Trang Chủ > Giáo Lý > Tài Liệu Khác

Bài 3

CHIA SẺ THIÊNG LIÊNG

1. Mục đích và ý nghĩa

14485591260780329.jpgChia sẻ chuẩn bị nhằm chuẩn bị suy chiêm cho nên bao giờ cũng đi trước suy chiêm. Còn chia sẻ thiêng liêng lại nhằm thông chia các ơn ích cùng kinh nghiệm cầu nguyện đã thâu lượm được trong các giờ cầu nguyện, nhất là suy chiêm, cho nên bao giờ nó cũng phải đi sau các giờ cầu nguyện. Công việc chia sẻ thiêng liêng nhằm những mục đích liên quan đến tương quan với Chúa, với người và với mình.

a. Với Chúa

Chia sẻ nhằm tạ ơn và để Chúa tác động.

* Nhằm tạ ơn: Trong một nhóm cùng cầu nguyện, cùng tĩnh tâm, nhất là một nhóm đã kết thành cộng đoàn, ơn ban cho mỗi thành viên cũng là ơn ban cho cả nhóm. Vì thế, mỗi thành viên tạ ơn trong lòng xem ra chưa đủ mà còn phải giúp nhóm nhận ra mà tạ ơn.

* Để Chúa tác động: Khi Chúa tác động vào mỗi thành viên là Chúa cũng muốn tác động vào các thành viên khác và vào nhóm qua thành viên ấy. Thông chia cho người khác ơn Chúa đã thương ban cho mình là để Chúa tác động vào người khác và vào nhóm qua mình. Lắng nghe người khác thông chia là để Chúa tác động vào mình qua người khác. Kinh nghiệm cho thấy nhiều người và nhiều khi không được Chúa tác động trực tiếp trong giờ suy chiêm một mình mà lại được tác động qua người khác trong giờ chia sẻ nhóm. Tuy nhiên, cũng nhớ rằng khi để Chúa dùng mình nói với người khác thì điều ấy không hề có nghĩa là mình thông chia điều này điều nọ là để tác động vào ai cả. Cũng như khi Chúa dùng người khác nói với mình thì điều ấy không có nghĩa là người khác cố ý nói mình. Mỗi người chỉ nói điều Chúa đã nói với mình chứ không nói lên điều Chúa hoặc mình muốn nói với người khác. Việc nói ám chỉ vi phạm trầm trọng qui luật chia sẻ thiêng liêng mà ta sẽ nói đến.

b. Với người

Đối với người, chia sẻ là tập sống yêu thương và hiệp nhất với nhau, tập chấp nhận nhau. Khi thương nhau thì có vui cùng chia, có buồn cùng sẻ. Khi yêu nhau thì cái hay của người này cũng là cái hay của người kia, cái dở của người này cũng là cái dở của người kia. Lắng nghe nhau là tập chấp nhận nhau.

c. Với mình

Đối với mình thì chia sẻ là tập chấp nhận mình lúc nghèo cũng như khi giàu. Chia sẻ cũng có tác dụng tập diễn tả để tâm tư được rõ ràng và dễ dàng cởi mở với người.

2. Chia sẻ thế nào?

Để đạt mục đích trên, phải chia sẻ thế nào?

 a. Phải nói ra thế nào?

Rất nhiều người lúng túng run sợ vì không biết phải nói thế nào. Cũng có người mạnh dạn, ba hoa: mỗi lần thông chia là một bài lên lớp. Nói hay lúc chia sẻ không cứ ở lời hay, ý đẹp, mà là kinh nghiệm thực của lòng mình. Lòng mình sao thì nói ra như vậy. Lời quá hay thì không hợp với chia sẻ, vì dễ gây ấn tượng là lời không phản ảnh lòng. Ý quá đẹp bắt người ta nghĩ đấy không phải của lòng. Vì chia sẻ là một hình thức sống yêu thương hiệp nhất, cho nên điều quan trọng khi phát biểu là để lòng hiểu lòng. Thông chia cũng không phải dạy dỗ cho nên các hình thức dạy dỗ đều không thích hợp. Mình đã sống kinh nghiệm thiêng liêng thế nào, thì nói ra thế ấy.

b. Phải lắng nghe thế nào?

Lắng nghe bạn chia sẻ là để cùng bạn tạ ơn Chúa, vì ơn Chúa ban cho bạn cũng là để cho mình. Lắng nghe bạn, cố hiểu bạn không phải để xem bạn muốn nói gì với mình mà để xem Chúa muốn nói gì với mình, về mình. Bởi vì bạn chỉ nói lên những điều Chúa đã làm nơi bạn, chứ bạn không nói gì với mình, về mình.

Lắng nghe là để chia vui với bạn khi bạn được vui vẻ, sẻ buồn với bạn khi bạn gặp những khó khăn và cố giúp bạn khắc phục. Như vậy lắng nghe không phải để bắt bẻ, đánh giá, phê bình mà là để yêu thương. Vậy chớ bám vào từ, nệ vào ý, nhưng hãy cảm thông yêu thương.

3. Chia sẻ theo tiến trình nào?

Một buổi chia sẻ thiêng liêng thường được tiến hành qua những bước sau:

1) Chuẩn bị

Để chuẩn bị nhóm chia sẻ, người điều động chuẩn bị cho nhóm những điều sau:

Y Đội hình: tập họp theo đội hình thuận lợi nhất cho việc chia sẻ. Đội hình thuận lợi nhất cho việc chia sẻ là đội hình trong đó mọi người có thể nhìn thấy và nghe thấy mọi người cách dễ dàng. Đội hình vòng tròn thỏa mãn hai đòi hỏi này. Khi chia sẻ đừng để một ai ngồi ngoài vòng, vì để ai ngồi ngoài vòng là vô tình coi người đó là người ngoài nhóm. Muốn ngồi ngoài vòng là muốn đứng ngoài nhóm.

Y Bầu khí: Vì một mục đích của giờ chia sẻ là tập sống tình huynh đệ hiệp thông, nên phải tạo bầu khí thân mật cởi mở thì việc chia sẻ mới đạt được mục đích. Làm sao tạo được bầu khí thân mật, cởi mở cần thiết? Mỗi tổ và mỗi người điều động cần phải dựa vào kinh nghiệm và tài khéo của mình mà tạo bầu khí thích hợp.

Y Nói rõ: Người điều động phải nói rõ để giúp nhóm hiểu rất rõ mục đích và việc phải làm trong giờ chia sẻ. Hiểu đúng mục đích, nhóm tránh được lạc đề. Biết rõ việc phải làm, nhóm dễ năng động hơn.

Y Cầu nguyện: Sau khi đã nói để nhóm biết những điều cần biết, người điều động cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để giúp nhóm làm tốt những công việc đã đề ra để đạt được mục đích của giờ chia sẻ.

Y Hát dẫn vào: Cuối cùng nhóm hợp nhau hát lên một bài giúp bước vào việc chia sẻ.

2) Chia sẻ

Y Khi đã chuẩn bị xong, người điều động căn cứ vào mục đích và các công việc phải làm mà tiến hành chia sẻ từng công việc. Mỗi công việc hay mỗi điểm, người điều động mời những ai đã được những ơn liên quan đến điểm ấy chia sẻ. Khi đã chia sẻ xong điểm ấy thì người điều động nên tóm tắt hay nhờ một người có khả năng tóm kết những điều đã chia sẻ. Nếu có giờ thì nên kết thúc mỗi điểm đã chia sẻ xong bằng một câu hát thích hợp.

Y Chia sẻ theo thứ tự nào? Theo lượt hay tự do?

Tùy theo tình trạng nhóm mà tiến hành. Dù theo cách nào thì cũng phải duy trì bầu khí khích lệ chia sẻ và tự do chia sẻ. Đừng để một ai cảm thấy bị bắt buộc chia sẻ. Cũng đừng để tình trạng chỉ có một số người chuyên môn chia sẻ và một số người chuyên môn ngồi nghe. Ai được ơn lợi khẩu cần phải nhớ để giờ cần thiết cho người khác. Còn những ai ngại thông chia cũng phải nhớ họ đã lãnh nhận thì họ cũng có bổn phận đóng góp.

Y Chia sẻ chứ không phải thảo luận. Chia sẻ không phải thảo luận. Mỗi người nói lên điều chính mình đã sống, đã trải qua trong lúc cầu nguyện, cho nên không có chuyện đồng ý hay không đồng ý. Nếu có những điểm bất đồng hay bị đụng chạm thì hãy ghi tóm tắt lại những điểm ấy, không phải là để tranh luận mà là để đọc lại để biết mình.

3) Trao đổi

Tuy chia sẻ không phải trao đổi, nhưng nếu nhóm thấy có những vấn đề quan trọng cho nhiều người và họ muốn đào sâu, và nếu có thì giờ thì nhóm có thể đào sâu những vấn đề ấy. Tất cả những vấn đề định mang trao đổi bao giờ cũng phải có ý kiến của toàn nhóm mới có quyền đem trao đổi.

4) Cầu nguyện tự phát

Sau khi chia sẻ hoặc trao đổi, nên dành ra một số phút để ai được thúc đẩy có thể cầu nguyện tự phát lớn tiếng. Cầu nguyện tự phát là cầu nguyện tự do không chuẩn bị.

5) Kết nguyện

Để kết thúc, người điều động thay mặt nhóm cầu nguyện với tâm tình của nhóm, rồi cả nhóm hát hay đọc một kinh thích hợp để kết thúc.

4. Quy luật

Để việc chia sẻ đạt được mục đích đã nêu trên, phải tuân thủ cẩn thận những quy luật thông chia và lắng nghe.

      a. Thông chia

Muốn cho việc thông chia thực sự là một hành vi tạ ơn, chứng tá, yêu thương và hợp nhất thì:

* Không tự đề cao. Không được dùng việc thông chia để tự đề cao dưới bất cứ hình thức nào.

* Không dạy dỗ. Không được dùng việc thông chia để dạy dỗ người.

* Không gây chia rẽ. Không được dùng việc thông chia để phê bình, chỉ trích, nói cạnh, nói khóe, nói hành người đang có mặt cũng như người vắng mặt.

      b. Lắng nghe

          Khi người khác thông chia thì:

* Chớ làm việc khác

chớ làm việc khác, mà phải chú ý nghe để nhận ra Chúa muốn nói gì với mình chứ không phải họ có ý nói gì về mình.

* Chớ bắt bẻ

 chớ bám vào từ, nệ vào ý để bắt bẻ, mà phải vượt từ vượt ý mà cảm thông.

* Chớ phản đối

chớ phản đối khi không đồng ý.

* Chớ chế diễu

chớ đem những khiếm khuyết đã được thông chia ra chế nhạo, cười đùa hay nói lại với bất cứ ai.

* Chớ dùng vào việc khác

chớ dùng những hiểu biết, do việc thông chia và một việc khác mà chỉ để cảm thông hiệp nhất.

      c. Tham dự

          Không được đưa người ngoài nhóm chia sẻ thiêng liêng vào tham dự buổi chia sẻ mà không có sự đồng ý của mọi thành viên.

 


Các bài viết mới hơn
     SIÊNG NĂNG RƯỚC LỄ ĐỂ ĐỒNG HÓA VÀ SỐNG NHƯ CHÚA GIÊSU
     Bài 2 TẬP DÙNG
     Bài 3+ Bài 4: Phương pháp NHÌN – NGHE – SỐNG; NHẬN ĐỊNH CẦU NGUYỆN
     BÀI 6: ĐÁP TRẢ BẰNG HÀNH ĐỘNG
     Bài 5: NHẬN ĐỊNH HẰNG NGÀY

Các bài viết cũ hơn
     Bài 2: SUY CHIÊM THEO TÁC ĐỘNG.
     Bài 1: SUY CHIÊM THẾ NÀO?
     Bài 0: THAO TÁC TỐI CẦN ĐỂ DÙNG TÂN ƯỚC
     ĐIỀU RĂN THỨ BẢY: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC TRỘM CẮP. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP.
     ĐIỀU RĂN THỨ NĂM: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ TƯ: THẢO KÍNH CHA MẸ. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ BA: GIỮ NGÀY CHÚA NHẬT. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ HAI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT: THỜ PHƯỢNG MỘT THIÊN CHÚA VÀ KÍNH MẾN NGƯỜI TRÊN HẾT MỌI SỰ. Nt. Têrêsa NL, ĐMTT