Suy Niệm
Tin Mừng Thứ Năm Tuần V Phục Sinh
“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”
Lời Chúa: Ga 15, 9-11
(9)
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở
lại trong tình thương của Thầy. (10) Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh
em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy
và ở lại trong tình thương của Người. (11) các điều ấy, Thầy đã nói với anh em
để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
Suy niệm
Như thế nào là một niềm vui trọn vẹn?
Thông thường trong cuộc sống, người ta thường nghe nói: cuộc vui nào cũng đến
lúc phải ngừng; đó là người ta muốn nói đến những cuộc vui chơi giải trí, những
bữa họp mặt liên hoan vốn thường có trong tương quan bạn hữu, người thân. Thực
sự, những niềm vui đó cũng chóng qua: Nếu nó mang lại niềm vui lành mạnh, thì
cũng ít nhiều để lại sự luyến tiếc, nhớ thương; nếu không, thì cũng mang lại
cho người ta một sự trống vắng, một khát vọng gì đó chưa được lấp đầy.
Nhưng có một niềm vui mà người môn đệ
của Đức Giêsu Kitô có được, một niềm vui phát xuất từ thẳm sâu của tâm hồn họ,
một niềm vui nội tại vốn có thể ảnh hưởng trên những công việc họ làm, cũng như
trong đời sống của chính họ: Niềm vui được Tin Mừng đong đầy trong tâm hồn họ.
1. “Xem quả thì biết cây”
Phụng vụ trong tuần này (Tuần V Muà Phục
Sinh, năm A) cho chúng ta học hỏi, ngoài các Bài Tin Mừng theo thánh Gioan,
hành trình truyền giáo của thánh Phaolô, được trình bày trong Sách Công Vụ Tông
Đồ. Bài đọc I hôm nay (Cv 15,7-21) nói về những gian nan vất vả mà thánh Phaolô
cùng Barnabê phải trải qua khi đến gặp các Tông Đồ, để bảo vệ cho các Kitô hữu
gốc dân ngoại được miễn trừ nghi thức cắt bì. Đó là chưa kể đến những gian nan
vất vả khác mà các ngài phải chịu trên những hành trình truyền giáo.
Với thánh Phaolô cách riêng, cảm nghiệm
biến đổi cuộc đời, kể từ biến cố trên đường đi Đamas, đã làm cho ngài thay đổi
cả một nếp sống và nếp suy nghĩ: Từ một người nhiệt thành với Luật Dothái,
trung thành với truyền thống Pharisiêu, thánh nhân đã hoán cải và loan báo Tin
Mừng tình thương của Đấng mà trước đó ngài bách hại vì chưa nhận biết: Đức
Giêsu Kitô. Cũng chính con người đó, lòng nhiệt thành đó, Phaolô đã trung thành
phục vụ Đức Giêsu Kitô trong việc loan Tin Mừng cho mọi nước mọi dân. Lòng nhiệt
thành, can đảm nơi ngài ắt hẳn đã phát xuất từ cảm nghiệm riêng về Đấng đã chết
và phục sinh, Đấng đã kêu gọi thánh nhân theo con đường của Tin Mừng cứu độ. Dù
trải qua bao đau thương, vất vả trên bao dặm trường, thánh nhân không hề chùn
chân mỏi gối cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ắt hẳn là ngài đã sống và phục vụ vì
lòng mến Đức Giêsu Kitô.
2. “Tình yêu, đáp đền tình yêu”
Thực sự, những bước chân truyền giáo của
Phaolô in đậm hai chữ “tình thương” mà ngài đã sống và phục vụ trong Đức Kitô
Giêsu. Chính niềm an bình nội tại này đã làm cho thánh nhân được đong đầy bởi sự
gắn bó kết hiệp với Thầy Giêsu, một niềm vui phát xuất từ việc “lưu lại trong
tình thương của Thầy.” Thánh Phaolô đã có được cảm nghiệm sâu sắc này, và không
ngừng lớn lên qua những tháng năm rong ruổi loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Chính
ngài đã từng thốt lên cảm nghiệm được cứu độ khi nói: “Đức Giêsu Kitô đã đến thế
gian để cứu độ những người tội lỗi, mà người đầu tiên chính là tôi.” (1Tm
1,15). Phải chăng đó không phải là một cảm nghiệm về ơn tha thứ mà ngài cảm nhận
được nơi Đức Kitô? Thiết nghĩ, hơn cả ơn tha thứ, đó chính là cảm nhận tình
thương hải hà của Đấng Cứu Độ trần gian: Đức Giêsu Kitô.
3. Cuộc đời của chúng ta trong sứ vụ loan báo Tin Mừng
Giữa cuộc đời với nhiều biến động, tôi
xin chọn Giêsu. Lời phỏng tác câu hát sinh hoạt trại Thiếu Nhi Thánh Thể cho
chúng ta thấy nhiệt tâm của một chọn lựa trong đức tin này. Giữa những thăng trầm
của kiếp nhân sinh, giũa hoàn cảnh chung đầy biến động này, đôi khi con người tự
hỏi: Đâu là định hướng của đời tôi? Đâu là chỉ nam của đời tôi? Đâu là đường để
tôi tiến bước? … Có lẽ còn nhiều câu hỏi khác được đặt ra, và không biết có khi
nào có đủ câu trả lời cho mỗi chúng ta không?
Nhưng một điều chắc chắn, trong hành
trình đức tin trên con thuyền của Giáo Hội Công Giáo, Đức Giêsu đang hiện diện
và đồng hành với chúng ta. Dù hoàn cảnh khó khăn, dù gian nan ít nhiều xảy đến,
dù những hiểu lầm, những nghi nan, … Đức Giêsu vẫn hiện diện đó với mỗi người
chúng ta. Điều quan trọng là ai có thể tĩnh lặng để nhận ra Người, để lắng nghe
tiếng nói của Người, và để biết ngoan ngoãn theo tiếng Người chỉ dạy? Như thánh
Phaolô, chúng ta lấy lòng nhiệt thành để hoạt động, lấy cảm nhận tình thương của
Người để sống và nhất là để cả con người của ta được biến đổi nên giống như Người:
Để lưu lại trong tình thương của Người cách bền vững. Amen.
Lm. Đaminh Nguyễn Hữu Cường