Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

THI HÀNH BÁC ÁI VÀ VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

Bản chất sâu xa nhất của Hội Thánh được diễn tả qua ba nhiệm vụ: Loan báo TM (kerygma-martyria), Cử hành Bí Tích (leitourgia) và Thi hành Bác ái (diakonia)

(Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” của Đức Benedicto XVI).

Trong ba nhiệm vụ trên, nhiệm vụ thứ nhất là Loan báo Tin Mừng: ngay sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ và Hội thánh, trong suốt dòng lịch sử, đã hăng say trong việc loan báo Tin Mừng.

Tương tự, nhiệm vụ thứ hai là Cử hành bí tích: trong mọi hoàn cảnh, các tín hữu vẫn thường xuyên được nhắc nhở trung thành cử hành các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể. Riêng nhiệm vụ thứ ba là Thi hành Bác ái ít được nhắc nhở để thi hành hơn.

Mới đây, trong Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”, ĐTC Benedicto XVI đã nhắc lại ba nhiệm vụ này bao trùm lẫn nhau và không thể tách rời. Đối với Hội Thánh, bác ái không phải là một hoạt động trợ giúp xã hội mà ta có thể để lại cho người khác làm, nhưng nó thuộc về bản tính của Hội thánh, một lối diễn tả không thể thiếu của bản chất của Hội thánh.

Trong phần trình bày này, xin được nêu ra mối liên hệ giữa hai nhiệm vụ: Loan Báo Tin Mừng và Thi Hành Bác Ái.

Trong những ngày qua, chúng ta đã được nghe trình bày nhiều về các chiều kích khác nhau của việc Loan báo Tin Mừng, nên trong phạm vi của bài này, dựa vào giáo huấn của Hội thánh, xin đề cập nhiều hơn về những khía cạnh của việc thi hành bác ái, với những điểm nhấn:

-         Thi hành bác ái theo tinh thần Kitô giáo

-         Những đòi hỏi cần thiết để việc thi hành bác ái dẫn đến Loan báo Tin Mừng

-         Những chứng từ Loan báo Tin Mừng qua việc thi hành bác ái.

I.       THI HÀNH BÁC ÁI THEO TINH THẦN KITÔ GIÁO

Để có được cái nhìn chính xác về vai trò của những hoạt động bác ái trong đời sống của người Kitô hữu, thiết tưởng cũng là điều cần thiết để biết được những cái nhìn của người khác về hoạt động bác ái chúng ta. Từ đó, một đàng, chúng ta xác định tính chất cần thiết của công việc bác ái và thêm xác tín về trách nhiệm này; đàng khác, nó cũng giúp chúng ta điều chỉnh những điều chưa phù hợp với con người và hoàn cảnh hiện nay, nhờ đó, những hoạt động bác ái của chúng ta theo đúng được Lời dậy của Chúa và đáp ứng được những nhu cầu của con người ngày nay.

1.      Bác ái dưới cái nhìn ngoài ki tô giáo

a. Trước hết là phê phán của những người Marxist, họ cho rằng: “Người nghèo không cần đến bác ái, nhưng cần công bằng. Những công việc bác ái – bố thí – chỉ là cách thức để người giầu lẩn tránh bổn phận hành động theo công bằng, và là một phương thế để xoa dịu lương tâm, trong khi vẫn củng cố địa vị của mình và tước đi quyền lợi của người nghèo”.

-               Trả lời cho vấn đề này, Đức Benedito XVI đã khẳng định rõ ràng : “Phải nhìn nhận là có một vài chân lý trong luận cứ này, nhưng cũng có rất nhiều điều sai lầm […]. Để xác định chính xác hơn mối tương quan giữa việc dấn thân cho công bằng và thừa tác vụ bác ái, thì hai hoàn cảnh cần phải xem xét:

·        Thứ nhất: Tổ chức một cách đúng đắn – có nghĩa là công bằng – cho xã hội và quốc gia là trách nhiệm cốt yếu của chính trị. Thánh Augustino từng nói: “một quốc gia không được cai trị theo công bằng chỉ có thể là một bày trộm cướp”.

