ĐIỀU RĂN THỨ BẢY
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC TRỘM CẮP
“ Ngươi không được trộm cắp.”
( Mt 19,18)
Điều răn thứ bảy nói lên sự xác định và phân phối của cải cách phổ quát, về quyền tư hữu, việc tôn trọng con người và tài sản của họ, việc tôn trọng tính toán toàn vẹn của công trình tạo dựng. Đối với Giáo Hội, điều răn này được xem là nền tảng cho giáo huấn xã hội của Giáo Hội khi xét đến những hành động đúng trong lãnh vực kinh tế, trong đời sống xã hội và chính trị, trong quyền lợi và trách nhiệm lao động của con người, trong công bằng và tình liên đới giữa các quốc gia, trong tình thương đối với người nghèo.
QUYỀN TƯ HỮU CỦA CẢI.
Quyền tư hữu là một quyền của con người nhưng với điều kiện là tài sản họ đạt được hay nhận được phải có tính hợp pháp, chính đáng, đồng thời, việc sử dụng của cải phải hướng về việc đáp ứng những nhu cầu căn bản của mọi người.
Do đó, mục đích của quyền tư hữu nhằm bảo đảm sự tự do và phẩm giá và các cá nhân về tài sản họ có, giúp họ đáp ứng được những nhu cầu căn bản cho những người mà họ có trách nhiệm, cho những ai đang sống trong thiếu thốn.
TÔN TRỌNG CON NGƯỜI VÀ TÀI SẢN CỦA HỌ.
Trong kinh tế, khi tôn trọng nhân phẩm con người sẽ dẫn đến việc thực hành nhân đức tiết độ; nhân đức công bằng và nhân đức liên đới, đặc biệt:
o tôn trọng các lời hứa, các hợp đồng đã cam kết;
o phải đền bù cân xứng những gì đã gây hại cho người khác; phải đền trả những tài sản đã lấy cắp của người khác;
o phải tôn trọng sự toàn vẹn của công trình sáng tạo qua việc sử dụng cách khôn ngoan, chừng mực những tài nguyên, khoáng sản, thực vật, động vật trong vũ trụ, quan tâm cách đặc biệt các chủng loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
NHỮNG ĐIỀU CẤM.
- Không được trộm cắp, vì đó là chiếm đoạt tài sản của người khác, trái với ý muốn hợp lý của họ;
- Trả lương không cân bằng;
- Lũng đoạn giá trị tài sản để rút được lợi nhuận cho mình mà làm thiệt hại cho người khác.
- Việc giả mạo các thương phiếu, hóa đơn;
- Trốn thuế hoặc buôn bán gian lận, cố ý phá hoại tài sản của cá nhân hay công cộng;
- Đầu cơ, tham nhũng, lạm dụng tài sản công làm của riêng, cố ý làm sai trái trong lao động, gây lãng phí.
TÔN TRỌNG SỰ TOÀN VẸN CỦA TẠO VẬT.
Thiên Chúa ban cho con người quyền thống trị tạo hóa đối với các tài nguyên khoáng sản, thực vật, động vật không có tính tuyệt đối. Quyền này không được tách rời khỏi sự con người phải tôn trọng các nghĩa vụ luân lý, kể cả đối với thế hệ tương lai. Do đó, quyền này đòi hỏi có sự tôn trọng đối với sự toàn vẹn của tạo vật.
Đối với động vật, con người phải có lòng nhân từ với chúng vì các động vật là những tạo vật của Thiên Chúa, được Ngài bao bọc bằng sự ân cần quan phòng của Ngài. Tuy nhiên, phải tránh việc yêu thương thái qúa hoặc sử dụng cách mù quáng, nhất là với các thí nghiệm khoa học vượt quá giới hạn hợp lý và gây đau đớn vô ích đối với động vật.
HỌC THUYẾT XÃ HỘI của GIÁO HỘI CÔNG GIÁO.
Học thuyết Xã hội Công giáo là sự khai triển có hệ thống các chân lý Tin Mừng về phẩm giá con người và chiều kích xã hội của con người, đề ra những nguyên tắc cho sự suy nghĩ, nêu lên những tiêu chuẩn cho sự phán đoán, đưa ra những định hướng cho hành động.
Hội Thánh sẽ can thiệp vào lĩnh vực xã hội, đưa ra những phán đoán luân lý trong lãnh vực kinh tế và xã hội khi các quyền căn bản của con người, thiện ích chung hoặc phần rỗi các linh hồn bị vi phạm .
Vì thế, sẽ là đi ngược với Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo khi các hệ thống kinh tế và xã hội chủ trương hy sinh những quyền lợi căn bản của con người, hay coi lợi nhuận là quy luật tuyệt đối và mục đích tối hậu của chúng. Như vậy, Giáo Hội phác những ý thức hệ trong thời đại mới dưới bất kỳ hình thức nào, dưới sự vô thần và độc tài khác. Đàng khác, Giáo Hội cũng phi bác chủ nghĩa cá nhân và quan niệm coi luật thị trường có vị trí tuyệt đối trên lao động của con người.
HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI.
Trong hoạt động kinh tế và công bằng xã hội, phải lấy con người làm đối tượng, trung tâm và cùng đích, hướng đến việc phục vụ con người, con người toàn diện và của cộng đồng nhân loại, chứ không phải chỉ nhằm tăng thêm nhiều sản phẩm, lợi nhuận và sức mạnh. Hoạt động kinh tế và xã hội phải được thực hiện trong vòng trật tự luân lý, trong đức công bằng xã hội, hầu đáp ứng ý định của Thiên Chúa về con người.
LAO ĐỘNG VÀ QUYỀN CỦA CON NGƯỜI TRONG LAO ĐỘNG.
Lao động là một nghĩa vụ và là quyền lợi của con người, vì qua lao động, con người được cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nhờ lao động cách chân chính, con người phát huy được những khả năng, tài năng mà mỗi người đã được Thiên Chúa trao ban. Qua lao động, những tài năng này làm thỏa mãn nhu cầu bản thân, những người thân cận và phục vụ cộng đồng nhân loại. Đồng thời, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, lao động có thể là một phương tiện để thánh hóa và cộng tác với Đức Ki-tô để cứu độ tha nhân.
Mỗi người đều có quyền để có một việc làm ổn định và lương thiện, không hề bị kỳ thị, bị đối xử bất công; được quyền tự do lựa chọn về mặt kinh tế và được hưởng mức lương cân xứng, công bằng xứng với công việc họ làm.
Do vậy,
o Nhà Nước phải có trách nhiệm bảo đảm sự tự do cá nhân và quyền tư hữu, đảm bảo giá trị tiền tệ ổn định và những việc phục vụ xã hội có hiệu quả; phải hướng dẫn và giám sát việc thực thi các quyền của con người trong lãnh vực kinh tế. Nhà nước, xã hội phải trợ giúp cho mọi công dân có được việc làm thích hợp với hoàn cảnh.
o Những người lãnh đạo các nhà máy, công ty, xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về hậu quả kinh tế và môi sinh do các công việc của họ. Những người này phải chú tâm đến thiện ích của con người, chứ không đơn thuần chỉ là gia tăng các lợi nhuận của họ, dù lợi nhuận đó cũng cần thiết cho đầu tư, tương lai công ty, xí nghiệp, cho sự phát triển tốt đẹp của đời sống kinh tế.
o Về phía người công nhân, họ phải chu toàn các phận vụ, công việc của mình một cách có lương tâm, thành thạo và nhiệt tình. Họ cần phải tìm cách giải quyết tranh chấp bằng đối thoại. Và đình công được cho là hợp pháp về mặt luân lý khi đó là một phương cách cần thiết để đạt được quyền lợi chính đáng, nhưng phải nhắm đến công ích.
CÔNG BẰNG VÀ TÌNH LIÊN ĐỚI GIỮA CÁC DÂN TỘC.
Trên bình diện quốc tế, tất cả các quốc gia, các cơ chế phải hoạt động thể hiện tình liên đới và nguyên tắc hỗ trợ với mục đich loại bỏ, hoặc làm giảm bớt sự đói nghèo, khốn cùng, sự mất cân xứng về tài nguyên và các phương tiện kinh tế, các bất công kinh tế và xã hội, việc bóc lột con người, việc gia tăng nợ của các nước nghèo, những chủ thuyết máy móc bất nhân gây trở ngại cho sự phát triển của các nước chậm tiến.
Về phía người Ki-tô hữu giáo dân khi tham gia trực tiếp vào đời sống chính trị và xã hội, họ phải có nhiệm vụ làm cho tinh thần Ki-tô giáo thấm nhập vào các thực tại trần thế, cộng tác với mọi người, trở thành những chứng nhân Tin Mừng và là người kiến tạo hòa bình và công lý.
TÌNH YÊU ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO.
Theo gương Chúa Giê-su, Đấng luôn quan tâm và yêu thương người nghèo, tình yêu của mỗi người Ki-tô hữu đối với người nghèo phải được thể hiện qua sự dấn thân chống lại sự nghèo khổ về vật chất và những cái nghèo thuộc các hình thức khác, những cái nghèo về văn hóa, luân lý và tôn giáo. Những hoạt động bác ái dành cho người nghèo về tinh thần hay vật chất của cá nhân hay tập thể đã và đang thực hiện từ bao thế kỷ, là những chứng từ thật về tình yêu đặc biệt ưu tiên dành cho người nghèo, là hình ảnh, nét đặc trưng của người môn đệ Chúa Giê-su.
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP.