Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 15

Thứ sáu XV thường niên

TÌNH YÊU MỚI ĐÁNG QUÝ

Lời Chúa: Mt 12, 1-8

Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: "Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat". Người nói với các ông rằng: "Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là, 'Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ', chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat".

Suy niệm:

Nhóm biệt phái coi Chúa Giêsu như là đối thủ, họ thường hay bắt bẻ Chúa và các môn đệ về những chuyện lặt vặt như rửa tay trước khi ăn, giao tiếp chuyện trò với dân ngoại và người tội lỗi… Hôm nay họ lại bắt lỗi các môn đệvề việc bứt bông lúa miến mà ăn trong ngày Sabbat. Nhân việc này Chúa Giêsu dạy một bài học phải đối xử với nhaubằng tấm lòng yêu mến chân thành vì Thiên Chúa ưa thích lòng nhân từ chứ không cần hy lễ.

Sống ở đời “nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn”. Cũng vậy, lề luật chỉ là phương tiện ví như con thuyền đưa lữ khách qua sông. Đến bến bờ rồi, người lữ khách phải để lại con thuyền ở đó mà tiếp tục hành trình. Nhóm biệt phái chỉ giữ luật một cách máy móc hình thức, nô lệ cho luật mà quên rằng tinh thần của luật mới là điều quan trọng.

Một lần nữa Chúa Giêsu đặt lại bậc thang giá trị của luật. Thời các ngôn sứ đã qua đi, Chúa Giêsu đến để mở ra một thời kỳ mới đầy tự do với luật yêu thương, một giới luật được viết trong trái tim mỗi người. Tình yêu ấy thấm đẫm từng trang Tin Mừng. Mỗi bước chân Chúa đi tới đâu là mọi người được thi ân giáng phúc tới đấy. Nơi này Chúa chữa người bại liệt, chỗ khác Người cho kẻ chết sống lại. Chúa Giêsu đến để thực hiện sứ mạng của Đấng Mêsia là cứu rỗi con người. Nếu việc giữ luật làm cho con người cảm thấy nặng nề, bế tắc, tình huynh đệ bị tổn hại thì lề luật đó khác nào cái ách đè lên đầu lên cổ người khác. Thiên Chúa muốn con người sốnglề luật để tăng tưởng về đức tin với Thiên Chúa và tăng thêm tình yêu mến với tha nhân đồng loại thì việc giữ luật đó mới có ý nghĩa.

Ngày xưa biệt phái thuộc cả một “rừng luật” còn xã hội hôm nay thì xử với nhau bằng “luật rừng”, đây là một vấn đề nhức nhối. Sống trong một xã hội còn nhiều bất công, người ta dùng luật để đàn áp, công kích nhau hơn là để xây dựng, lòng người trở nên hẹp hòi ích kỷ, tình tương thân tương ái cạn kiệt, héo hon. Một khi thế giới này vắng bóng yêu thương thì hệ lụy của nó là sự bất chính, gian dối, lừa đảo và mọi thứ xấu xa khác. Hơn lúc nào hết người kitô hữu chúng ta phải soi mình vào gương sống của Chúa Giêsu để hiểu thế nào là tình yêu thương. Bởi lẽ Ngài chính là gương mẫu phản ánh dung mạo và tình yêu của Thiên Chúa Cha và đã yêu mến vâng phục ý Cha một cách trọn vẹn.

Để diễn tả kinh nghiệm về tình yêu đối với Thiên Chúa Cha, Ngài nói: “Thầy và Cha Thầy là một”. Tình yêu càng sâu đậm bao nhiêu, sự gắn bó càng bền chặt bấy nhiêu. Bản chất của tình yêu là sự trao hiến, “ở lại” trong người khác và được nên một với nhau. Điều này Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng “Ai yêu thương thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. “Ở lại” để thuộc về nhau một cách trọn vẹn. Đức Giêsu Kitô đã không ngần ngại xóa mình đi, bỏ địa vị làm Con Thiên Chúa nhập thể vào trần gian mặc lấy thân phận con người bé nhỏ để ở lại với con người mãi mãi. Tình yêu Thiên Chúa đã xóa bỏ mọi ngăn cách về không gian, thời gian, xóa mọi rào cản, mọi sự chênh lệch giữa một bên là phàm nhân đầy yếu hèn tội lỗi với một vị Thiên Chúa đầy thánh thiện. Đức Giêsu nhập thể đã nối trời với đất, đem sự thánh thiện trải xuống trần gian, rút lại mọi khoảng cách và nâng con người lên địa vị làm con cái Thiên Chúa. Đây quả là một ân huệ lớn lao mà chỉ có Đức Giêsu thực hiện được qua cuộc khổ nạn và phục sinh. Trên thánh giá, trong giây phút cuối cùng, một dòng máu từ trái tim cực thánh Chúa Giêsu đổ ra, dòng máu tình yêu, dòng suối cứu độ.

Xin Chúa thanh tẩy và biến đổi tâm hồn để mỗi người chúng ta có được tấm lòng bao dung tha thứ, biết cảm thông và chia sẻ với người khác để xây dựng cuộc sống tràn ngập tình yêu hầu mọi người cảm nhận được giá trị của lề luật và sống xứng đáng là con cái Chúa.

Nt Maria Anh Thư, OP

 

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XV Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên - Lm J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường niên - Lm J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XV Thường niên - Hoa Tâm
     Lời Chúa - Thứ Ba Tuần XV - Mùa Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN XV THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Chinh Anh
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN XV THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nữ Tỳ Thánh Thể
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B. LÀM THEO LỆNH CHÚA. Lm. Paul Nguyễn Nguyên
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B SỐNG CHỨNG NHÂN ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG. Lm. Đan Vinh
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B. GỌI VÀ SAI ĐI. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XV THƯỜNG NIÊN NĂM A - TIẾNG NÓI TÌNH THƯƠNG
     KHO BÁU ĐÃ MỞ – Charles E. Miller
     GIEO GIỐNG
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM A- TÔN GIÁO CÓ ÍCH GÌ?. Lm Jos Tạ Duy Tuyền