Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

CHÚA CHIÊN LÀNH – CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU

small_1305123359_nv.jpg

Kính thưa quý OBACE

Trước đây khi còn làm nông nghiệp, sức kéo chủ yếu là dùng trâu bò, thì con trâu đối với nhà nông Việt Nam không chỉ là tài sản, là công cụ lao động, mà nó còn được yêu mến chăm sóc không khác gì như người thân, người bạn. Người nông dân ăn với trâu, ngủ với trâu, và đưa trâu vào cả những bài thơ ca: Trâu ơi ta bảo trâu này…/ Ai bảo chăn trâu là khổ…? Nếu như ở Việt nam con trâu thân thiết như thế, thì đối với người Do Thái là một dân tộc du mục, họ sống gắn bó với con chiên như là với con cái trong nhà, người mục tử sẽ chăm sóc bảo vệ và yêu thương đàn chiên, ăn ngủ với chiên, và vui buồn với con chiên của mình.

Đặt mình trong văn hóa du mục như thế, dễ dàng giúp chúng ta hiểu những dụ ngôn của Chúa Giêsu nói về mục tử và đàn chiên hôm nay. Đọc trong các Tin Mừng có những lần Chúa Giêu khẳng định: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên ta và chiên ta biết ta, nhưng trong Tin Mừng Gioan hôm nay Chúa Giêu lại dùng hình ảnh khác: Ta là cửa chuồng chiên.

Là cửa chuồng chiên, Chúa Giêsu muốn ví mình như một người bào vệ an toàn cho chiên. Vì như cánh cửa của căn nhà là để che chắn cho những người bên trong đựơc an toàn khỏi sự xâm hại của kẻ xấu, khỏi những luồng gió độc, cũng vậy, người chủ chiên là người nằm ngủ ngay tại cửa chuồng chiên, là phòng tuyến bảo vệ đàn chiên khỏi bị trộm cắp cũng như khỏi sự tấn công của sói dữ, để canh giữ cho chiên được nghỉ ngơi an toàn. Là cửa chuồng chiên, Chúa Giêsu đã dùng lời dạy bảo và giới luật của Ngài để bảo vệ nhân loại khỏi lối sống buông thả dễ dãi, giúp nhân loại thoát khỏi cuộc sống nhỏ nhen thấp hèn để vươn lên sống đúng tư cách là con người và con Thiên Chúa. Ngài khai lòng mở trí và bảo vệ con người khỏi những tư tưởng và lối sống sai lạc, khỏi sự tấn công của sói sữ là ma quỷ, và những kẻ gian xảo là thế gian này.

Trong cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, Vị Mục Tử Giêsu đã phải trải qua một cuộc chiến đấu ác liệt với ma quỉ, tội lỗi và cái ác. Ma quỷ đã tìm mọi cách để kéo vị mục Tử Giêsu đi trệch khỏi con đường của Thiên Chúa, nó muốn Chúa Giêsu dẫn nhân loại đi theo ý riêng mình và thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại bằng một con đường dễ dãi hơn là thập giá, cũng vậy, để bảo vệ và cứu chuộc con người, Mục tử Giêsu đã trải qua trận chiến với tội lỗi và cái ác của con người, Ngài đã tử thương trên thập giá, nhưng lạ lùng thay do bởi quyền năng Thiên Chúa Ngài đã sống lại để vĩnh viễn tiêu diệt nọc độc của thần chết và thổi vào nhân loại một sức sống mới.

Là mục tử, Chúa Giêsu đã dẫn đàn chiên của ngài đến dòng nước hạnh phúc và đến đồng cỏ nước trời, Ngài dẫn dắt chiên bằng lời của Chúa, nuôi đưỡng đàn chiên bằng cỏ của tình yêu thương, bằng nước của ân sủng và hơn thế nữa Ngài đã trao hiến chính thịt máu mình trở nên lương thực nuôi sống đàn chiên mình để những ai ăn thức ăn và uống thức uống Chúa trao thì sẽ được sống hạnh phúc muôn đời. Chỉ những ai đi ngang qua Đức Giêsu là cửa thì mới có thể vào được nhà của Thiên Chúa, mới có thể đạt được hạnh phúc đời đời.

