Trang Chủ > Giáo Lý > Tài Liệu Khác

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM[1]

NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI

BEvaMe_sm.jpgNgươi không được giết người.”

( Xh 20,13)

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thẩy bảo cho anh em biết : Ai giận anh  em mình, thì đáng bị đưa ra tòa…”

( Mt 5, 21 -22)

Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.”

( Ep 6,1)

TÔN TRỌNG SỰ SỐNG CON NGƯỜI

Điều răn thứ năm dạy chúng ta phải biết tôn trọng sự sống con người, vì sự sống con người là điều linh thánh. Sự sống con người không phải tự mình mà có, nhưng chính là cần đến một tác động sáng tạo của Thiên Chúa và mãi mãi nằm trong một liên hệ đặc biệt với Đấng Sáng Tạo, là cùng đích duy nhất của mình.

Chỉ có một mình Thiên Chúa là chủ của sự sống, vì thế, không ai có thể cho mình có quyền thay thế Thiên Chúa để đòi cho mình có quyền trực tiếp hủy hoại một con người vô tội, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào “ Ngươi không được giết người vô tội và người công chính” ( Xh 23, 7).

TỰ VỆ

Khi tự vệ có thể nảy sinh hai hiệu quả: một là bảo vệ mạng sống, hai là giết chết kẻ tấn công. Tuy nhiên, chúng ta chỉ tự vệ để bảo vệ mạng sống cho bản thân hoặc cho người khác, chứ không được phép giết người. Tự vệ chính đáng không những là một quyền lợi, mà còn có thể là một bổn phận nghiêm trọng đối với những ai có trách nhiệm về mạng sống của người khác, về ích chung của gia đình hoặc của xã hội. 

HÌNH PHẠT

Hình phạt được chính quyền dân sự hợp pháp đề ra nhằm để bù lại, sửa chữa những xáo trộn, hỗn loạn mà lầm lỗi gây ra, để bảo vệ trật tự công cộng và an ninh cho mọi người, góp phần vào sự hối cải của phạm nhân.

Nhưng hình phạt mà chính quyền dân sự đề ra phải tương xứng với với tính chất trầm trọng của hành vi tội ác. Nếu các phương tiện không gây đổ máu là đủ, thì chính quyền phải sử dụng những phương tiện này, vì các phương tiện này phù hợp với các điều kiện cụ thể của công ích, phù hợp với phẩm giá con người và không xóa sổ cách vĩnh viễn khả năng sửa sai của kẻ phạm tội.

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM :

Cấm giết người cố ý và trực tiếp,đây là một hành vi tội lỗi nặng nề. Đồng thời, điều răn cấm không được làm gì có ý gián tiếp gây nên cái chết của một người. Luật luân lý cấm không được đặt ai đó vào chỗ nguy hiểm khi không có lý do nghiêm trọng và cũng cấm không được từ chối cứu giúp một người gặp nguy nan.

Cấm phá thai trực tiếp, cho đó là mục đích hay phương tiện, cũng như cộng tác tích cực vào trong việc phá thai, đều bị Giáo Hội phạt vạ tuyệt thông. Lý do :  bởi vì những con người, ngay từ lúc được thụ thai, phải được bảo vệ và che chở một cách tuyệt đối trong sự toàn vẹn của nó.

Xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ mọi thai nhi vì quyền sống của con người đã hình thành từ lúc được thụ thai. Quyền sống này là một yếu tố làm thành xã hội dân sự và luật pháp của xã hội. Khi các quyền lợi của con người, đặc biệt đối với những người yếu đuối nhất -trong số đó là các em bé đã được thụ thai mà chưa được sinh ra – không được Nhà Nước bảo vệ, thì chính những nền tảng của Nhà Nước đã bị xói mòn.

Cấm án tử trực tiếp ( làm cho chết êm dịu),  có mục đích chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, đau yếu, hay hấp hối, bằng một hành động hay không thực hiện những việc làm cần kíp để cứu mạng sống con người.

Do đó, khi cái chết gần kề :  

Không được phép dứt bỏ việc điều trị theo lẽ thường cần cho bệnh nhân.

Được phép dùng các thuốc giảm đau mà các thuốc này không có mục đích làm cho chết;

Được phép từ chối “ việc trị liệu khắc nghiệt”, nghĩa là chữa trị quá tốn kém nhưng không đem lại chút hy vọng nào để đạt được kết quả tích cực.

Cấm tự sát  và chủ ý cộng tác vào việc tự sát. Chúng ta chỉ là những người quản gia, chứ không phải là những sở hữu chủ của sự sống mà Thiên Chúa đã ban và ủy thác cho mỗi người chúng ta. Không ai có quyền quyết định về mạng sống của mình, ngoại trừ Thiên Chúa. Tự sát là một tội xúc phạm nghiêm trọng đến tình yêu chính đáng đối với Thiên Chúa, với chính mình và với tha nhân. Về phần trách nhiệm, tội tự sát có thể nặng nề và nghiêm trọng hơn khi gây gương xấu cho người khác. Tuy nhiên, tội này cũng có thể giảm bớt trách nhiệm của hành vi tự sát khi bị những rối loạn tâm lý đặc biệt hoặc vì những sợ hãi trầm trọng.

TÔN TRỌNG NHÂN PHẨM CON NGƯỜI

TÔN TRỌNG LINH HỒN CỦA NGƯỜI KHÁC: GƯƠNG XẤU

Gương xấu là thái độ hoặc cử chỉ khuyến khích tha nhân làm điều ác. Phải loại bỏ gương xấu vì tôn trọng linh hồn và thể xác con người. Gương xấu sẽ là lỗi nặng khi hành vi hoặc thái độ của người đó có ý lôi kéo tha nhân vào một lỗi nặng. Gương xấu có thể xảy ra từ luật pháp hoặc từ các cơ chế, từ thời trang hoặc từ dư luận.

TÔN TRỌNG THÂN XÁC.

Vì thân xác và sức khỏe là những tài sản quý báu Thiên Chúa ủy thác cho mỗi người, nên chúng ta phải có trách nhiệm đối với thân xác, qua việc chăm sóc sức khỏe thân xác của mình và của tha nhân cách hợp lý. Tuy nhiên, phải loại trừ, tránh xa việc tôn thờ thân xác và mọi thứ thái quá. Cần phải tránh sử dụng ma túy, vì nó gây nên sự hủy hoại trầm trọng cho sức khỏe và đời sống con người, và cũng cần phải tránh sự lạm dụng các thực phẩm, rượu, thuốc lá và các dược phẩm.

TÔN TRỌNG NHÂN VỊ CON NGƯỜI VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC.

Khi các thí nghiệm khoa học, y khoa hay tâm lý, trên con người hay nhóm người được cho là hợp pháp về mặt luân lý khi các thí nghiệm đó phục vụ cho lợi ích toàn vẹn của cá nhân và xã hội, mà không gây ra những rủi ro không cân xứng cho sự sống và sự toàn vẹn thể lý hay tâm lý của các cá nhân.

Hơn nữa, sự thí nghiệm trên những con người sẽ không phù hợp với nhân phẩm của con người nếu nó diễn ra mà không có sự ưng thuận sáng suốt của đương sự hoặc của những người hưởng quyền.

TÔN TRỌNG SỰ TOÀN VẸN CỦA THÂN THỂ.

Việc bắt cóc, bắt người làm con tin, khủng bố, tra tấn, bạo lực  - cả tinh thần lẫn thể xác- , trực tiếp làm cho người ta vô sinh là những hành vi bất hợp pháp về phương diện luân lý, là nghịch với sự tôn trọng con người và nhân phẩm con người. Việc cắt bỏ một phần thân thể của một người chỉ được chấp nhận về mặt luân lý nếu mục đích là để chữa bệnh cho chính người đó.

TÔN TRỌNG NHỮNG NGƯỜI HẤP HỐI VÀ NGƯỜI CHẾT.

Đối với những người hấp hối, họ phải có quyền được sống xứng đáng với phẩm giá của mình vào những giây phút cuối cùng của đời người. Họ phải được nâng đỡ bằng các Bí tích, lời cầu nguyện và được giúp đỡ về nhiều mặt để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.

Đối với người đã chết, thân xác của họ phải được đối xử với long tôn trọng và bác ái, trong niềm tin và hy vọng sự sống lại. Giáo Hội cho phép hỏa tang, nếu việc này không gây rắc rối cho đức tin về sự phục sinh thân xác.

GÌN GIỮ HÒA BÌNH.

HÒA BÌNH.

Khi nhắc lại giới răn “  Ngươi không được giết người” ( Mt 5, 21), Chúa Ki-tô đòi buộc chúng ta phải giữ bình an trong lòng “  Phúc cho ai xây dựng hòa bình “ ( Mt 5, 9), và Ngài kết án tính vô luân của sự giận ghét và hận thù. Ngài kết án sự giận dữ và hận thù, vì thái độ giận dữ là việc muốn báo thù vì điều xấu đã phải gánh chịu, và long thù ghét, là ao ước điều xấu cho tha nhân. Với những thái độ này, nếu cố ý và ưng theo trong những vấn đề rất quan trọng, là tội trọng nghịch với đức ái.