·        Thứ hai: Tình yêu – caritas – sẽ luôn cần thiết, dù là ở trong một xã hội công bằng nhất. Không hề có một tổ chức quốc gia đúng đắn đến độ xem công việc phục vụ của tình yêu là thừa thãi. “Ai muốn loại trừ tình yêu, thì cũng đang chuẩn bị loại trừ con người” (Đức Benedicto XVI). Sẽ luôn có những đau khổ đang kêu cầu sự an ủi và giúp đỡ. Sẽ luôn có sự cô đơn. Sẽ luôn có những hoàn cảnh thiếu thốn vật chất, nơi mà sự giúp đỡ dưới hình thức của tình yêu cụ thể đối với tha nhân là cần thiết. Hội thánh sống động với Tình yêu mà Thần khí Đức Kitô nhóm lên. Tình yêu ấy không chỉ ban tặng cho con người sự trợ giúp vật chất, mà còn là sự tĩnh dưỡng và chăm sóc cho linh hồn, vốn là những điều còn cần thiết hơn những trợ giúp vật chất” (TĐ “Thiên Chúa là Tình yêu”).

Hơn thế nữa, trên bình diện Hội thánh, Hội thánh không bao giờ được miễn trừ khỏi việc thực thi bác ái như một hoạt động có tổ chức của các tín hữu, và mặt khác, sẽ không có một hoàn cảnh nào mà bác ái của mỗi cá nhân Ki tô hữu là không cần thiết, bởi vì ngoài sự công bình, con người cần đến và vẫn luôn cần đến tình yêu.

Với những luận cứ trên, Đức Benedicto mạnh mẽ khẳng định cho chúng ta về sự cần thiết của việc thực thi bác ái trong bất cứ tình huống nào của cuộc sống và đối tượng của nó là chính con người như là những anh em của nhau.

b. Thứ đến là những nhận xét từ cái nhìn của người anh em làm công tác xã hội: Nhìn vào những công việc bác ái được thực hiện trong xã hội, những người làm công tác xã hội nhận định rằng: Nhìn chung, động cơ của công việc bác ái là yêu thương và quí trọng con người. Chúng phát xuất từ lòng nhân ái, muốn giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, có khi người ta làm việc bác ái để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, làm phước lấy đức hay tạo uy tín, đôi khi vì danh tiếng. Còn về quan hệ giữa người làm việc bác ái và người nhận được giúp đỡ thì nhiều khi là quan hệ nhất thời, mang tính ban phát, bố thí, đôi khi áp đặt. Người được giúp nhiều khi chỉ hưởng thụ cách thụ động. Từ đó dẫn đến kết quả : Chỉ xoa dịu vấn đề, người được giúp thì ỉ nại, trông chờ và đòi hỏi.

Những nhận xét trên đây có những phần chính xác, giúp chúng ta nhìn lại chính mình. Trước hết, trong công việc bác ái, người Kitô hữu cần phải được đào tạo con tim, để đến với con người bằng con tim đầy lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu. Rồi họ cũng cần phải được đào tạo về nghiệp vụ, đào tạo về chuyên môn, để sự giúp đỡ của họ không phải chỉ là bộc phát, nhất thời, nhưng là có phương pháp, có kế hoạch, để hiệu quả của những công việc bác ái được đạt đến mức cao nhất; đồng thời những người được giúp đỡ sẽ có cơ hội thăng tiến, chứ không chỉ mãi mãi ở trong tình trạng lệ thuộc hay thụ động.

2.            Bác ái theo theo giáo huấn Kitô giáo

Bác ái (Caritas) là tình yêu được đón nhận và trao ban. Nguồn gốc của bác ái là tình yêu vô thủy vô chung của Thiên Chúa Cha ban cho Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Bác ái là Tình yêu, từ Chúa Con tuôn trào đến chúng ta. Bác ái là tình yêu sáng tạo, từ tình yêu này chúng ta mới nhận được sự hiện hữu của mình; bác ái là tình yêu cứu độ, nhờ tình yêu này chúng ta mới được tái sinh. Đó chính là tình yêu được Thiên Chúa mạc khải và hiện thực tuôn đổ vào trong tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần”.

