin Mừng hôm nay cũng cung cấp cho ta những chi tiết hết sức quan trọng. Chúa Giêsu Phục Sinh đã hẹn các tông đồ trên một ngọn núi cao. Núi cao theo truyền thống Thánh Kinh là nơi con người được gặp gỡ Thiên Chúa và là nơi Thiên Chúa bày tỏ vinh quang. Chúa Giêsu đã hẹn gặp các tông đồ trên núi, cho các ông được thấy vinh quang, được cảm nhận, được gặp gỡ thần linh, được tiếp xúc với Thiên Chúa. Chính vì thế, khi thấy Chúa Giêsu xuất hiện, các ông đã bái lạy Người. Điều này chứng tỏ rằng các ông đã tin nhận Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng đầy tràn vinh quang của một vị Thiên Chúa, nay đang hiện diện trước mặt các ông, và cho các ông được tiếp xúc, gặp gỡ với Ngài.

Chính trong bầu khí thánh thiêng này, Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ một sứ mạng hết sức quan trọng, đó là: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Tức là, các ông sẽ không được phép biến người khác thành môn đệ của mình, nhưng làm cho họ thành môn đệ của Chúa. Các ông thực hiện sứ mạng này không phải theo ý thích cá nhân hoặc nhân danh cá nhân, nhưng là thực hiện sứ mạng này nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Các ông phải giúp cho mọi người nhận biết Đức Giêsu, đón nhận và thi hành giới răn, lề luật của Người. Đồng thời, Chúa còn hứa với các ông: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Lời hứa này giúp các tông đồ tăng thêm sức mạnh và lòng nhiệt thành với sứ mạng, vì các ông biết rằng, các ông sẽ không làm việc riêng lẻ một mình, nhưng các ông làm việc trong sự hiện diện và bảo vệ của Chúa.

Chính trong niềm tin và sức mạnh của Chúa Giêsu trao ban mà mười hai con người nhỏ bé, tầm thường ngày xưa đã trở thành những con người vĩ đại ; từ một nhóm nhỏ những anh thuyền chài, nay họ đã trở thành mười hai gương mặt, mười hai con người thay đổi cả thế giới bằng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Xưa các ông là những con người nhút nhát, nhưng từ khi được gặp gỡ Đấng Phục Sinh và được đón nhận sứ mạng Chúa trao, các ông đã đi đến tận cùng thế giới để làm cho mọi người trở nên môn đệ của Đức Giêsu, trong đó có mỗi chúng ta hôm nay.

Sứ mạng của Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ cũng là sứ mạng Chúa truyền cho mỗi người chúng ta. Đó là phải trở thành những người thợ, những người đem Tin Mừng, giới răn và lề luật của Đức Giêsu đến mọi hang cùng ngõ hẻm, đến với hết mọi người mọi thành phần, để mọi người cũng trở nên môn đệ của Đức Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy rằng, nhiều tín hữu đã quên mất sứ mạng đó. Chúng ta đã không cảm thấy bị thôi thúc phải đem Chúa đến cho mọi người, chúng ta an phận, bằng lòng với tình trạng hiện tại mà không nhận ra còn hàng tỷ người trên thế giới, hàng triệu người bên cạnh đang chờ chúng ta đem Chúa đến cho họ.

Chúng ta sẽ phải thi hành sứ mạng này như thế nào? Lời của sứ thần nói với những người Galilê hôm nay cũng là lời nói với chúng ta: Hỡi người Galilê, sao còn đứng nhìn trời mãi như thế? Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể sống như người mộng du, hoặc như những người cực đoan chỉ nhìn trời, hướng về thiên đàng mà quên bổn phận trần thế. Hãy trở về với cuộc sống thường ngày, với cơm áo gạo tiền, với bổn phận riêng, với công việc làm ăn và hãy thánh hóa, hãy biến đổi tất cả công việc ấy theo ý hướng của Tin Mừng và làm tất cả những công việc đó trong hy vọng đợi chờ Chúa sẽ trở lại. Khi chúng ta làm việc với tinh thấn ấy, công việc và cuộc sống chúng ta sẽ vui tươi và đầy tràn hy vọng, vì chúng ta không đơn độc nhưng có Chúa luôn ở cùng chúng ta, đồng hành và chia sẻ công việc với chúng ta.

Hôm nay được chọn là ngày Quốc Tế Truyền Thông, Giáo Hội mời gọi chúng ta dùng tất cả phương tiện truyền thông hiện đại của ngày nay, để truyền tải sứ điệp Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu cho mọi người. Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin, ti vi, báo đài, điện thoại, Internet và các mạng xã hội toàn cầu đang giúp cho con người xích lại gần nhau hơn, hiểu biết nhau hơn và thông tin nhanh chóng hơn. Truyền thông hiện đang đang có sức hút mạnh mẽ và cũng đang có tác động đến rất nhiều người. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, nó cũng ngầm chứa nhiều điều tiêu cực, và có nhiều người đã lợi dụng nó để tuyên truyền và gây ảnh hưởng xấu đến người khác. Vì thế ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người làm công tác truyền thông, những người sử dụng các phương tiện truyền thông, biết sử dụng một cách chân chính, đạo đức và với một lương tâm ngay thẳng.

Còn về phía chúng ta là những người đang bị tác động rất nhiều bởi thông tin, nhiều lúc người ta bị rối loạn thông tin, không còn biết tin vào ai nữa. Có nhiều người đã quá dễ tin, họ tin tất cả những gì báo chí viết mà không hề suy nghĩ, cân nhắc, chọn lọc, và không dùng khả năng để đánh giá. Vì thế, họ bị rơi vào cái bẫy của kẻ xấu. Có những người tin vào một vài bài báo, nhưng lại không tin vào Lời Chúa và không tin những điều Giáo hội giải thích và dạy dỗ.

Bên cạch đó là những trang mạng xấu, những phim ảnh khiêu dâm đang lan tràn trên internet, đang đầu độc không chỉ nhiều bạn trẻ mà còn đầu độc cả người lớn. Nó có thể đi vào từng phòng của gia đình, vào từng chiếc điện thoại trong túi. Hãy cảnh giác và dứt khoát với các phim ảnh xấu ấy. Các bậc cha mẹ hãy quản lý cái vi tính và giúp con cái tránh xa những phim ảnh xấu. Còn các bạn trẻ, hãy sữ dụng FB, email, 3G một cách trưởng thành hơn. Tại sao chúng ta không dùng các phương tiện này để nghiên cứu, học tập, và đem Chúa vào các trang FB của mình ? Đừng vì a dua mà ném đá nhau một cách thiếu hiểu biết, nhưng hãy biết tôn trọng nhau và tôn trọng môi trường FB chung. Hãy chia sẻ cho nhau sự cảm thông và lòng nhân ái, giúp mọi người xích lại gần nhau và cảm thông với nhau nhiều hơn.

Xin Chúa cho chúng ta có một lòng nhiệt thành biết dùng mọi phương tiện, khả năng, mọi cơ hội và cả cuộc sống để giới thiệu Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho anh em ; và xin cho chúng ta có lòng khao khát đem Chúa đến cho mọi người như mệnh lệnh Chúa truyền cho chúng ta hôm nay. Amen.

Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thăng Thiên Năm A

Ngày lễ Chúa Lên Trời, tự nhiên chúng ta muốn ngước mắt nhìn lên: nhớ lại việc Người thăng thiên và chiêm ngưỡng Người trong vinh quang Thiên Chúa. Nhưng những việc ấy tỏ ra khó làm và ít kết quả. Nhớ lại việc Chúa về trời, chúng ta sẽ chẳng thấy gì hơn những lời Luca đã viết: "Nói thế rồi Ngài cất mình lên trước mắt họ, và một đám mây đã quyện lấy Ngài đi khuất mắt họ" (Cv 1,9). Còn chiêm ngưỡng Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đang ngự trong vinh quang Thiên Chúa, không chắc chúng ta sẽ có thể nói gì hơn những lời thư Phaolô: "Quyền lực Người đã thi thố ra nơi Ðức Giêsu Kitô, tức là đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, và đặt Người ngự bên hữu mình ở trên trời, vượt qua mọi cấp trật: thiên phủ, quyền năng, thế lực cùng thiên chủ..." (Ep 1,20-21).

Như vậy trong ngày Lễ Chúa lên trời, chúng ta không được ưu đãi nhiều đề tài để suy nghĩ dễ dàng sao?

