Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

Đọc và chia sẻ Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng Số 14

Vùng trời của cái đẹp

con duong.jpg

14. Trong khi chú ý lắng nghe những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta cùng nhau đọc các dấu chỉ thời đại, Hội Nghị Thường Kỳ Lần Thứ XIII của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhóm họp từ 7- 28 tháng 10 năm 2010 để thảo luận đề tài: Tân Phúc Âm hóa để thông truyền Đức Tin. Thượng Hội Đồng đã tái khẳng định tân phúc âm hóa là một lời kêu gọi được gửi tới mọi người và được thực hiện trong ba lãnh vực chính.[10]

Thứ nhất, chúng ta có thể nhắc đến lãnh vực thừa tác mục vụ thông thường, được “sinh động hoá bởi lửa của Thần Khí, để đốt cháy tâm hồn những tín hữu thường xuyên tham dự việc phụng tự cộng đoàn và tụ họp vào Ngày của Chúa để được nuôi dưỡng bằng Lời và Bánh sự sống trường sinh của Ngài”.[11] Trong loại người này chúng ta cũng có thể kể những tín hữu vẫn duy trì một đức tin sâu xa và chân thành, biểu lộ đức tin bằng các cách khác nhau, nhưng ít khi tham dự việc thờ phượng.

Một lãnh vực thứ hai là thành phần “những người đã rửa tội nhưng không sống những đòi hỏi của phép Rửa” [12] những người thiếu một mối quan hệ có ý nghĩa với Hội Thánh và không còn cảm nghiệm niềm an ủi phát sinh bởi đức tin. Trong mối quan tâm từ mẫu của mình, Hội Thánh tìm cách giúp họ trải nghiệm một sự hoán cải để phục hồi niềm vui của đức tin cho tâm hồn họ và khơi dậy nơi họ một sự dấn thân cho Tin Mừng.

Sau cùng, chúng ta không thể quên rằng loan báo Tin Mừng trước hết và trên hết là giảng Tin Mừng cho những người không biết Đức Giêsu Kitô hay luôn luôn chối bỏ Ngài. Nhiều người trong số họ vẫn đang âm thầm tìm kiếm Thiên Chúa, được dẫn dắt bởi ước vọng muốn thấy mặt Người, thậm chí tại những nước vốn có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Tất cả họ có quyền đón nhận Tin Mừng. Người Kitô hữu có bổn phận rao giảng Tin Mừng cho mọi người, không loại trừ bất kỳ ai. Thay vì tỏ ra muốn áp đặt những bó buộc mới, người Kitô hữu phải tỏ ra như là những người muốn chia sẻ niềm vui của mình, chỉ ra một chân trời của cái đẹp, và mời gọi mọi người khác tới dự một bữa tiệc ngon. Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng “bằng sức thu hút”.[13]

Đời sống trong Thánh Thần : Vùng trời của cái đẹp – địa đàng – Thiên Chúa vui thích ở với con  người.

Được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, con người vui thỏa trước tôn nhan Thiên Chúa. Vùng đất của Thánh Thần đầy hoa trái ngon ngọt, xanh tươi, con người tắm mát trong ân sủng. ngỡ ngàng trước hoa trái của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa. tiết độ (Gl 5,20-21).

Ngay trong buổi đầu của Hội Thánh sơ khai, các tín hữu sau khi đã lãnh nhận phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội, cùng lúc nhận được ân huệ là Thánh Thần, thì tất cả đã cùng nhau quây quần chung quanh bàn tiệc lời Chúa và Thánh Thể: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

Được nuôi dưỡng bằng những bữa tiệc ngon, người tín hữu lớn lên mạnh mẽ trong thần khí và sự thật, vì thế khi Hội Thánh ở Giêrusalem phải trải qua một cơn bắt bớ dữ dội, ngoài các tông đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các miền quê vùng Juđêa và Samari…thì những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa (Cv 8,1.4). Thật vậy, một khi “các tín hữu nhờ Thần Khí mà sống, thì nay cũng nhờ Thần Khí mà tiến bước (Gl 5,25), và thế là những bữa tiệc lời Chúa tiếp tục được dọn ra cho mọi người khắp mọi nơi, không cứ phải từ miệng các tông đồ, mà là nơi miệng các tín hữu ngay trong cơn ly tán,

Lời Chúa, lời hằng sống, lời ban sự sống, mở ra chân trời của cái đẹp, biến những vùng đất hoang vu cô quạnh trở nên xanh tốt. Tuy nhiên, người đi gieo giống nhiều phen lại phải gieo trong nước mắt, có những lúc như thể tuyệt vọng.

Tại một vùng miền núi tây bắc có một ngôi nhà nguyện nhỏ ít khi mở cửa. Cho tới năm 2010, một cô gái thuộc một nhóm thiện nguyện được sai về đây, mới đầu cô ở nhờ một căn nhà hoang, nay đã mua luôn và xây lại ngôi nhà mới.

Bà con giáo dân, sau nhiều năm không có linh mục, nhiều người lấy vợ lấy chồng ngoại, coi như không còn biết đến nhà thờ. Tuy nhiên, với sức cố gắng của mọi người, số giáo dân hiện nay đã có được trên 200, trong đó số các bà nhiều hơn các ông…nhưng số người đến nhà thờ thì ít lắm. Mỗi 2 tuần có linh mục đến dâng lễ, số người tham dự vẫn không nhiều, phần lớn là các bà, với mấy em bé.

Cô gái dáng vui tươi “đon đả”, dễ dàng làm quen với mọi người, lương cũng như giáo, có thể vui chơi với mọi nhà, vì thế cô được nhà nhà quí mến và thường mời chia sẻ bữa cơm gia đình. Người dân quê ta xưa giờ vẫn vậy: hiếu khách, quí người, bà con có đạo luôn hãnh diện về đạo của mình. Thế nhưng ở cái xứ trồng chè này, cuộc sống tất bật lắm, nhiều người tham việc nữa, vì thế ngay cả việc đi lễ bà con cũng chia nhau tuần này mẹ, tuần tới con, chứ không đi cả nhà. Bù lại, cô đã kết hợp với các ông trùm bà quản để hằng đêm đến đọc kinh liên gia qua từng khu xóm nằm rải rác và đan xen giữa lương dân : xóm bên sông, xóm trên, xóm dưới, xóm nhà thờ. Ngoài ra, cô cũng thường đến thăm bà con trong một bản làng, nơi đây cô được một gia đình nhận làm con nuôi, và lễ Giáng sinh vừa qua, “U” đã cho phép cô dựng một hang đá ngay sân nhà, các em trong bản tới vui chơi ca múa cả buổi chiều, cha xứ vào phát quà cho các cháu nhỏ, còn gì sướng bằng.

Một mái nhà, mở ra chân trời của cái đẹp, kẻ qua người lại có thể ghé chơi, các em sinh viên đến phụ giúp ca múa vào các dịp lễ, ở nhà thờ cũng như trong bản ; thỉnh thoảng một vài cô gái cơ nhỡ ẵm con tới trú chân ít ngày, dăm ba em bé thứ bảy hàng tuần tới tập hát và học giáo lý, dễ thương đấy chứ.

Thế còn cô chủ nhỏ thì sao ? Thân gái yếu ớt, thêm chứng đau bao tử, khi cuốc đất trồng rau, lúc rong chơi hết nhà này tới nhà khác, hoặc theo bà con đi hái chè, đôi lần chạy chợ bán bún khô : bán hàng không lo kiếm lời, mà kiếm người; trồng rau gặp ai cũng cho để xin lại chút tình chòm xóm; đi hái chè để trao công chứ không phải để nhận tiền, vậy mà ai ghé nhà cô vẫn luôn có gì để tiếp đãi ân cần. Thì ra, Thiên Chúa đấng vui thích ở giữa dân người, cứ như thể ẩn mình đi, vẫn luôn có mặt ở đây, trong cung lòng của con người và dưới mái nhà này để định liệu tất cả.

Còn cô gái, nhận biết mình nhỏ bé, cứ hay nói mình chẳng làm được gì, chỉ xin được tràn đầy sức mạnh Thánh Thần để luôn trung thành bền bỉ trên bước đường Chúa đã xót thương ủy thác.

MM Tân, S.J. chia sẻ


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     Đọc và chia sẻ tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 13: XUÂN MỚI, MÙA XUÂN CỦA CHỨNG NHÂN. MM Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: Năm mới, Đường mang tin vui mới. Mm Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – SỐ 10. MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ : TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – số 09. MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – SỐ 8. MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG (số 5). MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG. Diễm Ngọc chia sẻ
     Đọc và chia sẻ Tông huấn NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG. MM Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. MM Tân, S.J. chia sẻ
     BUỒN CHO ĐẾN BAO GIỜ. Lm. Pio Ngô Phúc Hậu