THỨ HAI TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN NĂM B
Lời Chúa: Lc 10, 25-37
Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?". Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình". Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống".
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?". Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác". Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?". Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy".
Suy niệm:
Để trả lời câu chất vấn của người thông luật, Đức Giêsu kể một ví dụ về người Samaria tốt lành. Câu chuyện ngắn gọn nhưng bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta hãy đặt mình trong bối cảnh của câu chuyện để hiểu và sống điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta hôm nay:
Từ Giêrusalem xuống Giêricô. Tại sao Chúa Giêsu đề cập đến 2 địa danh này ? Có một quan niệm của người Do Thái từ rất xa xưa cho rằng : Giêrusalem là kinh thành Ánh Sáng, nằm trên đồi cao, đẹp bởi những lâu đài tráng lệ, là nơi cầu nguyện của dân Thánh, là nơi Thiên Chúa ngự và là chính Thiên Chúa. Còn Giêricô là kinh thành ăn chơi, nằm dưới một thung lũng đẹp bởi những hàng dừa thơ mộng, là nơi ăn chơi sa đoạ, là biểu tượng của tội lỗi, của thế gian.
“Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô”(câu 30). Chúa Giêsu không nói rõ danh tánh của nhân vật này. Đây có thể là tôi, là bạn, là chúng ta ngày hôm nay.
Tại sao người kia bị…? Khi con người chối từ Thiên Chúa và chạy theo những đam mê dục vọng, quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi mải mê đi tìm một chúa khác, con người phải ra nông nỗi thế ấy.
“…có thầy tư tế cũng xuống trên con đường ấy…” (câu 31), “…rồi thầy Lêvi…”(câu 32). Đây là hiện thân của sự thánh thiện, chắc chắn các thầy vừa xong giờ hành lễ trong đền thờ Giêrusalem và đang trên đường về nhà mình. Họ đã được dạy rằng : không được giao du với những người tội lỗi nên khi trông thấy người bị nạn, họ đã “tránh qua bên kia mà đi”.
“Nhưng một người Samari kia đi đường tới ngang chỗ ấy…”(câu 33). Người Samari tốt lành không ai khác hơn là chính Thiên Chúa. Khi con người lâm nạn, Thiên Chúa ra tay cứu giúp, khi con người thất tín, Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương. Thiên Chúa không có hôm qua, Thiên Chúa không có ngày mai, Thiên Chúa là hiện tại, Thiên Chúa là tình yêu. Giữa những hàng chữ của Kinh Thánh, len lỏi đâu đó 2 chữ YÊU THƯƠNG. Lúc nào con người cũng nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa.Thiên Chúa không ngần ngại khi thấy người bị nạn, không một lời thắc mắc, không một chút nghi vấn, Thiên Chúa âm thầm đưa chúng ta đến quán trọ, đến chân trời bao la của lòng thương xót. Không ai thương tôi bằng Chúa. Chúa yêu tôi không phải vì tôi tốt lành, thánh thiện. Chúa yêu tôi chỉ vì Chúa là TÌNH YÊU. Trước đây, người Giêrusalem và người Samari có mối thù truyền kiếp; nhưng hôm nay, người Samari lại là đại ân nhân của người Giêrusalem. Thiên Chúa đã mở rộng bàn tay, mở rộng biên cương, mở rộng giới tuyến đi đến hoà hợp giữa 2 dân tộc, tìm lại bình an và tha thứ. Ngày nay, Ngài cũng mời gọi tôi mở rộng con tim, giang rộng đôi tay, mở rộng tầm nhìn để tha thứ và yêu thương.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đã rất nhiều lần con được Chúa tha thứ, bởi rất nhiều lần con đã bỏ Giêrusalem mà đi đến Giêricô, rất nhiều lần con đã bỏ Chúa mà đi tìm thú vui bên ngoài. Không ai biết cả, chỉ một mình Chúa biết. Chúa đã không chấp tội mà cho con cơ hội để quay về, đã băng bó vết thương tâm hồn con, đã yêu thương và tha thứ cho con. Thế nhưng, đối với người khác, con đã không yêu thương và tha thứ cho họ. Con vẫn khư khư nắm giữ khuyết điểm của họ. Thay vì nói lời tha thứ, con đã luôn miệng trách móc, kể tội người khác. Con đã từ chối cái bắt tay làm hoà với họ bởi con cố chấp và ích kỷ. Bàn tay của con vẫn nắm chặt, con tim của con vẫn khép kín, cái nhìn của con vẫn hạn hẹp đối với anh em con. Xin cho con luôn nhớ rằng: chính khi thương xót và thứ tha chính là lúc tình yêu của Chúa được biểu lộ một cách tỏ tường trong cuộc đời của con. Amen.