Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 3

CHÚA NHẬT III TN C:

SỨ MẠNG YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Thưa quý OBACE, theo luật của nước Mỹ, vào ngày 20/1 là ngày tuyên thệ nhận chức của tân Tông Thống, và ngày 20/1 năm nay là ngày tuyên thệ nhận chức nhiệm kỳ 2 của ông Obama. Ông sẽ phải đặt tay trên một cuốn Kinh Thánh và thề trung thành gìn giữ và bảo vệ Hiến Pháp của nước Mỹ. Cả thế giới theo dõi sát sao ngày lễ trọng đại này. Nhiều người chờ đợi không chỉ để được theo dõi nghi thức quan trọng ấy, mà họ còn chờ đợi để được nghe bài diễn văn đầu tiên của Tổng thống. Bài diễn văn khai mạc nhiệm kỳ là bài diễn văn hết sức quan trọng, nó nói lên sự quan tâm và những kế hoạch lớn của Tồng thống vầ những vấn đề của quốc gia cũng như những vấn đề quốc tế.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cũng kể lại các “bài diễn văn” quan trọng có ảnh hưởng đến đời sống đức tin của tín hữu, đó là bài diễn văn của Esdra tại đền thờ Giêrusalem và của Chúa Giêsu trong hội đường Nazareth.

Tư tế Esdra là vị tư tế sống trong giai đoạn người Do Thái vừa mới được phép trở về từ cuộc lưu đày tại Babylon từ năm 587 – 538 trước Công nguyên. Cuộc hồi hương này cũng đã gây ra nhiều xáo trộn giữa những người trở về và những người còn ở lại, đặc biệt là có sự chênh lệch trong đời sống đạo giữa những người lưu đày trở về và những người ở lại, nhiều người đã không còn biết đến lề luật Thiên Chúa. Nhân dịp tìm lại được sách luật được cất giấu trong đền thờ, sau khi đền thờ được tái thiết, tư tế Esdra đem sách luật ra công bố trước mặt dân chúng bằng một nghi lễ rất long trọng. Toàn dân nghiêm trang đứng thẳng để đón nhận luật Chúa, họ sấp mình sát đất mà thờ lạy Đức Chúa, họ cam kết sẽ thi hành lề luật mà Chúa phán truyền. Biến cố này đã đánh dấu một thời kỳ mới trong đời sống đạo của người Do Thái, và tư tế Esdra được coi như một nhà cải cách đời sống tôn giáo kể từ biến cố này. Ông đã giải thích luật Chúa cho dân và nói với họ rằng: Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc nữa, vì Thiên Chúa là thành trì bảo vệ anh em. Biến cố này đánh dấu một thời kỳ hân hoan vui mừng cho toàn dân và khôi phục lại một nền phụng tự của đền thờ sau nhiều năm bị gián đoạn.

Bài Tin Mừng hôm nay là những lời mở đầu trong Tin Mừng theo Thánh Luca, Tác giả cho thấy những điều được thuật lại là những điều Ngài đã chắt lọc, điều tra cần thận liên quan đên Đức Giêsu và viết ra nhằm củng cố đời sống đức tin của tín hữu thêm vững chắc. Tác giả đã giới thiệu ngày khai mạc sứ mạng của Chúa Giêsu bằng những chi tiết hết sức long trọng giống như một ngày đăng quang sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Ngài.

Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu trở về miền Galilêa trong quyền năng và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và danh tiếng của Người lan truyền trong khắp vùng. Điều này có nghĩa rằng: sứ mạng của Đức Giêsu là sứ mạng của một vị Thiên Chúa, và Ngài thi hành sứ mạng ấy trong sự kết hợp mật thiết với Ba Nôi Thiên Chúa, và nếu như Adam ngày xưa đã xa lìa Thiên Chúa, để đi theo con đường riêng của mình, thì Đức Giêsu là Adam mới luôn đặt mình trong sự hướng dẫn của Thiên Chúa và bước đi trong đường lối của Thiên Chúa.

Đức Giêsu trở về Nazareth là nơi Ngài được dưỡng dục, Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát.  Với địa vị là một Thiên Chúa, Đức Giêsu đã thi hành sứ mạng trong quyền năng, thế nhưng Thánh Luca cho thấy, với địa vị là một con người, Đức Giêsu đã được thừa hưởng một sự dưỡng dục rất hoàn hảo từ nơi cha mẹ. Thói quen vào hội đường mỗi ngày Sabat là một thói quen đạo đức tốt lành của một người tín hữu, đồng thời đó cũng là một hình ảnh của một người công chính thánh thiện, chu toàn bổn phận, giới răn và lề luật của Thiên Chúa. Như thế, Tin Mừng muốn giới thiệu Đức Giêsu là một con người hòan hảo và đồng thời cũng là một vị Thiên Chúa quyền năng và khiêm hạ.

Đoạn sách tiên tri Isaia mà Đức Giêsu tuyên đọc hôm nay đã nói lên sứ mạng của Ngài: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Ngài sai tôi đem Tin mừng cho người nghèo khó, cho người giam cầm biết họ được tha thứ, băng bó những tâm hồn đau thương, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa. Cả cuộc đời Đức Giêsu đã trung thành với sứ mạng này, đó là sứ mạng yêu thương và phục vụ, đem lại ơn chữa lành và hy vọng cho nhân loại. Chúng ta còn nhớ trong những ngày chay tịnh trong sa mạc, ma quỷ đã cám dỗ đức Giêsu thực thi sứ mạng của mình theo kiểu của thế gian, tức là nó muốn Chúa chinh phục mọi người bằng quyền lực, bằng sức mạnh và phải cúi đầu trước sự điều khiển của nó, Đức Giêsu đã dùng Lời Chúa để chống trả các cơn cám dỗ ấy và cho chúng thấy rằng: Ngài chỉ trung thành với thánh ý của Thiên Chúa cha mà thôi, mà Chúa Cha đã muốn Đức Giêsu thực hiện sứ mạng bằng tình yêu thương, bằng hạ mình xuống để phục vụ, chính vì thế, sau khi công bố lời tiên tri Isaia, mọi người chăm chú nhìn Ngài để xem Ngài sẽ nói gì với họ. Chúa Giêsu đã nói với họ: Hôm nay ứng ngiệm lời Kinh Thánh mà tai anh em vừa nghe. Với lời tuyên bố: Hôm nay …., Chúa Giêsu cho thấy, thời của Nước Trời đã đến, thời mà muôn dân mong đợi đã khởi đầu, kể từ nay, nhân loại không còn như đứa con bị từ chối nữa, mà trở thành kẻ được Thiên Chúa yêu thương. Hôm nay là ngày Thiên Chúa viếng thăm, Ngài không còn phải là vị Thiên Chúa ngự ở trong đền thờ để nhận của lễ toàn thiêu nữa, mà qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã trở nên con người bằng xương bằng thịt, rong ruổi trên mọi nẻo đường, Ngài đã tìm đến với nhân loại để yêu thương, để săn sóc cho những người đau khổ nghèo đói, trở nên bạn bè với những người bị ruồng bỏ tù đày và đem đến cho nhân loại một mùa hồng ân cứu độ, một tin vui giải thoát.

Thưa quý OBACE, Thiên Chúa đã trở nên anh em bạn hữu với chúng ta, và chúng ta trở thành người nhà của Thiên Chúa, và là những người được Thiên Chúa phục vụ và yêu thương, đó là một niềm hạnh phúc cho chúng ta, và vì thế, chúng ta cũng được mời gọi trở thành cộng tác viên của Ngài, nối dài và cụ thể hóa tình yêu thương của Chúa cho anh em. Tất cả chúng ta dù là linh mục tu sĩ hay giáo dân, dù là vợ hay chồng hoặc con cái, dù là người làm việc tại gia đình hoặc nơi công ty xí nghiệp, dù giàu hay nghèo, tất cả chúng ta đều là chi thể của Đức Kitô và là bạn hữu của Ngài, chúng ta đều phải trở thành người đem tin mừng yêu thương cứu độ, tin vui hy vọng và giải thóat cho những người chung quanh. Chung quanh chúng ta còn biết bao những người mà tâm hồn đang bị đau thương dập nát bởi sư khinh bỉ, bỏ rơi coi thường của người chung quanh, đang bị giam cầm bởi đam mê nghiện ngập, đang bị thương tích bởi quá khứ hoặc bới người bên cạnh gây ra, hãy dừng lại trên họ để an ủi, lắng nghe và thông cảm chia sẻ.

Mỗi người hãy nhớ rằng chúng ta đã lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta thi hành sứ mạng ngay trong gia đình nơi xóm ngõ nơi xí nghiệp của mình; Hãy cố gắng sống thế nào để mọi người khi tiếp xúc với chúng ta họ có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang ở trong ta; các bậc cha mẹ cần phải sống, để sự hiện diện của cha mẹ trong gia đình đem lại sự êm ấm yên vui cho cả nhà, giúp cho con cái cảm nhận được sự bình an, vui tươi và là chỗ dựa tinh thần cho con cái.

