Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 23

SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN XXIII TN B

LỜI CHÚA: Lc 6, 12 – 19

pray3jpg.jpg12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

 17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

SUY NIỆM

Cầu nguyện là một nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Nếu sách giáo lý công giáo định nghĩa: “Cầu nguyện là trò chuyện thân mật với Thiên Chúa”, thì Thánh kinh cho chúng ta thấy từ thuở hồng hoang, con người đã biết cầu nguyện. Sách Sáng thế ký kể lại rằng: Ngày ấy, vào những buổi chiều tà Thiên Chúa thường dạo cùng Adam để trò chuyện (St,3,8). Dù thuộc tín ngưỡng nào, tự bản thân, con người vẫn ý thức thân phận mỏng dòn, giới hạn và thấy rằng mình cần cầu nguyện. Vì vậy mà con người đã có rất nhiều sáng kiến để bày tỏ lòng tôn sùng của mình với ‘Đấng ở trên cao’. Và đã có rất nhiều hình thức cầu nguyện trở thành lễ hội văn hóa của con người.

Thánh kinh trình bày cho chúng ta Đức Giê-su là một con người luôn luôn cầu nguyện, cho dù bận rộn, vất vả suốt ngày với đám đông trong hành trình rao giảng và chữa lành. Ngài là mẫu gương cầu nguyện cho người tín hữu chúng ta. Ngài cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc và đặc biệt Ngài thường lên núi cao hoặc lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện (x. Mc 1,15; 6,46; Lc 5,16; 6,12; Ga 6,15); điều đó cho thấy được Ngài là con rất mực hiếu thảo của Chúa Cha, luôn gắn bó mật thiết với Cha, trò chuyện cùng Cha, hỏi ý kiến Cha trong mọi quyết định của Người. Trình thuật tin mừng hôm nay kể lại Đức Giê-su lên núi cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông đồ, những con người sẽ sát cánh bên Ngài trong sứ vụ loan báo Tin mừng nước trời, cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của biến cố. Thật vậy, vì chính cộng đoàn 12 tông đồ này sẽ là hạt nhân của Giáo hội Người xây dựng giữa trần gian, là ‘cột trụ, là nền móng của thành thánh Giê-ru-sa-lem trên trời, là những chứng nhân loan báo Tin mừng cứu độ cho mọi người.

Cầu nguyện thực là quan trọng. Nhờ cầu nguyện chúng ta được thần khí và sức sống của Thiên Chúa nuôi dưỡng tâm linh, được sự khôn ngoan của Người hướng dẫn; qua cầu nguyện, thánh ý Thiên Chúa được tỏ lộ, đồng thời chúng ta nhận được sức mạnh và ân sủng giúp ta can đảm thực thi thánh ý của Người trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngày nay, khi mà xã hội khoa học vật chất tiến bộ, thì niềm tin con người vào ‘Đấng trên cao’ dường như bị giảm sút. Người ta tin vào sức mạnh của đồng tiền, của quyền lực vốn dĩ rất chóng qua. Với nếp sống công nghiệp, đô thị hóa, con người, nhất là người trẻ thường nại vào cớ bận rộn không có thời gian để cầu nguyện, họ chủ trương: “có thực mới vực được đạo” để tránh cầu nguyện, để thoái thác bổn phận phụng thờ Thiên Chúa. Hậu quả là các bậc cha mẹ trẻ không còn biết cầu nguyện cho nên không thể làm gương hoặc dạy con cái biết cầu nguyện, dẫn đến việc suy thoái trong đời sống đức tin, nhà thờ và gia đình tách rời nhau. Họ dễ phó mặc đời sống đức tin của con em cho ‘nhà xứ’ và không quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho con em. Họ lo cho con cái có những kiến thức khoa học đời nhiều hơn là khoa học thánh. Việc giáo dục đức tin được xếp vào hàng thứ yếu. Thậm chí có những bậc cha mẹ không thèm đếm xỉa gì đến việc lo cho con em có đời sống đức tin. Bởi vì chính bản thân họ cũng không còn đức tin. Cha mẹ không cầu nguyện, cũng không dạy cho con cái biết cầu nguyện, từ đó, dẫn đến tình trạng con người trống rỗng về đời sống tâm linh, các giá trị về luân lý đạo đức bị tuột dốc, con người tôn thờ vật chất, tin vào vật chất, cố gắng sao để hưởng thụ vật chất cho nhiều, đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa và những giáo huấn của Người dẫn đến biết bao điều xấu xa tệ nạn xảy ra trên hành tinh này, nơi thế giới, trong xã hội: môi trường suy thoái, chiến tranh, kỳ thị, ly dị, phá thai…

Bài Tin mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta noi gương Đức Giê-su trong việc cầu nguyện. Chúng ta hãy sống gắn bó với Thiên Chúa nhiều hơn, đặc biệt khi cần quyết định, khi có những sự việc quan trọng phải lựa chọn, và trong tất cả những biến cố vui buồn của cuộc sống. Chớ gì chúng ta biết đến với Thiên Chúa như một người Cha đầy yêu thương, như một người Thầy khôn ngoan thượng trí, như một người Bạn luôn sẵn sàng chia sẻ, để kín múc nghị lực và sức sống của Người cho mỗi ngày, để mỗi ngày sống của chúng ta được ngập tràn tình yêu ân sủng Chúa và nên hoàn trọn theo thánh ý của Người.

Đức Giê-su đã gọi tên những kẻ Ngài muốn. Từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã yêu thương và kêu gọi chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi hư vô để làm người, làm con Chúa và được cùng chia sẻ hạnh phúc với Người. Mỗi người chúng ta là một chương trình hoạch định của Thiên Chúa để được hạnh phúc và Ngài ban ơn để chúng ta thực hiện chương trình đó. Đó là mục đích của đời người. Vì vậy, Ki-tô hữu chúng ta đừng lãng quên Thiên Chúa, đừng tách mình ra khỏi tình yêu và sức sống của Người để cuộc đời bớt mù tối, bớt khổ đau. Đồng thời đáp lại tiếng Chúa mời gọi, Ki-tô hữu chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân tình yêu tiếp nối sứ vụ của Đức Ki-tô (cc. 17 – 19), xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho con người.       

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói: “Không có thầy các con không thể làm chi được”, xin cho con biết siêng năng cầu nguyện, biết đặt niềm tin tưởng ở nơi Chúa hơn là nơi vật chất, nơi người đời. Chúa luôn ở bên con, lắng nghe con và sẵn sàng đáp trả miễn là tâm hồn con có đủ tĩnh lặng để nghe tiếng Chúa. Vì thế con có thể cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi, trên đường đi, trong công sở, hay lúc nghỉ ngơi. Chớ gì con cảm nghiệm được tình yêu Chúa luôn trải rộng và thấm nhuận cuộc đời con. Amen.

Nt. Maria Chinh Anh


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên_Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên_Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Lm. JP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ SáuTuần XXIII Thường Niên -Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên - Lm . Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Đức Thánh Cha tiếp kiến 100 Giám Mục thuộc các xứ truyền giáo
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN B:Lm. Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN B: ĐỂ MỞ LÒNG CHIA SẺ TÌNH THƯƠNG. Lm. Đan Vinh
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN B: CÂM VÀ ĐIẾC. Antôn Lương Văn Liêm
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN B: TÔI CÓ BỊ CÂM ĐIẾC KHÔNG? Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: HÃY LÀM VIỆC GÌ CŨNG TỐT ĐẸP……Lm. Paul Nguyễn Nguyên
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A-XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ
     TẢN MẠN NGÀY SINH NHẬT MẸ. Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN- “Hãy đi sửa dạy nó”. Lm Gioan B.Phan Kế Sự