Trang Chủ > Giáo Lý > Tài Liệu Khác

Bài 2

SUY CHIÊM THEO TÁC ĐỘNG

0. DẪN VÀO

cau nguyen.jpga. Mục đích

Chúng ta đã tập suy chiêm từng điềm hay từng câu. Nếu chuyển bài thành điểm thì có thể dùng phương pháp suy chiêm điểm mà suy chiêm bài. Có nhiều cách chuyển bài thành câu. Một trong những cách chuyển như vậy là tìm ra các điểm tác động. Mục đích của bài này là tập tìm ra các điểm tác động để có thể áp dụng việc suy chiêm điểm vào việc suy chiêm bài.

b. Chương trình

Để đạt mục đích trên, trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ và tập quen nhận ra những điều sau:

§      Tác động là gì?

§      Đọc thế nào mới được tác động?

§      Chia sẻ những điểm được tác động như thế nào?

§      Suy chiêm theo điểm tác động như thế nào?

Một khi đã hiểu rõ những điểm trên đây, chúng ta còn phải tập nhận ra các điểm tác động và tập suy chiêm theo những điểm tác động đã nhận ra.

1. PHƯƠNG PHÁP

1.1. TÁC ĐỘNG LÀ GÌ?

Tác động là làm cho động. Khi đọc Lời Chúa mà thấy lòng mình có những chuyển động, nghĩa là thấy không còn như cũ nữa, đó là mình đã được tác động. Người ta thường gọi là đánh động. Muốn hiểu rõ tác động là gì thì cần phải hiểu điểm tác động và cách tác động.

a. Điểm tác động. Đó là một từ ngữ, một số từ, một câu nói hay một số câu nói, một ý tưởng hay một số ý tưởng làm cho lòng mình động.

b. Cách tác động. Điểm tác động có thể làm cho ta động vì

·            đụng chạm đến tật bệnh thiêng liêng hoặc tâm lý của ta, làm cho ta nhận ra tật bệnh của ta khiến ta phải lựa chọn: tránh né hay để Chúa chữa lành;

·      thúc đẩy ý chí ta, làm cho ta phải đi đến chỗ quyết định làm điều này, tránh điều nọ;

·      lay động con tim ta, làm nẩy sinh những tình cảm khác nhau hoặc

·            soi sáng trí khôn ta làm cho ta hiểu điều này điều nọ rõ ràng hơn, sâu sát hơn, cụ thể hơn hoặc sống động hơn.

1.2. ĐỌC THẾ NÀO MỚI ĐƯỢC TÁC ĐỘNG?

    a. Đọc với lòng khao khát được Chúa dạy bảo

              Hãy đọc với lòng khao khát nóng bỏng

§      được Chúa cho biết những tật bệnh đưa đến cái chết vĩnh viễn nơi ta và được Chúa chữa lành;

§      được Chúa thúc đẩy ý chí ta để có thể đi đến những quyết định quan trọng mà tự ta không thể nào tự mình quyết định được;

§      được Chúa lay động con tim chết của ta để nó sống lại với những tình cảm sinh động mới với đầy sức trẻ;

§      được Chúa soi sáng cho trí khôn ngu muội của ta mà hiểu được những điều rất quan trọng cho sự sống đời đời hạnh phúc của ta.

    b. Khao khát làm ta chú ý

Lòng khao khát như vậy làm cho ta phải đem hết tâm trí lắng nghe từng Lời Chúa nói, cố thấy từng dấu Chúa làm. Ta muốn nuốt vào từng lời, in sâu từng dấu của Chúa và không để cho một tiếng nào, một cử chỉ nào của Chúa mất đi. Càng khao khát thì càng chú ý và càng chú ý thì càng hiểu rõ điều Chúa muốn trao ban cho ta.

    c. Khao khát làm cho ta mở lòng ra

Khao khát là thấy mình rất thiếu mà mình không tự mình làm cho mình đủ được. Khao khát là thấy mình rất cần mà mình không tự mình làm cho mình có được. Khao khát là thấy mình trống mà mình không thể tự lấp đầy được. Cho nên lòng mình mở ra và chờ mong. Nhiều người thường nói phải đọc với lòng mở ra là thế.

   d. Học cách đọc để được tác động

Mỗi người có những nút chặn, những chỗ chai cứng, phải phân tích cẩn thận những lần mình đọc mà Lời Chúa không lọt vào lòng mình được, không tác động lòng mình được mà dần dần nhận ra những cản trở ấy và tập biết mở lòng ra dần dần và nhậy bén với Lời Chúa.       

   e. Như vậy, phải đọc thế nào?

Đọc theo những bước sau:

1) Đọc suốt

Với lòng khao khát hết sức được Chúa dạy bảo, hãy hết sức chú ý đọc suốt đoạn Thánh Kinh. Đọc suốt là đọc từ đầu tới cuối đoạn Thánh Kinh, không dừng lại ở chú thích, không nán lại ở nhan đề.

  2) Rồi buông sách diễn lại cảnh vừa đọc, hay nhẩm lại điều vừa nghe vài ba lần.

  3) Thinh lặng nhìn vào lòng mình xem điểm nào tác động mình, tác động thế nào và tại sao tác động.

  4) Tóm tắt

Tóm tắt điểm tác động cho đủ, đúng, ngắn và rõ cho biết: điểm nào tác động? Tác động thế nào? Tại sao tác động?

1.3.  CHIA SẺ NHỮNG TÁC ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Để việc chia sẻ những điều tác động được dễ dàng và đem lại lợi ích tối đa và rõ ràng hết sức, thì khi chia sẻ, nên nhớ những điều sau đây:

     a. Nói rõ điểm nào tác động: từ ngữ hay những từ ngữ nào? câu nói hay những câu nói nào? (nêu rõ số câu); ý tưởng hay những ý tưởng nào?

     b. Nói rõ tác động như thế nào: đụng chạm? thúc đẩy? lay động? soi sáng?

     c. Nói rõ tại sao điểm này hay điểm nọ đã tác động thế này hay thế khác, nếu biết. Trong trường hợp không biết thì nói không biết tại sao?

1.4. SUY CHIÊM THEO ĐIỂM TÁC ĐỘNG RA SAO?

Như mọi bài suy chiêm, bao giờ cũng phải có: Nhập nguyện – suy chiêm và kết nguyện.

NHẬP NGUYỆN

Trước hết, chọn những điều kiện tốt nhất để đọc mà được tác động như bầu khí, tư thế, tư cách và thái độ.

Tiếp đến hãy định tâm và nhận diện bằng cách chú ý tới Chúa Giêsu là Thầy dạy mình đang hiện diện.

Cuối cùng xin Chúa Thánh Thần đến dùng Lời Chúa mà tác động ta, xin Người làm cho ta mở lòng ra để tiếp lấy tác động của Người cùng biết nhận ra các tác động của Người.

SUY CHIÊM

1.      Tìm điểm tác động. Trước hết hãy áp dụng phương pháp đọc để được tác động vào bản văn chọn làm bản văn cầu nguyện.

2.             Suy chiêm theo phương pháp ba bước từng điểm tác động.

KẾT NGUYỆN

Tâm sự với Chúa theo tâm tình cuối giờ suy chiêm.

2. LUYỆN TẬP

2.1. THỬ LÀM LẤY

Trong vòng 30 phút, hãy theo chỉ dẫn về phương pháp suy chiêm theo điểm tác động mà tìm ra các điểm tác động trong Mt 15,21-28, rồi suy chiêm từng điểm một. Sau đó chia sẻ theo những câu hỏi sau:

      a. Bạn đã được tác đông như thế nào? Những từ ngữ nào, cụm từ nào, câu nào, chuỗi câu nào hoặc ý tưởng nào đã tác động bạn? Mỗi điểm ấy đã tác động bạn như thế nào?

     b. Bạn đã đọc như thế nào mà được tác động như vậy?

      c. Theo bạn, thì đọc thế nào hiệu quả nhất đối với bạn?

     d. Bạn dùng những điểm tác động ấy mà suy chiêm như thế nào?

2.2. HƯỚNG DẪN LÀM

     a. Đọc để hiểu đúng, rõ

Trước hết, bạn hãy đọc lại cho hiểu đúng, rõ và sâu phương pháp đọc để được tác động và suy chiêm theo tác động trên đây.

     b. Đọc để được tác động

1) Đọc đợt thứ nhất.

·      Phương pháp.

Œ Đọc suốt

Với lòng khao khát hết sức được Chúa dạy bảo, hãy hết sức chú ý đọc suốt đoạn Thánh Kinh. Đọc suốt là đọc từ đầu tới cuối đoạn Thánh Kinh, không dừng lại ở chú thích, không nán lại ở nhan đề.

 Rồi buông sách

Rồi buông sách diễn lại cảnh vừa đọc, hay nhẩm lại điều vừa nghe vài ba lần.

Ž Thinh lặng

Nhìn vào lòng mình xem điểm nào tác động mình, tác động thế nào và tại sao tác động.

 Tóm tắt

Tóm tắt điểm tác động cho đủ, đúng, ngắn và rõ cho biết: điểm nào tác động? Tác động thế nào? Tại sao tác động?

·                 Hãy đọc Mt 15,21-28 theo phương pháp trên.

2) Đọc đợt thứ hai.

Nếu sau khi đọc lần thứ nhất mà không được tác động thì xin tìm nguyên nhân, sửa chữa nguyên nhân, rồi đọc lần thứ hai như đọc lần thứ nhất.

3) Đọc đợt thứ ba.

Nếu đọc lần thứ hai, bạn vẫn chưa được tác động đáng kể thì xin đọc lần thứ ba: đọc chầm chậm từng câu. Mỗi câu đọc ít nhất 3 lần theo cách thức sau đây:

Œ Đọc nhìn vào sách.

Nhìn vào sách, lớn tiếng đọc câu 21. Rồi lắng nghe câu đó chìm sâu, mỗi lúc một sâu vào lòng mình.

 “Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tia và Xiđon.”

 Đọc không nhìn sách.

Khi thấy lắng câu vừa đọc bắt đầu yếu đi, thì lớn tiếng đọc, nhưng không nhìn vào sách. Đọc rồi lắng nghe như lần thứ nhất.

Lần đọc thứ hai và thứ ba giống nhau, nghĩa là không nhìn sách đọc và lắng nghe như lần thứ nhất.

4) Các câu khác.

Đọc các câu còn lại y như đọc câu 21 trên đây.

5) Chia sẻ kết quả và cách đọc.

Sau khi đã tìm ra các điểm tác động, bây giờ hãy chia sẻ kết quả và phương pháp theo những câu hỏi sau:

          Œ Bạn được tác động như thế nào? Điểm nào tác động? Tác động thế nào? Tại sao tác động như vậy? 

           Bạn đã đọc như thế nào mà được kết quả như vậy?    Ž Theo bạn, phải đọc thế nào mới được tác động? Tóm tắt đúng, đủ, vắn và rõ.

c. Suy chiêm theo điểm tác động

Giả như hai câu 27 và 28 tác động mạnh bạn, thúc đẩy bạn phải thay đổi cách cầu xin để biết cầu xin như phụ nữ Ca-na-an, bạn có thể suy chiêm như sau:

NHẬP NGUYỆN

    1) Chọn điều kiện thuận lợi

Trước hết, bạn hãy tìm lấy một chỗ, một thời gian, một tư thế, một tư cách và một thái độ thích hợp nhất đối với bạn để bạn có thể lắng nghe Chúa dạy.

          2) Định tâm và nhận diện

Bạn hãy tưởng tượng bạn đang được hân hạnh đứng giữa các môn đệ yêu của Chúa Giêsu chứng kiến cảnh người phụ nữ ngoại đạo nài nỉ Chúa Giêsu trừ tà cho con gái mình. Bạn để cho lời xin của người phụ nữ rồi lời đáp của Chúa Giê-su chìm sâu vào lòng mình:

                   27“Bà ấy nói: “Thưa Chúa, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.

28Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này Bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Hãy chú ý làm như vậy cho tới khi thấy lòng mình lắng xuống.

          3) Xin giúp và xin ơn

Khi lòng đã định, hình ảnh Chúa đã rõ, bạn mới quay về Chúa Thánh Thần và xin Ngài giúp để biết suy chiêm trong giờ này mà biết cầu xin như người phụ nữ Ca-na-an.

SUY CHIÊM

Có thể áp dụng phương pháp suy chiêm từng điểm theo ba bước mà suy chiêm từng câu Thánh kinh đã tác động bạn. Hãy bắt đầu với câu 28 là câu nói lên kết quả của việc cầu xin của người phụ nữ:

          Này Bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

            1) Câu 28

            Đọc:  đọc ít nhất 3 lần theo cách thức sau đây:

            Œ Đọc nhìn vào sách.

Nhìn vào sách, lớn tiếng đọc, rồi lắng nghe câu đó chìm sâu, mỗi lúc một sâu vào lòng mình.

          Này Bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

             Đọc không nhìn sách.

Khi thấy lắng câu vừa đọc bắt đầu yếu đi, thì lớn tiếng đọc, nhưng không nhìn vào sách. Đọc rồi lắng nghe như lần thứ nhất.

Lần đọc thứ hai và thứ ba giống nhau, nghĩa là không nhìn sách đọc và lắng nghe như lần thứ nhất.

              Suy:

             Œ “lòng tin của bà mạnh thật”

Tin vào ai? Tin vào Đức Giêsu vì thấy Người là Đấng có thể trừ tà cho con gái bị quỷ ám của bà. Đức Giêsu có thể bởi vì Người có khả năng và vì Người có tình thương. Người là con vua Đavít Người là Đấng Thiên Chúa đã hứa cho dân của Thiên Chúa để cứu họ. Vì tin như thế nên mới kiên trì nài xin.

Vì tin mạnh thật cho nên mới kiên trì cầu xin như thế. Vì tin mạnh như thế nên mới sung sướng được nhập bọn lũ chó con để ít nữa được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống. Vì tin mạnh cho nên không dám đòi Đức Giêsu làm sai sứ mạng của Người: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Nhưng tin tưởng và mạnh dạn bái lạy Đức Giêsu để được nhận làm bầy tôi, mạnh dạn đứng vào hàng ngũ chó con của Người để được ăn những mảnh vụn ở bàn chủ rơi xuống mà không hề xâm phạm đến bánh dành cho con cái ở trên bàn. Ôi, lòng tin của người ngoài mạnh hơn con cái trong nhà biết chừng nào! Con cái trong nhà càng được ưu tiên bao nhiêu thì càng thiếu lòng tin bấy nhiêu.

             “Bà muốn sao thì sẽ được như vậy”.

Lòng tin của người phụ nữ mạnh mẽ đến nỗi Đức Giêsu phải làm theo ý muốn của Bà. Làm theo ý của bà mà không phản lại sứ mạng. Ban đầu, Đức Giêsu cương quyết không thi ân cho bà. Ngay cả khi các môn đệ cầu bầu, Người cũng cương quyết không làm phép lạ cho bà. Nhưng đức tin của bà đã làm cho Đức Giêsu thay đổi ý định.

          Cầu:

Lạy Chúa Giê-su,

chiêm ngắm lòng tin của người phụ nữ ngoại đạo,

con thực sự cảm thấy lúng túng,con thực sự thấy xấu hổ. Con được Chúa cưng đặc biệt,

Được Chúa chọn làm bạn đường của Chúa,

Được Chúa dạy dỗ đặc biệt. Chúa đã làm nên cả một tổ chức trong Giáo Hội, Để qua đó mà dạy dỗ con.

Nhưng con có tin Chúa như người phụ nữ ngoại đạo này không?

Lạy Chúa, Con muốn có một đức tin mãnh liệt hơn.

Xin thêm đức tin cho con.

Xin cho những người có đạo được tin vào Chúa

Ít ra cũng như người phụ nữ ngoại đạo.

Xin cho chúng con biết cầu nguyện như người phụ nữ ấy.

Biết cầu nguyện với niềm tin vững chắc,

Biết cầu nguyện với lòng khiêm tốn,

Biết đăt mình vào sứ mạng của Chúa mà cầu nguyện. Amen.

             2) Câu 29

              Đọc:

Hãy đọc câu 29 như đọc câu 28 trên đây:

          Nhưng lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”.

              Suy:

Cái gì đã khiến cho người phụ nữ dám hạ mình xuống ngang hàng lũ chó con để ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống?

 Chắc chắn là lòng tin tưởng mãnh liệt của bà vào Đức Giê-su như ta đã nói trên đây. Nhưng ngoài lòng tin còn có tình yêu của bà đối với con gái bà. Thấy con gái của bà bị ma quỷ làm khổ, bà không đang tâm nhìn nỗi khổ sở của con gái bà cho nên bà đã tìm cách giải phóng con bà bằng mọi giá. Khi tin rằng Đức Giê-su có thể cứu con của bà, bà đã kiên trì tìm đủ mọi cách để xin Đức Giê-su cho bằng được. Như vậy,việc cầu xin có hiệu quả là việc cầu xin xuất phát từ  tình yêu “cứu độ” mãnh liệt đối với con người và một niềm tin cứu độ cũng mãnh liệt đối với Đấng cứu độ. Vì yêu con người nên muốn giải phóng con người bằng mọi giá ra khỏi cảnh khốn cùng. Nhưng vì thấy mình bất lực cho nên kiên trì kêu cầu Đấng có thể cứu và muốn cứu.

Bài học tuyệt vời và thách đố ở đây là một người ngoại đạo lại là kiểu mẫu dạy cho người trong đạo về cách cầu nguyện như vậy.

Cầu:

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đã lấy một người bị coi thường như lũ chó con vì là người ngoại đạo, một người bị coi rẻ vì là đàn bà, bị coi khinh vì là mẹ của một đứa con gái bị tà ma chiếm đóng, Chúa đã muốn lấy con người ấy mà dạy con biết yêu, biết tin và biết cầu nguyện. Xin cho con biết luôn luôn khiêm tốn để học ở những người bé mọn mà Chúa thương sai đến dạy con hàng ngày. Xin cho con biết học ở những em bé những điều mà những thầy thông thái không dạy cho con được. Xin cho con biết lắng nghe tiếng kêu của những người khốn khổ mà tiếp nhận mạc khải của Cha và đón lấy sức mạnh của Thánh Thần để hành động. Xin cho con thấy Chúa trong anh em con, nhất là trong những người nghèo đói vể nhiều phương diện. Amen.

KẾT NGUYỆN

Hãy tâm sự cùng Chúa Giê-su theo tâm tình hiện có hoặc lấy lời cầu trên đây mà kết nguyện. Sau khi tâm sự thì đọc lại đoạn Tin Mừng để kết thúc.

3. PHÂN TÍCH

3.1. PHƯƠNG PHÁP SUY CHIÊM

     a. Cho một đoạn Thánh Kinh, là thế nào để tìm ra những điểm tác động để suy chiêm?

     b. Khi đã có những điểm tác động thì suy chiêm theo những điểm ấy như thế nào?

     c.  Bạn thấy điểm nào chưa rõ?

     d. Bạn có cách nào giúp cho người ta nắm bắt được phương pháp suy chiêm theo điểm tác động một cách hữu hiệu hay không?

     e. Thử tóm tắt lấy phương pháp suy chiêm theo điểm tác động.

3.2. CÁCH CẦU XIN

     a. Muốn cầu xin hữu hiệu thì phải làm thế nào?

     b. Bạn có cần điều chỉnh lại cách bạn cầu xin hay không? xin hữu hiệu thì bạn làm cách nào?

     c. Muốn giúp cho người ta cầu nguyện.

4. TẬP LÀM

a. Nắm vững phương pháp

Để nắm vững phương pháp, xin bạn tóm tắt phương pháp đã học thế nào để bạn dễ vận dụng.

b. Áp dụng

Áp dụng phương pháp trên vào việc suy chiêm  những đoạn Thánh Kinh bạn chọn lấy. Hãy làm như vậy cho đến khi thông thạo. Nếu bạn chưa tìm ra những đoạn Thánh Kinh thích hợp thì xin dùng những đoạn Thánh Kinh sau: Lc 15,1-7; Mt 18,12-14; Lc 15,1-3.8–10; Lc 15,1-3.11-32; Lc 7,36-49; Ga 8,2-11; Mt 26,36-46; Ga 21,1-15; Ga 21,15-19;  Lc 18,9–11.

 

 

                            

 

 


Các bài viết mới hơn
     SIÊNG NĂNG RƯỚC LỄ ĐỂ ĐỒNG HÓA VÀ SỐNG NHƯ CHÚA GIÊSU
     Bài 2 TẬP DÙNG
     Bài 3+ Bài 4: Phương pháp NHÌN – NGHE – SỐNG; NHẬN ĐỊNH CẦU NGUYỆN
     BÀI 6: ĐÁP TRẢ BẰNG HÀNH ĐỘNG
     Bài 5: NHẬN ĐỊNH HẰNG NGÀY
     Bài 3: CHIA SẺ THIÊNG LIÊNG

Các bài viết cũ hơn
     Bài 1: SUY CHIÊM THẾ NÀO?
     Bài 0: THAO TÁC TỐI CẦN ĐỂ DÙNG TÂN ƯỚC
     ĐIỀU RĂN THỨ BẢY: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC TRỘM CẮP. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP.
     ĐIỀU RĂN THỨ NĂM: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ TƯ: THẢO KÍNH CHA MẸ. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ BA: GIỮ NGÀY CHÚA NHẬT. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ HAI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT: THỜ PHƯỢNG MỘT THIÊN CHÚA VÀ KÍNH MẾN NGƯỜI TRÊN HẾT MỌI SỰ. Nt. Têrêsa NL, ĐMTT