Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 32

CHỦ NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN B

Lm. Phao Lô Nguyễn Văn Đông

LỜI CHÚA:

cross.gif41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó ; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

SUY NIỆM:

Tất cả đều đến từ Thiên Chúa và chúng ta chỉ có thể dâng cho Người những gì Ngừơi đã ban cho chúng ta. Đọan Tin mừng hôm nay ca tụng lòng quảng đại của một bà góa đã dâng cho Chúa tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống mình. Vì thế Đức Ki tô nêu hành vi của bà làm thí dụ cho các môn đệ.

Sách Các Vua 1:

Êlia là vị Tiên tri của Is ra el bị những kẻ Có quyền hạ thủ vì ông dám lên tiếng phê phán sự bất công và tội thờ bụt thần của họ. Ông đã tìm được nơi dung thân và được tiếp đón nơi nhà một bà góa nghèo khó cùng cực. Bà chấp nhận chia sẻ với vị Tiên tri phần lương thực ít ỏi cuối cùng của mình, chỉ đủ nuôi sống bà và con trai bà một thời gian ngắn trước khi chết. Món quà miễn phí và hào phóng đó trở nên nguồn sức sống cho Êlia, và bà góa xứng đáng được chính Đức Ki tô trưng ra làm gương.

Thánh vịnh 145:

Trái với những Vĩ nhân trên trần gian, Thiên Chúa là một nơi nương náu đích thật. Người là Đấng ban phát. Người thưởng công cho tất cả những ai sống theo sự công chính. Người tiếp đón những kẻ cơ bần đói khổ nhất.

Thư Do Thái:

Mỗi năm một lần, vị Thượng Tế Do thái đi vào gian Cực Thánh, tức là nơi Thánh của Đền thờ tượng trựng cho sự Hiện diện của Thiên Chúa. Sau khi đã rảy máu con vật hi tế cầu ơn tha tội, ông trở ra với đám đông chờ ông thanh tẩy. Nhờ hiến ban sự sống, Chúa Giê su đã đi vào sự sống sung mãn của Thiên Chúa. Ngài sẽ trở lại để mạc khải sự hoàn tất quyết định của Tình yêu.

Tin mừng: Mc 12,38-44

NGỮ CẢNH

Hành vi quyền năng của Chúa Giê su trong đền thờ đã gây nên sự thù hằn nơi các thầy cả và luật sĩ (11,18). Giờ đây Chúa Giê su đối đầu trực tiếp với họ trong một loạt các cuộc tranh luận giống như phân đoạn đầu sách tin mừng (2,1-3,6).

Hai đoạn văn (cc. 38-40 và 41-44) được liên kết bằng từ: “bà goá”. Cả hai xảy diễn tại Giêrusalem và trong đền thờ.

Có thể đọc đoạn tin mừng theo bố cục hai phần như sau: phần đầu nói về thói giả hình của các kí lục (12.37b-40) và phần sau nói về đồng tiền quảng đại của bà goá nghèo khổ (41-44). Những lời quở trách các kí lục được trình bày theo thứ tự đi lên: từ những lối ham chuộng hư danh (khoe khoang áo sống, thích được chào hỏi, ngồi chổ nhất) đến việc bóc lột các bà goá, và thói đạo đức giả.

TÌM HIỂU

Trong lúc giảng dạy: nhắc lại cuộc tranh luận với các kinh sư. Bài giảng nầy không để ý đến trường hợp ngoại lệ của người kinh sư ở đoạn 12.28-34. Đây là lời lên án tổng quát chống lại thói kiêu căng, phô trương và giả hình của cả một phe nhóm. Chủ đề nầy được triển khai một cách phong phú hơn trong Mt 23,13-32 và Lc 11,45-52.

Xúng xính trong bộ áo thụng: áo thụng nói ở đây là loại áo choàng các giáo sĩ thường mặc. Áo đã dài, nhưng các ngài lại thích nối dài thêm tua áo để dễ gây chú ý, và nhất là để tỏ ra là kẻ giữ luật mẫu mực. Đây là một thói xấu trục lợi nhằm khai thác uy tín tôn giáo để tìm kiếm vinh dự riêng cho cá nhân mình.

Nuốt hết tài sản của các bà goá: Lề Luật Mô sê không ưu đãi các bà goá khi không cho họ quyền thừa kế tài sản của chồng (x. Ds 27,9-11; 1V17,8-15; 2V4,1-7). Nhưng ở đây, Chúa Giê su không lên án Lề Luật, mà lên án các lạm dụng mà các Ký lục bày ra để chiếm dụng tài sản được kí thác cho họ, hoặc lợi dụng lòng quảng đại của các bà ấy để moi thêm tiền của cho mình. Khai thác tài sản của các bà goá, hạng người dễ bị tổn thương nhất là một tội đặc biệt đáng ghê tởm trước mắt các nhà làm luật và các ngôn sứ thời CƯ (Xh 22,21tt; Đnl 27,19; Is 1,23-10,2; Gr 7,6; 22,3; Tv 94,6). Trong khi đó, nâng đỡ các quả phụ là việc thiện đứng hàng đầu (Đnl 10,18tt; Hc 35,14,28tt).

Làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ: Chúa Giê su không quở trách các kí lục cầu nguyện công khai, hay cầu nguyện lâu giờ, nhưng là thói đạo đức giả, đóng kịch, biến việc tốt lành ra xấu vì ý đồ khoe khoang của họ. Đây là một tội mà Chúa Giê su không ngừng lên án. Thói chuộng hư danh đã khiến các ông biến việc đạo đức thành một phương tiện đề cao bản thân và lừa gạt người khác. Khi lòng ưa chuộng hư danh đưa đến thói giả đạo đức, và khi thói giả đạo đức này che đậy lòng tham lam muốn chiếm dụng tài sản của các bà goá hay của những kẻ cô thế không được bảo vệ, thì người ta đã đi đến tột đỉnh xấu xa nhất của tội lỗi.

Thùng tiền dâng cúng: đây là những thùng tiền dùng để thâu nhận các thứ tiền dâng cúng cho đền thờ. Chúa Giê su đã xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ (11.15), vì Ngài không chấp nhận việc thương mại làm lợi cho đền thờ. Nhưng việc dâng cúng quảng đại của bà góa nghèo đã gợi lên sự thán phục của Ngài.

Bà goá nghèo khó: lời trách cứ của Chúa Giê su đối với các kinh sư có nhắc tới hạng bà góa như là nạn nhân bị họ bóc lột (12,40). Có lẽ vì thế mà tác giả Mác cô đã nối kết hai trình thuật nầy lại với nhau chăng? Ở mức độ sâu xa hơn thì cử chỉ của bà goá nầy hoàn toàn trái ngược lại với việc làm của các kinh sư. Một cử chỉ đơn sơ phát xuất từ tấm lòng đạo đức bình dân được Chúa Giê su biểu dương bởi ý hướng sâu xa của bà. Ngài đã lôi kéo sự chú ý của các môn đệ đến một thái độ ít người quan tâm đến.  Và người ta có thể so sánh bà với bà góa thành Sarepta đã gặp gỡ tiên tri Êlia (1V17,7-16; x. Lc 4,25-26).

