SUY NIỆM TIN
MỪNG THỨ NĂM TUẦN VI PHỤC SINH
LỜI CHÚA: Ga 15, 9 – 17
9 Chúa Cha
đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại
trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ
ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và
ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để
anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12 Đây
là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh
em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh
tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực
hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì
tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả
những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16
Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh
em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất
cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.
17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
SUY NIỆM
Con người không thể sống mà không có tình yêu.
Cuộc sống không có tình yêu là một cuộc sống khô cằn, đang giẫy chết. Tình yêu
làm cuộc sống triển nở, phong phú và an bình, hạnh phúc. Nhưng tình yêu là gì
và có mấy ai sống đúng nghĩa yêu? Có người lầm tưởng tình dục là tình yêu; có
người cho rằng yêu là chiếm hữu… Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy: “Không
có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu
mình.” (c.13) Đồng thời Người ra lệnh truyền: “Anh em hãy yêu thương nhau như
Thầy đã yêu thương anh em.” (c.12.17)
Tình yêu hiến mạng là tình luôn biết trao ban và
cho đi;
Là tình luôn dám hy sinh mình để mưu cầu lợi ích
cho người anh em.
‘Yêu thương nhau như Thầy đã yêu’ là tình yêu
thương không biên giới – ‘Tứ hải giai huynh đệ’ – không có ai là kẻ thù;
Là tình của người ‘cúi mình xuống rửa chân’ cho
người mình yêu – một tình yêu phục vụ;
Là trái tim luôn biết thức tỉnh trước những nỗi
đau, trước những nhu cầu của tha nhân.
Làm sao có thể có được ‘tình yêu hiến mạng vì bạn
hữu’?
Đức Giê-su mời gọi: “Hãy ở lại trong tình thương
của Thầy” (c.9)
Ở lại trong tình thương của Chúa để cảm nếm sự
ngọt ngào của tình Ngài với lòng biết ơn; cảm nếm tình thương đã sinh thành,
quan phòng, dưỡng nuôi, chăm sóc; cảm nếm tình thương cứu độ tha thứ, nâng đỡ,
ủi an.
Thật hạnh phúc biết bao được sống trong tình
thương của Chúa; được làm bạn hữu của Người. “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu
anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (c.14) – và điều Thầy truyền dạy
là “Hãy yêu thương nhau!”
Vâng, cảm nếm tình yêu Chúa, yêu mến Người, nhận
biết sâu xa ý muốn của Người, muốn trở nên giống Người, người Ki-tô hữu sẵn
sàng sống tình yêu hiến mạng như Đức Ki-tô đã hy hiến mạng sống mình vì chúng
ta.
Sống trong một thế giới quá ư thực dụng, thiên về
vật chất, đề cao chủ nghĩa cá nhân thì cuộc sống yêu thương phục vụ, hy sinh
quên mình bị coi là ngớ ngẩn, dại dột. Đặc biệt người trẻ hôm nay, những con
người được sinh ra trong những gia đình hiếm muộn, ít con, từ nhỏ họ đã được
cưng chiều quá mức; vì cưng con, cha mẹ chỉ biết cung phụng, bảo bọc mà không
quan tâm giáo dục con biết sống quảng đại, chia sẻ và phục vụ, khiến cho những
người trẻ trở thành những con người hết sức ích kỷ, chỉ biết nhận mà không bao
giờ biết cho đi, chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ quan tâm đến nghĩa vụ, bổn
phận của mình đối với môi trường, cuộc sống và xã hội. Những trẻ em và thanh
thiếu niên ấy mai ngày liệu có thể là một thành viên tốt đem hạnh phúc cho gia
đình, một công dân tốt, một cán bộ tốt để xây dựng cuộc sống xã hội lành mạnh
tốt đẹp?!
“Yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em” là
một lệnh truyền, một giới răn cốt cán xác định căn tính của người Ki-tô hữu.
Nếu người Ki-tô hữu không được giáo dục, dưỡng nuôi để trở thành một con người
thấm nhuần tinh thần của Đức Ki-tô trong tình yêu vị tha quên mình thì Ki-tô
hữu đã bị biến chất, giáo hội cũng chẳng khác nào một tổ chức xã hội và công
cuộc truyền giáo chỉ mang tính hình thức mà chẳng đạt kết quả. Vì Đức Giê-su đã
nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em hãy yêu
thương nhau”
Tôi có là bạn hữu của Đức Ki-tô hay không; tôi có
thực sự là môn sinh của Đức Ki-tô hay không; tôi có là Ki-tô hữu đích thực hay
không? Người ta cứ dựa vào cách thể hiện tình yêu trong cuộc sống của tôi là sẽ
nhận biết được.
Lạy Chúa Giê-su!
Trong cuộc sống ai cũng cần tình yêu – tình yêu
xem ra thật dễ thương, thật đơn giản như một nụ cười, một cái bắt tay, một lời
xin lỗi, một nghĩa cử hy sinh, phục vụ… nhưng mà sao con lại thấy khó thực
hiện.
Con cứ muốn
người khác dành cho con những nụ cười, những lời xin lỗi, những bao dung, thông
cảm, tha thứ, những nâng đỡ, sẻ chia… mà con lại không muốn thực hiện những
điều đó cho tha nhân.
Chúa ơi, còn nữa, có biết bao những mảnh đời cơ
khổ cần những cánh tay cứu giúp mà tâm hồn con như trở thành vô cảm, dửng dưng.
Xin Chúa thương tha thứ!
Xin đổ vào lòng con tình thương của Chúa, cho con
biết chia sẻ tình thương ấy cho tha nhân để con trở thành nhân chứng về tình
Chúa yêu thương, và con thực sự trở nên môn sinh, bạn hữu của Người. Amen.
Nt. Maria Chinh Anh