Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

SUY NIỆM LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT PHỤC SINH A

“ Sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết”

Luca 24,1-12

Chúa Kitô đã Phục Sinh, Allêluia, Allêluia...

132.jpg A. Niềm vui Phục Sinh là niềm vui lớn và vĩ đại cho toàn thể con người, đặc biệt  với  những người Kitô hữu chúng ta. Qủa vậy, sẽ không bao giờ có niềm vui nào lớn hơn khi mà cái chết từ nay không bao giờ làm chủ và thống lĩnh được chúng ta, khi mà tất cả chúng ta có quyền hy vọng một ngày mai thật tươi đẹp và hạnh phúc sau cuộc sống đầy bất trắc và chán ngấy của trần thế.

·        Chúa Kitô đã Phục Sinh ,đây là trung tâm điểm của niềm tin người Kitô hữu . Con Thiên Chúa đã chiến thắng tử thần và đem lại cho chúng ta hồng ân cứu độ. Sự chết đã và sẽ không bao giờ  làm được gì chúng ta, nếu chúng ta gắn bó và cùng chết với Đức Kitô. Thập gía đã trở thành nguồn ơn cứu rỗi và là chìa khóa giúp chúng ta mở cửa Nước Trời.

·        Chúa Kitô đã Phục Sinh  là niềm trông đợi của toàn thể tạo vật, là sự giải thoát cho tất cả con người ; bởi chưa hề và không bao giờ có thụ tạo nào trên trần thế có thể vượt qua được cái chết. Tất cả đều bị sự chết hủy  diệt và làm tiêu tan. Chúa Kitô đã Phục Sinh, Ngài là hy vọng, là sự sống lại của tất cả chúng ta.Chúa Kitô đã Phục Sinh  đem lại sự sống mới cho nhân loại. Từ nay, cái chết chỉ còn là “sự thay đổi” chứ không phải là sự hủy diệt. Và vì thế, chúng ta không còn sống cho mình, mà sống và chết vì Chúa Kitô Phục Sinh .

·        Chúa Kitô Phục Sinh  là niềm tin,là sự hy vọng, nhưng còn là một sự kiện lịch sử duy nhất và độc đáo mà chỉ có Kitô giáo rao giảng và xác tín. Không một tôn gíao nào trên trái đất có đủ sức thuyết phục và quyền năng để nói về sự sống lại, ngọai trừ Chúa Kitô của chúng ta. Hơn lúc nào hết, chúng ta càng thêm tin tưởng và xác tín: chỉ có Chúa Kitô, Ngài là Con Thiên Chúa mới đem lại cho con người chúng ta sự sống đời đời.

B. Sống niềm tin Phục Sinh , mỗi người chúng ta :

·        Phải biết chết đi cho chính mình: chết đi cho con người cũ với những đam mê, ích kỷ, thấp hèn. Đức Kitô cũng đã phải trải qua cái chết, thì mỗi người chúng ta cũng phải chấp nhận chết đi, để được đón nhận cuộc sống mới từ nơi sự Phục Sinh  của Chúa.

·        Sống gắn bó với giáo lý yêu thương của Chúa: sống có trách nhiệm với bản thân và với anh chị em mình. Đó cũng chính là phương thế để chúng ta thực sự được trường tồn và sống mãi trong sự sống bất diệt của Chúa.

Mừng lễ Phục Sinh cũng chính là lúc mỗi người chúng ta phải tự đặt lại lý tưởng sống cho đời mình. Cũng như hạt giống phải chịu những điều kiện cần thiết để nẩy mầm; cuộc sống người Kitô hữu, nếu muốn được cùng sống lại với Đức Kitô, chúng ta cũng phải vượt qua cái chết để có thể sống mãi với Ngài. “Sống là Đức Kitô”, “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”. Thánh Phaolô đã từng gợi ý cho tất cả chúng ta: nếu cuộc sống không có Chúa trong ta, thì cũng chẳng có niềm tin sống lại với Chúa, cũng như hạt giống không có mầm sống, thì sẽ hòan tòan chết đi và bị hủy diệt.

   Lời cầu nguyện:

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, Chúa là tất cả của đời con, vì chỉ mình Chúa mới có đủ quyền năng và dũng lực làm cho chúng con được sống và sống một cách dồi dào.  Xin Chúa Phục Sinh  luôn là sức mạnh, là chỗ dựa, là niềm tin giúp chúng con vượt qua được tất  cả mọi cám dỗ “bệnh hoạn” làm chúng con lạc xa và tách rời khỏi Chúa. Xin giúp chúng con luôn can trường, quảng đại và kiên trì sống giáo lý yêu thương để cũng được dự phần vào sự sống phục sinh với Chúa. Amen.

Lm Gioan B. Phan Kế Sự

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM A

“Bình an cho anh em”

(Jn 20,19-31)

1.      Bình an của con người :

·        Không súng đạn: Qua kinh nghiệm của lịch sử đấu tranh sinh tồn và phát triển, con người luôn phải chiến đấu, phải nỗ lực, thậm chí phải đổ máu để tồn tại. Chết chóc, đau khổ, mất mát luôn là nỗi ám ảnh và làm cho con người sợ hãi. Chính vì thế, bình an là ước mơ luôn gắn liền với một thế giới không tiếng súng, một thế giới hoà bình, con người có thể làm bạn với nhau, không phân biệt giai cấp, mầu da, chủng tộc hay tiếng nói. Nhưng đó vẫn mãi là mơ ước, là hoài bão mà không bao giờ con người có thể vươn tới hay đạt được. Cuộc sống con người vẫn mãi là những tranh chấp, thù hận, đau thương và chết chóc.

·        Giầu có, sung sướng và hưởng thụ: Khát vọng để có thiên đường hạ giới vẫn mãi là lí tưởng của mọi suy tư, phấn đấu và nỗ lực “tận lực” của con người qua mọi thời đại : cao hơn, mạnh hơn, sướng hơn, hạnh phúc hơn …Cuộc đời là một cuộc rượt đuổi cho “cái hơn vô tận” của lòng tham không đáy. Hơn lúc nào, con người ngày nay đang bị cuốn hút, nhất là giới trẻ, trong cơn bão lốc của hưởng thụ, tìm khoái lạc và đang biến mình trở thành một giai cấp “nô lệ của chính mình” cho những đam mê thấp hèn. Người giầu vẫn khóc là vậy !

Ước  mơ và mãi vẫn chỉ là ước mơ cho thứ bình an mà thế gian mơ ước: mong manh, giới hạn và gỉa tạo. Con người vẫn mãi khát mong một thứ bình an thật, bình an vĩnh hằng, thứ bình an thuộc thiên giới mà thế gian không có và cũng không ai ban được.

2.      Bình an của Chúa :

·        “Không do thế gian ban tặng”. Bình an của Chúa đến từ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần là Đấng đã làm cho Chúa Phục Sinh  sẽ đem lại nguồn sức sống mới cho tất cả những ai tin tưởng vào Ngài. Sức mạnh đó không chỉ có sức hoán cải, mà còn làm đổi mới và kiến tạo trong tâm hồn mỗi người sự hoan lạc và thánh thiện.

·        Đau khổ, chết chóc không làm gì được. Chúa đã chiến thắng tử thần và niềm vui Phục Sinh chính là nền tảng đem lại sự bình an đích thực cho con người. Chết chóc, khổ đau đã trở thành cơ hội để con người đạt được Nước Trời và nó không còn mang “di chứng” của sự mất mát. Thập gía của án tử ngày nào nay trở thành chìa khoá để mở vào vĩnh cửu, nếu mỗi người biết tháp nhập thập gía đời mình vào với chính thập gía của Chúa. Chính trong và với đau khổ, con người tìm được sự bình an thật.

·        Bình an của những người sẵn sàng đánh đổi “sự an toàn” của bản thân để ra đi làm chứng cho Tin Mừng. Quả vậy “Chính lúc chết đi,là khi vui sống muôn đời”; vì chính khi chúng ta sẵn sàng cho đi, chúng ta sẽ được lại chính Chúa là sự an vui và bình an của tâm hồn. Cái thế đứng chông chênh và không an toàn của mỗi người sẽ được đổi bằng sự hiện diện và sự sống đời đời của Ngài.

“Bình an cho các con”. Chúa không chỉ trấn an các môn đệ vì Ngài đã thực sự sống lại, nhưng Ngài ban ơn Thánh Thần, để Đấng đến sau Ngài, sẽ hoàn tất và làm cho các tông đồ đứng vững trước mọi thử thách. Có Chúa cùng đồng hành, các môn đệ đã hoàn tất sứ mạng rao giảng Tin Mừng một cách xuất sắc và hiệu quả. Bình an của Chúa đã đem lại hạnh phúc và bảo đảm sự sống cho mọi người. 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,xin ban bình an cho tất cả chúng con, thứ bình an mà thế gian không thể ban tặng hoặc huỷ hoại được. Xin hãy ở mãi với chúng con, để bình an và sự hiện diện của Chúa nâng đỡ và giúp chúng con hoàn tất sứ mạng rao giảng Tin Mừng Phục Sinh của Chúa đến với mọi người. Amen

Lm Gioan B. Phan Kế Sự

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM A

“Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh”

(Lc 24,13-35)

1.“Lòng chúng ta đã cháy bừng lên khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh”

·        Lời Chúa đã thực sự nhắc nhớ cho hai môn đệ, đang trên đường tìm về gia đình, cảm nhận lại sức sống, ánh sáng và nhất là thực tại “Chúa đã sống lại” hiện diện giữa các ông. “Lòng các ông đã cháy bừng lên” vì những lời giải thích của “người khách lạ” giúp các ông khám phá ra chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua Đức Giêsu, người Cha và là người Thầy của các ông.

