Trang Chủ > Giáo Lý > Tài Liệu Khác

ĐIỀU RĂN THỨ TƯ[1]

THẢO KÍNH CHA MẸ

Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.”

( Xh 20,12)

“Người hằng vâng phục các ngài.”

( Lc 2,51)

Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.”

( Ep 6,1)

9f2cham-soccha-me-lu-lan.jpgĐiều răn thứ tư mở đầu phần thứ hai trong bản mười điều răn -  Yêu tha nhân-  cho thấy trật tự của đức ái: sau Thiên Chúa, Ngài muốn mỗi người, trước hết, phải tôn kính-yêu mến cha mẹ và tất cả những người mà Thiên Chúa đã trao quyền bính để làm ích cho mỗi người chúng ta. Điều răn này nói đến những bổn phận mà mỗi người phải chu toàn đối với cha mẹ. Và điều răn này là một trong những nền móng của học thuyết xã hội của Giáo Hội.

BẢN CHẤT GIA ĐÌNH TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

Khi sáng tạo con người, có nam và nữ, Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng cho gia đình. Hôn nhân và gia đình được sắp xếp hướng về thiện ích của đôi vợ chồng, về việc sinh sản và giáo dục con cái. Trong gia đình, các thành viên có những mối liên hệ cá nhân và những trách nhiệm hàng đâu.

Gia đình Ki-tô giáo – mà Thiên Chúa đã thiết lập- Giáo Hội tại gia vì là một cộng đoàn của đức tin, đức cậy và đức mến. Gia đình Ki-tô giáo này bao gồm một sự  hiệp thông giữa những thành viên, là dấu ấn và hình ảnh của sự hiệp thông nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Việc sinh sản và giáo dục con cái là phản ảnh cuộc sáng tạo của Chúa Cha, được kêu mời tham dự vào cuộc hiến tế của Chúa Ki-tô qua việc cầu nguyện và hy sinh của mọi người trong gia đình. Cùng nhau đọc kinh, đọc và cầu nguyện bằng Lời Chúa mỗi ngày là những phương thế để củng cố đức ái trong gia đình. Gia đình Ki-tô giáo là người loan báo Tin Mừng và là người thừa sai.  Gia đình là một cộng đoàn được đặc ân để thực hiện “ sự cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ, phương thế, cùng nhau giáo dục con cái.

GIA ĐÌNH XÃ HỘI

Gia đình là tế bào nguyên thủy của sinh hoạt xã hội, có trước bất kỳ sự công nhận nào của chính quyền. Các nguyên tắc và giá trị của gia đình tạo thành nền tảng cho xã hội. Do vậy, gia đình là cộng đoàn, để ngay từ tuổi thơ, con người học được những giá trị luân lý, bắt đầu biết tôn thờ Thiên Chúa và sử dụng tự do của mình. Vì tầm quan trọng của gia đình đối vói sự sống còn của xã hội, nên đòi buộc xã hội phải có trách nhiệm đặc biệt trong việc nâng đỡ và củng cố hôn nhân nhân và gia đình, bảo vệ  bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, bảo vệ nền luân lý công cộng và hỗ trợ cho sự thịnh vượng của cuộc sống gia đình.

NHỮNG BỔN PHẬN CỦA CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH.

BỔN PHẬN CỦA CON CÁI

Thảo kính cha mẹ: Sự tôn kính cha mẹ của con cái -  dù còn nhỏ hay đã trưởng thành-  được nuôi dưỡng do bởi sự âu yếm tự nhiên giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, sự tôn kính đó còn là một điều răn của Chúa[2].

Biết ơn cha mẹ: Con cái phải có tình cảm tri ân đối với các vị đã ban sự sống, đã yêu thương, đã nuôi dưỡng, giáo dục họ với tất cả bao công lao khó nhọc, hy sinh cho con cái “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng.” ( Hc 8,27-28)

Vâng lời cha mẹ: Sự thảo kính cha mẹ được bày tỏ qua sự thuần phục và vâng lời chân thành đối với các ngài “ Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. Những lời truyền dạy đó, con hãy khắc trong tim, con hãy đeo và cổ để ghi nhớ đêm ngày..”( Cn 6,20-21) . “  Kẻ làm con, hãy vâng lời trong mọi sự, vì đó là điều làm đẹp lòng Chúa.” ( Cl 3,20).  Tuy nhiên, nếu trong trường hợp lời truyền dạy của cha mẹ- xét thấy là chắc chắn- là trái lương tâm, con cái phải có trách nhiệm giải thích để cha mẹ hiểu, và không buộc phải vâng theo.

Giúp đỡ cha mẹ: Khi các ngài già yếu, bệnh tật, nghèo túng, cô đơn con cái phải có bổn phận giúp đỡ về cả tinh thần lẫn vật chất cho các ngài.

Khi thảo kính cha mẹ, làm tròn những bổn phận người con, thì khi đó, hòa khí trong gia đình, giữa các thành viên với nhau sẽ được nuôi dưỡng, làm cho mọi người trong gia đình yêu thương nhau hơn.

Tri ân với những người đưa hồng ân đức tin cho chúng ta:

Ngoài cha mẹ, người Ki-tô hữu còn phải tri ân đặc biệt đối với những người đã đưa hồng ân đức tin, ân sủng phép Rửa tổi và đời sống trong Giáo Hội đến cho mình.

BỔN PHẬN CỦA CHA MẸ

Vì được tham gia vào tình phụ tử của Thiên Chúa nên quyền và bổn phận giáo dục là những quyền lợi và bổn phận hàng đầu và bất khả nhượng của cha mẹ,

Cha mẹ phải có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái là những những nhân vị  và con cái Thiên Chúa, giáo dục con cái vâng lời qua mẫu gương vâng phục thánh ý Chúa của chính bậc làm cha, làm mẹ.

Cha mẹ là những người có trách nhiệm đầu tiên trong việc giáo dục con cái, qua việc tạo dựng một cuộc sống gia đình, lấy sự dịu dàng, tha thứ, tôn trọng, trung thành và tận tâm phục vụ làm luật lệ.

Cha mẹ hướng dẫn cho con cái học biết giáo lý, giáo dục đức tin cho con cái, dạy con biết cầu nguyện và tập các nhân đức, giúp con cái có đời sống trưởng thành về nhân cách và đức tin. Tuy nhiên, để những lời dạy, việc giáo dục con cái có hiệu quả, cha mẹ phải trở thành tấm gương tốt trước con cái.

Với khả năng có thể, cha mẹ có bổn phận cung cấp cho con cái những nhu cầu về thể lý và tinh thần, chọn lựa cho con cái những trường học thích hợp, cho con cái những lời khuyên khôn ngoan để giúp con cái chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống.

Cha mẹ phải tôn trọng, hướng dẫn, và trợ giúp ơn kêu gọi của con cái, dạy cho con cái biết tiếng gọi đầu tiên của người Ki-tô hữu là theo Chúa Giê-su.

CÔNG DÂN VÀ DÂN SỰ

BỔN PHẬN CHÍNH QUYỀN DÂN SỰ:

Phải thi hành quyền bính như những người phục vụ, nhờ tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người, một bậc thang giá trị đúng đắn, các luật lệ, sự công bằng phân phối và nguyên lý hỗ trợ.

Khi thi hành quyền bính, phải dựa trên lợi ích tập thể, chứ không phải của cá nhân. Các quyết định của họ phải dựa trên chân lý về Thiên Chúa, về con người và về thế giới.

BỔN PHẬN NGƯỜI CÔNG DÂN ĐỐI VỚI CHÍNH QUYỀN DÂN DỰ:

Coi cấp trên như là người đại diện Thiên Chúa, cùng cộng tác với họ làm cho xã hội được tốt đẹp, thi hành một số phận vụ của riêng mình.

Tuy nhiên, theo lương tâm, người công dân không được vâng phục những mệnh lệnh của chính quyền dân sự, khi chúng đi ngược lại các đòi hỏi của trật tự luân lý “ Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người” ( Cv 5,29).

 Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT



[1] x.Sách GLCG số 2197 - 2257

[2]  x. Xh 20, 12.


Các bài viết mới hơn
     SIÊNG NĂNG RƯỚC LỄ ĐỂ ĐỒNG HÓA VÀ SỐNG NHƯ CHÚA GIÊSU
     Bài 2 TẬP DÙNG
     Bài 3+ Bài 4: Phương pháp NHÌN – NGHE – SỐNG; NHẬN ĐỊNH CẦU NGUYỆN
     BÀI 6: ĐÁP TRẢ BẰNG HÀNH ĐỘNG
     Bài 5: NHẬN ĐỊNH HẰNG NGÀY
     Bài 3: CHIA SẺ THIÊNG LIÊNG
     Bài 2: SUY CHIÊM THEO TÁC ĐỘNG.
     Bài 1: SUY CHIÊM THẾ NÀO?
     Bài 0: THAO TÁC TỐI CẦN ĐỂ DÙNG TÂN ƯỚC
     ĐIỀU RĂN THỨ BẢY: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC TRỘM CẮP. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP.

Các bài viết cũ hơn
     ĐIỀU RĂN THỨ BA: GIỮ NGÀY CHÚA NHẬT. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ HAI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT: THỜ PHƯỢNG MỘT THIÊN CHÚA VÀ KÍNH MẾN NGƯỜI TRÊN HẾT MỌI SỰ. Nt. Têrêsa NL, ĐMTT