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hành động chống lại ước muốn “phô trương” luôn cám dỗ mọi người. Thời Chúa Giê su các kinh sư bị phê phán vì thói đạo đức giả của họ: họ thích mặc áo thụng đi dạo trước tiền đường đền thờ cho người ta chú ý, họ khoe khoang kiến thức của mình, được học lề luật Mô sê, được nắm quyền chú giải bản văn Kinh Thánh và rao giảng. Nhưng họ lại không thực hành những gì họ dạy. Họ nói mà không làm. Chúa Giê su cũng quan sát những người giàu dốc cạn những bao tiền vào trong hòm dâng cúng. Thỉnh thoảng các thầy tư tế cho thổi kèn nhằm lôi kéo mọi người chú ý đến họ.

Vì thế, lời Chúa hôm nay rất cương quyết và mạnh mẽ. Thật ra đó là câu trả lời cho áp lực mà Ngài phải chịu đựng bấy lâu nay. Ngài biết rõ các kinh sư ganh tị với uy tín của Ngài. Sự ganh tị dẫn đến thù hằn và phát sinh trong lòng ý muốn giết hại Ngài. Nhưng dưới mắt Ngài, điều tệ hại nhất ở chỗ khác: “Họ nuốt tài sản của các bà góa”. Họ lợi dụng chức vụ của mình mà làm giàu trên xương máu của người nghèo. Họ làm bộ cầu nguyện lâu giờ nhưng lời cầu nguyện của họ thật giả dối vì nó không đưa họ đến gần Thiên Chúa, và như thế, họ tự loại mình ra khỏi ơn Cứu độ mà Chúa Giê su đã mang đến cho thế gian.

Chúng ta có thể dừng lại để xét mình xem chúng ta có bị chiều theo cơn cám dỗ khoe khoang ấy không, nhiều khi ẩn khuất trong tiềm thức mà chúng ta không để ý. Một thực tế mà ai cũng thấy là thời nào cũng có những kẻ giả hình. Quá lo lắng cho hình thức bề ngoài sẽ không còn thời giờ để quan tâm đến lòng đạo đức đích thực bên trong. Thế giới ngày nay lại chuộng sự nổi tiếng. Người ta muốn xuất hiện khác hơn cái họ là. Có những lời khen tặng giả dối bởi vì nó không phản ảnh đúng những gì chúng ta nghĩ.

Nhưng sự giả hình đáng ghét nhất không phải là khoác chiếc áo để nổi tiếng hay hay để phô trương. Điều mà Chúa Giê su tố cáo, đó là những lời nói không đi đôi với việc mình làm. Khuyên bảo người khác thì luôn luôn dễ, nhưng nếu chúng ta không làm gương tốt thì đó lại là một phản chứng. Người ta thích nói đến những việc tốt nhưng không bao giờ thực hiện, còn những hành động xấu thì lại làm nhưng không nói ra.

Vì thế, Chúa Giê su đưa ra một thí dụ từ sinh hoạt Ngài quan sát được trong khuôn viên đền thờ, ngay trước mặt hòm tiền dâng cúng. Trong đám đông khác hành hương lũ lượt tiến vào đền thờ, một bà góa nghèo đi đến hòm tiền. Bà bỏ vào đó hai đồng xu nhỏ, nhưng đó là tất cả những gì bà có để sống. Chúng ta không biết gì về cuộc đời bà góa nầy, niềm vui cũng như nỗi buồn, cả những khó khăn bà đã vượt thắng. Vào thời đó, các bà góa được xếp vào hàng những người nghèo nhất. Không có tiền trợ cấp và nhà ở. Thường thì họ phải đi ăn xin. Sự khác biệt chính yếu giữa hai đồng xu ten của bà góa và lễ vật của những người khác không phải là giá trị bao nhiêu nhưng là ý nghĩa của việc dâng hiến. Dù nghèo xơ xác, nhưng bà quảng đại dâng cho Thiên Chúa tất cả những gì cần để sống.

Khi thánh Mác cô viết tin mừng, đền thờ không còn hiện hữu nữa, vì đã bị người La mã tàn phá. Nhưng qua câu chuyện nầy, Thánh nhân muốn nhắc chúng ta lời dạy của Chúa Giê su là đừng bao giờ dựa hình thức diện mạo bên ngoài mà phán đoán anh em mình. Khi làm điều thiện, đừng phô trương, vì Cha anh em trên trời nhìn thấy điều bí nhiệm, và như thế là đủ rồi.

Lời tin mừng hôm nay cũng mời gọi chúng ta. Con người thời nào cũng thích phô trương, nhưng thời nay sự phô trương trở thành chuẩn mực do lường cuộc sống. Ai khoe khoang nhiều, người ấy có nhiều cơ may thành công. Những gì người ta làm đều muốn cho mọi người biết. Bà góa trong tin mừng giống với những người đơn sơ mà chúng ta sống gần nhưng không thấy. Họ không ồn ào, nhưng dấn thân một cách kín đáo. Cách sống ấy dạy chúng ta đừng để mình bị lôi kéo chay theo khuynh hướng phô trương và quí chuộng những hành vi phục vụ đơn sơ, giúp đỡ và đồng hành. Điều quan trọng nhất không phải là cho những gì chúng ta có mà là những gì chúng ta là.

Để hiểu điều đó, chúng ta phải nhìn lên thập giá Đức Ki tô. Thập giá chỉ cho chúng ta thấy Ngài đang hiến dâng cuộc sống mình cho thế gian. “Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng mìnhvì bạn hữu”. Cuộc sống của Ngài là quà tặng tuyệ hảo dâng lên Thiên Chúa Cha. Ngày hôm nay, Ngài được nhận ra trong người đàn bà khiêm nhu vô danh nhưng được lịch sử ngàn đời ghi nhớ.

Bài tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta tập sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa chứ không phải dưới cái nhìn của con người. Nó cũng mời gọi chúng ta đừng đo lường giá trị của người đời theo cái diện mạo của họ. Chính Ngài được nhận diện trong những người không nổi tiếng dưới mắt xã hội. Ngài mời gọi chúng ta hãy xem xét lại cuộc sống dâng hiến của chúng ta: điều tiên quyết không phải là số lượng những gì chúng ta cho mà là sự từ bỏ thật sự những gì mà chúng ta gắn bó nhất. Khi cho, thỉnh thoảng người ta có cảm giác mất, đánh mất mình, nhưng cho chính là đạt được cuộc sống trường sinh.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Bài đọc một có nội dung ra sao?

THƯA: Bài đọc một trích từ Sách Các Vua quyển thứ nhất, kể lại câu truyện bà góa ở  Xa-rép-ta nghèo khổ sống giữa cơn đói kém, đang hết sức lo lắng không biết ngày mai mình sẽ ăn gì và uống gì để sống, nhưng đã quảng đại dành cho tiên tri Êlia tất cả lương thực còn lại của mình. Nhờ hành vi ấy, bà và con bà đã được cứu sống nhờ phép lạ kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện: làm cho hũ bột không vơi, bình dầu không cạn.

2. HỎI: Các kinh sư mà chúng ta nghe nói đến thường xuyên trong sách Tin Mừng là ai?

THƯA:, Từ thời rất xa xưa, các kinh sư là thầy kí lục và quan cai trị của nhà vua. Trong Cựu Ước, Ezra được coi là mẫu mực của tất cả kinh sư. Ông lo việc giảng dạy lề luật trong xứ Giu đê và “đặt các thẩm phán, các quan toà để xử kiện cho toàn dân” (Er 7,6.10.25). Chức năng chính yếu của kinh sư là nghiên cứu và giải thích Lề luật, huấn giáo miễn phí trong các trường học và hội đường Do Thái. Ngoài ra, họ còn làm chuyên gia pháp luật trong lãnh vực tư pháp, một vài vị nổi tiếng còn có chân trong Hội đồng Cộng Tọa. Nhờ thế mà vào thời Chúa Giê su, các Kinh sư Pha-ri-sêu đã có một ảnh hưởng rất lớn trong dân.

3. HỎI: Tại sao, Chúa Giêsu chống lại các kinh sư??

THƯA: Chúa Giêsu không chống đối tất cả kinh sư. Trong sách tin mừng, chúng ta đã thấy cũng có những kinh sư chân chính, những người tìm kiếm sự thật, tâm hồn chân thành đi theo đường lối của các tiên tri. Các Kinh sư bị chỉ trích ở đây, là những người đạo đức giả, thích phô trương trước mặt công chúng, đặc biệt là trong môi trường tôn giáo.

4. HỎI: Chúa Giê su trách các kinh sư về những điều gì?

THƯA: Chúa Giê su chỉ trích thói đạo đức giả của các kinh sư. Đó là thói xấu thích khoe khoang trong những bộ áo thụng, thích được chào hỏi ở các nơi công cộng, thích chiếm chỗ nhất trong hội đường, là hàng ghế danh dự, quay lưng với hòm đựng sách Luật và đối diện trước công chúng, và thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.

5. HỎI: Tại sao, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến chi tiết “xúng xính trong bộ áo thụng”?

THƯA: Tất nhiên vào thời đó y phục thông thường là bộ áo thụng. Tuy nhiên, chiếc áo thụng mà Chúa Giêsu chỉ trích, trong bối cảnh này, có thể là loại y phục mặc vào chỉ để phô trương thanh thế và khiến mọi người chú ý đến mình nơi công chúng.

6. HỎI: Chúa Giêsu có ý gì khi nói rằng các kinh sư nuốt gia tài các bà góa?

THƯA: Tất nhiên thuật ngữ “nuốt” không nên hiểu theo nghĩa đen. Các Kinh sư ngoài chuyên môn về Lề luật, còn hoạt động trong vai trò cố vấn về tư pháp, nên thường có thêm chức năng quản trị tài sản các bà góa, cơ hội thuận tiện cho các kinh sư trục lợi làm giàu cho bản thân mình. Trong Kinh Thánh, ức hiếp, bóc lột các bà góa nghèo khổ là một điều nghiêm cấm (Xh 22,21; Gr 7,6).

7. HỎI: Tại sao Chúa Giê su phê bình lối đọc kinh lâu giờ của các kinh sư?

THƯA: Chúa Giê su phê bình cách đọc kinh của các kinh sư vì lời kinh của họ không giúp họ cầu nguyện, mà chỉ nhằm làm tiền các bà góa. Cầu nguyện như thế là giả hình và không đưa họ đến gần Thiên Chúa.

8. HỎI: Đồng tiền bà góa dâng cúng có giá trị như thế nào??

THƯA: Đồng tiền kẽm (lepton) là đồng tiền mệnh giá nhỏ nhất lưu thông, tương đương với một nửa đồng quadrantes, một phần tư as. Một as là  một phần sáu đồng quan tức là tiền lương một người lao động đi làm trong vườn nho, như được kể lại trong Mát thêu 20,1 16.

9. HỎI: Tình cảnh nghèo của bà góa như thế nào?

THƯA: Tác giả Mác cô mô tả bà góa nấy rất nghèo. Ba lần ngài nhấn mạnh đến cái nghèo của bà, và dùng một tính từ trong từ gốc Hy Lạp không những nói đến một đời sống kinh tế eo hẹp, mà còn chỉ một tình trạng nghèo đói gần như một người ăn xin.

10. HỎI: Lời tuyên bố, trong đó Chúa Giêsu đánh giá về tâm hồn của bà góa tiết lộ điều gì?

THƯA: Nó cho chúng ta thấy tri ​​thức thần linh của Chúa Giêsu, Ngài có khả năng đọc những bí mật trong “tâm hồn” con người. Qua đó, Ngài cho thấy Ngài chính là Thiên Chúa, đấng thấu suốt lòng dạ con người (Xh 2,23; x. Tv 7,10;17,10), và không bị đánh lừa bởi dáng vẻ bên ngoài.

11. HỎI: Bài đọc 1 và bài tin mừng có liên kết với nhau không ?

THƯA: Có. Cũng như bà góa Sarépta đã đem hết thực phẩm còn lại trong nhà mình cứu giúp tiên tri Ê lia, bà góa Giêrusalem đã dâng cho Thiên Chúa những đồng xu cuối cùng. Bằng cách sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm cho bản thân, hai bà góa nầy đã cho thấy lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối nơi lòng nhân từ của Thiên Chúa.

 

LÒNG QUẢNG ĐẠI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Thưa quý OBACE, lòng quảng đại là một thái độ, hay đúng hơn là một đức tính được mọi người yêu mến trân trọng, kính nể, lòng quảng đại thực sự sẽ phải phát xuất từ một trái tim nhân ái, một tấm lòng vị tha, yêu thương chân thành. Chính vì thế có nhiều người khi thành đạt về công danh sự nghiệp, thì cũng muốn thể hiện tấm lòng quảng đại của mình qua các công tác từ thiện, bác ái đối với cộng đồng. Theo quan niệm của nhiều người phương tây ngày nay, một người được coi là thành đạt khi người ấy phải cân bằng việc kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng, và sự đóng góp càng nhiều thì càng được coi là những con người thành công thành đạt. Tuy nhiên trong thực tế, cũng có một số người như các doanh gia, ca sĩ, họ cũng muốn chứng minh mình là những con người thành đạt và quảng đại qua những cuộc thăm viếng các trại mồ côi, song họ thăm thì ít mà chủ yếu là để quay film dựng cảnh, đánh bóng cho tên tuồi của mình, hay nói đúng hơn họ đang mượn hình ảnh các em mồ côi để làm nền cho mình.

Hôm nay Lời Chúa chỉ cho chúng ta thấy như thế nào là người có tấm lòng quảng đại thực sự với Chúa và với anh em. Trước hết là câu chuyện được thuật lại trong bài đọc một Sách các vua, lúc ấy, tiên tri Elia trên đường chạy trốn sự truy lùng của vua Akhat, sau khi ông đã nhân danh Thiên Chúa đóng cửa trời không cho mưa suốt ba năm sáu tháng, vì nhà vua và dân chúng đã bỏ Thiên Chúa để chạy theo việc cúng tế thần minh của dân ngoại. Elia đã đến thành Sarepta, nơi đây ông đã gặp một bà góa nghèo đi lượm củi và ông đã xin bà cho ông một miếng bánh và một bình nước. Mặc dù hoàn cảnh của bà góa kia cũng không khá giả sáng sủa gì, bà chỉ còn một một chút dầu trong bình và một chút bột cuối cùng để hai mẹ con bà ăn rồi chết. Trước lời yêu cầu của vị Tiên tri và hoàn cảnh ngặt nghèo của bà, bà phải chọn lựa hoặc là mạng sống của con bà, và là khúc ruột của bà, là tương lai dòng cõi hậu duệ của bà, hoặc là nhường phần bánh của đứa con để đem cho người khách lạ này. Thế nhưng bà đã không hề đắn đo cân nhắc thiệt hơn, bà cũng không quan tâm đến việc ngày mai bà và con bà sống bằng cái gì, bà nhìn ra người đang xin bà miếng bánh và bình nước là người của Thiên Chúa, bà tin rằng bà làm phúc cho người của Thiên Chúa là bà làm cho Chúa.

Lời của vị tiên tri đã hứa với bà: bà cứ làm bánh và đen cho tôi trước đã rồi bà và con bà ăn sau, tôi bảo đảm với bà hũ bột của bà sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi cho đến ngày Chúa cho mưa rơi xuống trên mặt đất. Bà góa kia đã tin vào lời Người của Thiên Chúa, và đã làm y như vậy. Thiên Chúa đã không hẹp hòi với bà, vì bà đã quảng đại với vị Tiên Tri, và Thiên Chúa đã trả lại cho bà hũ bột không hề cạn và bình dầu đã không vơi cho đến khi mưa rơi xuống.

Giá trị của sự quảng đại không tùy thuộc bởi sư cho đi nhiều hay ít, mà nó tùy thuộc ở việc người ta cho đi vì mục đích gì và người ta có dám mở tay mở lòng ra hay không, điều đó sẽ mang lại giá trị cho hành động cũa việc họ làm. Chúa Giêsu hôm nay đã cành báo mọi người đừng để hành động bác ái của mình rơi vào thói phô trưng hình thức háo danh của các kinh sư và luật sĩ, họ muốn khoác lên mình một dáng vẻ của những con người đạo đức, bác ái, họ phô trương ra bên ngoài bằng quần áo xúng xính, thích được mọi người bày tỏ sự kính trọng thưa bẩm nơi công cộng, thích tìm chỗ nhất chỗ nhì, thích công trạng được mọi người kể lể ghi ơn, nhưng thực chất trong cuộc sống họ đã không làm gì cho mọi người. Ngay đến việc bố thí cho người nghèo, họ cũng phải thổi loa thông báo cho mọi người biết, dâng cúng vào đền thờ thì phải được mọi người biết đến, tức là họ làm những việc đó không phải vì yêu mến Thiên Chúa cũng không phải vì thương xót người nghèo, mà họ đã đang làm vì chính mình và mua danh cho mình.

Trái lại hôm nay Đức Giêsu ngồi tại đền thờ và nhìn thấy một bà góa nghèo chỉ bỏ vào thùng dâng cúng một phần tư xu, Chúa Giêsu đã gọi các tông đồ lại và chỉ cho các ông thấy hành động quảng đại của bà và Ngài đã coi bà góa này là người bỏ nhiều hơn hết mọi người. Chúa Giêsu cũng đã giải thích, mặc dù những người kia đã ủng hộ những món tiền lớn, nhưng đó vẫn là những của thặng dư của họ, còn một phần tư đồng xu của bà góa là cả cơ nghiệp và là nguồn sống của bà giống như chút bột còn lại của bà góa tại Sarepta năm xưa. Như vậy lòng quảng đại bác ái Kitô giáo không chỉ là cho đi những của mình dư thừa, mà còn phải là dám cho đi cả những cái mình đang cần đang sử dụng, đó mới là sự quảng đại đích thực.

Chính Thiên Chúa đã hết sức quảng đại với con người chúng ta, Ngài không tiếc với chúng ta điều gì, Ngài đã không giữ lại gì cho riêng mình, ngay đến Con Một yêu dấy của Ngài, thì Ngài cũng ban tặng cho nhân loại. Đức Giêsu chính là Đấng đã trao tặng cả cuộc đời cả mạng sống của mình cho con người, và Ngài còn hiến tế thân mình, trao tặng cả máu thịt mình làm quà tặng làm của ăn của uống cho con người và tẩy xóa tội lỗi con người, Thư Do Thái đã muốn diễn tả chân lý đó.

Thưa quý OBACE, người ta cho rằng lòng quảng đại ngày nay đã bị thương mại hóa hay là bị điều kiện hóa, tức là nhiều người chỉ quảng đại dâng cúng, trao tặng vì một một mục đich nào đó lớn hơn hoặc phải đáp ứng lại điều kiện này điều kiện khác cho họ thì người ấy mới mở lòng, nhiều cá nhân, công ty đi làm từ thiện và ủng hộ công trình nay công trình nọ, thực chất là để đánh bóng tên tuổi, mượn danh người nghèo, chứ không phải vì yêu thương.

Cái cám dỗ háo danh này không loại trừ ai, từ linh mục đến giáo dân, đến người làm công tác bác ái xã hội, làm được việc gì thì cũng muốn ghi tên trên bảng đồng bảng đá, vẽ hình tạc tượng của mình, theo kiểu cọp chết để da, người ta chết để tiếng, thậm chí các việc bác ái từ thiện, việc công ích được làm không phải vì Chúa, không phải vì người nghèo mà vì danh tiếng của mình, muốn người đời ca tụng, để tiếng cho đời, ghi lại dấu tích giống như các biệt phái.

Lời Chúa mời gọi chúng ta dám sống quảng đại với Chúa với mọi người như bà góa trong các câu chuyện hôm nay, quảng đại không chỉ là cho người nghèo tiền bạc của cải, mà còn phải quảng đại trong cách sống, cách cư xử với nhau, quảng đại để tha thứ, để thông cảm, để đón nhận nhau, quảng đại với chính mình, với anh em, vì nếu chúng ta không quảng đại được với mình với người thân thì các việc quảng đại với người khác, với người nghèo cần phải đặt lại vấn đề, và cũng không được coi là quảng đại khi chỉ rộng rãi với Chúa mà lại hẹp hòi với tha nhân.

Để cho một em thiếu nhi có thể tập sống quảng đại, rộng mở, thì những em bé ấy phải thấy được những hành động quảng đại của cha mẹ, và được thực hành ngay trong gia đình của mình. Vì thế các bậc cha mẹ hãy tập cho con cái mình sống quảng đại qua chính gương sáng của mình, biết quan tâm đến người bên cạnh nhiều hơn, dám cho đi mà không tính toán, biết quảng đại để tha thứ cho vợ cho chồng, hãy quảng đại để đón nhận những đứa con mà Chúa ban, đừng sợ chúng sẽ ăn hết phần ăn của gia đình. Các bậc cha mẹ hãy tập cho con cái biết sống quảng đại với Chúa và Giáo Hội bằng việc góp công góp sức, góp tiền của tùy theo khả năng cho việc xây dựng giáo hội, giáo xứ.

Các bạn trẻ cũng cần tập sống quảng đại, sống quan tâm, trong một thế giới hẹp hòi ích kỷ, dám cống hiến tuổi trẻ và khả năng của mình cho cộng đồng cho xã hội mà không cầu danh cầu lợi, đừng chỉ nghĩ đến bản thân, mà hãy nghĩ đến những hoàn cảnh của người khác, tập sống quảng đại trong giao tiếp trong cách ứng xử. Các bạn cần quảng đại hơn để dâng tặng tời giờ, sức lực, khả năng của mình qua việc tham gia các hội đoàn nơi giáo xứ và các sinh hoạt của xã hội đừng để bệnh háo danh tiêm nhiễm vào tuổi trẻ khiến nhiều người phát điền phát cuồng và tìm mọi cách để biến mình thành người nỗi tiếng, bất chấp những giới hạn.

Xin Chúa giúp chúng ta học nơi Chúa để có được một tâm hồn quảng đại với Chúa và với anh em. Amen  

 

TẤM LÒNG CHO ĐI

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Nếu hỏi rằng ai là người có giá trị trong cuộc đời của bạn? Có lẽ không phải là người có tiền, có địa vị mà là người đã từng hy sinh cho bạn. Nếu hỏi rằng ai là người có ích với bạn? Có lẽ không phải là người có quyền lực, có danh giá mà là người tận tuỵ dìu dắt bạn. Vậy theo bạn ai là người nghèo đáng thương nhất trong cuộc đời? Có lẽ người nghèo đáng thương nhất là người không có tấm lòng để cho. Sự ích kỷ đã đẩy họ đến bần cùng đến nỗi không mua được bạn bè, không mua được niềm vui của sự trao ban. Sự tham lam đã khiến họ chơi bần với anh em, dẫn đến sự xa cách lạnh lùng.

Có một gia đình kia rất giầu có. Một hôm ông bố dẫn con về quê với ý định cho con thấy người nghèo sống ra sao. Hai bố con ở chơi mấy ngày với một gia đình nông dân mà người ta vẫn coi là rất nghèo trong làng. Lúc trở về, ông bố hỏi con: Con đã thấy người nghèo sống ra sao? Đứa con trả lời: Cám ơn bố đã cho con thấy mình nghèo như thế nào. Còn họ thật giầu có. Ông bố hỏi lại: Tại sao con lại nghĩ thế? Đứa con trả lời: Con thấy chúng ta chỉ có một con chó, họ có tới 4 con. Chúng ta chỉ có một cái hồ cỏn con ở giữa vườn, còn họ có dòng sông dài đến vô tận. Chúng ta chỉ có mấy cái đèn ngoài vườn, còn ban đêm họ có bao nhiêu là sao sáng. Trước nhà chúng ta chỉ giới hạn ở trước sân vườn, còn trước nhà họ là không gian mênh mông đến tận chân trời. Chúng ta chỉ sống trên mảnh đất bé nhỏ, còn họ có ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay. Chúng ta có gia nhân phục vụ nhưng họ chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta phải mua thực phẩm nhưng họ tự tay trồng lấy lúa rau. Chúng ta có tường rào vây quanh bảo vệ, nhưng họ có bạn hữu bảo vệ . . . Ông bố nghe mà cứ ngẩn ngơ người, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước nhận xét thật đơn sơ của đứa con.

Bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu cũng đưa ra hai nhận định khác nhau về hai loại người. Nhận định thứ nhất về nhóm biệt phái, đại diện cho thành phần có chức có quyền. Nhận định thứ hai về bà goá nghèo, đại diện cho những con người thấp hèn, nghèo đói. Cả hai đều lên đền thờ với hai thái độ khác nhau. Bà goá nghèo khiêm tốn. Nhóm biệt phái giầu có lại kiêu căng. Bà goá nghèo dâng tất cả những gì mình có cho Chúa. Người biệt phái chỉ có lòng tự cao tự đại.

Nhóm biệt phái là những công chức đền thờ nhưng không đóng góp của chung mà chỉ lợi dụng để lấy của chung thành của riêng. Họ là những người giầu có nhưng lòng họ chất chứa đầy sự kiêu căng, vụ lợi đến nỗi không còn lòng quảng đại để cho đi.

Bà goá nghèo tiền, nghèo của nhưng lại giầu tấm lòng. Bà thành kính lên đền thờ với thái độ khiêm tốn thẳm sâu trước nơi cực thánh của Chúa. Bà đã dâng tất cả những gì mình có cho Chúa, dù chỉ là một đồng xu nhỏ bé.

Chúa đã khen ngợi tấm lòng bà goá. Một tấm lòng chân thành và quảng đại. Chúa nhận định giá trị về một con người không dựa trên những gì họ có mà dựa trên những gì họ đã cho đi. Kẻ không bao giờ biết cho đi mới thực sự là người nghèo khốn cùng.

Thực vậy, sự giầu có về vật chất đôi khi làm con người nghèo khó về tinh thần. Sự nghèo khó vật chất đôi khi lại thảnh thơi tâm hồn. Kẻ tham lam thường nghèo đói về lòng nhân ái. Kẻ biết sống khó nghèo thường chứa chan tình yêu. Kẻ có chức có quyền dễ mất tính bao dung và thương xót. Kẻ khốn cùng dễ cảm thông với bất hạnh bần cùng của tha nhân.

Xét cho cùng, sự giầu có không hệ tại ở đồng tiền hay chức vị. Sự giầu có hệ tại ở những tương quan với đồng loại. Do vậy, điều mà con người cần tích lũy không phải là của cải trần gian mà là tình yêu đối với tha nhân. Điều mà con người thu gom không phải là hàng hoá xa sỉ phẩm mà là từng nghĩa cử cao đẹp chúng ta dành cho đồng loại.

Kẻ có chức có quyền càng bị kết án nặng hơn nếu họ không biết dùng địa vị của mình để phục vụ một cách vô vị lợi. Chính họ không những phải trả lẽ trước mặt Chúa về sự ích kỷ của mình, mà còn mất đi cơ hội mua lấy bạn hữu Nước Trời bằng tấm lòng rộng lượng của mình.

Mỗi người chúng ta chỉ là những quản lý của Chúa, hãy biết đón nhận trong sự khiêm tốn và biết trao ban cho anh em theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Xét cho cùng, tất cả những gì chúng ta có, đều nhận lãnh do lòng quảng đại của Chúa. Do đó, những gì chúng ta cho, không phải chúng ta cho của riêng mình, nhưng là giao lại cho người khác những gì thuộc về Chúa. Dù vậy Chúa vẫn thưởng công cho chúng ta. Vì Chúa đã từng nói:  “Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Amen

 

VỀ BA CÁCH CHO

Lm. Đan Vinh

HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mc 12,38-44

(38) Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. (39) Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. (40) Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”. (41) Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào hòm đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. (42) Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma. (43) Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. (44) Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó. Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống.

2.Ý CHÍNH: Bài Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần tương ứng với hai hạng người tiêu biểu trong đạo Do thái là giới kinh sư và giới bà góa nghèo như sau: Trước hết, Đức Giê-su khiển trách thói đạo đức giả của các kinh sư Do thái, biểu lộ qua 4 thói xấu như: ăn mặc đài các, tìm kiếm hư danh, tranh giành địa vị, đạo đức vụ lợi. Sau đó, Người đề cao lòng đạo đức của một bà góa nghèo, biểu lộ qua việc dâng cúng tiền bạc vào Đền Thờ. Tuy số tiền bà dâng không bao nhiêu, nhưng nhờ có lòng hy sinh, nên bà đã được Đức Giê-su đánh giá là đã bỏ vào thùng nhiều hơn mọi người.

3.CHÚ THÍCH:

- C 38: + “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư”: Đức Giê-su cảnh giác dân chúng coi chừng kẻo bị lây nhiễm các thói xấu của các kinh sư hay luật sĩ. + xúng xính trong bộ áo thụng: Áo thụng là loại áo choàng dài chấm đất mà các tư tế thường xử dụng khi làm việc tế tự. Người Do thái thường tỏ lòng tôn kính đối với các tư tế. Các kinh sư cũng thích mặc loại áo này để tỏ ra mình có lòng đạo đức và cũng mong được dân chúng kính trọng như vậy. Đây là thói xấu kiêu ngạo, tự cao tự đại (x. Mt 23,5). + thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng: Người Do thái hay chào hỏi các kinh sư, là những người giải thích Kinh Thánh tại các hội đường vào ngày Sa-bát. Danh hiệu “ráp-bi” có nghĩa là “đại nhân của tôi”, được dùng để xưng hô khi nói chuyện với các kinh sư. Vì muốn được chào hỏi tôn kính, nên các ông thích đi đi lại lại ở nơi có nhiều người để được thiên hạ bái chào. Đây là thói xấu ham mê danh vọng.

- C 39-40: + chiếm ghế danh dự trong hội đường: Tại mỗi hội đường Do thái đều có một chiếc ghế danh dự đặt trước tủ đựng kinh sách. Đối diện với cộng đoàn là chỗ dành cho những bậc vị vọng. Ai ngồi ở đây thì không bị che khuất và mọi người trong hội đường có thể nhìn thấy họ. Các kinh sư vốn tự cao nên thích ngồi ở hàng ghế danh dự này. Đây là thói xấu ham mê chức quyền. + thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc: Tại đám tiệc của người Do thái, vị trí chỗ ngồi được xếp đặt rõ ràng. Chỗ danh dự nhất là ở bên phải gia chủ. Chỗ thứ hai là bên trái, và tiếp tục như vậy từ phải sang trái chung quanh bàn ăn. Người ta dễ dàng nhận ra thứ bậc của người khách, căn cứ vào chỗ ngồi được gia chủ sắp xếp cho họ trong bữa tiệc. + nuốt hết tài sản của các bà góa: Các bà góa thường thiếu hiểu biết, nhẹ dạ nên được xếp vào hạng người cần được quan tâm giúp đỡ (x. Đnl 24,17.19). Mỗi khi bị bắt nạt chèn ép, các bà góa thường cậy nhờ các kinh sư bênh vực. Đây là cơ hội thuận tiện để một số phần tử xấu trong hàng ngũ kinh sư lợi dụng làm tiền, bằng cách chỉ vẽ Lề luật và hứa cầu nguyện cho. + làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ: Việc các kinh sư và người biệt phái hay cầu nguyện dài dòng thì ai cũng rõ. Người ta bảo rằng: Những bài cầu nguyện ấy không nhằm dâng lên Thiên Chúa tâm tình yêu mến mà chỉ nhằm phô trương công đức trước mặt người đời. Do đó, họ cố tình cầu nguyện tại ngã ba đường, nơi mà người ta dễ thấy mà ca tụng lòng đạo đức của họ. + họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn: Luật Môsê coi việc xử tệ với các người cô thế cô thân, trong đó có các bà góa là một trọng tội và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc (x. Xh 22,21-23). Đức Giê-su cho biết: Những hành vi này của các kinh sư chỉ là hình thức đạo đức giả và vụ lợi, nên họ sẽ bị kết án nghiêm khắc trong ngày tận thế.

- C 41-42: + Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao: Giữa sân dành cho dân ngoại và sân dành cho phụ nữ là cửa Đẹp. Đức Giê-su đã đến ngồi tại đó sau khi đã tranh luận trong sân dành cho dân ngoại và tại hành lang Đền Thờ. Trong sân dành cho phụ nữ có đặt mười ba thùng đựng tiền của dân chúng tự nguyện đóng góp, dùng để làm bánh tế lễ, mua dầu đèn và các chi phí khác.+ bà góa nghèo: Một thân phận đáng thương vì bị cô thế cô thân không nơi nương tựa, nhất là còn nghèo tiền bạc vật chất. + hai đồng tiền kẽm trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma: Đây là đơn vị tiền tệ nhỏ nhất, ám chỉ sự nghèo khó cùng cực của bà này. Sở dĩ tác giả chú thích hai đồng tiền kẽm trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma là nhằm giúp các độc giả La-Hy thời bấy giờ dễ hiểu hơn. Ở đây Mác-cô muốn nhấn mạnh đến sự tương phản giữa hai số tiền dâng cúng của hạng người giàu và kẻ nghèo hèn.

- C 43-44: + Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết: Nhiều hơn ai hết là theo cách đánh giá của Đức Giê-su khi xét theo tỷ lệ giữa số tiền bà dâng cúng với tài sản của bà. Bà đã dâng ngay cả những cái cần cho cuợc sống hằng ngày, giống như lời Đức Chúa nói với ngôn sứ Sa-mu-en khi ra lệnh cho ông xức dầu phong Đa-vít lên làm vua thay thế vua Sa-un: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 15,7). + mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa: Của dư thừa ám chỉ sự dâng cúng kém giá trị, vì “của nhiều lòng ít”. + còn bà này thì rút từ cái túng thiếu của mình: “của ít lòng nhiều”: Tuy tiền dâng ít nhưng kèm hy sinh bản thân nên đã tăng giá trị lên nhiều lần.

HỎI: 1- Đức Giê-su đã quở trách bọn kinh sư và biệt phái về các thói xấu nào? 2-Người đánh giá thế nào về hai đồng tiền kẽm mà bà góa nghèo đã dâng trong Đền thờ? Tại sao?

SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Thầy bảo thật anh em: “Bà góa nghèo đã bỏ thùng nhiều hơn ai hết”(Mc 12,43).

2. CÂU CHUYỆN:

Một bà nọ là thành viên của một hội đoàn đạo đức chuyên đi làm công tác bác ái xã hội. Một hôm, bà nhận được giấy mời đến dự buổi họp mặt bất thường để quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai lũ lụt vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bà dự tính kỳ họp này sẽ tình nguyện đóng góp số tiền một triệu đồng. Nhưng trong buổi họp, khi thấy có nhiều Hội viên khác cũng đóng góp số tiền một triệu ngang bằng với mình, bà muốn tỏ ra quảng đại hơn người, nên khi tới phiên, bà đã ghi vào sổ vàng cứu trợ số tiền hai triệu đồng. Rồi thay vì rút bao thư chứa hai triệu, thì bà lại rút nhầm bao thư trong đó có số tiền năm triệu đồng mà bà định mang đi mừng đám cưới con trai của bà bạn thân đã từng giúp đỡ bà rất nhiều ngay sau buổi họp mặt hôm đó. Khi phát hiện ra đã đưa lộn phong bì, bà muốn đến bàn thu ngân xin lại số tiền đã góp dư kia, nhưng lại sợ bị mất thể diện trước mặt người khác. Cuối cùng bà đành chịu vậy, nhưng tự trách mình đã bất cẩn không kiểm tra phong bì trước khi nộp cho thủ quỹ. Nhiều ngày sau đó bà vẫn luôn cảm thấy tiếc về số tiền đã lỡ ủng hộ thêm ngoài dự tính kia.

3. SUY NIỆM:

1)Giá trị của một việc bác ái từ thiện căn cứ trên thiện chí của người cho. Lòng tốt của người đàn bà trong câu chuyện trên là đã quyết định giúp người bị thiên tai số tiền một triệu đồng. Nhưng thực tế bà đành miễn cưỡng ghi sổ vàng cứu trợ số tiền hai triệu do tính tự cao muốn vượt trên người khác để tìm tiếng khen… nên theo lời Chúa phán: bà đã được thưởng công rồi (x. Mt 6,2). Việc rút nhầm bao thơ năm triệu đồng là ngoài ý muốn của bà. Bà muốn đòi lại số tiền đã đưa dư kia, nhưng do sĩ diện nên đành chấp nhận. Vì thế, số tiền đóng góp thêm ấy không có giá trị về mặt thiêng liêng trước tòa phán xét sau này.

2)Về 3 cách cho: Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể phân biệt ba cách cho như sau:

+ Cho bất đắc dĩ: Do miễn cưỡng cho nên trong lòng cảm thấy khó chịu. Hạng người này thường nói: “Tôi ghét hắn ta, nhưng đành “thí” cho hắn ít tiền để hắn mau biến đi cho khuất mắt!”.

+ Cho vì bổn phận: Do cho để tránh bị lương tâm cáo trách nên lòng cảm thấy không vui. Hạng người này thường nói: “Tôi bị rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”: “Bỏ thì thương mà vương thì tội!” Thôi thì đành phải giúp đỡ hắn cho xong bổn phận!”.

+ Cho vì tình yêu thương: Do tự nguyện cho nên lòng thấy vui. Nếu bị trả lại thì buồn. Hạng người này thường nói: “Tôi có thể giúp gì cho bạn?” hoặc: “Tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn bạn đang gặp phải”.

3)Thiên Chúa luôn nêu gương quảng đại cho đi và mời gọi chúng ta học làm theo Người:

+ Chúng ta chỉ cần một bông hoa, mà Người lại cho cả cánh rừng.

+ Chúng ta chỉ xin vài ngụm nước, mà Người lại cho cả dòng suối.

+ Chúng ta chỉ cần vài hạt cát, mà Người lại cho cả bãi biển rộng dài,

+ Chúng ta chỉ xin lương thực hàng ngày, mà Người còn cho cả Thân Mình Máu Huyết của Người.

4)PHĂNGSÍT BANPHUA (francis balfour) đã kê ra một số việc cho cách quảng đại như sau:

+ “Món quà đẹp nhất cho kẻ thù của ta chính là lòng khoan dung tha thứ,

+ Quà cho bạn bè của ta là sự trung tín chân thành,

+ Quà cho các em bé là gương sáng khiêm nhường phục vụ

+ Quà cho người cha trong gia đình là sự tôn kính vâng lời,

+ Quà cho bà mẹ là trái tim cháy lửa yêu thương,

+ Và cuối cùng, quà cho người chung quanh là nụ cười thân thiện kèm theo cái bắt tay thân ái, một lời khen thành thật và thái độ khiêm hạ phục vụ noi gương Đức Giê-su”.

4. THẢO LUẬN: Trong những ngày này mỗi người chúng ta sẽ cho đi những gì thiết thực nhất theo khả năng của mình cho những người chung quanh?

5. NGUYỆN CẦU

Lạy Chúa Giê-su. Cách đánh giá của Chúa trong Tin Mừng hôm nay khác hẳn cách nhìn nhận sự việc của chúng con. Vì “Loài người thì nhìn mặt, còn Chúa lại nhìn lòng!” (1 Sm 16,7). Chúa khen bà góa nghèo đã bỏ tiền dâng cúng nhiều hơn ai hết, không phải vì số tiền nhỏ bé, nhưng vì lòng mến Chúa: “Bà đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”. Về phần chúng con: Nhiều khi chúng con dễ nản lòng khi không được người khác biết đến... Xin thanh luyện ý hướng của chúng con. Chúng con tin rằng: Nếu việc chúng con làm tốt,mà có bị nói xấu, vẫn có giá trị “tôn vinh Chúa Cha“ (x Mt 5,16).

 

HÃY TRAO TẶNG NHAU VỚI HẾT TÂM TÌNH

Lm. Paul. Nguyễn Nguyên

Sống ở đời, dường như người ta khen ngợi hay bày tỏ lòng biết ơn đối với một vị mạnh thường quân hay với một vị ân nhân thường hay dựa trên số lượng?. Bởi, nhìn trên các bảng vàng, bảng đồng treo ở các trường học, bệnh viện hay nhà thờ, dòng tu, đền đài, chúng ta thấy tên của quý ân nhân theo thứ tự dựa vào số lượng mà họ đã dâng cúng. Bảng tên nào to nhất, nằm ở chổ quan trọng nhất…thì đó là người dâng cúng nhiều nhất. Trong các bữa tiệc tri ân, người nào được xếp ngồi ở bàn VIP nhất, ngồi với những bậc vị vọng, nổi tiếng…thì ta biết ngay đó là người đã dâng cúng nhiều nhất.

Người đời là như thế và thích thế, nhưng Thiên Chúa lại không như vậy, Ngài không dựa trên số lượng để khen ngợi hay tặng thưởng cho ai, mà chỉ dựa vào phẩm lượng, tức là dựa trên tấm lòng thành của mỗi cá nhân mà thôi. Câu chuyện trong tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Thật thế, trong dòng người tấp nập bỏ tiền dâng cúng vào Đền thờ, Chúa Giêsu đặc biệt chú ý đến người đàn bà goá bụa nghèo nàn. Dù chỉ với hai đồng tiền kẽm trị giá bằng một phần tư đồng bạc Rôma âm thầm rơi vào thùng. Ấy thế, mà Chúa Giêsu lại bảo đó là người đã “bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”. Sở dĩ như thế là vì số tiền mà dòng người tấp nập bỏ vào thùng tiền dâng cúng Đền thờ là những đồng tiền dư thừa,  họ bỏ vào nhưng không làm nghèo đi tài sản và thanh thế của họ mà nó còn tô thêm uy danh cho những kẻ lắm bạc nhiều tiền. Còn bà goá, trái lại, bà không cần biết ai đóng góp bao nhiêu, bà chỉ thấy có bổn phận đóng góp để tỏ lòng tôn thờ kính mến Chúa theo khả năng của mình. Bà không dâng những thứ dư thừa mà dâng những cái rất cần thiết để nuôi sống. Bà đã không màng đến thứ tài sản nay còn mai mất ấy, dù rằng, có thể số tiền đó chính là một ổ bánh mì, một lon gạo, một bó rau đủ để nuôi sống bà trong ngày hôm đó. Nhưng không, bà có bao nhiêu thì dâng cúng bấy nhiêu mà không hề lo đến tương lai, đến ban chiều, đến ngày mai sẽ ra sao, bà chỉ biết trao phó tất cả mạng sống mình cho Thiên Chúa vì bà tin rằng Đấng bà tin theo không bao giờ để bà thiệt thòi. Và Chúa Giêsu đã đề cao cử chỉ đẹp ấy.

Như vậy, đối với Chúa không phải lễ vật to, của lễ lớn mới làm vui lòng Chúa nhưng là tấm lòng đơn sơ, chân thành, phó thác, biết sống chọn lựa để dâng cho Chúa. Ngài cũng không chú ý đến số lượng, bề ngoài, dáng vẻ đạo đức, y phục, hay chỗ cao chỗ thấp trong Hội Đường, mà Ngài nhìn đến tấm lòng, cử chỉ đẹp, ý nghĩa của đồng tiền và thái độ của người dâng cúng. Bởi, điều Chúa nhắm tới là chia sẻ, chứ không phải làm phúc. Chia sẻ với người khác không những của dư thừa ta có mà còn cho đi cả những điều cần thiết ta có để khỏa lấp nỗi túng quẫn và đau khổ của con người, nhất là những người nghèo khổ, neo đơn, thất vọng.

Thế cho nên, lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy thay đổi tầm nhìn, cách sống, quan niệm của chúng ta đối với Chúa và với mọi người, hãy nhớ rằng: Chúa chấm công chúng ta không phải ở số lượng và hình thức bên ngoài nhưng ở lòng chân thành của chúng ta khi thi hành những việc đạo đức, nhất là việc thực thi bác ái. Chúa không bao giờ phụ người có lòng, Ngài luôn công bằng và sẽ đền bù gấp bội những gì chúng ta dám cho đi. Cho nên, đừng làm để được người khác đề cao khen thưởng, mà Chúa biết, Chúa thấy, đó mới là mục đích, đó mới là quan trọng. Chứ nếu được người ta ca tụng là đã lãnh phần thưởng rồi, và như thế có thể sẽ không còn công phúc trước mặt Thiên Chúa nữa.

Nguyện xin Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân ái đến và ở lại với mỗi người chúng ta, mở lòng chúng ta ra để chúng ta tìm thấy cho mình động lực để từ nay chúng ta biết dâng hiến cho Chúa, không chỉ là tình cảm, công việc, sức khoẻ, thời giờ, khả năng mà là trọn cuộc sống cho chính Chúa. Để sau khi đã biết lắng nghe Lời Chúa, hết lòng phục vụ Chúa và tha nhân, chúng ta sẽ được nghe Chúa nói với chúng ta: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc … hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các con”. Amen.


 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên Năm B_Lm Anton Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên Năm B_Lm. Minh Anh, Tgp Huế
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên_Lm Minh Anh, Tgp. Huế
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên B_Lm Anton Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường niên Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường niên Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXII Thường Niên B - Lm Đan Vinh HHTM

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM A-ĐỀN THỜ NHÀ CHA TA. Josephine Đào
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM A- KẺ KHỜ DẠI ĐÁNH MẤT NƯỚC TRỜI. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM A-HÃY CANH THỨC. Lm PhaoLô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM A. Lm Gioan B Phan Kế Sự
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM A- AI DẠI, AI KHÔN? Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C- LỜI CẨU NGUYỆN CỦA LÒNG TIN. Anna Nguyễn Loan
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C- TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA. Thiên Thảo SJP
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C. Nt. Anna Nguyễn Thị Nguyện
     CON NO THOẢ NHÌN CHÂN DUNG CHÚA. Lm HK
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Jos Tạ Duy Tuyền