Với ơn của Chúa Thánh Thần, mỗi người trẻ cũng được thúc đầy bước vào trong môi trường xã hội hiện tại, để trở thành những người thợ xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, giàu tình yêu thương và nhân ái hơn. Xã hội và thế giới chúng ta đang sống là một thế giới dửng dưng ích kỷ, nhiều người đã chỉ còn nhìn thấy mình và quyền lợi của mình, mà không nhìn thấy người bên cạnh và những nỗi thống khổ của họ, thì các bạn trẻ được mời gọi sẽ là những con người biết sống quảng đại hơn, biết quan tâm nhiều hơn đến anh em, đến những người chung quanh, để nâng đỡ, sẻ chia và để an ủi động viên nhau.

Nhiều bạn trẻ đồng tranh lứa đang vị trói buộc bởi những cuốn hút của xã hội, những trào lưu xấu: ăn chơi đua đòi, nghiện ngập, phim ảnh xấu, sống buông thả, sống vô tâm vô cảm với mọi người và sống hững hờ với niềm tin tôn giáo… chúng ta sẽ phải làm gì để giữ mình khỏi rơi vào sự trói buộc và còn giúp họ thoát khỏi sự ràng buộc ấy? Hãy đến với Chúa Giêsu và học ở nơi Ngài sự yêu thương và phục vụ, hãy để tâm hơn đến việc lắng nghe Lời Chúa, hãy siêng nâng hơn đến Thánh Lễ và với Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa sẽ ban sức mạnh của Ngài cho chúng ta, và ban Thánh Thần để hướng dẫn chúng biết cách sống cho phù hơp và cho xứng đáng là người Công Giáo con của Chúa và Thánh Thần sẽ chỉ cho chúng ta biết cách để sống yêu thương và phục vụ như Chúa Giêsu. Amen

 

GÓP PHẦN THI HÀNH SỨ VỤ THIÊN SAI

Lm. Đan Vinh

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Lc 1,1-4; 4,14-21

(1) Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công biên soạn tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. (2) Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta. (3) Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài. (4) Mong ngài sẽ nhận thức được rằng: giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc. (4,14) Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (15) Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh. (16) Rồi Đức Giê-su đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc Sách thánh. (17) Họ trao cho Người cuốn sách Ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: (18) “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, (19) công bố một năm hồng ân của Chúa. (20) Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. (21) Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

2.Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU CÔNG BỐ VỀ NĂM HỒNG ÂN CỦA CHÚA

Tin Mừng hôm nay gồm có bài tựa mở đầu sách Tin Mừng thứ ba, nêu ra lý do khiến Lu-ca viết Tin Mừng dựa vào truyền thống và có tính khoa học, và việc Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng với một chương trình hành động cụ thể, đã được ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm trước đó khá lâu.

3.CHÚ THÍCH:

-C 1-2: +Ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính: Thê-ô-phi-lô là một người giàu có và đáng kính thời bấy giờ. Ong này đã được tác giả Lu-ca gửi tặng cuốn Tin Mừng để nhờ ông làm người bảo trợ cho việc sao chép ra nhiều cuốn sách trên các tấm da thuộc, hầu có thể phổ biến đi nhiều nơi.

-C 3-4: +Cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự: Vì Lu-ca không thuộc Nhóm 12 Tông đồ theo Đức Giê-su ngay từ đầu, nên ông phải tra cứu đầu mối căn nguyên về cuộc đời và Tin Mừng của Người rồi viết lại. +Tuần tự viết ra: Ông viết Tin mừng theo thứ tự văn chương và các đề tài giảng huấn, chứ không theo đúng thứ tự thời gian trước sau.

-C 14-15: +Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy: Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để ăn chay và chịu ma quỷ thử thách. Giờ đây Thần Khí lại thúc đẩy Người trở về Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng. +Người giảng dạy trong các hội đường của họ: Hội đường là nơi người Do thái đến hội họp, cầu nguyện và nghe giảng Kinh thánh vào các ngày Sa-bát. Ở mỗi làng khắp xứ Pa-lét-tin cũng như tại những nơi có người Do thái cư ngụ đều có hội đường.