Chúa Giêsu còn cho những người được Ngài tuyển chọn cộng tác với Ngài và thay Ngài để dẫn dắt đoàn chiên của Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng cho thấy trong quá khứ đã có những mục tử thật và những kẻ chăn thuê, trộm cắp. Kẻ chăn thuê là người chăn chiên để kiếm tiền, là người lợi dụng đàn chiên; kẻ trộm cắp là kẻ gian, trèo tường để vào chuồng chiên để bắt bớ và tàn sát chiên, hắn không phải là người chăn mà là kẻ hủy diệt, còn người mục tử đích thật là người đi ngang qua cửa mà vào với chiên. Mục tử thật là người đi qua cánh cửa Giêsu và được Chúa trao phó cho việc săn sóc đàn chiên của chúa. Người ấy sẽ biết từng con chiên, sẽ gọi tên chúng, và hết mình săn sóc chăm lo cho đàn chiên. Mục tử thật chính là hình ảnh của Giáo Hội, Chúa Giêsu đã trao phó đàn chiên của Ngài cho Phêrô, và những cộng tác viên của Người.

Với vai trò tiếp tục sứ mạng chăn dắt đàn chiên của Chúa, nhân danh Đức Giêsu, Phêrô và các đấng kế vị đã miệt mài chăm sóc và bảo vệ Giáo Hội mỗi ngày. Chính ở nơi Giáo hội mà chúng ta tiếp tục được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc, được dạy dỗ bảo ban, và đặc biệt Giáo Hội còn không ngừng đem ân thánh và lương thực thiêng liêng để bồi bổ cho đàn chiên của mình qua việc Giáo Hội chuyên cần loan báo Lời Chúa và cử hành các Bí tích để đem Ơn Chúa cho thế giới và thánh hóa đoàn chiên. Những ai nghe theo sự dẫn dắt của Giáo Hội là nghe theo sự dẫn dắt của chúa Giêsu, những ai yêu mến Giáo Hội là yêu mến Chúa Giêsu và họ sẽ được dẫn đến đồng cỏ hạnh phúc Nước trời.

Chúng ta thấy vai trò nổi bật cùa Phêrô vị thủ lãnh Giáo Hội được trình bày rõ nét trong sách Công Vụ Tông Đồ. Ngay sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, Phêrô đã thi hành chức năng của mình là thủ lãnh, là mục tử. Ông đứng lên giảng cho mọi người đang tụ tập ở Giêrusalem biết về Đức Giêsu và cuộc tử nạn phục sinh của Người. Thánh Phêrô đã xác tín và tuyên bố rằng: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô. Điều đó có nghĩa là giờ đây Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giêsu chính là Thiên Chúa và là Đấng được Chúa Cha xức dầu và làm Đấng Cứu thế, cứu chuộc cả nhân loại.

Tôn vinh Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên và là mục tử tốt lành, chúng ta vui mừng và tin tưởng. Vui mừng vì chúng ta không phải là những con số trong một đám đông, nhưng chúng ta là từng cá nhân được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc, Ngài biết rõ tâm hồn ta và cả những yếu đuối tội lỗi, Ngài không hắt hủi hay chê bỏ chúng ta mỗi khi chúng ta sai lỗi, nhưng Ngài đã kiên nhẫn, yêu thương tìm kiếm và băng bó vết thương trong tâm hồn chúng ta. Ngài không muốn để chúng ta bơ vơ lạc lõng, nhưng Ngài đã cho các chủ chăn đến để hướng dẫn và phục vụ chúng ta. Chúng ta tin tưởng, bởi vì đi theo sự dẫn dắt của Chúa Giêsu và giáo hội của Ngài chúng ta không bao giờ sợ lạc đường, và vì được Chúa bảo vệ, chúng ta không còn sợ sự tấn công của ma quỷ và thần chết.

Sống trong cùng một đàn chiên, chúng ta còn phải liên kết với nhau và yêu thương nhau, tức là phải tiếp tục thể hiện tình thương của Đức Giêsu đối với anh em mình, gạt bỏ khỏi mình sự nghi kỵ, ích ỷ nhỏ nhen để biết sống quảng đại, tha thứ và thông cảm. Hãy yêu mến và gắn bó với Giáo Hội là mẹ, là thầy của Chúng ta và vâng nghe theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, vì Giáo Hội được Chúa Giêsu trao phó cho việc chăm lo cho chúng ta và hướng dẫn chúng ta đi theo con đường của Chúa.

Đồng thời với vai trò là cha mẹ trong gia đình, chúng ta cũng sẽ phải trở nên những mục tử thật của đàn chiên là gia đình mình, lắng nghe hiểu biết từng đứa con, chăm lo cho con cái không chỉ lương thực và những nhu cầu thể xác, nhưng cha mẹ còn phải là mục tử đưa con cái mình đến với mục tử Giêsu, và đi theo đường lối của Chúa Giêsu. Đừng bao giờ đem cỏ dại, nước độc là những cãi vã chửi bới, là sự lười biếng trễ nãi, gian dối về nhà, đó là những thứ cỏ dại nước độc sẽ đầu độc tâm hồn, hủy diệt con cái và gia đình. Hãy dẫn con cái đến dòng suối mát là tình yêu thương và sự êm ấm trong gia đình và đến đồng cỏ non chính là nếp sống đạo đức của cha mẹ, để con cái được bồi bổ và được tăng trưởng trong đời sống đức tin.

Là mục tử không phải là một cái nghề kiếm sống, mà là một ơn gọi và là sứ mạng được trao phó. Các bạn trẻ được mời gọi để quảng đại cộng tác với mục tử Giêsu, dám dành trọn cuộc đời mình để phục Chúa và Giáo Hội trong đời sống tu trì. Chúa sẽ không lấy đi điều gì của bạn nhưng Ngài sẽ đổ tràn vào tâm hồn và cuộc đời của các bạn sự phong phú và tình yêu thương, giúp tâm hồn và trái tim các bạn mở rộng để có thể cùng với Ngài và nhân danh Ngài yêu thương những người xung quanh và những người kém may mắn.

Dù các bạn không là linh mục hay tu sĩ, các bạn trẻ vẫn phải là những mục tử đích thật của Đức Giêsu, vẫn phải đi ngang qua Đức Giêsu, và vẫn phải là những thành viên tích cực và tốt lành trong đoàn chiên của Đức Giêsu là Giáo Hội. Hãy dám sống quảng đại trong một thế giới hẹp hòi, hãy sống vị tha trong một xã hội ích kỷ, hãy dám phục vụ trong một xã hội mà người ta chỉ lo cho bản thân. Hãy dám sống cao thượng trong một xã hội bon chen, nhỏ nhen. Hãy dám sống tiết độ trong một xã hội hưởng thụ và hãy sống cho đáng tin trong một xã hội mà hầu như con người không còn tin tưởng lẫn nhau. Dám sống như thế, chúng ta đang thể hiện mình là những con chiên của Chúa, đi theo Chúa và nghe tiếng Chúa, đồng thời cũng thể hiện mình là mục tử cho trong thế giới hôm nay. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 

NOI GƯƠNG VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH GIÊ-SU

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 10,1-10

(1) “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. (2) Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. (3) Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh, anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. (4) Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (5) Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. (6) Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. (7) Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. (8) Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ. (9) Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (10) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giê-su vừa là mục tử vừa là cửa chuồng chiên:

- LÀ MỤC TỬ THẬT SỰ CỦA DÂN ÍT-RA-EN: Vì Người đi qua cửa chính mà vào chuồng chiên và được người giữ cửa là Gio-an Tẩy Giả giới thiệu. Do đó, Người được đàn chiên là dân chúng nghe theo. Còn các đầu mục Do thái chỉ là người lạ, nên chiên chạy trốn và không đi theo họ.

- LÀ CỬA CHO CHIÊN RA VÀO: Các kinh sư và Pha-ri-sêu không tin Đức Giê-su và không được Thiên Chúa ủy nhiệm coi sóc đàn chiên. Họ leo rào mà vào chuồng nên chỉ là hạng trộm cướp. Kẻ trộm đến chỉ để giết hại và phá huỷ đàn chiên. Còn Đức Giê-su đến để đem lại cho chiên sự an toàn, tự do, lương thực và sự sống dồi dào.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Ràn chiên: hay chuồng chiên, nơi nuôi giữ chiên cừu của dân Do thái vốn là một dân du mục. Ở đây ràn chiên là hình ảnh ám chỉ Giáo hội là Nước Trời hay Nước Thiên Chúa. + Cửa vào: Mỗi chuồng chiên chỉ có một cửa chính để chiên ra vào. Ai muốn được công nhận là mục tử đích thực của Chúa phải qua cửa chính là Đức Giê-su mà vào Hội Thánh. Họ phải được Người tuyển chọn và trao sứ mạng chăn chiên. Còn kẻ trèo qua lối khác mà vào, như các kinh sư hay Pha-ri-sêu, thì chỉ là mục tử giả hiệu và được xếp vào hạng trộm cướp. + Người giữ cửa mở cho anh ta vào: Đức Giê-su chính là Mục tử đích thực, vì đã được người giữ cửa là Gio-an Tẩy Giả làm chứng là “Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,31-34). + Và chiên nghe tiếng của anh: Đàn chiên chỉ nhận biết và nghe theo một chủ chăn duy nhất, như các tông đồ đã nghe lời và đi theo một mình Đức Giê-su (x. Ga 1,35-51). + Anh gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra: Trong ràn có nhiều đàn chiên. Ban chiều, mỗi mục tử sẽ đưa đàn chiên của mình vào ràn, rồi sáng sớm lại đến đưa đàn chiên ấy ra khỏi chuồng để dẫn đến đồng cỏ cho chúng ăn cỏ uống nước. “Gọi tên từng con” trong câu này là kiểu nói cường điệu. Thực ra các mục tử chỉ đặt tên và gọi tên một con chiên đầu đàn và các con khác sẽ theo sau con chiên đầu đàn ra ngoài. Ở đây Đức Giê-su nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của Người là Mục tử tốt lành, khác với các Pha-ri-sêu và kinh sư là những kẻ chăn thuê vô trách nhiệm.

- C 4-6: + Anh ta đi trước và chiên đi theo sau: Câu này nhắc đến sứ mệnh Mục tử của Đức Giê-su: Khi đã kéo Môn đệ ra khỏi thế gian (x. Ga 15,19). Người đi tiên phong dẫn họ tới đồng cỏ non là Hội Thánh. Chiên sẽ nhận biết tiếng nói và chỉ đi theo Mục tử Giê-su, vì Người luôn nói Lời của Thiên Chúa cho họ (x. Ga 14,10). + Chúng sẽ không theo người lạ,..: Người lạ là những kẻ không do Thiên Chúa sai đến, nhưng là kẻ trộm leo rào mà vào. Người lạ ám chỉ các đầu mục Do thái đương thời. Vì không phải là mục tử đích thực, nên chiên không đi theo mà còn lẩn trốn họ.

- C 7-8: + Tôi là cửa cho chiên ra vào: Vì thính giả không hiểu ý nghĩa dụ ngôn, nên Đức Giê-su phải giải thích rõ ràng: Người chính là cửa chuồng chiên tức là cửa vào Nước Trời, mà ai muốn vào Nước Trời đều phải đi qua Người. + Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ: Mọi kẻ đến trước ở đây không nhằm nói về các ngôn sứ Cựu ứơc, mà chỉ nhắm nói về những kẻ không được Thiên Chúa sai như các Pha-ri-sêu và kinh sư Do thái (x. Mt 23,1-8). Họ bị Đức Giê-su quở trách là bọn đạo đức giả, cản đường người khác gia nhập Nước Trời, có lòng tham lam, ăn ở bất công, dẫn dường đui mù và đã từng giết hại nhiều vị ngôn sứ chân chính (x. Mt 23,13-32).

- C 9-10: + Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu: Đức Giê-su là con đường mà người ta phải đi qua để vào Nước Trời. Tương tự như câu: “Thầy là đường…Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). + Người ấy sẽ ra vào: Ra vào nghĩa là tự do đi lại. + Gặp được đồng cỏ: Trong Đức Giê-su, các tín hữu sẽ được cứu khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ. Họ sẽ được hưởng tự do đích thực (x. Ga 8,31-36). Nhờ Đức Giê-su, họ sẽ tìm được của nuôi thân là Nước hằng sống và Bánh trường sinh (x. Ga 4,14 ; 6,35). + Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy: Kẻ trộm ám chỉ các đầu mục Do thái, vì không được Thiên Chúa sai phái nhưng leo rào mà vào. Họ chỉ tìm kiếm lợi ích cho bản thân hơn là lợi ích của đàn chiên (x. Mt 23,4-7). + Tôi đến cho chiên được sống và sống dồi dào: Nhờ lương thực Đức Giê-su ban là Lời Chúa và Thánh Thể, mà đức tin của các tín hữu sẽ trở nên vững mạnh và được sự sống đời đời.

4. CÂU HỎI:

1) Ràn chiên nghĩa là gì và là hình ảnh ám chỉ điều gì ? Cửa vào ám chỉ ai ? 2) Đức Giê-su là Mục Tử thực sự của đàn chiên vì đã được Gio-an Tẩy Giả là người giữ cửa làm chứng thế nào ? 3) Đàn chiên chỉ nhận biết tiếng nói và đi theo ai ? Phải chăng mọi con chiên đều được đặt tên và mỗi buổi sáng người mục tử phải gọi tên từng con chiên để dẫn chúng ra khỏi chuồng ? 4) Ý nghĩa của câu: anh ta đi trước và chiên đi theo sau… là gì ? 5) Tại sao đàn chiên không nghe theo người lạ ? Người lạ nói đây ám chỉ những ai ? 6) Những kẻ đến trước được liệt vào hạng trộm cướp là những người nào ? 7) Đức Giê-su tự nhận mình là cửa chuồng chiên mà ai muốn vào chuồng chiên phải đi qua, tương tự như câu nào ? 8) Kẻ trộm là các đầu mục dân Do thái khác với Mục Tử tốt lành là Đức Giê-su như thế nào ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9)

2. CÂU CHUYỆN: QUO VADIS ? THẦY ĐI ĐÂU ?

 Thời Hội thánh sơ khai, tại Rô-ma bạo vương Nê-rông đã bách hại các tín hữu công giáo cách rất tàn khốc. Biết bao tín hữu đã ngã xuống chết dưới bàn tay cuả ông vua điên loạn và tàn bạo này. Hội thánh non trẻ tại đây dường như sắp bị tận diệt. Bấy giờ các tín hữu đã yêu cầu tông đồ Phê-rô phải mau chạy trốn khỏi thành để tiếp tục lãnh đạo đàn chiên trong cơn bách hại. Ông Phê-rô tỏ ra phân vân, vì quả thật nếu bị mất đi người lãnh đạo thì đàn chiên Hội Thánh làm sao có thể đứng vững ? Đàng khác, chính Đức Giê-su đã chẳng khuyên các môn đệ: “Khi người ta bắt bớ chúng con ở thành này, thì hãy trốn sang thành khác” đó sao? Cuối cùng Phê-rô quyết định hóa trang thành một người khác và trốn thoát thành công ra ngoài thành Rô-ma. Nhưng sau đó Phê-rô đã gặp Chúa Giê-su Phục Sinh đang đi vào thành. Ông lên tiếng hỏi: “Quo vadis, Domine ?” - “Thưa Thầy, Thầy đi đâu ?” Chúa Giê-su liền đáp: “Thầy vào thành Rô-ma để chịu đóng đinh một lần nữa” rồi Chúa biến mất. Ông Phê-rô hiểu ý Chúa muốn ông trở vào trong thành để động viên tinh thần của đoàn chiên. Rồi sau đó ông đã bị bắt bớ và bị kết án chết giang tay trên cây thập giá đúng như lời Đức Giê-su đã tiên báo trước đó: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21,18). Tuy nhiên, ông đã yêu cầu được treo thập giá ngược đầu xuống đất vì nghĩ mình không đáng chịu khổ hình cùng một cách thế giống như Thầy mình.

3. SUY NIỆM:

1) Có hai loại mục tử:

Mục tử là người lãnh đạo chăn dắt đàn chiên. Đức Giê-su đã phân biệt hai loại mục tử là mục tử đích thực là chủ chiên và mục tử giả hiệu là người chăn thuê như sau:  

- Hạng thứ nhất là mục tử tốt hay là chủ chiên thực sự của đàn chiên noi gương Đức Giê-su như Người đã khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (10,14).  Đức Giê-su đã thể hiện chức vụ mục tử của loài người qua việc hy sinh quên mình để nghĩ đến đàn chiên: Người đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời (x Mt 13,1-9), làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, sẵn sàng chịu chết trên cây thập tự đền tội thay cho đàn chiên như Người đã nói: «Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11). Điều Đức Giê-su luôn quan tâm là lo cho «chiên được sống và sống dồi dào» (10,10). Đây cũng là điều các mục tử hôm nay cần quan tâm thực hiện noi gương Mục Tử Giê-su là lo phục vụ đàn chiên Hội Thánh được sống và sống dồi dào: dồi dào về mặt tinh thần qua việc hăng say rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Dồi dào cả về phạm vi thể chất qua việc chữa lành các bệnh tật của dân chúng (x. Mt 8,16-17), xua trừ ma quỷ (x. Mt 9,32-34) và nhân bánh ra nhiều để nuôi đám đông đang bị đói (x. Mt 14,15-21; 15,32-38).

- Hạng thứ hai là mục tử giả hiệu hay những người chăn thuê, ám chỉ các đầu mục dân Do Thái đương thời gồm các kinh sư, người Pha-ri-sêu và các tư tế phục vụ Đền thờ. Những người này không phải là chủ chiên thực sự nên «không thiết gì đến chiên» (10,13). Họ vô trách nhiệm trước sự an nguy của đàn chiên: «nên khi thấy sói đến, đã bỏ chiên mà chạy», để «sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (10,12). Đối với hạng mục tử này, đàn chiên chỉ có giá trị lợi dụng để phục vụ cho họ như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm lời Đức Chúa trách cứ các mục tử dân Ít-ra-en như sau: «Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa chiên thì các ngươi uống, len thì các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, nhưng đàn chiên thì lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc» (Ed 34,2-4).

2) Hai loại mục tử hôm nay:

Ngày nay trong Hội thánh cũng luôn có hai loại mục tử như thời Đức Giê-su xưa kia:

- Các mục tử tốt lành là những người thành tâm đáp lại ơn Chúa kêu gọi để gia nhập chủng viện, được huấn luyện, tuyển chọn lên lãnh tác vụ linh mục và được sai đi chăm sóc đàn chiên Hội Thánh. Đặc điểm của mục tử tốt lành là nhiệt tình và khiêm tốn phục vụ đàn chiên vô vụ lợi noi gương Đức Giê-su. Họ luôn vui vẻ đón tiếp mọi người không phân biệt giàu nghèo sang hèn khi làm các công tác mục vụ như rao giảng Tin Mừng, an ủi các người đau khổ, chia sẻ cơm bánh và khiêm tốn phục vụ người nghèo với tình thương noi gương Mục Tử Giê-su.

- Bên cạnh những mục tử tốt lành nói trên, vẫn còn một số mục tử không tốt. Những người này coi việc mục vụ như một nghề kiếm sống. Họ cũng rao giảng Tin mừng, cũng dạy giáo lý, cũng khuyên bảo mọi người… nhưng chính họ lại không nêu gương thực hiện trước, như lời Đức Giê-su đã phê phán về các đầu mục dân Do thái: «Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng làm theo, vì họ nói mà không làm» (Mt 23,3). Họ thường tỏ ra kính nể săn đón người giàu và khinh thường bạc đãi người nghèo. Họ có lối sống xa hoa hưởng thụ thể hiện qua nhà ở sang trọng, quần áo thời trang, xe cộ đời mới đắt tiền… mà không quan tâm đến những nhu cầu của người nghèo khổ và các bệnh nhân bên cạnh đang cần được trợ giúp. Họ có thái độ kiêu căng khi tìm cách trả thù những ai dám lên tiếng phê phán các việc làm sai trái của họ. Họ quá quan tâm đến những công việc ngoài đời hơn là những việc thuộc phạm vi chức năng mục tử của mình, và chỉ làm việc phục vụ nếu được trả công xứng đáng...

3) Kiểm điểm đời sống:

Hiện nay có hiện tượng ngày càng có nhiều tín hữu chủ trương “Tin Chúa chứ không tin Giáo Hội”. Thực tế tại các nước Nam Mỹ, một số khá đông tín hữu công giáo đã từ bỏ Hội Thánh để đi theo các giáo phái có lối ứng xử có tình người hơn và phù hợp với lời Chúa dạy hơn. Ngày lễ Chúa Chiên nhân lành hằng năm chính là dịp để các tín hữu chúng ta, nhất là các người đang có trách nhiệm chăn dắt đàn chiên kiểm điểm đời sống, xét lại về cung cách phục vụ của mình. Có thể chúng ta đã “nói mà không làm” như kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình đã bị Đức Giê-su nặng lời quở trách như sau: "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,2-4). Có thể một số mục tử đã có thái độ thiếu bác ái khi giải quyết giấy tờ hôn phối theo ý riêng vượt quá quy định của giáo luật, nên đã gây trở ngại cho công việc làm ăn sinh sống, thiệt hại về tiền bạc và thời giờ, gây bức súc cho những người di dân. Một số các mục tử khi giải quyết công việc đã không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác nên đã có lối hành xử “vụ lề luật”, thiếu tình người, hoặc có lối ứng xử thiếu nhân bản và không thân thiện, gây bất mãn cho các người lương khi có dịp tiếp xúc.

4) Mục tử lý tưởng theo Đức Thánh Cha Pha-xi-cô:

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô quan niệm mục tử lý tưởng phải là "người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm trước mặt Chúa, cũng như khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ trong cuộc sống. Là những người không có "tâm lý của các ông hoàng". Là những người không tham vọng và là các phu quân của Giáo Hội. Là những người có khả năng thức tỉnh đoàn chiên được giao phó, và quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa đàn chiên. Nhất là, làm cho niềm hy vọng được lớn lên. Ước gì các Mục Tử luôn có mặt trời và ánh sáng trong trái tim. Là những người có khả năng hỗ trợ Thiên Chúa nơi dân Người, với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn. Và cuối cùng vị mục tử có ba vị trí trong đàn chiên của mình để thi hành sứ vụ mục tử như sau:

-Một là ở đàng trước để dẫn đường.

-Hai là ở giữa để duy trì sự hiệp nhất và giữ vững tinh thần của đàn chiên.

-Ba là ở đàng sau để tránh cho chiên khỏi đi tụt hậu, và tạo điều kiện để đàn chiên đánh hơi hầu tìm ra một hướng đi mới.

5) Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu:

Hiện nay trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ đang thiếu ơn gọi linh mục tu sĩ cách trầm trọng. Nhiều nhà thờ không có linh mục coi sóc, nhiều tu viện to lớn bị bỏ hoang vì không còn tu sĩ trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này rất nhiều. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do lỗi của mỗi người tín hữu chúng ta: Vì chưa ý thức được tầm quan trọng của sứ vụ truyền giáo nên chúng ta chưa thiết tha nài xin Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến, chưa canh tân đời sống để làm chứng nhân tình thương của Chúa Giê-su trước mặt người đời; Các bậc cha mẹ công giáo chưa quảng đại dâng con cho Chúa và không khuyến khích chúng đi tu làm linh mục và tu sĩ để phục vụ Chúa và Hội Thánh hữu hiệu hơn.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp về ơn gọi năm 1996 cũng nhắc đến vai trò của giáo xứ trong việc vun trồng ơn thiên triệu như sau: “Phải làm sao để mỗi giáo xứ trở thành một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, cộng đoàn cầu nguyện, hăng say làm việc tông đồ và luôn quan tâm phục vụ những người nghèo khổ. Giới trẻ hôm nay vẫn không thiếu những tâm hồn quảng đại, không thiếu những người trẻ muốn sống cuộc đời lý tưởng và có ý nghĩa. Họ cần được Hội thánh hướng dẫn để gặp được Đức Giê-su, để nghe lời Người và đi theo làm môn đệ của Người, sẵn sàng chia sẻ sứ mạng cứu độ của Người. Giới trẻ hôm nay cũng cần được nghe những tiếng kêu than của bao người đói khát chân lý hay đang cần được công lý bảo vệ. Hội Thánh phải giúp giới trẻ cảm nhận được bổn phận lớn lao là xây dựng thế giới này trở thành một ngôi nhà của tình thương và hạnh phúc. Giới trẻ cũng cần có những người thầy, người bạn dám sống điều mình tin giữa muôn trở lực khó khăn, và luôn đứng vững trước sức mạnh của các cám dỗ muốn thỏa mãn các đam mê tội lỗi bất chính”.

4. THẢO LUẬN:

1) Bạn sẽ làm gì giúp Hội Thánh có thêm nhiều linh mục tình nguyện dấn thân phục vụ dân Chúa ? 2) Cùng nhau hát bài: “Lạy Chúa, xin hãy sai đi…” để xin Chúa sai thêm thợ gặt lành nghề đến cánh đồng lúa đã chín vàng ở khắp nơi.