Là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa, con người được đặt làm chủ thể của bác ái, được kêu gọi trở thành khí cụ của ân sủng để truyền đạt bác ái của Thiên Chúa, kiến tạo những mạng lưới bác ái. (TĐ “Bác Ái trong Chân Lý”).

Với định nghĩa trên, chúng ta nhận ra mối liên kết thâm sâu của Bác ái với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình yêu, ai ở trong Tình Yêu thì ở trong Thiên Chúa. Ai thực hành bác ái cách chân thành, cũng sẽ làm rõ nét hình ảnh của Thiên Chúa nơi cuộc sống, nhờ đó những người khác có thể nhận biết và gặp gỡ được Thiên Chúa.

Trong Hội thánh Công giáo cũng như trong các Giáo hội khác, những hình thức mới của hoạt động bác ái đã nảy sinh, trong khi những hình thức cũ hơn đã tái xuất hiện với một nhiệt tình mới. Trong những hình thức mới này, thường có thể thiết lập một mối liên kết sinh nhiều hoa trái hơn giữa loan báo Tin mừng và công việc bác ái.  

II.          NHỮNG ĐÒI HỎI CẦN THIẾT ĐỂ CÔNG VIỆC BÁC ÁI DẪN ĐẾN LOAN BÁO TIN MỪNG

Có mối liên kết mật thiết giữa loan báo Tin mừng và công việc bác ái. Tuy nhiên không phải  công việc bác ái nào cũng là loan báo Tin mừng, mà nó còn lệ thuộc vào con người thực hiện công việc bác ái, có nghĩa là, có những điều kiện, những đòi hỏi mà người thi hành bác ái phải có. Đó là:

1) Đào sâu và thực hành đức tin. Tinh thần và linh đạo của Mẹ Têrêxa Calcutta là một minh họa rõ nét cho đòi hỏi này. Nếu thánh Giacôbê đã cảnh báo rằng: “Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết”, thì thực tế lại cho thấy, việc thực hành đức tin qua công việc bác ái chính là tấm giấy thông hành giúp người Kitô hữu bước vào thế giới của những ai chưa biết đến Đức Kitô. Đó còn là dấu chỉ để Đức Kitô được nhận diện giữa mọi người trong thế giới hôm nay.

Thật vậy, như đã nói ở trên, có một mối giây liên kết chặt chẽ giữa việc loan báo Tin Mừng với việc thi hành bác ái. Đối với tha nhân, công tác bác ái xã hội chính là phương tiện chuyển tải Tin Mừng hữu hiệu; là một dấu chỉ rõ nét lời dạy của Đức Kitô. Qua những công việc bác ái của người Kitô hữu đầy lòng tin, thì người không phải là Kitô hữu sẽ nhận ra Đức Kitô và nhận ra Ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Còn đối với bản thân người Kitô hữu, thì việc bác ái chính là nhân tố của Ơn Cứu độ. Công tác bác ái không chỉ dừng lại ở dấu chỉ mà chính là sứ mạng của người Kitô hữu (ĐHY Paul Cordes).

2 – Đào luyện con tim:: Người làm công tác bác ái được đòi hỏi phải làm từ con tim, phải “đào luyện con tim”. Người làm công tác bác ái phải được dẫn đến tình yêu Chúa, qua đó họ học yêu Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực. Tình yêu Chúa sẽ biến chuyển thành tình yêu tha nhân.

3 – Thanh luyện tâm hồn: Hơn nữa, người làm công tác bác ái đòi hỏi phải được thanh luyện tâm hồn, tăng sức lực trí khôn, để từ đó công việc bác ái của họ tràn đầy hiệu năng .