Hòa bình trên thế giới cần thiết để đời sống con người được tôn trọng và phát triển. Hòa bình không chỉ là vắng bong chiến tranh hay là sự cân bằng các thế lực đối lập, nhưng là “ sự ổn định trật tự” ( Thánh Augustinô), là “ thành quả công lý” ( Is 32,17) và là hiệu quả của đức ái. Hòa bình trần thế là hình ảnh và hoa trái bình an của Đức Ki-tô.

Hòa bình trên thế giới đói buộc sự phân phối cách công bằng để bảo vệ tài sản của con người, sự tự do giao tiếp giữa con người, sự tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc, sự kiên trì thực hiện công bằng và tình huynh đệ.

TRÁNH XA CHIẾN TRANH.

Điều răn thứ năm cấm cố ý hủy diệt sự sống của con người, Vì những đau khổ và bất công do chiến tranh gây ra, Giáo Hội tha thiết, kêu mời và thúc giục mọi người hãy cầu nguyện để Chúa giải thoát chúng ta khỏi chiến tranh.

Việc sử dụng sức mạnh quân sự chỉ được biện minh – về mặt luân lý – khi hội đủ những điều kiện sau: chắc chắn về sự thiệt hại phải chịu là trầm trọng và kéo dài; tất cả các giải pháp hòa bình đều thất bại; những điều kiện quan trọng để thành công; việc loại bỏ những thiệt thại lớn nhất, sau khi đã cân nhấc về sức tàn phá cua những phương tiện chiến tranh hiện đại.

Trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý đòi buộc mọi người phải xử cách nhân đạo đối với những người không chiến đấu, các chiến binh bị thương và những tù binh. Sẽ là tội ác khi chúng ta hành động cố ý đi ngược với quyền lợi của các dân tộc và các mệnh lệnh buộc thi hành các động đó, mà sự tuân hành mù quáng không đủ để chạy tội. Phải kết án những sự hủy diệt hàng loạt, cũng như việc tiêu diệt một dân tộc hay một sắc tộc thiểu số. Đó là tội rất nặng. Do đó, về mặt luân lý, phải chống lại các mệnh lệnh buộc phải thi hành các tội ác như vậy.

Vì chiến tranh gây ra sự dự và bất công, nên chúng ta phải kiên quyết và hành động thế nào cho hợp lý để ngăn chặn chiến tranh bằng bất cứ giá nào. Đặc biệt phải tránh việc tích trữ và buôn bán vũ khí không do các chính quyền hợp pháp quy định; tránh những bất công về mặt kinh tế và xã hội; tránh những kỳ thị chủng tộc và tôn giáo; tránh ganh ghét, thách thức, kiêu căng và báo thù.

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT

 



[1] x.Sách GLCG số 2258 - 2330


Các bài viết mới hơn
     SIÊNG NĂNG RƯỚC LỄ ĐỂ ĐỒNG HÓA VÀ SỐNG NHƯ CHÚA GIÊSU
     Bài 2 TẬP DÙNG
     Bài 3+ Bài 4: Phương pháp NHÌN – NGHE – SỐNG; NHẬN ĐỊNH CẦU NGUYỆN
     BÀI 6: ĐÁP TRẢ BẰNG HÀNH ĐỘNG
     Bài 5: NHẬN ĐỊNH HẰNG NGÀY
     Bài 3: CHIA SẺ THIÊNG LIÊNG
     Bài 2: SUY CHIÊM THEO TÁC ĐỘNG.
     Bài 1: SUY CHIÊM THẾ NÀO?
     Bài 0: THAO TÁC TỐI CẦN ĐỂ DÙNG TÂN ƯỚC
     ĐIỀU RĂN THỨ BẢY: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC TRỘM CẮP. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP.

Các bài viết cũ hơn
     ĐIỀU RĂN THỨ TƯ: THẢO KÍNH CHA MẸ. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ BA: GIỮ NGÀY CHÚA NHẬT. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ HAI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT: THỜ PHƯỢNG MỘT THIÊN CHÚA VÀ KÍNH MẾN NGƯỜI TRÊN HẾT MỌI SỰ. Nt. Têrêsa NL, ĐMTT