Trang Chủ > Giáo Lý > Tài Liệu Khác

Bài 1

SUY CHIÊM THẾ NÀO?

0. Mục tiêu và chương trình

a. Mục tiêu

Mục tiêu của phần này là giúp hiểu và tập quen suy chiêm theo ba thì. Nhập nguyện, Suy chiêm và Kết nguyện.

b. Chương trình

Để đạt mục đích trên, chúng ta sẽ làm những công việc sau: thử làm lấy, hướng dẫn làm, phân tích, tóm tắt và tập làm.

1. Thử làm lấy

Thử lấy Mt 6,5 mà tự cầu nguyện với câu ấy trong vòng 15 phút, sau đó cho biết kết quả để trao đổi những điều sau:

1) Bạn đã cầu nguyện với câu Kinh Thánh ấy như thế nào?

2) Bạn đã bắt đầu như thế nào để đi vào cầu nguyện?

3) Sau khi bắt đầu, bạn đã làm gì trong vòng 15 phút?

4) Bạn kết thúc việc cầu nguyện như thế nào?

5) Theo bạn, cách cầu nguyện như thế có sức biến đổi không? Tại sao?

6) Bạn có thấy khó khăn nào không?

2. Hướng dẫn làm

a. Nhập nguyện

Tạo những điều kiện thích hợp nhất

Trước hết, bạn hãy chọn nơi nào thích hợp nhất để cầu nguyện một mình với Chúa, sau đó bạn lấy một tư thế giúp bạn tâm nguyện lâu giờ, rồi xem cầu nguyện với Chúa Giê-su với tư cách nào và thái độ nào là thích hợp nhất để tiếp được lời dạy của Chúa Giê-su ở Mt 6,5.

Định tâm và nhận diện

Bây giờ bạn mới thở hít đều hoà, chú ý tới Chúa Giêsu đang ở trước mặt bạn, và lắng nghe Người nói qua nhịp thở của bạn.

Hít vào: “khi cầu nguyện

Thở ra: “con đừng làm như bọn đạo đức giả

Ngưng nghỉ: thinh lặng

Hãy làm như vậy cho tới lúc thấy lòng mình lắng xuống và chú ý hết sức tới Chúa.

Xin giúp và xin ơn

Bây giờ bạn hãy hướng về Chúa Thánh Thần mà xin giúp và xin ơn.

Bạn hãy xin Chúa Thánh Thần giúp bạn có thái độ đúng để cầu nguyện đúng tư cách môn đệ của Chúa Giê-su, xin giúp bạn hoàn toàn chú ý tới Chúa Giê-su, tới lời Chúa Giê-su dạy, xin làm bạn nhận ra tiếng của Chúa Giê-su, thấu hiểu lời Người dạy, yêu mến và quyết tâm thực hiện điều Người bảo.

Xin hiểu lời Chúa Giê-su và tránh được những cách cầu nguyện chẳng những vô ích mà còn nguy hại.

. Suy chiêm

 Đọc:

“Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả, chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần thưởng rồi”

Hãy đọc thành 3 đợt

Đợt 1: Nhìn vào sách, tập trung chú ý vào Chúa Giêsu, đọc thành tiếng để nghe thấy tiếng mình đọc. Sau đó không suy nhưng lắng nghe những lời ấy vang vào lòng mình nhiều lần. Lắng nghe cho tới lúc lời ấy mờ đi thì đọc đợt 2.

Đợt 2: Không nhìn sách, vẫn chú ý vào Chúa Giêsu, đọc thuộc lòng thành tiếng để nghe thấy tiếng mình đọc sau đó không suy mà lắng nghe như đợt 1.

Đợt 3: Làm như đợt 2.

Chú ý :

1) Sau ba đợt, nếu vẫn còn muốn đọc thì cứ tiếp tục đọc cho tới lúc cảm thấy đã đủ.

2) Trong khi đọc, phải chú ý hết sức vào Chúa và Lời Chúa.

Suy :

1) “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả”

Đạo đức giả là gì? Là đạo đức bên ngoài mà bên trong không đạo đức, là miệng gần Chúa mà lòng xa Chúa.

 Bọn đạo đức giả thường cầu nguyện như thế nào? Họ thường cầu nguyện cốt để cho người ta thấy mà khen họ là người đạo đức. Cho nên họ đến những nơi lắm kẻ qua người lại để cầu nguyện, họ đứng cao lên cho người ta thấy rõ mà ca ngợi.

 Như vậy, bên ngoài là để mình ca ngợi Chúa mà bên trong là để người ca ngợi mình. Việc đạo đức được dùng để mua danh tiếng, đoạt lời khen. Thiên Chúa bị dùng làm phương tiện để đề cao mình. Đó là một hình thức tôn kỷ khéo léo.

 Chẳng những vô ích mà còn nguy hại. Nguy hại vì đó là tìm mình mà bản thân mình cũng như người ngoài cứ tưởng mình tìm Chúa. Cầu nguyện theo hướng quy kỷ thì cái kỷ mỗi ngày mỗi lớn mà không hay.

 Nguy hại vì đó là cách thờ mình mà người và mình cứ tưởng thờ Chúa. Nguy cơ thờ ngẫu tượng mà không hay. Cầu nguyện theo hướng tôn thờ cái ngã mà lại tưởng tôn thờ Chúa.

2)  “Chúng đã được phần thưởng rồi”.

 Phần thưởng ở đây là gì? Là lời khen của người đời, sự tôn trọng của thiên hạ.

 Ai ban thưởng? Người đời. Người cầu nguyện đi tìm tiếng khen ở người đời thì chẳng những tôn mình hơn tôn Chúa, mà còn quý lời khen của người ta hơn phần thưởng của Cha. Đó chính là tội của người Dothái như Đức Giê-su đã nói họ: “Tôn vinh lẫn nhau chứ không tìm kiếm vinh quang xuất phát từ Thiên Chúa duy nhất” (Ga 5,44) .

 3)  Lắng nghe Chúa nói với bạn:

Việc cầu nguyện của con hiện nay có giúp con bớt tìm mình đi không? Tại sao?

Con cầu nguyện để tìm kiếm vinh quang Chúa hay lời khen cho con? Con có quý phần thưởng Cha ban hơn lời khen người đời tặng không?

Con phải điều chỉnh lại cách cầu nguyện như thế nào?

 Cầu:

Lạy Thầy Giê-su,

Con cầu nguyện đã nhiều mà biến đổi chẳng bao nhiêu.

Con suy chiêm lời Chúa rất nhiều, mà cái tôi chẳng bớt bao nhiêu? Tại sao?

Là vì con đã cầu nguyện như người đạo đức giả.

Bề ngoài con tỏ ra tìm vinh quang của Chúa mà kỳ thực trong con, con đang tìm vinh quang của chính con.

Bề ngoài con tìm phần thưởng ở Cha, mà bên trong con bị lời khen người đời chi phối.

Từ nay con cố gắng chỉ tìm Chúa chứ không tìm mình trong giờ cầu nguyện. Xin cho con được bền chí trong quyết tâm này.

c. Kết nguyện

            Lạy Chúa Thánh Thần,

            Sau khi lắng nghe Chúa Giê-su dạy về cách cầu nguyện phải tránh, con thấy lòng con hân hoan và bình an và con đã nhận ra nguyên nhân tại sao con cầu nguyện đã nhiều mà biến đổi chẳng bao nhiêu: trong cầu nguyện, con đã tìm mình hơn tìm Chúa, đã chạy theo phần thưởng của con người hơn là thưởng công của Cha. Từ nay con sẽ cố gắng sửa đổi lại cách cầu nguyện của con. Xin giúp con kiên nhẫn thực hiện điều con đã quyết. Amen.

            Để kết thúc, đọc lại Mt 6,5.

3. Phân tích

a. Phương pháp suy chiêm

Một lần suy chiêm gồm mấy phần?

Nhập nguyện làm những việc nào? Có thể bỏ bớt việc nào không?

Trong phần suy chiêm, người ta đã làm thế nào?

Kết nguyện. Để kết thúc việc suy chiêm, người ta đã làm thế nào?

Bạn thấy điểm nào chưa rõ?

Theo bạn, cách làm này có hữu hiệu để cho Lời Chúa biến đổi đời ta không?

Bạn hãy tóm tắt phương pháp suy chiêm.

b. Động cơ cầu nguyện

Phải tránh động cơ cầu nguyện nào?

Tại sao?

4. Tóm tắt

Có thể tóm tắt phương pháp suy chiêm trong bảng sau.

Mỗi lần suy chiêm thường kéo dài khoảng 60 phút thường được tiến hành qua 3 phần hay 3 giai đoạn: Nhập nguyện, Suy chiêm và Kết nguyện.

Nhập nguyện

Để đi vào suy chiêm người ta phải làm những việc sau:

  Chọn những điều kiện tốt nhất: địa điểm,

     thời gian, tư thế, tư cách, thái độ.

 ‚ Định tâm.

 ƒ Nhận diện.

 „ Xin giúp.

 … Xin ơn.

Suy chiêm

Sau khi nhập nguyện, hãy đọc kỹ, suy sâu câu Kinh Thánh đã chọn rồi thưa chuyện với Chúa theo câu ấy gọi là cầu.

1. Đọc kỹ

 Người thưa với Chúa.

            Nếu câu Kinh Thánh là lời của con người thưa cùng Chúa thì lấy câu ấy là tâm sự của mình mà nói lên với Chúa, rồi thinh lặng để cho lòng mình thưa với Chúa. Hãy làm như thế từ ba lần trở lên.

 Chúa nói với Người

Nếu câu Kinh Thánh không phải lời của con người nói với Thiên Chúa, thì tưởng như Chúa nói với mình qua câu đó. Đọc thành tiếng rồi lắng nghe câu ấy vang vọng thực sâu trong lòng. Khi tiếng vang mờ đi thì đọc lại. Làm như vậy từ ba lần trở lên.

2. Suy sâu

Sau khi đọc, hãy suy theo những câu hỏi sau:

 Nghĩa là gì?

Câu này có nghĩa là gì? Nói câu này để làm gì? Tại sao?

 Chúa dạy gì?

                Chúa muốn dạy tôi điều gì? Hãy nói lại như ta hiểu.

 Chúa bảo gì?

                Chúa bảo tôi làm gì? Hãy nói lại điều Chúa bảo làm.

3. Cầu xin

Sau khi suy, hãy thinh lặng lắng nghe Chúa nói và để lòng ta phản ứng, rồi thưa với Chúa về những tình cảm ấy và về quyết tâm thực hiện điều Chúa bảo làm.

Kết Nguyện

1. Tâm sự

Nếu chỉ suy chiêm một câu thì bước cầu xin trên đây là tâm sự kết thúc. Nếu suy chiêm từ hai câu trở lên thì tâm sự theo tâm tình cuối giờ suy chiêm.

2. Kết thúc

Kết thúc bằng cách chú ý đọc lại câu vừa suy hoặc đọc kinh Lạy Cha.

Tập làm

Để tập quen phương pháp suy chiêm Lời Chúa, hãy làm như sau :

Trước hết dùng phương pháp trên, suy chiêm các câu Kinh Thánh sau: Mt 6,2; 6,16; 6,7; 5,15; 5,38; 5,43-44; 6,19-21; 6,24; 7,1-2; 7,12; 7,21.

Chia sẻ với nhau về phương pháp suy chiêm để giúp nhau cải thiện phương pháp suy chiêm.

Tóm tắt những kết quả đã thu được một cách đầy đủ, chính xác, ngắn gọn, rõ ràng và dễ dùng để dần dần tìm cho mình một phương pháp suy chiêm thích hợp với mình.

 

 


Các bài viết mới hơn
     SIÊNG NĂNG RƯỚC LỄ ĐỂ ĐỒNG HÓA VÀ SỐNG NHƯ CHÚA GIÊSU
     Bài 2 TẬP DÙNG
     Bài 3+ Bài 4: Phương pháp NHÌN – NGHE – SỐNG; NHẬN ĐỊNH CẦU NGUYỆN
     BÀI 6: ĐÁP TRẢ BẰNG HÀNH ĐỘNG
     Bài 5: NHẬN ĐỊNH HẰNG NGÀY
     Bài 3: CHIA SẺ THIÊNG LIÊNG
     Bài 2: SUY CHIÊM THEO TÁC ĐỘNG.

Các bài viết cũ hơn
     Bài 0: THAO TÁC TỐI CẦN ĐỂ DÙNG TÂN ƯỚC
     ĐIỀU RĂN THỨ BẢY: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC TRỘM CẮP. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP.
     ĐIỀU RĂN THỨ NĂM: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ TƯ: THẢO KÍNH CHA MẸ. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ BA: GIỮ NGÀY CHÚA NHẬT. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ HAI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT: THỜ PHƯỢNG MỘT THIÊN CHÚA VÀ KÍNH MẾN NGƯỜI TRÊN HẾT MỌI SỰ. Nt. Têrêsa NL, ĐMTT