Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 3

SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN III THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA : Mc 4, 1-20

JesusPreaching.jpg(1) Ðức Giêsu lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. (2) Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:

(3) "Các người nghe đây! Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. (4) Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. (5) Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; (6) nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. (7) Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. (8) Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được mmột trăm." (9) Rồi Người nói: "Ai có tai nghe thì nghe!"

 (10) Khi còn một mình Ðức Giêsu, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. (11) Người nói với các ông: "Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, (12) để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ."

 (13) Người còn nói với các ông: "Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn? (14) Người gieo giống đây là người gieo lời. (15) Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xatan liền đến cất lời đã gieo nơi họ. (16) Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, (17) nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay. (18) Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời, (19) nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì. (20) Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm."

SUY NIỆM

Trong chương 4, Thánh sử Maccô trình bày 5 dụ ngôn kế tiếp nhau. Dụ ngôn là một loại diễn từ, trong đó diễn tả một khía cạnh của đời sống thường ngày, Khía cạnh ấy được đối chiếu, so sánh với đặc điểm của Nước Trời. Bài Tin Mừng hôm nay, là một trong 5 dụ ngôn ấy, đó là dụ ngôn Người gieo giống- Người gieo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Với câu mở đầu, thánh sử giới thiệu quang cảnh, nhân vật. Ông dùng từ “lại bắt đầu” để chỉ một công việc thường ngày của Chúa Giêsu quen làm tại ven biển hồ. Dân chúng lũ lượt kéo đến và vây quanh Ngài. Đến nỗi Ngài phải xuống thuyền mà ngồi. Sự tạo khoảng cách này như muốn để âm thanh lan rộng hơn, vang to hơn cho mọi người có thể nghe được. Đức Giêsu đã nói gì với dân chúng? Ngài kể chuyện, một câu chuyện rất đời thường để con người có thể cảm nhận phần lời tầm quan trọng của Tin Mừng.

Dụ ngôn Người gieo giống kéo dài trong 7 câu, từ câu 3 đến câu 9, mà có lẽ mỗi người trong chúng ta nghe ít nhất không dưới một lần. Trong dụ ngôn này, người gieo hạt giống thật phung phí quá sức. Ông ta đi trên bờ, tay giơ cao và giang rộng để vung thật xa những hạt giống nhỏ bé. Từ tay ông, hạt giống rơi vào nhiều ngõ ngách, nơi chốn khác nhau : vệ đường, bụi gai, sỏi đá và đất màu mỡ. Ta thấy lòng quảng đại của người gieo hạt giống. Vệ đường làm sao có đất để nảy mầm, trong bụi gai dù có nảy mầm cũng không thể phát triển hơn được; Nơi sỏi đá khô cằn, cứng cỏi khó mà len lỏi sống sót. Thế mà, ông vẫn gieo, bởi vì niềm hy vọng vào thành quả thu được chỉ xuất phát từ ¼ số lượng gieo vãi. Cứ 4 hạt, chỉ có một hạt là rơi vào đất tốt, có thể nảy mầm và trổ sinh hoa trái. Điều này muốn nói rằng : Cho dù hạt giống nảy mầm èo uột, ngay cả thân cây bị bóp nghẹt, nhưng mùa gặt vẫn dồi dào, phong phú, “hạt được 30, 60, và 100” (c.8). Đúng thế, dù công cuộc rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa có gặp khó khăn, trở ngại, thất bại hay bị chống đối của người đời và sự dữ, thì sức mạnh của Tin Mừng vẫn lướt thắng, vì Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng là công trình của Thiên Chúa, chứ không phải của loài người. Vì thế, chúng ta cần phải tin tưởng vào công cuộc loan báo Tin Mừng. vào sức mạnh tiềm tàng của Tin Mừng. hy vọng việc rao giảng Tin Mừng sẽ thành công và đạt kết quả tốt đẹp.

Sau khi giảng dạy cho họ theo lối dụ ngôn, thì ngay cả những người từng đi theo Ngài cũng không hiểu (x.c10). Họ xúm lại hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa của dụ ngôn này. Đức Giêsu đã trích dẫn sách Isaia chương 6, từ câu 9 đến câu 10 để nói về tình trạng mù quáng của thính giả. Có hai loại người lãnh hội Tin Mừng. Nhóm 12 và các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu thuộc loại người không tin là những kẻ ở ngoài, nên phải dùng dụ ngôn để nói với họ (11b). Đó là lý do Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn vì “ xác họ trố mắt nhìn cũng không thấy, có lắng tai cũng không nghe, không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ” (c.12). Ý nói sự cứng lòng của con người , vì họ không tin nên không thấy, không nghe, không hiểu, nên không thể trở lại để lãnh nhận ơn tha thứ. Lời Chúa gieo vãi cho mọi người, nhưng chỉ sinh ơn cứu độ cho những ai biết mở lòng đón nhận và thực hành Lời Chúa.

Đức Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn cho các môn đệ (c.13-20). Ngài phân tích rõ từng hoàn cảnh mà Lời Chúa không có tác dụng hay được trổ sinh mỹ mãn. Có lẽ đây là mảnh đất tâm hồn của mỗi người chúng ta. Cuối năm dương lịch, bài Tin Mừng này như một bản xét mình về đời sống thiêng liêng, chúng ta đã để Lời Chúa được gieo vãi trong tâm hồn chúng ta như thế nào?. Nếu tâm hồn tôi là vỉa hè, đường trải nhựa, xi măng không đất cát, nóng bỏng, thì làm sao hạt giống đâm rễ được ?. Nếu tâm hồn tôi là một bụi gai um tùm, đâm tua tủa, khi hạt giống rơi vào sẽ bị vướng và nằm chơ vơ giữa bụi gai, thì làm sao hạt giống chạm tới đất và nảy mầm được ?. Nếu cõi lòng tôi như một mãnh đất hoang khô cằn sỏi đá, không một dòng nước hay một bóng cây, chỉ có nắng, sỏi với đá  cứng cỏi, khô khốc... và nếu hạt giống có rơi vào kẽ đá và nảy mầm, thì “ tuổi thọ” của nó cũng không kéo dài được bao lâu hoặc chỉ phát triển trong èo uột vì thiếu nước, thiếu đất.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng ước ao tâm hồn mình như một mảnh đất màu mỡ, để hạt giống Lời Chúa trổ sinh hoa trái : 30, 60, 100. Nhưng đôi lúc chúng con đã để tâm hồn mình trở thành một vệ đường, một bụi gai, một mảnh đất sỏi đá và hạt giống Lời Chúa không thể đâm rễ được. Thậm chí có khi chúng con còn để mặc tâm hồn mình như thế, không cộng tác với Lời Chúa, không vun trồng đời sông thiêng liêng để hạt giống Lời Chúa phát triển.

Lạy Chúa, chúng con không thể làm gì được nếu không có Chúa, xin cho chúng con biết mở lòng để Lời Chúa biến đổi chúng con từng ngày, từng giờ. Amen.

Nữ Tỳ Thánh Thể.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên_Tôma Aquinô Trần Vũ Hoàng
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời chúa Lễ Thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô, giám mục_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường - Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III - lúc Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM C.Nt M. Anh Thư. OP
     Thứ hai tuần III Thường Niên: Đoàn kết nội bộ sẽ chiến thắng các thần ! Nt. Maria Anh Thư
     Suy niệm tin mừng Chúa Nhật III thường niên năm C. Lm. Nhiều tác giả
     Suy niệm tin mừng Chúa Nhật III thường niên năm C. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM B. NT Rosa Cẩm Hoàng
     Mùng hai Tết: ÔNG BÀ TỔ TIÊN. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     BÀI GIẢNG THÁNH LỄ MÙNG HAI TẾT CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     VIỆC LÀM VÀ LÀM VIỆC TRONG NĂM MỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO ?
     BIẾT ƠN TỔ TIÊN – ÔNG BÀ CHA MẸ