-C 17b-19: +Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Chữ gặp ở đây cho thấy Đức Giê-su đã không chọn hay sửa soạn trước, nhưng mở ra đã gặp ngay một đoạn sách phù hợp cho thấy có sự can thiệp của Thiên Chúa,. +Thần Khí Chúa ngự trên tôi...: Đoạn văn được trích dẫn trong sách I-sai-a (x. Is 61,1-2) nói về việc xức dầu tấn phong của một ngôn sứ (x. 1 V 19,16). Nhưng Đức Giê-su đã ứng dụng vào sứ mệnh của Người : Người mới được lãnh nhận Thần Khí khi chịu phép rửa của Gio-an, và coi đó là nguồn gốc phát sinh các hoạt động cứu độ của Người. +Công bố một năm hồng ân của Chúa: Năm Hồng Ân hay năm Toàn Xá của Thiên Chúa. Theo Luật Mô-sê, cứ năm mươi năm lại cử hành một lần (x Lv 25,10-13). Năm Toàn Xá là hình thức mở rộng của Năm Sa-bát được cử hành cứ bảy năm một lần (Đnl 15: 1-11). Năm này tiêu biểu lý tưởng công bình xã hội một cách thiết thực cụ thể. Đây là tin mừng giải thoát cho những người nghèo, những kẻ cô thân cố thế bị chèn ép áp bức, dưới bất kỳ hình thức nào, đến nỗi phải mất nhà cửa đất đai, trở nên nghèo khổ và đem thân làm nô lệ cho những kẻ giàu có quyền thế. Đó cũng là năm mời gọi hết mọi người hãy ăn năn sám hối, vì đã góp phần vào sự bất công hay đã nhắm mắt làm ngơ trước những đau khổ của đồng loại.

-C 20-21: +Hôm nay: Chữ này xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng Lu-ca, để nhấn mạnh tính cách hiện tại của ơn cứu độ. Chẳng hạn: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11) ; “Con là Con của Cha. Ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22) ; “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21) ; “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5b) ; “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9) ; “Hôm nay gà chưa kịp gáy, thì ba lần anh đã chối không biết Thầy” (Lc 22,34.61) ; “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).

4.CÂU HỎI: 1) Lu-ca đã viết lời tựa sách Tin Mừng gửi cho ông Thê-ô-phi-lô nhằm mục đích gì? 2) Lu-ca không thuộc Nhóm 12 Tông đồ. Vậy ông đã làm gì để có thể viết về cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giê-su cách chính xác được? 3) Hội đường Do thái là gì và dùng để làm gì? 4) Câu trích trong sách ngôn sứ I-sai-a được Đức Giê-su đọc tại hội đường Na-da-rét đã ứng nghiệm vào sứ mệnh cứu thế của Người như thế nào? 5) Bạn hãy kể ra 5 câu Kinh thánh có chữ “hôm nay” trong Tin mừng Lu-ca.

II SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).

2.CÂU CHUYỆN: CHÚA NÓI VỚI CHÚNG TA BẰNG CÁCH NÀO?

Cách đây khá lâu, một vở kịch mang tựa đề là “Hoàng Gia đi săn mặt trời” kể lại cuộc chinh phục của người Tây ban nha đối với dân da đỏ ở Pê-ru. Trong đó có một màn kể lại câu chuyện về một người Tây ban nha tặng cho viên tù trưởng của bộ lạc da đỏ một cuốn Thánh Kinh và nói với viên tù trưởng rằng : “Đây là Lời Chúa. Ngài nói với chúng ta trong cuốn sách này”. Viên tù trưởng cầm lấy cuốn Thánh Kinh, xem xét thật kỹ và sau đó áp cuốn sách vào một bên tai để nghe ngóng. Nhưng dù đã cố gắng hết sức mà cũng chẳng nghe thấy có tiếng nói nào từ cuốn sách phát ra. Cử chỉ ngây thơ của viên tù trưởng khiến những người Tây ban  nha có mặt cười ồ lên. Viên tù trưởng nghĩ mình bị mấy người ngoại quốc kia chơi khăm, liền nổi giận và ném mạnh cuốn Kinh Thánh xuống mặt bàn trước mặt !

3.SUY NIỆM:

1) Đức Giê-su công bố sứ vụ Thiên Sai: Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng và làm phép lạ khắp miền Ga-li-lê, danh tiếng Đức Giêsu đã lan truyền khắp nơi, Người trở về thăm quê hương Na-da-rét. Vào ngày sa-bat, Người đến hội đường cầu nguyện theo thông lệ, viên trưởng hội đường đưa cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở trúng ngay đọan nói về sứ vụ của Đấng Thiên Sai như sau: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Sau đó gấp sách lại, Người ngồi xuống và tuyên bố: ”Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-19).

2) Hội Thánh tiếp tục sứ vụ Thiên Sai: Ngày nay sứ vụ của Đức Giê-su được Hội Thánh tiếp tục thực hiện. Đức Giê-su đã đổ Thần Khí cho các Tông đồ để các ông đi công bố Năm hồng ân của Thiên Chúa, loan Tin mừng cho mọi người, giải phóng con người khỏi các hậu quả của tội lỗi là bệnh tật, đau khổ và sự chết: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân dnh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

3) Các tín hữu thi hành sứ vụ bằng việc tông đồ: “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ”. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm “làm cho Nước Đức Ki-tô rộng mở trên khắp hoàn cầu” đều được gọi là “việc tông đồ”» (GLCG, 863); Là ki-tô hữu, là cánh tay nối dài của Đức Giê-su, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Chúa để làm bùng lên ngọn lửa yêu thương mà Đức Giê-su đã đem xuống trần gian, bằng việc thực thi giới luật yêu thương ngay trong gia đình rồi đến khu xóm, giáo xứ và ra ngòai xã hội. Đó cũng là con đường nên thánh, là chìa khoá để mở cửa thiên đàng cho chúng ta trước tòa phán xét sau này.

4) Làm tông đồ là sống đời chứng nhân cho Chúa: Đức Gio-an Phao-lô II đã nói: “Người thời nay thích nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có nghe những thầy dạy thì đó lànhững thầy dạy này là những chứng nhân. Thực vậy, lời giảng thường khó thuyết phục cho bằng gương sáng như người ta thường nói: ”Trăm nghe không bằng một thấy”. Lời giảng mà thiếu gương sáng sẽ vô ích và có khi còn phản tác dụng: làm cho người ta thù ghét đạo Chúa hơn. Các tín hữu cần thực hành theo lời khuyên trong lễ phong chức như sau: “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Cần áp dụng lời Chúa khi suy nghĩ, ứng xử giữa đời thương. Cần sống hiệp nhật yêu thương noi gương các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai đã được sách Công Vụ ghi lại như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn sống hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng…Tất cả đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47).

4.THẢO LUẬN: Một ông chủ nhà kia muốn cho vợ con học sống Lời Chúa nên đã làm như sau: Ông găắn một tấm bảng trên bức tường trong phòng ăn. Mỗi tuần ông viết lên bảng một câu Lời Chúa chủ đề và một vài quyết tâm thực hành. Trước mỗi bữa ăn và trong giờ kinh tối gia đình, các thành viên sẽ cầu nguyện tự phát dựa theo câu Lời Chúa và những việc làm đề nghị. Vậy theo bạn, cách làm của ông gia trưởng trên có tác dụng thực sự hay không? Bạn quyết định sẽ làm gì để gia đình bạn trở thành một gia đình sống chứng nhân của Chúa?

5.NGUYỆN CẦU:

-LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con nhận ra Thánh Thần Chúa vẫn đang ngự giữa thế giới và trong lòng mọi người. Thế giới hôm nay tuy còn nhiều tội lỗi, nhưng vẫn chan hòa ánh sáng tin yêu nơi các gia đình tín hữu, trong các xóm đạo, nơi các cộng đoàn quyết tâm học sống Lời Chúa. Ngày nay người ta đã biết ngồi lại với nhau để giải quyết các tranh chấp và tìm kiếm hòa bình; Các tổ chức quốc tế đều hợp tác chống lại sự kỳ thị chủng tộc, mầu da, tôn giáo, phái tính, bệnh tật; Các cơ quan đoàn thể hợp tác để chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác... Xin cho các tín hữu chúng con cũng biết hợp tác để góp phần làm cho ngôi nhà chung của nhân lọai là trái đất ngày một tốt đẹp hơn.

-LẠY CHÚA. Xin cho chúng con cũng được đầy Thánh Thần để sẵn sàng đi bước trước đến với tha nhân : nở nụ cười thân thiện với một người chưa quen, dấn thân phục vụ dân nghèo ở những vùng sâu vùng xa... Xin cho mọi người khắp nơi không còn đau khổ, nước mắt và thù hận, nhưng chỉ còn tình thương và biết quan tâm phục vụ cho nhau.

 

SỨC MẠNH CỦA THÁNH THẦN.

( Lc 1,1-4; 4,14-21)

Nt. Maria Lương Thị Phương Trâm

Hội Dòng Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi - Phú Cường

Phần thứ ba trong Tin mừng của Thánh Luca kể về hành trình rao giảng của Đức Giêsu tại miền Galile và hôm nay Thánh sử Luca tường thuật lại cho chúng ta chặng đầu tiên trong hành trình ấy. Hành trình thực thi một sứ mạng cao cả, nhưng sứ mạng đó được thực hiện dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần và sự vâng phục Thánh ý Thiên Chúa Cha, được Chúa Cha ủy thác.

Thần Khí Chúa ngự trên tôi.

Khởi đi từ sức mạnh của Thánh Thần, qua việc kết hợp thân mật với Chúa Cha trong 40 ngày nơi hoang địa (Lc 4,1-13), Đức Giêsu đã lên đường trở về miền Galille và rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Tại đây, những lời giáo huấn của Ngài đã được dân chúng đón nhận cách chân thành, phấn khởi. Điều đó cũng không lạ gì nơi Chúa Giê su, bởi lẽ suốt cuộc đời của Ngài, Chúa Thánh Thần luôn đồng hành, dẫn dắt và là nguồn trợ lực mãnh liệt trong tất cả mọi biến cố của Ngài. Khi bắt đầu thi hành sứ vụ, Ngài luôn để Thánh Thần tác động và hướng dẫn: “Thần khí Chúa ngự trên tôi” nên Ngài được sai đến với muôn dân và từ đó những lời rao giảng của Chúa Giêsu luôn là lời bình an, lời loan báo tin vui cho nhân loại.

Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi loan báo Tin Mừng của Chúa, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta cũng được trở nên ngôn sứ cho mọi người. Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Việc kết hợp với ơn Thánh Chúa trong các công việc luôn là việc làm mang lại hiệu quả thiết thực. Khi hành động, chúng ta luôn hành động dưới sự tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, điều đó mang lại cho chính chúng ta nguồn bình an. Khi dấn thân vào công việc chúng ta không làm vì danh dự cá nhân, vì lợi ích bản thân, để người khác ca ngợi, tán dương, nhưng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần ta dấn thân trong sự âm thầm, nhiệt thành góp công, góp sức, trao ban hết khả năng của mình để làm vinh danh Thiên Chúa và mang lại nhiều lợi ích cho tha nhân.

Sai tôi đi loan bao Tin Mừng. .

Hội đường ở Nazareth là nơi rất quen thuộc và gần gũi với Chúa Giêsu, vì Ngài được nuôi dưỡng và giáo dục tại đây. Ngài cũng là người chẳng xa lạ gì với hàng xóm láng giềng nơi đây, vì mọi người đều biết Ngài là con ông Giuse và bà Maria. Cũng như những lần trước đây: “Ngài vào hội đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày sa bát” (Lc 4,16). Thế nhưng hôm nay, Ngài khác với những ngày khác là Ngài bắt đầu rao giảng, Ngài trở thành một “thầy giảng” giữa những người thân thuộc. Hôm nay, trong hội đường này, lời Ngôn sứ Isaia xưa đã trở thành hiện thực nơi Đức Giêsu : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Chúa Giêsu đã trở nên người loan báo Tin Mừng. Tin Mừng mà Ngài rao giảng chính là Tin Mừng: “Cho người nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4,18). Tin Mừng của Chúa Giêsu cũng là Tin Mừng: “Công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,19), và Ngài đã là người mang lại niềm hạnh phúc cho con người.

Đón nhận Tin mừng của Chúa mỗi ngày, mỗi tuần chúng ta cũng phải trở nên những người loan Tin Mừng của Chúa cho người khác, chứ không giữ cho riêng mình. Bởi chính Chúa Giêsu đã được sai đi loan Tin mừng cho “kẻ nghèo hèn; người bị giam cầm; người mù…” nên chúng ta cũng được mời gọi loan tin mừng bình an, tin mừng yêu thương cho những người chung quanh chúng ta, cho người ta gặp gỡ, cho người ta sống cùng và sống với. Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời tại thế,  Ngài cũng luôn sống tâm tình phục vụ, cho đi chính khả năng của mình khi loan báo Tin Mừng cho người khác. Ngài cũng trao ban chính bản thân mình cho nhân loại. Ngài là con người của phục vụ, con người của yêu thương.

Như thế khi liên kết với phần đầu của bài tin mừng hôm nay Lc 1,1-4 ta mới thấy được giá trị những lời rao giảng và những việc Đức Kitô đã thực hiện. Tin Mừng được viết ra, được tường thuật, được loan truyền là những giáo huấn cụ thể, để rồi Thánh Luca xác định cách chắc chắn: “Giáo huấn của Ngài đã học hỏi thật là vững chắc”. Giáo hội mời gọi ta học hỏi giáo huấn của Chúa không chỉ bằng trí thông minh thông thường mà mời gọi ta học hỏi bằng chính con tim để khi ra đi loan báo Tin Mừng đó cho người khác, ta cũng trao ban không chỉ bằng tình cảm thông thường, hời hợt mà ta cần trao ban bằng tình yêu xuất phát từ trái tim và đức tin kiên vững.

 

                                                                      QUÀ TẶNG

Antôn Lương Văn Liêm

Nhân dịp những ngày cuối năm, ngày mà mọi người tất bật lo toan. Người thì lo kết sổ cuối năm xem lời lãi ra sao, kẻ thì cố làm thêm giờ để có thêm thu nhập chi tiêu vào ngày tết, người thì lo chạy đôn chạy đáo để thanh toán công nợ, người thì lo sửa sang nhà cửa, kẻ thyi2 hối hả tìm lấy chiếc vé xe, tàu hỏa để về quê sau những ngày tháng “tha phương cầu thực”…Ngoài những nỗi lo, bận tâm, còn có một nết đặc trưng của người dân Đất Việt. Đó là hình thức tặng quà.

 Theo tập tục cổ truyền của người Đất Việt. Cứ mỗi độ xuân về, người ta lại chuẩn bị những món quà trao tặng cho nhau vào những ngày trước tết, thường khoảng độ từ 15/12 âm lịch. Vì thế, trong những ngày cuối năm, tất cả các siêu thị, cửa hàng lớn nhỏ đều chưng bán những giỏ quà đủ màu sắc, giá cả tùy loại, có giỏ quà tính bằng bạc triệu, nhưng cũng có giỏ chỉ đôi ba trăm ngàn….Văn hóa tặng quà vào những ngày cuối năm, nói lên tình cảm, lời cảm ơn trong mối tương quan giữa người với người, nói lên lòng hiếu thảo, biết ơn của con cái, cháu chắt, học sinh đối với các bậc bề trên... Đây là những “tập tục” mang tính nhân bản.

Qua hình thức tặng quà, dù món quà lớn hay nhỏ tùy vào hoàn cảnh, khả năng. Người tặng những muốn gửi vào món quà những tình cảm cao quý, sự kính trọng và lòng biết ơn đối với những ai mà họ đã từng hàm ơn, kính trọng…Nhưng cũng có những món quà, người tặng mang nặng những tính toán theo kiểu “hòn đất ném qua, hòn chì ném lại”. Người ta tặng quà để chạy chức, chạy quyền; qua món quà, người tặng gửi gắm con cái cháu chắt vào những nơi công tác, học tập thật tốt, thật chất lượng…Những hình thức tặng quà mang bóng dáng của tính toán, đổi chác như thế không còn mang tính nhân bản, những hình thức ấy đã biến “tập tục” thành “tệ tục”.  Đây là sự biến tướng của hình thức “mãi lộ, hối lộ…”.

Vâng! Trong đời, ít là một lần ta tặng và nhận những món quà của nhau và cho nhau. Đôi khi ta gửi vào trong món quà mà ta tặng cho ai đó những tâm tư, ý nghĩa tốt xấu lẫn lộn, ngược lại cũng có những món quà ta nhận mà lòng ta đan xen những vui, buồn và cả sự nghĩ ngợi….

Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho ta một món quà vô giá. Người gửi tặng là Thiên Chúa, người đón nhận là toàn thể con người nhân loại, trong đó có ta. Món quà đó, chính là cuộc đời, sự nghiệp, công việc và những lời giáo huấn của Đức Giêsu Kitô.

Vâng! Khi Thiên Chúa quyết định gửi tặng món quà vô giá ấy cho nhân loại một cách nhưng không, một cách vô vị lợi, Ngài đã gửi vào món quà là chính con người của Đức Giêsu một thông điệp duy nhất, đó là Tình Yêu của Ngài. Qua món quà vô giá là Đức Giêsu, Ngài Cứu Độ toàn thể nhân loại. Từ nơi món quà là Đức Giêsu, Thiên Chúa đã chăm sóc, dạy dỗ, an ủi và động viên và nhất là Ngài khai lòng mở trí cho con người nhân loại nhận ra được chân lý, như lời minh định của Đức Giêsu: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc.4,18-19).

 Vâng! Quà tặng của Thiên Chúa là thế, Ngài tặng ban một cách nhưng không, Ngài cũng không hề ép buộc con người đón nhận, Ngài chỉ mong con người mở tâm để món quà của Ngài có thể đến và ở lại, hầu đem lại cho con người nhân loại sự bình an, niềm vui và nhất là hạnh phúc Nước Trời. Điều mong ước lớn nhất của Ngài, đó là,  khi ta mở tâm đón nhận, ta hãy biết trân quý và trao tặng lại món quà vô giá ấy cho anh em mình.

Thánh Phaolô, sau khi ngã ngựa trên đường Đa Mát, thánh nhân đã được Thiên Chúa ban tặng món quà vô giá. Món quà ấy, chính là ngài nhận ra được dung mạo thật của Đức Giêsu. Từ sự đón nhận món quà từ Thiên Chúa là Đức Giêsu, qua Đức Giêsu thánh nhân đã được tháp nhập và trở thành chi thể của Đức Giêsu, thánh nhân đã xác quyết và truyền đạt điều ấy cho anh em qua thư thứ nhất ngài gửi cho giáo đoàn Côrintô: “ Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng biết gì về các ân huệ thiêng liêng….Phần anh em, anh em là thân thể của Đức Giêsu, và mỗi người là một bộ phận, có nhiệm vụ riêng của mình…” (x. 1Cr.12,1-30).

Thánh sử Luca, ngài xuất thân là một thầy thuốc gốc Xy- ri. Sau khi trở thành người Kitô hữu, ngài rời bỏ quê hương theo làm đồ đệ  và tháp tùng thánh Phaolô đi loan báo Tin Mừng. Có phải chăng sau khi trở thành môn đệ của Đức Giêsu, thánh nhân cảm nhận Đức Giêsu và cuộc đời cũng như những công việc của Đức Giêsu như món quà Thiên Chúa ban tặng? Để rồi ngài lược thuật lại tất cả những gì thuộc về Đức Giêsu. Đặc biệt, những gì ngài biết, viết về Đức Giêsu, ngài không giữ cho riêng mình. Như một quà tặng, ngài đã gửi món quà ấy cho anh em như lời trần tình của ngài: “Thưa ngài Thêôphilô đáng kính….Sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, tôi thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc (Lc.1,1- 4).

Trong mối tương quan gia đình trần thế, trong những ngày này, những ngày cuối của năm cũ, chuẩn bị bước sang năm mới, không ít thì nhiều ta chuẩn bị những món quà để trao tặng cho người thân, bè bạn để bày tỏ tình cảm của ta… Như bao người, ta cũng ước được đón nhận những món quà từ những người anh em như một niềm vui và có thể nói, ta mong ước điều may mắn sẽ đến với ta qua những món quà ta nhận được…Thế thì, trong mối tương quan với Thiên Chúa, ta có chuẩn bị những món quà để dâng tặng Ngài? Khi mà suốt cuộc đời, ta nhận biết bao là quà tặng từ nơi Ngài: sự sống, hơi thở, tri thức, công việc và gia đình… Món quà lớn nhất, vô giá nhất đó chính là Con Người của Đức Giêsu, kế đến là ơn Tin - Cậy - Mến.

Có thể nói, món quà đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng sinh dựng và làm chủ thời gian không gian, không gì khác hơn đó chính là ta noi gương thánh sử Luca lược thuật lại cuộc đời, sự nghiệp và những lời giáo huấn Đức Giêsu bằng nét chữ cuộc đời. Qua nét chữ cuộc đời của ta và nhờ ơn Chúa tác động sẽ trở thành món quà trao tặng cho những người anh em, nhất là những anh em chưa có một chút khái niệm về Thiên Chúa về Đức Giêsu.

Tuyên xưng Đức Tin, cử hành Đức Tin và sống Đức Tin trong Năm thánh và trong suốt cuộc đời là món quà dâng Thiên Chúa ngang qua Giáo Hội, ta tin chắc Chúa sẽ đón nhận và tặng ban cho ta một mùa xuân vui tươi và hạnh phúc, một năm mới tràn đầy ân sủng và bình an.

 Lạy Chúa! Xin giúp con mở lòng để đón nhận quà tặng là Đức Giêsu mà Chúa ban tặng cho con một cách nhưng không. Xin ban tràn đầy Thánh Thần của Chúa xuống trên con, nhờ Thánh Thần Chúa hướng dẫn con mới có thể kiến tạo những món quà dâng Chúa và trao cho nhau như lòng Chúa ước mong. Amen.

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên_Tôma Aquinô Trần Vũ Hoàng
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời chúa Lễ Thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô, giám mục_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường - Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III - lúc Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm tin mừng Chúa Nhật III thường niên năm C. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM B. NT Rosa Cẩm Hoàng
     Mùng hai Tết: ÔNG BÀ TỔ TIÊN. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     BÀI GIẢNG THÁNH LỄ MÙNG HAI TẾT CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     VIỆC LÀM VÀ LÀM VIỆC TRONG NĂM MỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO ?
     BIẾT ƠN TỔ TIÊN – ÔNG BÀ CHA MẸ
     ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI. TGM. Ngô Quang Kiệt
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN NĂM B: TÌNH YÊU VÔ GIÁ.
     TẠ ƠN VÀ CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí.