Trang Chủ > Giáo Lý > Tài Liệu Khác

BÀI 6

Chia sẻ Lời Chúa

ĐÁP TRẢ BẰNG HÀNH ĐỘNG

tin mung.jpgPhương pháp “Đáp trả bằng hành động” là phương pháp chia sẻ Lời Chúa theo nhóm nhỏ (gọi là tổ) để nhận ra ý Chúa muốn tổ làm gì và tổ sẽ hành động, sẽ sống như ý Chúa. Mỗi tổ sẽ gồm từ 8 đến 15 người. Tổ nào quá 15 người thì nên chia nhỏ để không tổ nào quá 15 người. Tổ nào dưới 8 người thì nên nhập vào một tổ khác để không tổ nào dưới 8 người. Tại sao phải giữ cho con số tổ viên trong khoảng 8 đến 15 người? Một tổ quá ít thì khó phong phú và nếu có vài ba người ít chia sẻ thì các thành viên sẽ thấy giờ chia sẻ rất nặng nề. Người ta sẽ bị cám dỗ bỏ tổ. Còn nếu tổ quá đông người thì không đủ giờ cho mọi thành viên chia sẻ thỏa mãn, và cũng khó có người dám chia sẻ theo chiều sâu: càng đông thì càng dễ gặp người khó tin tưởng.

Mỗi tổ phải có một tổ trưởng và một người điều động. Tổ trưởng và người điều động do các thành viên trong tổ bầu ra với sự đồng ý của vị phụ trách. Để bầu tổ trưởng, phải căn cứ vào khả năng hiệp nhất, tổ chức và phục vụ tổ mà người tổ trưởng phải có. Để bầu người điều động, phải cân nhắc khả năng điều động chia sẻ. Tránh bầu người có khuynh hướng dạy dỗ làm người điều động.

Một lần chia sẻ sẽ kéo dài từ 45 phút đến 90 phút và người điều động hướng dẫn tổ đi theo những bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị chia sẻ

Người điều động giúp tổ làm những công việc sau:

1. Ổn định: Ngồi theo vòng tròn, gần nhau, dễ chia sẻ thân mật và cởi mở với nhau.

2. Bầu khí: Tạo bầu khí thân quen, cởi mở chung quanh Chúa.

3. Mục đích: Giúp mọi người trong tổ hiểu rất rõ mục đích của việc chia sẻ Lời Chúa là để tổ biết đúng, biết chắc và biết rõ Chúa muốn tổ làm gì và xin sức mạnh để thực hiện điều Chúa muốn.

4. Việc làm: Nói cho tổ rõ, tổ chia sẻ bài Thánh Kinh nào, qua những bước nào.

5. Nhập nguyện: Cuối cùng, người điều động trình với Chúa mục đích cùng công việc định làm và xin Chúa Thánh Thần đến giúp. Cả tổ hát kinh Chúa Thánh Thần để xin Người đến hướng dẫn giờ chia sẻ.

Bước 2: Nghe đọc lần 1

Nghe đọc lần thứ nhất để tiếp lấy tác động

1. Nghe đọc: Người điều động xin người đã chuẩn bị đọc lớn đoạn Thánh Kinh đã chọn sẵn. Các thành viên khác chăm chú lắng nghe trong thinh lặng.

2. Nhẩm lại: Nghe đọc xong, mọi người vẫn  giữ thinh lặng, nhẩm lại bản văn vừa nghe hoặc diễn lại hoạt cảnh vừa thấy trong vòng 3 phút. Sau đó chọn lấy những từ hay cụm từ, câu hay chuỗi câu, ý hay hình ảnh nào tác động mình.

3. Chia sẻ: Sau khoảng 3 phút, người điều động xin tổ chia sẻ vắn tắt những điểm tác động. Không giải thích mà chỉ nói cái gì tác động, tác động thế nào, tác động đến mức nào. Khi nói cái gì tác động thì chỉ rõ cái ấy nằm ở những câu Thánh Kinh nào.

Bước 3: Nghe đọc lần 2

Nghe đọc Lời Chúa lần thứ hai để tiếp lấy điều Chúa nói riêng với mỗi người.

1. Nghe đọc: Chia sẻ xong, người điều động xin người thứ hai đọc lại lớn tiếng đoạn Thánh Kinh vừa đọc. Các thành viên khác thinh lặng chăm chú nghe để tiếp lấy điều Chúa muốn nói riêng với mình.

2. Cố nghe: Sau khi nghe đọc, trong 5 phút, mỗi người cố nghe để nhận ra cho được điều Chúa muốn nói riêng với mình. Tác động do nghe đọc, tác động do nghe những thành viên khác chia sẻ, tổ sẽ thấy nổi lên một điều nào đó có nhiều ý nghĩa nhất đối với mỗi thành viên của tổ vì nó đúng với kinh nghiệm riêng của họ hay có thể áp dụng vào cuộc sống của họ. Đây sẽ là điều Thiên Chúa nói riêng với họ mà tiếng nói nội tâm xác chuẩn.

3. Chia sẻ: Sau khoảng 5 phút, người điều động xin tổ chia sẻ điều Chúa nói riêng với họ. Để giúp cho việc chia sẻ nằm trên bình diện cá nhân thay vì núp sau tổ, để tránh luân lý hóa (bảo người khác làm điều này, tránh điều nọ) và tránh cám dỗ dạy dỗ, người chia sẻ cố tránh dùng ngôi thứ nhất số nhiều (chúng ta) mà tập dùng ngôi thứ nhất số ít để chia sẻ.

Bước 4: Nghe đọc lần 3

Nghe đọc Lời Chúa lần thứ 3 để nhận ra tiếng Chúa bảo phải làm gì.

1. Nghe đọc: Mọi người đã chia sẻ xong thì người điều động xin một thành viên thứ ba trong tổ đọc bản Thánh Kinh đã chọn lần thứ ba để mỗi người nhận ra tiếng Chúa bảo phải làm gì.

2. Cố nghe: Tiếp tục thinh lặng khoảng 5 phút để cố nhận cho ra tiếng Chúa bảo mình hành động và suy  nghĩ xem Chúa muốn mình làm gì. Hãy canh cánh bên lòng lời Chúa “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 6,47tt; 8,21; 11,28).

3. Chia sẻ: Sau khi tổ thinh lặng suy nghĩ khoảng 5 phút, mỗi thành viên sẽ chia sẻ với tổ hành động/ quyết tâm / châm ngôn của riêng họ để trả lời cho lời truyền bảo riêng của Chúa. Sau đó người điều động giúp xin nhóm so sánh các ý kiến để tìm cho ra ý kiến chung để sống lời Chúa không phải với tư cách cá nhân mà với tư cách cộng đoàn, nghĩa là sống điều cộng đoàn đã đồng ý chọn. Nếu không tìm ra được điểm chung thì có khi phải điều chỉnh các ý kiến hoặc định thức lại cho giống nhau. Nếu không thể tìm ra được điểm nhất trí thì bỏ phiếu và chọn theo đa số.

Khi đã chọn được hướng sống như quyết tâm của tổ, thực hiện hãy chọn lấy một từ, một cụm từ hay một câu trong đoạn Thánh Kinh mới chia sẻ có nội dung của quyết tâm. Lấy câu ấy làm châm ngôn để sống.

Bước 5: Kết thúc

1. Cầu nguyện tự phát: Nên dành ra khoảng 7 phút để ai muốn cầu nguyện tự phát lớn tiếng thì có thể cầu nguyện.

2. Nhóm tạ ơn Chúa: Sau 7 phút cầu nguyện tự phát, người điều động hay tổ trưởng thay mặt tổ tạ ơn Chúa rồi cả nhóm hát kinh tạ ơn để cảm tạ Chúa

 


Các bài viết mới hơn
     SIÊNG NĂNG RƯỚC LỄ ĐỂ ĐỒNG HÓA VÀ SỐNG NHƯ CHÚA GIÊSU
     Bài 2 TẬP DÙNG
     Bài 3+ Bài 4: Phương pháp NHÌN – NGHE – SỐNG; NHẬN ĐỊNH CẦU NGUYỆN

Các bài viết cũ hơn
     Bài 5: NHẬN ĐỊNH HẰNG NGÀY
     Bài 3: CHIA SẺ THIÊNG LIÊNG
     Bài 2: SUY CHIÊM THEO TÁC ĐỘNG.
     Bài 1: SUY CHIÊM THẾ NÀO?
     Bài 0: THAO TÁC TỐI CẦN ĐỂ DÙNG TÂN ƯỚC
     ĐIỀU RĂN THỨ BẢY: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC TRỘM CẮP. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP.
     ĐIỀU RĂN THỨ NĂM: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ TƯ: THẢO KÍNH CHA MẸ. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ BA: GIỮ NGÀY CHÚA NHẬT. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ HAI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT