Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần X Thường Niên A
Trung Thực Trong
Lời Nói
(Mt
5,33 - 37)
Mahatma Gandhi là người luôn tự hào: Tôi
không bao giờ biết nói dối. Quả thực, dù là một nhà chính trị, đối với phe nghịch,
ông không hề nói dối để thủ lợi cho mình. Khi ông hứa điều gì thì kể như đã được
thực hiện.
Người ta kể rằng sở dĩ Mahatma Gandhi có được
đức tính ấy là nhờ sự dạy dỗ khéo léo của người mẹ.
Một hôm Gandhi ở trường về, vì sợ mẹ la,
ông đã nói dối mẹ. Nhưng bà mẹ biết, nên ngày hôm đó bà nhất định bỏ cơm.
Gandhi đã hết lời cầu khẩn nhưng mẹ nhất định không chịu ăn.
Cuối cùng mẹ ông giải thích: -Thà mẹ thấy
con chết còn hơn là thấy con nói dối. Vĩ nói dối là tỏ ra con có một tâm hồn
khiếp nhược. Sinh con ra như thế là một nỗi nhục cho mẹ. Mẹ không muốn sống nữa.
Mahatma Gandhi liền dũng cảm đi vào nhà bếp,
lấy một cục than hồng để trên bàn tay và nói: -Con thề với mẹ, suốt đời con sẽ
không bao giở nói dối nữa.
Bà mẹ mừng quá, ôm con vào lòng, vừa khóc vừa
nói: - Con như thê' mẹ mới đủ can đảm để sống với con.
Từ đó, Mahatma Gandhi không bao giờ thất hứa
với mẹ. Ông thường kể lại: -Vết sẹo trên tay ông là hình bóng của mẹ tôi, nó
không bao giờ rời khỏi tôi. Đó là vị thần phù hộ cho tôi luôn sống ngay thẳng
và trọng danh dự.
Trong một xã hội ngày nay, dối trá lừa đảo
đã trở thành luật sống, thì sự trung thực sẽ ra sao? Phải chăng người Kitô hữu
chúng ta lại cho rằng, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người
dối trá, tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi của
người khác thì thôi.
Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật
trừ trong giới răn này: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì
là do ma quỉ mà ra
Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá
của con người. Con người là hình ảnh của Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng chân thật,
cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa
phán một lời liền có muôn vật, không có cách quãng giữa lời nói và hành động của
Ngài.
Như vậy, người biết tôn trọng phẩm giá cao
cả của mình đương nhiên cũng là người biết tôn trọng lời nói của mình, đó là
đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào. Đón nhận chân lý mạc khải của Chúa
về con người, người Kitô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của
mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trung thực của ta.
Bản sắc của người Ki tô có được thể hiện
hay không là tùy ở mức độ trong suốt cuộc sống của ta. Niềm tin của ta có khả
tín hay không là tùy ta có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá
đã trở thành luật sống.
Chúa Giêsu đã sống cho đến cùng lời Ngài
rao giảng. Dù cái chết cũng không khóa được lời sự thật của Ngài và cái chết của
Ngài trên Thập giá cuối cùng cũng trở thành lời.
Các bạn thân mến,
Biết bao người đang chờ được nghe những lời
chân thật của Kitô hữu chúng ta, không chỉ những lời thốt ra từ miệng, mà còn
là những lời từ một cuộc sông ngay thẳng, thanh liêm. Nguyện xin Chúa gìn giữ
và ban cho ta ơn can đảm để dám làm chứng cho lời chân lý của Ngài trong cuộc
sông.