4-  Phục vụ với tấm lòng yêu mến: Mẹ Têrêxa Calcuta đã chỉ ra một phương cách tìm kiếm và nhận ra Chúa Giêsu, đó là phục vụ người nghèo khổ với tấm lòng yêu mến. Mẹ nhắc lại lời của Gandhi: “Ai phục vụ người nghèo là phục vụ Thiên Chúa.”. Linh đạo của Mẹ chỉ gói gọn trong năm chữ. Đó là lời của vị thẩm phán trong ngày phán xét: “Con đã làm cho Ta…” (Mt 25,40). Công việc bác ái, hay “mến Chúa và yêu người”, chính là phương cách và linh đạo để tìm kiếm và nhận biết Thiên Chúa Tình Yêu. Thiên Chúa muốn diễn tả tình yêu của Người không phải qua phép lạ, nhưng qua những dấu chỉ bác ái Kitô. “Mến Chúa và yêu người” bao gồm hai chiều kích thâm sâu, nhưng liên kết nên một. Ai phục vụ những người bé nhỏ, những người nghèo hèn, những kẻ vô gia cư, những người tù đày, chính là phục vụ Chúa Giêsu.

5– Thuộc về Đức Ki tô . Để đạt tới hai chiều kích đó, người Kitô hữu cần phải có một sự biến chuyển sâu xa từ bên trong con người của mình, đối với hai mối tương quan: tương quan với Thiên Chúa và tương quan với tha nhân. Người Kitô hữu học cách uốn nắn con tim của mình nên giống con tim của Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá. Được như thế thì con tim của người Kitô hữu sẽ rung cảm và nhận biết được nỗi đau, sự thống khổ của nhân loại như trái tim Giêsu. Họ sẽ mở mắt, mở lòng trước thế giới khổ đau và bắt gặp hình ảnh của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Và khi đã nhận ra Chúa Giêsu, người Kitô hữu còn phải “thuộc về Giêsu và ở lại với Giêsu” để từ đó, những công việc bác ái của người Kitô hữu đang làm cho tha nhân trở nên những dấu chỉ mạc khải về Tình yêu Giêsu, Tình yêu Thiên Chúa.

Một người tu sĩ trẻ mới khấn trong dòng Thừa sai bác ái Chúa Kitô nói với Mẹ Têrêxa: “Thưa Mẹ, ơn gọi của con bây giờ là thuộc về người phong cùi”. Nhưng Mẹ Têrêxa nhẹ nhàng đáp: “Không phải thầy à, ơn gọi của thầy là thuộc về Chúa Giêsu”. Đúng vậy, phải thuộc về Đức Kitô để người Kitô hữu mới có được lòng trắc ẩn như Người đứng trước những nỗi khổ của tha nhân. Mà để được thuộc về Chúa Giêsu, thì điều cần thiết là phải cầu nguyện.

Mẹ Têrêxa khẳng định: “Không có cầu nguyện, không có bác ái đích thực”. Mà không có bác ái đích thực thì cũng không thể dẫn đến việc Loan báo Tin mừng.

III.       NHỮNG CHỨNG TỪ LOAN BÁO TIN MỪNG QUA VIỆC THI HÀNH BÁC ÁI

Trước khi trình bày phần chứng từ của công việc bác ái dẫn đến sự kiện làm cho người ta biết Chúa và theo Chúa, xin được trích dẫn lời nhắc nhở và cũng là những khẳng định của Đức Benedicto XVI về mối tương quan giữa Thi hành bác ái và Loan báo Tin Mừng:

Bác ái không thể được sử dụng như một phương tiện trong cái mà người ta gọi là chiêu dụ tín đồ. Tình yêu thì tự do; nó không thể được thực hành như một phương tiện để đạt tới mục đích khác. Nhưng điều này không có nghĩa là phải để Thiên Chúa và Đức Kitô ra một bên. Bởi vì nó luôn liên can đến con người. Thường thì nguyên nhân sâu xa nhất của đau khổ là chính sự vắng mặt của Thiên Chúa. Những ai thực hành đức ái nhân danh Hội Thánh, sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt đức tin của Hội thánh lên kẻ khác. Họ nhận thức rằng, một tình yêu tinh tuyền và quảng đại là chứng tá tốt nhất về Thiên Chúa mà chúng ta tin và thúc đẩy chúng ta yêu thương. Một Kitô hữu biết lúc nào phải nói về Thiên Chúa và lúc nào không nói gì thì tốt hơn và để cho một mình tình yêu cất tiếng. Người ấy biết rằng, Thiên Chúa là tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa được cảm nghiệm chính vào lúc điều duy nhất chúng ta làm là Yêu thương….Trách nhiệm của những tổ chức bác ái của Hội Thánh là tăng cường ý thức này nơi các thành viên, để nhờ hoạt động của họ, những lời của họ, sự thinh lặng và gương sáng của họ, họ có thể thành những chứng nhân đáng tin cậy của Đức Ki tô”.

Có rất nhiều chứng từ từ những vị làm công việc bác ái. Các vị đó là những linh mục, những tu sĩ nam nữ và là những Kitô hữu sống giữa đời. Các vị đã thấy được kết cục lạ lùng là: những người thụ hưởng việc bác ái đã nhận ra Chúa và tin vào Chúa hoặc những người thụ hưởng cảm phục những người của Chúa và muốn tìm hiểu về Chúa của những người con Chúa. Ở đây chỉ xin đưa ra một vài chứng từ gần gũi:

1.      Đã mấy năm nay, Cha Phêrô Vũ Minh Hùng, chánh xứ Martino, có chương trình “bữa điểm tâm” cho các anh chị em khuyết tật vào mỗi sáng Chúa nhật. Không phân biệt tôn giáo. Những anh chị Công giáo thì có thể tham dự thánh lễ lúc 7 giờ. Sau đó, từ 8 giờ là bữa điểm tâm chất lượng cho tất cả anh chị em khuyết tật có mặt và còn một bịch quà mang về nữa. Số anh chị em khuyết tật đến tham dự thường xuyên có đến gần hai trăm. Bên cạnh đó là dịp đi du ngoạn chung với nhau mỗi năm một lần được cha Hùng tổ chức. Đã có nhiều anh chị em khuyết tật tham gia. Mới đây, vào 12 và 13 tháng 5 vừa qua, hằng trăm anh chị em khuyết tật đã dùng chính phương tiện di chuyển của mình là xe gắn máy dành cho người khuyết tật, để thực hiện một cuộc hành hương từ Sài gòn đến Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu. Các anh chi có dịp tắm biển, thưởng thức đặc sản biển và được cùng nhau chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của mình, điều mà trước đó các anh chị chẳng dám ước mơ. Họ cảm nhận được sự quan tâm của những người con cái Chúa đối với tình trạng của họ. Họ bớt đi mặc cảm. Họ mạnh dạn tìm hiểu về Chúa. Và rồi những trường hợp anh chị em được ơn của Chúa, đã xin trở thành con cái Chúa qua bí tích Rửa tội. Những trường hợp trở nên con cái Chúa này rất chân tình và cảm động, đã diễn ra thường xuyên hơn.

2.      Câu truyện thứ hai này đã bắt đầu cả gần chục năm rồi với Cha xứ Phaolo Nguyễn Thực và giáo dân giáo xứ Hà Đông, Hạt Xóm Mới. Mỗi tháng một lần, cha giúp cho hơn 2.100 anh chị em khiếm thị, mỗi người 10 kí lô gạo và 10 gói mì. Với giá lương thực hiện nay, thì mỗi tháng Cha phải chi khoảng 250 triệu. Hỏi rằng cha tìm nguồn đó ở đâu? Cha cho biết, chủ yếu dựa vào chính giáo dân giáo xứ Hà Đông. Thời gian đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng rồi trở thành một việc quen thuộc với cả Cha lẫn con. Tất cả là tự nguyện. Giáo dân chẳng giầu có gì, nhưng họ đã chắt chiu, tiết kiệm hằng tháng để gom vào cho Cha để gửi cho những anh chị em khiếm thị. Cả Cha lẫn giáo dân giáo xứ Hà Đông, đã vẫn suy niệm câu lời Chúa trong Mat thêu chương 25, câu 40 “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy”. Trước nghĩa cử cao đẹp này, cũng đã có những người nhận biết Chúa. Có những người là cán bộ, nhưng cũng đã viết thư bày tỏ tâm tình biết ơn, và cũng đơn sơ cầu xin với Chúa của linh mục phù hộ cho linh mục và giáo dân được sống an lành hạnh phúc. Còn trong giáo xứ, chính những việc bác ái này đã giúp cho đời sống đạo của giáo dân có chiều sâu hơn, có những tiến bộ tích cực.