Bài Tin Mừng Matthêô vừa nghe mở ra một phương hướng nhiều hứa hẹn. Chúng ta hãy nhớ lại lần gặp gỡ cuối cùng ở trần gian giữa Chúa Phục sinh với các môn đệ. Chúng ta hãy chú ý nghe mệnh lệnh Người để lại trước khi về trời. Và chúng ta sẽ thấy ngày nay mỗi khi muốn làm đẹp lòng Ðấng ngự trên trời, chúng ta phải thi hành mệnh lệnh đó.

Làm như vậy, chúng ta sẽ đáp ứng lời thiên sứ trong ngày lễ Chúa Lên Trời, khi người nói với các môn đệ: "Hỡi những người xứ Galilê, sao còn ngước mắt nhìn lên trời?". Chúng ta bắt chước các môn đệ, trở về với mặt đất, nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã sống và đã làm, đặc biệt trong lần gặp gỡ cuối cùng trước khi về trời, để tìm ra ý định của Người đối với đời sống trần gian của chúng ta.

A. Lần Gặp Gỡ Cuối Cùng

Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại nhiều lần Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ. Nhưng chỉ hai thánh sử Marcô và Luca có những lời kết thúc mọi lần gặp gỡ ấy. Marcô viết: sống lại lúc tảng sáng, ngày thứ nhất trong tuần, trước tiên Ngài hiện ra cho Maria Magđala... Sau đó Ngài tỏ mình ra cho hai người trong nhóm họ ở trên đàng... Sau cùng Ngài đến với chính nhóm Mười Một đang khi họ dùng bữa... Và sau khi đã nói cùng họ xong, Chúa Giêsu được nhắc về trời và lên ngự bên hữu Thiên Chúa (16,9-19).

Marcô cho ta có cảm tưởng mọi lần Chúa Phục sinh hiện đến đều xảy ra vào ngày thứ nhất trong tuần và Người đã lên trời cũng trong chính ngày ấy. Như vậy rõ ràng Marcô không đồng ý với Luca trong bài sách Công vụ hôm nay, vì tác giả này viết: Chúa Giêsu chỉ về trời 40 ngày sau khi sống lại và đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ.

Nhưng chính Luca cũng lại mâu thuẫn với mình nữa. Trong sách Công vụ thì ngài viết như thế, còn trong sách Tin Mừng thì ngài lại viết hầu giống như Marcô. Ngài cũng thuật rằng: Ngày thứ nhất trong tuần Chúa Phục sinh tỏ mình ra cho hai môn đệ đi Emmau vào lúc sau khi ngày đã xế chiều. Ngay giờ đó họ đã chỗi dậy trở về Giêrusalem và gặp thấy các bạn đang sum họp cùng nhau... Họ đang còn nói thì Ngài đã đứng giữa họ... Rồi Ngài dẫn họ đến tận Bêthania: đoạn giơ tay, Ngài chúc lành cho họ. Và xảy ra là đang khi Ngài chúc lành cho họ, thì Ngài tách lìa họ và được nhắc lên trời (24,13-51).

Luca có thể quên những điều ngài vừa viết khi soạn sách Công vụ các Tông đồ không? Và ngài có ý gì khi khẳng định việc Chúa Lên Trời khác nhau như vậy?

Ðọc kỹ các sách Kinh thánh, chúng ta có thể thấy rằng, trong sách Tin Mừng, Luca đã theo Marcô. Và cả hai đều muốn tô đẹp ngày Chúa nhật Phục sinh. Ðối với cả hai, đó là ngày Chúa sống lại hiện ra với các môn đệ. Chắc chắn các ngài đã không muốn thuật lại hết mọi lần Chúa hiện ra. Các ngài đã lựa chọn kể lại một vài lần hiện ra đặc sắc. Và câu các ngài viết để thuật lại việc Chúa Lên trời thực ra nhằm mục đích kết thúc mọi lần Chúa sống lại hiện ra hơn là muốn khẳng định Chúa đã lên trời trong chính ngày Chúa nhật Phục sinh.

Nhất là trong Tin Mừng Luca, chúng ta thấy hai môn đệ đã phải trở về Giêrusalem vào lúc tối. Ðến nơi, họ gặp các Tông đồ, rồi được Chúa hiện ra chung cho mọi người và sau đó tất cả được Người dẫn đến Bêthania để chứng kiến việc Người lên trời. Như vậy, Người lên trời vào lúc đêm tối ư?

Không, lối hành văn của hai bản Tin Mừng Marcô và Luca trên đây không ghi lại lịch sử theo chi tiết thời gian. Hai tác giả muốn loan truyền Tin Mừng cứu độ: Ðức Kitô đã sống lại ngày thứ nhất trong tuần; Người đã hiện ra dạy dỗ các môn đệ nhiều lần; và lần cuối cùng Người đã cho họ thấy Người lên trời. Còn "lần cuối cùng" này xảy ra vào ngày nào, lúc nào, thì không tác giả nào muốn xác định theo lịch sử thời gian. Hai thánh Marcô và Luca, "bề ngoài" có vẻ như muốn quả quyết là vào cuối ngày thứ nhất trong tuần, nhưng thật sự như chúng ta đã thấy, cả hai chỉ muốn dùng việc lên trời để kết thúc mọi lần hiện ra; và các lần hiện ra này lại được xếp cả vào ngày thứ nhất trong tuần để tô điểm cho ngày Chúa sống lại. Ta có thể nói hai bản văn Tin Mừng Marcô và Luca là hai bài thần học về ngày Chúa Nhật: đó là ngày Chúa sống lại hiện đến với các môn đệ. Ðồng thời cũng là những bài thần học về mầu nhiệm Chúa Phục sinh. Mầu nhiệm này bao gồm việc Người sống lại, hiện ra với các môn đệ và lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa.

Theo Luca, chúng ta có thể nghĩ Chúa sống lại như mặt trời lúc rạng đông và Người về trời như vừng ô lúc lặn; còn cả ngày, thì ánh sáng Người chiếu soi cho các môn đệ. Luca kể chuyện Chúa đã liên tiếp hiện ra trong một ngày. Nếu chúng ta gom mọi lần hiện ra đó vào một và coi như chỉ là những diện khác nhau của việc Chúa sống lại tỏ mình ra cho các môn đệ, thì khi Người hiện đến họ biết Người đã sống lại và lúc Người biến đi họ biết Người đã về trời. Không vậy thì phải hỏi Người ở đâu? Nhưng họ đã không hỏi vì đã tin quyền năng Thiên Chúa đã phục sinh Ðức Giêsu từ nơi kẻ chết, thì mặc nhiên họ đã nhận ra rằng Người đã được nhắc lên trong vinh quang Thiên Chúa. Hai người trong nhóm họ đã viết lại việc Người lên trời cách hữu hình chẳng qua để muốn nói rằng từ nay Chúa sống lại không hiện ra nữa.

Nhưng tại sao Luca trong sách Công vụ lại nói đến con số 40 ngày như là thời gian để Chúa Phục sinh hiện ra dạy dỗ các môn đệ? Có thể lần hiện ra cuối cùng đã xảy ra vào ngày thứ 40 sau khi Chúa sống lại. Nhưng có thể hơn là Luca có một ẩy ý gì đây khi nêu ra con số này.

Chúng ta biết Môsê đã ở trên núi 40 ngày; dân được chọn đã đi trong sa mạc 40 năm; Êlya đã đến núi Horeb 40 ngày và nhất là chính Ðức Kitô đã chay tịnh 40 ngày trong sa mạc. Con số 40 ngày trở thành biểu tượng thời gian kết hợp với Thiên Chúa và được Thiên Chúa dạy dỗ. Có lẽ Luca muốn nói lên hạnh phúc và địa vị ưu việt của các Tông đồ. Các ngài là những người được Chúa sống lại hiện đến dạy dỗ trong 40 ngày. Như vậy các ngài đã có giáo lý đầy đủ của Chúa phục sinh và chúng ta phải kính nể, tin yêu giáo lý ấy.

Bởi vì chính đoạn sách Công vụ các Tông đồ hôm nay không có ý trình bày việc Chúa lên trời, đó là những lời mở đầu cho cả một cuốn sách. Tác giả nói đến nhiều ý tưởng mà tựu trung là để chuyển từ cuộc sống trần gian của Ðức Kitô sang thời đại hoạt động của các Tông đồ. Nên vai chính trong đoạn văn này là Phêrô và các bạn ông. Họ là những người được Ngài tuyển lựa dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, được tiếp xúc với Chúa Phục sinh trong 40 ngày là thời gian đầy đủ và lý tưởng, được Ngài dạy dỗ cặn kẽ về hoạt động tương lai và cuối cùng được thấy Ngài về trời để biết rõ nay đã đến thời đại của họ. Chính vì vậy mà bài sách Công vụ hôm nay kết thúc bằng câu: "Ðấng vừa bỏ các ông mà siêu thăng, sẽ đến cùng một thể như các ông đã thấy Ngài đi lên trời", để hàm ý nói rằng: các ông phải đi làm việc cho đến ngày Ngài lại đến.

Như vậy chúng ta không còn lý do nào nữa để cứ nhìn lên trời mãi. Hãy đi thi hành mệnh lệnh Chúa để lại mà cả hai bài sách Công vụ lẫn bài Tin Mừng đều tường thuật.

B. Lệnh Chúa Truyền

Bài sách Công vụ cho ta thấy: suốt 40 ngày Chúa Giêsu đã hiện ra cho các môn đệ mà nói về Nước Thiên Chúa. Rồi đang lúc đồng bàn với họ, Ngài truyền cho họ chớ rời xa Giêrusalem... nhưng hãy đợi chịu lấy quyền năng của Thánh Thần... rồi sẽ là chứng tá cho Ngài đến tận cùng trái đất.

Cụ thể, các Tông đồ phải ở lại Giêrusalem chờ lãnh ơn Thánh Thần rồi ra đi làm chứng cho Chúa Giêsu. Lệnh truyền có vẻ đơn sơ, nhưng nhiều ý nghĩa và hậu quả. Sau ngày Chúa thực hiện những hành vi quyết định để cứu thế qua việc chịu chết và sống lại, Giêrusalem trở thành nơi phát xuất ơn cứu độ. Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên các Tông đồ ở Giêrusalem để tung họ đi vào thế giới. Họ sẽ phải làm chứng về Chúa Giêsu nhưng nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Thời đại của Giáo hội vì thế là thời đại của Chúa Thánh Thần làm việc với các Tông đồ, mà đối tượng là làm chứng cho Chúa Giêsu.

Thánh Matthêô trong bài Tin Mừng hôm nay không dùng những từ ngữ như thế, nhưng ngài cũng không nói khác Luca. Ngài đã tả Chúa sống lại hiện ra lần cuối cùng ở trên núi. Núi nào, ngài không nói rõ, dường như để chúng ta nhớ lại những lần Ðức Giêsu đã chay tịnh trên núi, đã giảng dạy trên núi và đã biến hình trên núi. Và tất cả những kỷ niệm đó đều có thể tăng thêm ý nghĩa cho việc Người đứng trên núi hôm nay với các môn đệ.

Việc Người được các Tông đồ thờ lạy và tuyên bố được Chúa Cha ban cho mọi quyền trên trời dưới đất, phải chăng không muốn gợi lại câu chuyện Satan cám dỗ Người hãy thờ lạy nó để được tất cả trời đất làm vương quốc? Và hôm nay Người đã sống lại vinh quang mà đứng trên núi, làm sao không khiến Phêrô nhớ lại hôm Người biến hình. Và nếu Người đã có lần ngồi trên núi giảng về Tám mối phúc thật, thì hôm nay Người cũng đang lệnh cho các Tông đồ: hãy ra đi làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ, rửa tội cho người ta nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy dỗ họ giữ mọi lệnh truyền. Và nay, Ta ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế.

Thánh Matthêô đã diễn tả lệnh truyền qua nếp sống của Hội Thánh. Ngài dùng các công thức Rửa tội của Hội Thánh. Ngài nói đến sự hiện diện của Chúa ở với Hội Thánh cho đến tận thế như là bảo chứng việc Chúa phù trợ Hội Thánh nhờ Thánh Thần. Nghĩa là đối với thánh Matthêô, thời đại của Hội Thánh cũng là thời đại của các Tông đồ làm việc với sự cộng tác và nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Và đối tượng sinh hoạt của Hội Thánh cũng là làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ Chúa Giêsu qua việc rao giảng Người cho họ và rửa tội cho họ nhân Danh Ba Ngôi.

Do đó với những lời lẽ khác nhau, bài sách Công vụ và bài Tin Mừng hôm nay đều ghi lại lệnh Chúa truyền cho các môn đệ trước khi Người về trời. Họ phải đón nhận Thánh Thần và ra đi làm chứng về Chúa Giêsu để thiên hạ trở thành môn đệ Người. Lệnh truyền này được ban bố sau khi Chúa sống lại để tập họp nhóm Mười Một qua các lần hiện ra để họ tin mầu nhiệm Phục sinh và được dạy dỗ về Nước Trời.

Ngày lễ Chúa Lên Trời, Phụng vụ muốn cho chúng ta thấy nhóm Mười Một ấy đã thực sự trở thành chứng nhân của Chúa Phục sinh. Họ còn phải chờ đón ơn Thánh Thần mới có thể ra đi tuyên chứng. Nhưng việc họ đã được huấn luyện xong nói lên thời gian của Chúa Giêsu ở trần gian đã kết thúc. Người lui khỏi họ mà về trời để thời đại của Hội Thánh khởi sự. Lễ Chúa Lên Trời vì thế có ý nói lên sự kiện mới trong đời sống của Hội Thánh và của chúng ta hơn là một biến cố nữa trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Bởi vì như lời Kinh Tin Kính chúng ta sắp đọc: chính vì chúng ta mà Người đã sinh ra làm người v.v... Và hôm nay Người về trời cũng là vì chúng ta. Nên chúng ta phải suy nghĩ về cuộc đời của mình nhân việc Người lên trời để ngày lễ hôm nay đạt được kết quả.

C. Thi Hành Lệnh Chúa

Trong 40 ngày chúng ta đã cử hành mầu nhiệm Phục sinh, chúng ta đã suy nghĩ về những lần Chúa sống lại hiện ra với các môn đệ. Và nhất là chúng ta có thể nói được như Phêrô rằng: chúng tôi là những người được chọn để ăn uống với Người sau khi Người đã sống lại, vì từ ngày đó chúng ta vẫn tham dự Thánh lễ và Tiệc Thánh. Chúng ta phải coi mình như các môn đệ 40 ngày sau khi Người Phục sinh: sẵn sàng lãnh lấy trách nhiệm tiếp nối sứ mạng của Người ở trần gian. Phải ra đi khỏi nơi Bàn tiệc này như núi thánh, để gặp mọi người và làm chứng cho họ về Nước Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu về trời nói lên rằng: thời đại của Hội Thánh và của chúng ta đã khởi đầu. Công cuộc cứu thế từ nay chuyển sang chúng ta.

Dĩ nhiên chúng ta không đơn độc. Còn Thánh Thần nữa. Và phải có Thánh Thần chúng ta mới thi hành được sứ vụ. Từ hôm nay Giáo hội khuyên ta hợp ý cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Và như cộng đoàn các môn đệ xưa, Giáo hội chờ đợi Thánh Thần với Ðức Mẹ. Nay cũng là tháng Năm, tháng hoa của Mẹ chúng ta. Con cái Mẹ hãy sốt sắng vây quanh Người để cầu xin ơn Thánh Thần xuống dồi dào trên Giáo hội và trong các tâm hồn.

Tuy nhiên, những ngày tới không phải chỉ là những ngày cầu nguyện. Phêrô và các Tông đồ đã làm việc đang khi chờ đợi ơn Thánh Thần. Các ngài chọn người thay chỗ Giuđa. Và phải là người có tư cách để làm chứng, tức là không những đã ở trong hàng ngũ môn đệ và biết Chúa Giêsu, nhưng nhất là phải tin Người đã sống lại để đem sức sống mới vào thế gian. Vì sứ mệnh của Giáo Hội tựu trung là đem vào đời sống của con người mầm mống của sự phục sinh sau này, tức là sự sống trường cửu của chính Thiên Chúa.

Sự sống này giờ đây Chúa sẽ ban thêm cho chúng ta trong Thánh lễ này để hôm nay và hằng ngày, chúng ta đem tăng cường cho sự sống của mọi người, khi chúng ta phấn đấu cho đời sống loài người mỗi ngày một đẹp hơn, tốt hơn và hạnh phúc hơn.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật VII Phục sinh: CHÚA CẢ TRỜI ĐẤT. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa thứ bảy tuần VI Phục sinh: TIN VÀ XIN. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh: SỐNG NIỀM VUI CỦA CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI TA. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh: NỖI BUỒN VÀ NIỀM VUI. Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh: CHÌA KHÓA CỦA SỨC MẠNH. Lm. Bùi Quốc Khánh, SDB.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Thứ Hai Tuần VI Phục Sinh A: ĐẤNG BẢO TRỢ SẼ ĐẾN. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Chúa Nhật VI Phục sinh A: Tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy tuần V Phục sinh A: SUY NIỆM TIN MỪNG GIOAN. Giuseppina Minh Tứ