Suy Niệm Tin Mừng Thứ năm Tuần IV Phục Sinh
THEO
GƯƠNG THẦY CHÍ THÁNH
Lời Chúa: Ga 13,16-20
(16) Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ
nhà, kẻ được sai đi không lớn người sai đi. (17) Anh em đã biết những điều đó,
nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em! (18) Thầy không nói về tất cả anh em
đâu. Chính thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh
Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm
sẻ bánh lại giơ gót đạp con.
(19) Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi
sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. (20) Thật,
Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai
đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".
Suy Niệm
Trình thuật Tin Mừng hôm nay là một bức tranh mang
gam màu tối, màu tối vì nếu xét bên ngoài ta thấy đó là một câu chuyện mang buồn
vì Chúa nói những điều không mấy ai thích : Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại
giơ gót đạp con…. Thế nhưng, ẩn trong
câu chuyện đó lại là bài học sâu sắc mà Chúa dạy cho mỗi người chúng ta.
Có lẽ phút giây thân tình nhất trong những ngày đoàn
viên để Thầy – trò ngồi bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau về những tháng
ngày sắp tới là giây phút sau khi Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Bên các
môn đệ thân tín, Chúa Giê-su đã trải lòng với các ông về những tâm tư của mình
; về những điều mà chính Ngài và các ông sẽ phải đối diện: Đức Giê-su loan báo
về sự phản bội của một môn đệ dù người này đã được tuyển chọn vào hàng những
người thân tín. Thế nhưng chính ông lại phản bội Thầy mình: “Kẻ đã cùng con
chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”. Trong khung cảnh của một giờ cùng chia sẻ
giữa Đức Giê-su và các môn đệ, Người đã nhắn nhủ các ông những lời lẽ chan chứa
yêu thương. Các môn đệ cũng lắng nghe Chúa với cả con tim của mình. Hình ảnh
này nhắc nhớ mỗi người chúng ta khi đến với Chúa Giê-su qua Thánh lễ, qua các
giờ kinh hàng ngày, hàng tuần hay những phút giây ngắn ngủi bên Chúa Giê-su
Thánh Thể, đó là những giây phút thân tình bên Chúa. Cuộc gặp gỡ đó nhiều lúc
chỉ hời hợt, thờ ơ trước Chúa. Có những lúc, ta chỉ mong sao Thánh Lễ cho
nhanh, đọc kinh cho lẹ. Giây phút đó thoảng qua, không để lại một chút suy tư lắng
đọng trong tâm hồn, nó phản ánh cái trống rỗng trong tâm hồn, một tâm hồn thiếu
vắng Giê-su. Nhưng cũng nhiều lúc ta cảm thấy ấm áp, thân tình với Chúa, lắng
nghe tiếng Chúa dạy bảo. Cuộc gặp gỡ này mang lại cho ta sự bình an trong tâm hồn,
giúp ta nếm cảm được tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa. Những trải nghiệm của những
phút giây gần gũi bên Chúa giúp ta biến đổi con người của mình nên con người mới.
Cuộc gặp gỡ đó giúp ta sống thân tình hơn với tha nhân, nhìn tha nhân bằng cái
nhìn cảm thông, yêu thương và dễ tha thứ.
Cũng trong giây phút này, Chúa Giê-su đã dạy các
môn đệ đón tiếp những người được Chúa sai đến: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là
đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Chúa Giê-su dạy các môn đệ hành động thật rõ
ràng; để đón tiếp Chúa Cha, Đấng đã sai Đức Giê-su đến với nhân loại, ta phải
đón tiếp những người được Chúa Giê-su sai đến. Trong cuộc sống hàng ngày, đã
nhiều lần ta gặp gỡ những người được Chúa sai đến. Đó là những người ẩn trong
hình dáng của tha nhân chung quanh ta: một người hành khất, một người hàng xóm nghèo
khổ đang sống cạnh ta; một người vô gia cư, một người đang phải đối diện với
căn bệnh hiểm nghèo… Ta có vui vẻ, trân trọng đón nhận tất cả những người Chúa
gửi đến cho ta, cho ta được tiếp xúc, gặp gỡ hàng ngày. Ta cũng thường xuyên gặp
gỡ, tiếp xúc với những người ta không thích, những người luôn gây cho ta những
phiền toái, những người ta luôn đố kỵ, ghen ghét, những người ta luôn muốn
tránh mặt. Trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, Ngài đã không loại trừ
ai ra khỏi quỹ đạo yêu thương của Ngài. Chúa luôn mời gọi ta mở lòng đón tiếp mọi
người, những người được Chúa sai đến, để nên giống Chúa trong mọi sự.
Trong hoàn cảnh nào Chúa cũng luôn mời gọi ta nên
giống Chúa, nên giống Chúa qua việc yêu thương tha nhân, nhất là những người
Chúa gửi đến cho ta. Chúa muốn ta đón tiếp Chúa qua họ. Để có thể đọc được
thông điệp đó của Chúa, có thể nhận ra Chúa nơi tha nhân, chúng ta hãyở lại bên
Chúa trong thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe những Lời Chúa dạy bảo,
lắng nghe những chỉ dẫn của Chúa qua từng biến cố xảy ra trong cuộc sống hàng
ngày của ta.
Nt. Maria Phương Trâm, ĐMPC