3.      Cộng đoàn Mai Linh, gồm các nữ tu và một vài nam tu, thuộc các dòng có trụ sở trong thành phố, phục vụ các bệnh nhân HIV/AIDS vào giai đoạn cuối tại Bệnh viện Nhân Ái, tỉnh Bình Phước (trước kia được gọi là Trọng Điểm) đã có rất nhiều chứng từ về các bệnh nhân và cả thân nhân của bệnh nhân, đã xin trở thành con Chúa khi cảm nhận được tình yêu thương vô vị lợi của những tu sĩ làm công việc bác ái tại đây.

Một trường hợp điển hình trong rất nhiều trường hợp được một Sơ kể lại: Như thường lệ, mỗi sáng đến thăm một bệnh nhân nam ở vào những tuần cuối, tôi hỏi:

- Sao, có cần Sơ giúp gì không?  Rụt rè hồi lâu, anh ấp úng:

- Thưa Sơ, con thèm cháo lòng. Tôi vội vàng sắp xếp công việc, đi mua một tô cháo về cho anh, nhưng anh cũng chỉ ăn được vài muỗng rồi bỏ. Những ngày sau, anh lại nói là thèm ăn món này, rồi thèm ăn món kia. Tôi đều tìm cách đáp ứng ngay.

Rồi sức khỏe anh càng ngày càng yếu dần. Tôi đến thăm anh thường xuyên hơn. Lần nói chuyện cuối cùng, anh nói với tôi :

- Con cảm ơn Sơ nhiều lắm, từ ngày con được các Sơ chăm sóc, con đã tin rằng trên thế giới vẫn có người thương con thật. Hôm con được Sơ cho ăn cháo lòng là ngày con cảm thấy hạnh phúc nhất. Chắc con không sống được nữa, xin Sơ cho con theo Chúa của Sơ nha.

Tôi an ủi anh, hướng dẫn anh cầu nguyện và nhẹ nhàng rửa tội cho anh. Tối hôm đó anh ra đi trong bình an.  

Ngoài ra, có nhiều  trường hợp các bệnh nhân được gia đình đón về, rất nhớ và muốn trở lại Bệnh viện để được các Sơ chăm sóc. Gia đình cảm động về những nghĩa cử các Sơ đã giúp cho con cái họ. Chính gia đình các em đã đề nghị với các Sơ cho con mình được theo Chúa như nguyện vọng. (Chứng từ của Sơ Tâm Hảo, dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ).

4.      Tổng thống Đài Loan: Tháng 9 năm 2009, Văn Phòng Thánh bộ Đồng Tâm (Cor Unum) tổ chức Đại hội Linh thao cho hơn 400 thành viên Caritas thuộc 29 quốc gia Á châu, tại trường đại học Fu Jen, thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Việt Nam có hơn 30 thành viên của các giáo phận tham dự. Vào ngày kết thúc, trong cuối Thánh lễ tạ ơn, một cách đặc biệt, Tổng Thống Mã Anh Tài (?) của Đài Loan đã đến đọc diễn văn chào mừng và cám ơn Tòa Thánh đã dành vinh dự cho Đài Loan được đăng cai tổ chức Đại hội Linh thao này.

Tổng thống Mã phát biểu rằng: “Vào những năm đầu của thập niên 50, khi mà chính phủ Đài Loan mới di tản từ Lục địa ra ngoài đảo quốc này, đời sống của dân chúng còn rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan quốc tế đã đến giúp đỡ. Chính phủ và dân chúng Đài Loan lúc đó đã được Caritas quốc tế và một số Caritas các nước khác giúp đỡ rất nhiều. Ông nhớ rõ, lúc đó còn là cậu bé, tuy không phải là người Công giáo, nhưng mỗi Chúa nhật, ông vẫn được bà ngoại dẫn đến một nhà thờ gần đó để nhận phần quà là lương thực và những đồ dùng cần thiết do Caritas quốc tế trợ giúp. Hình ảnh Chúa và những người đạo Chúa nơi ngôi nhà thờ này vẫn in đậm nét trong tâm trí ông và tâm trí của rất nhiều người dân Đài Loan khác. Tổng thống Mã nhấn mạnh, Đài Loan, từ một nước nhận quà tặng của Caritas Internationalis trong thập niên 1950 đó, đã nhanh chóng phát triển và hưng thịnh. Để rồi 40 năm sau, Đài Loan đã trở thành một quốc gia có thể ban tặng, đóng góp cho công việc bác ái, cứu trợ trên khắp thế giới. Và ngày hôm nay, được vinh dự đón tiếp hơn 400 thành viên Caritas thuộc các nước Á châu qui tụ để tham dự Đại hội Linh Thao này.”

KẾT LUẬN:

Công việc bác ái là thể hiện tình yêu một cách cụ thể đối với tha nhân. Đây là tình yêu Trao ban, một tình yêu vô vị lợi, bắt nguồn từ Thiên Chúa. Như vậy thể hiện được tình yêu đó chắc chắn sẽ làm cho người ta nhận ra được Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8).

Hơn nữa, như nhận định của ĐTC Phaolo VI: “Con người ngày nay cần chứng tá hơn là lời rao giảng”, thì công việc bác ái lại là một khí cụ loan báo Tin Mừng một cách hết sức thích hợp”.

Đến đây, xin mượn lời của sư huynh Yesudas, dòng Thừa sai Bác ái Chúa Kitô trong bài Suy Niệm của thầy để tóm tắt phần này: “Điểm khác nhau của công tác bác ái Kitô và không Kitô là ở đây: Bác ái không Kitô luôn tìm kiếm cho mình, thỏa mãn cho mình hay là một sự đánh đổi. Còn Bác ái Kitô thì không phải là cho mình, nhưng cho Chúa Giêsu, cho vì một tình yêu nhưng không. Bởi bác ái Kitô hữu đòi hỏi cho một tình yêu nhưng không, không giữ cho mình nhưng cho chính đối tượng được ban tặng như Tình yêu Kitô”.

Linh mục Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng SDB

Caritas TGP Tp HCM

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     HỘI NHẬP TIN MỪNG VÀO VĂN HÓA CON ĐƯỜNG KHỔ ẢI. Lm.Giuse Trịnh Tín Ý
     LOAN BÁO TIN MỪNG THEO CHỈ DẪN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II. Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên
     MỘT LÀN ĐIỆU DÂN CA TRÊN QUÊ HƯƠNG QUAN HỌ. MMsj
     CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU TRONG CẢNH SỐNG CỤ THỂ.Lm. Giuse Đinh Đức Đạo
     MẸ VÀ LỜI KINH. Têrêsa Vô Thường
     TÂM HỒN HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỢNG: NGUỒN AN ỦI VÀ ĐỠ NÂNG. Lm Giuse Đinh Đức Đạo
     TRƯỚC LÚC LÊN ĐƯỜNG.MMsj
     SỐNG YÊU THƯƠNG. Lm Giuse Đinh Đức Đạo
     LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ: TÂM TÌNH CỦA MỘT TÂN TÒNG
     TÂM HỒN TÔNG ĐỒ-Lm. Giuse Đinh Đức Đạo