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con những linh mục biết quảng đại, hy sinh phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa, một trái tim mở rộng để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, nhất là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Xin ban cho chúng con những linh mục có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để giúp chúng con gặp được chính Chúa. Xin ban cho chúng con những linh mục biết nhiệt tình rao giảng Lời Chúa, có sức làm bùng cháy ngọn lửa yêu thương trong lòng chúng con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa trong mọi người. Cuối cùng xin Chúa ban cho chúng con những linh mục là những vị chủ chăn tốt lành noi gương Chúa xưa, đến để cho chiên “được sống và sống dồi dào”.

- LẠY CHÚA. Xin cho các gia đình Công giáo trở thành một môi trường tốt ươm trồng ơn thiên triệu, bằng việc tạo bầu khí đạo đức và yêu thương giữa các thành viên với nhau. Xin cho chúng con luôn kính trọng yêu mến các linh mục coi sóc chúng con, thành tâm cộng tác với các ngài, sẵn sàng giúp đỡ các ngài chu toàn nhiệm vụ. Ước gì giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn luôn hiệp thông giữa chủ chăn và đàn chiên, là điều kiện để giáo xứ phát triển cả về vật chất cũng như tinh thần. Nhờ đó chúng con sẽ chu toàn được sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM

 

4. SUY NIỆM: NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA LINH MỤC THỜI ĐẠI MỚI:

Linh mục là mục tử dẫn dắt dân Chúa về phần linh hồn.

- "LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI?": Văn hào Giu-ăng A-ri-a (Juan Arias) viết: "Lạy Chúa, Linh mục là ai? Đối với nhiều người: Ông ta là một người cô độc ích kỷ. Đối với nhiều người khác: Ông ta là thứ trai già vô tích sự, một nhân viên bàn giấy của tôn giáo". Người nghèo tỏ vẻ bực bội khi thấy Linh mục hay tiếp xúc với người giàu có và rủa Linh mục là "đồ tư bản chết tiệt!". Nếu linh mục hiến thân chuyên lo phục vụ cho người nghèo ít học, bệnh tật, cô đơn... thì người ta lại ganh ghét và gọi Linh mục là "Đồ tả khuynh bần tiện!".

Làm Linh mục thời đại ngày nay thật không đơn giản chút nào!

"MỘT NGƯỜI LUÔN LUÔN SAI LẦM" (He is always wrong): Đây là tựa đề của một bài báo nhỏ nói lên sự cảm thông của các tín hữu đối với các Linh mục chủ chăn như sau:

* Giảng ngắn dưới 10 phút: "Ông Linh mục này lười không chịu dọn kỹ bài giảng!".

* Giảng quá 20 phút: "Ông ta là người ưa nói dai và nói dài!"

* Nếu giảng hùng hồn: Ông ta la lối om sòm thật bất kính với Chúa đang ngự trong nhà chầu!

* Nếu giảng với giọng bình thường: "Ông ta có biệt tài dỗ ngủ cho người bệnh khó ngủ!"

* Nếu năng đến thăm các gia đình trong giáo xứ: "Ông ta chẳng có việc gì để làm, suốt ngày la cà hết nhà này sang nhà nọ để kiếm chác! chẳng mấy khi thấy ông ta có mặt ở nhà để tiếp xúc với các người cần gặp hay để đi kẻ liệt!".

* Nếu ít đi thăm: "Ông ta chẳng quan tâm để biết con chiên của mình sống chết ra sao!".

* Nếu linh mục còn trẻ: "Ông ta mới ra trường nên tay nghề còn non và chưa có kinh nghiệm mục vụ!".

* Nếu đã cao niên: "Một lão già lẩm cẩm hủ lậu! Ông ta nên sớm về hưu đi là vừa!"

Thật đúng như người đời thường nói: "Ở sao cho vừa lòng người: Ở rộng người cười ở hẹp người chê". Làm Linh mục thật không dễ chút nào!.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Chúa Nhật IV Phục sinh A: Mục tử tốt lành. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh: THÁCH ĐỐ CỦA NIỀM TIN. Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Thứ Sáu tuần III Phục sinh. Lm. Duy Khang
     Thứ Năm Tuần III Phục Sinh
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN III PHỤC SINH. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ ba Tuần III Phục Sinh. Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Thứ Hai tuần III Phục Sinh: LÀM VIỆC THIÊN CHÚA MUỐN. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh A: Gặp gỡ Đức Giê su phục sinh. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm THứ Bảy tuần II Phục sinh A: BƯỚC ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG GIÊSU. Nt. Teresa Phạm Thị Oanh O.P