HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C
Ml 3,19-20a ; 2Tx 3,7-12 ; Lc 21,5-19.
CHUẨN BỊ ĐÓN CHỜ CHÚA ĐẾN
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 21,5-19
(5) Nhân có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: (6) “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. (7) Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra thì có điềm gì báo trước?” (8) Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt. Vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần”. Anh em chớ có theo họ. (9) Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước. Nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. (10) Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. (11) Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém. Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”. (12) Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. (13) Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. (14) Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. (15) Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”. (16) Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. (17) Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. (18) Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. (19) Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay mở đầu "diễn từ chung luận" (x. Lc 21,5-36). Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là Đức Giêsu loan báo việc đền thờ Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy và liên kết với việc tàn phá đền thờ, Đức Giêsu đề cập đến ngày tận thế. Trong khi chờ đợi “Ngày của Chúa” tức là ngày Chúa đến lần thứ hai, các tín hữu sẽ phải trải qua nhiều gian nan thử thách, phải qua một thời kỳ bị bách hại. Nhưng họ đừng sợ, hãy cứ kiên trì vì sự bách hại sẽ là một cơ hội để họ làm chứng cho Tin Mừng. Chính Chúa sẽ giúp họ chiến thắng với điều kiện họ phải luôn kiên trì giữ vững đức tin và trung thành với Chúa cho đến cùng.
3. CHÚ THÍCH:
- C 5-7: + Có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng: Đền thờ nói đây đã được vua Hê-rô-đê Cả trùng tu vào năm 19 trước Công nguyên và bốn mươi sáu năm sau mới hoàn thành (x. Ga 2,20). Vì Đền thờ vừa được xây xong nên rất đẹp. + “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”: Nhiều ngôn sứ đã tiên báo Đền thờ thứ nhất sẽ bị tàn phá (x. Mk, Gr, Ed), tượng trưng cho Giao ước sẽ bị phá hủy, vì dân Do thái đã bất trung với Giao ước ấy. Hôm nay Đức Giê-su lại tiên báo Đền thờ mới này cũng sẽ trở nên hoang tàn vì tội của dân Ít-ra-en đã từ chối Đấng Thiên Sai. Lời tuyên bố này về sau sẽ trở thành lý do khiến Đức Giê-su bị kết án (x. Mt 26,61). Tuy nhiên lời tiên báo này đã được ứng nghiệm vào năm 70 sau Công Nguyên, khi Đền thờ bị quân Rô-ma đốt cháy và đã sụp đổ thành bình địa. + “Vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”: Nghe Đức Giê-su tiên báo về sự sụp đổ của Đền Thờ, mọi người đều sợ hãi. Họ muốn biết đích xác ngày giờ xảy ra cùng những điềm báo trước để chuẩn bị.
- C 8-9: + Đức Giê-su đáp: Anh em hãy coi chừng...: Đức Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi về thời gian và dấu chỉ tiên báo Đền Thờ sắp bị phá hủy, nhưng dựa vào đó Người mặc khải về ngày tận thế sẽ xảy ra giống như vậy. + Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc thì đừng sợ hãi, vì những việc đó xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu: Đức Giê-su cảnh giác các môn đệ là đừng tưởng chiến tranh loạn lạc là dấu chỉ của ngày tận thế. Những điều đó sẽ xảy ra, nhưng chưa phải là dấu tiên báo ngày tận thế đã đến.
- C 10-11: + Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia...: Chiến tranh và những thiên tai như động đất, ôn dịch, đói kém, cùng những điềm lạ trên trời cũng không phải là những dấu chỉ của ngày tận thế, vì nó luôn xảy ra và hầu như thời nào cũng có. Nó chỉ cho thấy vũ trụ này sẽ không tồn tại mãi mãi.
- C 12-15: + Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em....: Đức Giê-su tiên báo về một thời kỳ lịch sử, trong đó các môn đệ phải chu tòan sứ mệnh làm chứng cho Người giữa những cơn bách hại. Nhưng như Đức Ki-tô phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang (x. Lc 24,26), thì các môn đệ cũng phải trải qua thử thách giống như Thầy mình. + Nộp cho các hội đường và nhà tù: Tại mỗi hội đường địa phương đều có nơi dành riêng cho việc xét xử và phạt tù các tội nhân vi phạm các tội thông thường về tôn giáo. Còn các tội nghiêm trọng sẽ được xét xử trước Thượng Hội Đồng tại thủ đô Giê-ru-sa-lem. + Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy: Trong Tin mừng Lu-ca, việc làm chứng cho Đức Giê-su là sứ mệnh của Nhóm Mười Hai (x. Lc 24,48) và của Phao-lô (x. Cv 22,15). Làm chứng là công bố Đức Giê-su đã chết, đã sống lại và được đặt làm “Chúa”. Sau này làm chứng còn có nghĩa là tử vì đạo. + Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan: Đức Giê-su hứa chính Người sẽ trợ giúp các chứng nhân của Người (x. Ga 14,21), và sẽ sai Thánh Thần đến giúp đỡ các ông (Lc 12,11-12).
- C 16-19: + Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em... bắt nộp: Sự thử thách của các tín hữu xảy ra từ gia đình, nơi được coi là an toàn nhất. + Họ sẽ giết một số người trong anh em: Một số tín hữu sẽ bị giết, một số khác sẽ bị bắt bớ (x. Lc 11,49). + Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét: Kiểu nói bị mọi người thù ghét không có ý nói theo nghĩa tuyệt đối là hết mọi người, nhưng chỉ muôn nói là: Những kẻ chối bỏ Thiên Chúa sẽ thù ghét các môn đệ Đức Giê-su. + Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu: Đây là lời động viên các tín hữu hãy can đảm và tín thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. + Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình: Trong bất cứ cơn thử thách nào, nếu biết kiên trì, trung thành với đức tin thì chắc chắn các tín hữu sẽ được vào Nước Thiên Chúa (x. Cv 14,22).
4. CÂU HỎI: 1) Như các ngôn sứ xưa, Đức Giê-su đã tiên báo thế nào về số phận của Đền thờ Giê-ru-sa-lem ? Tai họa của Đền thờ tượng trưng cho điều gì sau này ? 2) Theo Đức Giê-su thì chiến tranh lọan lạc và các điềm lạ cả thể trên trời có phải là dấu hiệu của ngày tận thế đã đến hay chưa ? 3) Đức Giê-su tiên báo về số phận của các tín hữu sẽ như thế nào ? 4) Người dạy họ phải có thái độ ra sao khi bị bách hại?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19).
2. CÂU CHUYỆN: MỌI SỰ XẢY RA ĐỀU HỮU ÍCH CHO PHẦN RỖI CỦA TÔI:
Một người kia có đức tin mạnh vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào dù may hay rủi, anh ta cũng đều cầu nguyện: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa về điều Chúa mới để xảy ra cho con, vì con tin rằng điều đó hữu ích cho phần rỗi đời đời của con”. Một hôm, anh ta mua vé tàu sang nước Anh. Sáng hôm ấy vì thức dậy trễ, nên anh vội leo lên tắc-xi yêu cầu tài xế lái thật nhanh đến bến tàu cho kịp giờ tàu chạy. Nhưng khi xe chở anh tới bến cảng thì cũng là lúc con tàu bắt đầu nhổ neo khởi hành. Anh vội chạy ra bến và hét gọi thật to, vẫy tay ra hiệu cho con tàu dừng lại. Nhưng dường như thuyền trưởng không nhìn thấy anh ta và con tàu vẫn từ từ rời khỏi bến cảng ra khơi. Trong lúc chạy theo con tàu, chẳng may anh vấp chân vào một mấu sắt trồi lên ở cầu tàu và bị té ngã. Chiếc va-li nặng đang cầm trên tay đè lên làm gẫy một chân của anh. Mọi người đổ xô đến giúp đỡ và chở anh đến bệnh viện gần nhất cấp cứu. Sau khi hồi tỉnh và được các phóng viên hỏi cảm tưởng khi bị trễ tàu và bị gẫy chân, thì anh đã trả lời rằng: “Tôi cảm tạ Chúa vì Người đã ban cho tôi bị trễ chuyến tàu này”. Họ lại hỏi: “Bị trễ tàu và gãy chân như thế mà là ơn lành của Thiên Chúa sao?” Anh ta trả lời: “Tôi không biết lý do tại sao, nhưng tôi tin rằng Chúa quan phòng biết rõ điều đó có ích cho tôi. Đối với tôi như thế đã là đủ lắm rồi”.
Quả thật, chỉ mấy ngày sau, báo chí đã đồng loạt đăng lên trang nhất tin một con tàu rời bến cảng vào đúng buổi sáng ngày anh bị trễ tàu, và sau đó đã đụng phải đá ngầm ở ngòai khơi và bị chìm khiến tất cả hành khách trên con tàu ấy đều bị chết chìm ! Bấy giờ anh chàng bị què chân kia lại càng thêm xác tín rằng: chính Chúa quan phòng đã thương gìn giữ anh tránh được một cái chết thê thảm, bằng cách để anh bị trễ tàu và còn để anh bị té gẫy chân nữa. Qua câu chuyện trên, chúng ta cũng có thể rút ra bài học này là: Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành cho những ai biết cậy trông phó thác trong tình thương quan phòng của Ngài.
3. SUY NIỆM:
Tin mừng Chúa Nhật hôm nay ghi lại lời Đức Giê-su tiên báo về sự hủy diệt Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đây cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về giờ chết của mỗi người chúng ta và về ngày tận thế chung của toàn thể nhân loại. Đồng thời chúng ta biết nên làm gì để chuẩn bị cho ngày ấy.
1) TIÊN BÁO VỀ ĐỀN THỜ BỊ PHÁ HỦY VÀ NHỮNG ĐIỀM BÁO TRƯỚC:
Tin mừng Lu-ca ghi lại lời Đức Giê-su tiên báo về sự hủy diệt của Đền thờ Giê-ru-sa-lem như sau: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6).
Nghe Đức Giêsu tiên báo về sự sụp đổ của Đền Thờ như vậy, mọi người đều kinh hãi và muốn biết rõ hơn về thời gian và dấu chỉ báo trước cho biến cố ấy. Đức Giê-su đã cho biết một số điềm báo về ngày này, ám chỉ ngày tận thế của nhân loại, khi Người sẽ tái lâm trong vinh quang để phán xét chung như sau:
-Sẽ có nhiều người sẽ mạo danh Người đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần”.
-Sẽ có chiến tranh loạn lạc: Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.
-Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém.
-Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.
-Nhưng trước khi các sự ấy xảy ra, các tín hữu sẽ trải qua thời kỳ bị bắt bớ ngược đãi, bị nộp cho các hội đường và nhà tù, bị điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Đức Giê-su.
2) PHẢI ỨNG PHÓ THẾ NÀO ?:
-Hãy kiên trì và đừng nản chí: Đức Giê-su đã khích lệ các môn đệ như sau: ”Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19). Kiên trì là dù gặp phải những gian truân thử thách, họ cũng không được chùn bước, không nản chí bỏ cuộc, nhưng phải luôn kiên trì giữ vững đức tin và quyết tâm đi theo con đường của Đức Giê-su là: “Qua đau khổ vào trong vinh quang” (x. Lc 18,32). Cụ thể là “Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).
-Làm chứng cho Chúa bằng lòng tín thác cậy trông:
Đối với Đức Giê-su, bách hại và thử thách không đáng sợ, nhưng là cơ hội để các môn đệ "làm chứng" cho Chúa, dù phải chịu thử thách đau khổ kể cả sự chết, như thánh Phao-lô đã quả quyết như sau: “Tôi tin chắc rằng: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Đây cũng là thời gian thuận tiện để các tín hữu chúng ta làm chứng đức tin về sự hiện hữu của một thế giới mới đây ánh sáng và tình thương, trong đó mọi người đều tin thờ một Thiên Chúa là Cha và đối xử với nhau như anh chị em trong đại gia đình của Thiên Chúa. Thế giới ấy bắt đầu từ Hội Thánh hôm nay và sẽ biến thành “Trời Mới Đất Mới” là thiên đàng mai sau (x. Kh 21,1-4).
3) CHUẨN BỊ THẾ NÀO CHO GIỜ CHẾT VÀ NGÀY TẬN THẾ:
- Đừng sợ hãi lo lắng trước cái chết: Đức Giê-su dạy các môn đệ "Đừng sợ !" không có nghĩa không được sợ, nhưng phải biết làm chủ cảm giác sợ ấy và chiến thắng nó như Đức Giê-su trong vườn Cây Dầu: tuy lo sợ đổ mồ hôi máu khi đối diện với cái chết đang tới gần (x. Lc 22,44), nhưng Người đã can đảm thưa với Chúa Cha: “Đừng theo ý con mà xin vâng ý Cha” (Mt 26,38-39).
- Chu toàn việc bổn phận: Thời thánh Phao-lô có nhiều tín hữu ở Thê-sa-lô-ni-ca tưởng lầm ngày tận thế đã đến gần, nên bỏ bê công việc làm ăn rồi chỉ biết ăn bám vào người khác. Ngài đã cảnh cáo họ như sau: ”Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân“ (2 Ts 3,10-13). Cũng vậy, trong khi chờ đợi giờ Chúa đến, mỗi người chúng ta cần phải chu toàn các việc bổn phận của mình. Phải luôn kiên trì giữ vững đức tin dù gặp phải bất cứ khó khăn ngược đãi nào để được hưởng ơn cứu độ như lời Chúa: ”Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19).
- Dọn mình chết lành: Hiện nay có nhiều người sống như không bao giơ phải chết. Họ không biết mình sống để làm gì và không biết chết rồi sẽ ra sao ? Do đó, họ chỉ lo hưởng thụ các đam mê lạc thú bất chính và không làm gì để chuẩn bị cho đời sau. Còn các tín hữu hôm nay cần ý thức về ngày giờ chết của mình để chuẩn bị chết lành, bằng việc thực hiện những việc như sau: Thanh toán nợ nần sòng phẳng, hồi tâm sám hối mỗi tối và năng lãnh bí tích Hòa giải, dọn mình dự lễ rước lễ mỗi ngày. Thực hành các việc bác ái cụ thể như kinh “Thương Người có mười bốn mối” và “Kinh Hòa Bình” (của thánh Phan-xi-cô) đề ra. Ngoài ra còn phải chu toàn công việc bổn phận như: học tập, nội trợ, lao động trí óc chân tay… Làm được như vậy thì khi giờ chết đến gần, chúng ta sẽ không cảm thấy bồn chồn lo lắng, nhưng sẽ vui mừng chờ đón Chúa đến trong niềm tin tưởng cậy trông sẽ được Người thương đón nhận vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời sau.
4. THẢO LUẬN: 1) Câu chuyện bị trễ tàu và thoát chết cho thấy đức tin của nhân vật chính thế nào ? 2) Đã bao giờ bạn gặp hoàn cảnh “rủi biến thành may” như anh chàng này chưa ? 3) Bạn quyết tâm làm gì để chuẩn bị giờ chết bất ngờ có thể đến với bạn ?
5. NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chính tiền tài, danh vọng, quyền lực và những đam mê lạc thú bất chính làm cho tâm hồn chúng con luôn cảm thấy bất an. Xin cho chúng con biết sáng suốt xác định cùng đích đời mình là Nước Trời đời sau. Xin cho chúng con biết luôn chu toàn các việc bổn phận và sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào trong giờ chết để xứng đáng nhận được ơn cứu độ của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM
CHÚA NHẬT LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
TỬ ĐẠO NGÀY NAY LÀ SỐNG TÍN TRUNG.
Kính thưa OBACE, khi nói đến tử đạo, nhiều người dân ngoại và kể cả chính quyền, họ có cái nhìn về việc tử đạo giống như những anh em Hồi Giáo. Đối với người Hồi Giáo cực đoan, một trong những hành động được coi là tử đạo đó là đánh bom liều chết, mà thế giới ngày nay gọi là khủng bố. Những người này được dạy rằng khi ôm bom đi giết người vì lòng yêu mến Đức Ala và bảo vệ quyền lợi của người Hồi Giáo, thì được coi là tử vì đạo và được lên thiên đàng. Họ cũng coi là tử đạo khi cuộc chiến tranh được tuyên bố là thánh chiến, thì những chiến binh nào càng bắn chết nhiều người càng được vinh quang, và những ai chết trong những trận chiến đó thì được coi là tử vì đạo. Chắc chắn nếu Đức Ala là một vị thiên chúa thật và tràn đầy tình yêu, thì Ngài không thể chấp nhận và để cho con cái của ngài gieo sợ hãi và chết chóc cho nhân loại như thế, và người ta cũng không thể nhân danh Đức Ala để làm điều ác như vậy.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hoàn toàn khác, các Ngài không tử vì đạo theo kiều Hồi giáo, nhưng ngược lại, vì niềm tin vào Chúa Kitô và giới răn lề luật của Ngài, và để bảo vệ trọn vẹn đức tin của mình, họ đã chấp nhận cả cái chết để giữ lòng tín trung với Chúa. Chữ Tín và chữ Trung là hai đức tính của bậc anh hùng mà chúng ta có thể thấy rõ nét nới các vị tử đạo cha ông của chúng ta.
Chữ Tín hay còn gọi là tin, là nét đẹp được thể hiện nới các vị tử đạo. Ngay từ ngày đầu khi Tin Mừng vào Việt Nam, thì cha ông chúng ta đã mở rộng tâm hồn để đón nhận hạt giống đức tin, và với một tấm lòng đơn sơ chân thành hoàn toàn tin tưởng và phó thác, tâm hồn các Ngài đã trở nên như mảnh đất màu mỡ cho hạt giống đức tin nảy mầm và sinh hoa kết qủa. Dù chưa được học biết nhiều về giáo lý của Chúa, nhưng với một đức tin chân thành, tin vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng tạo dựng và điều khiền vũ trụ, an bài và xếp đặt mọi sự, Đấng thấu suốt tâm hồn mọi người và Ngài sẽ trả lại cho mỗi người cuộc sống hạnh phúc đích thực, mà tổ tiên của chúng ta đã kiên trì sống với niềm tin ấy và dám chết vì niềm tin ấy.
Niềm tin đơn sơ của cha ông chúng ta cũng giống như câu chuyện thuật lại trong sách Macabe. Lúc bấy giờ người Hy lạp cai trị đất Do Thái, họ đem theo nhiều tập tục lối sống nghịch với lề luật của cha ông và nhất là họ đem vào đất Do Thái nhiều thứ thần linh và đòi buộc người Do Thái phải cúng tế các thần linh này. Trong khi có nhiều người Do Thái đã gục ngã trước một lối sống mới, thì ngược lại cũng có nhiều người can đảm từ chối lối sống đó để được trung thành với giới răn của Thiên Chúa dù có phải chết. Câu chuyện cho thấy, một bà mẹ đã can đảm giáo dục con cái trung thành với Chúa và chấp nhận mọi cực hình. Bà chứng kiến cái chết của bảy người con, mà không một chút xiêu lòng. Trái lại bà vẫn dùng những lời lẽ khôn ngoan để chỉ cho con cái biết chọn lựa Thiên Chuá là nguồn hạnh phúc thật, thay vì chọn lựa lối sống xa lạ vô luân của người Hy lạp. Cuối cùng tất cả họ đã chấp nhận cái chết. Cũng vậy trong số những người tín hữu Việt nam, bị bắt bớ lúc bấy giờ, cũng đã có không ít người ham sống sợ chết, thích sống dễ dãi hơn là khó khăn, thích những lời hứa hẹn tiền của danh vọng mà vua quan đưa ra, để rồi họ chà đạp lên thập giá Chúa. Nhưng ngược lại có cả hàng trăm ngàn người đã chấp nhận sự thiệt thòi và cái chết đau đớn về phần mình để bảo vệ nguyên vẹn gia tài đức tin, và lối sống của người Công giáo. Những người này đã thực sự là những vị anh hùng, có những người chết nơi pháp trường, có những người chết nơi tù ngục vì đòn roi, và có biết bao người chết vì phải trốn nơi rừng thiêng nước độc để chỉ vì giữ trọn chữ tín, chữ trung.
Các Ngài đã giữ trọn chữ trung, nhưng trước hết là trung thành với Chúa và sau đó là trung thành với vua, với đất nước. Có một thời, người ta ghép cho những người theo đạo là những người phản bội đất nước, bất trung với vua, với chính quyền. Thế nhưng không phải như thế, các vị tử đạo và người Công giáo không hề phản bội tổ quốc không hề chống đối chính quyền, trái lại giữa Thiên Chúa và con người, giữa hạnh phúc Nước Trời và hạnh phúc thế gian, các vị ấy đã chọn trung thành với Thiên Chúa trước hết. Trung thành với Thiên Chúa, không phải là quay lưng lại với quyền lợi tổ quốc, mà trung thành với Thiên Chúa là chấp nhận bước vào con đường của Chúa Giêsu, con đường thập giá. Chính Chúa Giêsu đã mới gọi: Ai muốn theo tôi, thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi. Vậy trung thành với Đức Kitô, là trung thành với con đường thập giá, không ham sống sợ chết, không ngại khó khăn gian khổ, không ngại cực hình, mà dám vác thập giá mình để theo Ngài. Các vị tử đạo và người Công giáo không đi tìm đau khổ, nhưng trong đau khổ khó khăn thường ngày, họ nhận ra đó là thập giá cuộc đời của mình, và họ can đảm vui vẻ chấp nhận thập giá, và cuối đường thập giá là cái chết và phục sinh. Song khác với cái chết của các tên tử tội, cái chết của các vị tử đạo đã gây ra không biết bao kinh ngạc cho những người chứng kiến, vì họ thấy các ngài đón nhận cái chết trong vui vẻ và hân hoan, vì họ dám đánh liều đổi mạng sống mình để được Đức Giêsu, như Chúa Giêsu đã hứa: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất và ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Các Ngài trung thành với tổ quốc, với chính quyền nhà vua. Trứơc mặt các vua quan, nhiều vị thánh đã công khai nói lên điều đó: Tôi không chống lại nhà vua, tôi không phản bội tổ quốc, nhưng tôi cam lòng chịu chết vì tôi trung thành với Chúa Kitô là Chúa của tôi (Thánh Phaolo Khoan). Trung thành với tổ quốc với nhà vua, là làm cho cuộc sống của mọi người và của đất nước thêm tốt đẹp, cuộc sống của dân chúng thêm an vui. Tuy nhiên do sự nghi ngờ, các vua quan chính quyền đã không nhận ra sự thiện chí của các tín hữu, họ nghi ngờ khi thấy người tín hữu tụ tập đọc kinh cầu nguyện, họ ghen tỵ khi thấy những người tín hữu dám xả thân vì bác ái, họ khó chịu khi những người Công giáo loan truyền một giáo lý về tình yêu thương tha thứ. Các vua quan và nhà cầm quyền không tin vào lòng nhiệt thành với đất nước của người công giáo, vì nghĩ rằng họ sẽ làm ảnh hương và thiệt hại đến quyền lợi và địa vị của nhà cầm quyền. Trong khi đó, người công giáo được mời gọi tham gia và mọi hoạt động của xã hội để đem tinh thần yêu thương tha thứ vào trong xã hội, đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Khi sống trọn hai chữ tín trung với Chúa và với đất nước như thế, các Ngài trở thành những vị anh hùng, dám mạnh dạn nói và làm chứng về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho đồng bào và cho cả vua quan chính quyền. Theo gương của Đức Kitô, các Ngài đã chấp nhận cái chết về phần mình, chấp nhận trở nên hạt lúa gieo vào lòng đất, để ngày hôm nay, Hội Thánh Việt nam thu lượm được mùa lúa dồi dào; hạt giống đức tin được tưới gội từ dòng máu của các vị tử đạo đang ngày càng bám rễ sâu và lớn mạnh trên quê hương Việt Nam này. Tuy nhiên với thời đại mới với làn sóng mới của các lối sống mới đang tràn vào Việt Nam, nó đang làm xói mòn mảnh đất đức tin trong tâm hồn nhiều người, và nó đang là một thứ sâu bệnh nguy hiểm đang hủy hoại đời sống đức tin của nhiều tín hữu.
Cơn sóng mới nó đang xô đẩy nhiều gia đình, biến gia đình trở thành những ngôi nhà sang trọng nhưng lại không có Chúa, không có tiếng cười. Nó biến các mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo và dẫn đến một lối sống hờ hững với gia đình biến bầu khí gia đình trở nên lạnh lẽo. Lối sống của xã hội còn đang khiến cho nhiều cha mẹ nhắm mắt bước qua lề luật giới răn của Thiên Chúa và Hội Thánh, không chỉ qua cách sống và cách làm ăn gian dối, chạy theo lợi nhuận, mà nó còn biến nhiều gia đình trở thành một cái lò giết người, giết chết những đứa con trong dạ của mình và đầu độc con cái bằng lối sống dễ dãi của chính cha mẹ.
Cơn sóng mới này đang xô đẩy tất cả mọi người không trừ một ai, từ người tu hành đến người dân thường, từ người lớn đến trẻ nhỏ, nó đang tạo ra những lối sống dễ dãi thoải mái để rồi dẫn đến việc không làm chủ được bản thân, rơi vào lối sống hưởng thụ; Nhiều người ngày nay đã không ngại ngần dẫm đạp lên thập giá của Chúa Khitô và giới răn lề luật của Ngài vì một một chút danh vọng địa vị, vì sức hút của bằng cấp, vì mãnh lực của đồng tiền, hoặc là sẵn sàng bỏ đức tin và lòng Tin- Trung với Chúa để chạy thèo những khuynh hướng của xã hội hôm nay.
Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương các vị Tử Đạo Việt Nam, để nhờ sự bầu cử của các Ngài, chúng ta dám lội ngược dòng, dám làm chứng cho đức tin và trung tín với Chúa giữa dòng đời hôm nay. Amen