·        Lời Chúa đã là nguồn động viên đắc lực và là kim chỉ nam để dẫn lối con người tìm về với Chúa là đường, là ánh sáng và là sự sống cho con người. Lời Chúa luôn là sức sống giúp Giáo Hội tồn tại và giúp con người tìm về chân lý.

Việc học và suy gẫm Lời Chúa luôn là điều cần thiết cho đời sống người Kitô hữu. Chúng ta học và thực hành  với Chúa qua việc quỳ xuống rửa chân cho anh chị em (Jn 13,12-20). Chúng ta học và sống như Chúa là “Đấng hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,18-30) chẳng biết xét đoán và kết án anh chị em (Lc 6,36-42). Chúng ta học và cầu nguyện với Chúa, để mãi mãi chúng ta là con của Cha trên trời (Lc 11,2-4).

2.      “Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh”.

·        Cho đi, chia sẻ, ban phát đã là những dấu chỉ “đặc trưng” không thể thiếu trong niềm tin và đức bác ái Kitô giáo. Bữa ăn Tiệc Ly vẫn còn đọng lại những cử chỉ thân thiện đầy yêu thương của Chúa. Việc bẻ bánh đã trở thành “dấu chỉ, nhãn hiệu độc đáo” của đức bác ái, mà mỗi người “chúng con hãy làm những việc nầy để nhớ đến Thầy”

·        “Không dừng lại cho mình”, dấu chỉ bẻ bánh luôn đòi hỏi mỗi người không phải chỉ lo tìm “đọc Lời”, mà còn phải “Sống Lời” Chúa trong cuộc đời qua việc chia sẻ, trao ban cho anh chị em những gì cần thiết. “Chính lúc chúng con cho anh chị em một bát nước lã, là chúng con đã làm cho chính Thầy”. Tình yêu vẫn mãi là dấu chỉ của người Kitô giáo và là “con đường ngắn nhất” để chúng ta bước vào Nước Trời “Ai yêu thương, người đó thuộc về Thiên Chúa”

“Hãy cho họ ăn” vẫn mãi là mệnh lệnh mà tất cả chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống. Giáo Hội trong mọi thời đại vẫn là những người phục vụ cần cù, kiên nhẫn để giúp cho con người có được những của ăn thiêng liêng, những của ăn vật chất đối với những người thiếu thốn, trong một xã hội con người ngày càng đói và khát tình thương Chúa. “Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh” mãi là dấu chỉ, là “nhãn hiệu cầu chứng” để tình yêu có cơ hội sưởi ấm và chia sẻ những mất mát đau thương, vực dậy những tâm hồn yếu đuối và sa ngã.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cúi xuống để rửa chân và phục vụ anh em, dù chúng con có phải “đau lưng” hoặc “vẹo cột sống”!!. Thật khó, khi chúng con chỉ quen giơ tay đón nhận mà không hề biết chia sẻ hoặc cho đi. Xin hãy “làm mềm” con tim mỗi người chúng con bằng tình yêu của Chúa, để sự hiện diện của chúng con bất cứ nơi đâu, cũng là hình ảnh của những con người thân thiện, dễ thương dễ mến qua những cử chỉ và tấm lòng vị tha, quảng đại, thích giúp đỡ. Xin giúp chúng con hiểu rằng, chính lúc chúng con chia sẻ và cho đi, là chính chúng con đã “làm giầu” cho chính mình. Amen.

Lm Gioan B. Phan Kế Sự

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM A

“Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”

(Jn 10,1-10)

   Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh hằng năm, phụng vụ vẫn gọi bằng danh xưng “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành”. Cùng với Giáo Hội, chúng ta suy niệm và nghiền gẫm Lời Chúa, như là chuẩn mực để nhận dạng, để so sánh, để soi chiếu cho hình ảnh người mục tử chính danh mà Chúa muốn đòi hỏi nơi Giáo Hội : “những mục tử như lòng Chúa mong ước”.

     1. Nhận dạng những kẻ trộm: những tên trộm được hiểu là những “kẻ không chính thức” hoặc do mánh mung,nấp bóng những “chiếc ô dù ”; cả “những kẻ nín thở qua sông” để mong khoác cho mình chức vụ “chủ chiên”. Họ chính là những kẻ mà Chúa đã minh định rất rõ :

·        “Không qua cửa chính, nhưng trèo qua lối khác”. Đây là những “kẻ cơ hội” và chức vụ chủ chiên chỉ là “chiếc cần câu cơm” cho những tính toan vật chất, hoặc “vinh thân phì da”.

·        “Là kẻ trộm, là kẻ cướp”: Thật bỉ ổi và xấu hổ, vì Chúa đã minh xác và vạch trần sự thật bằng những lời lẽ và hình ảnh rất tồi tệ. Họ là những kẻ lợi dụng chức danh để bôi nhọ Giáo Hội qua tên gọi “là kẻ trộm, là kẻ cướp”:

·        Mục đích cũng rất rõ ràng: “ ăn trộm, giết hại, phá huỷ”. Quyền lực, ân huệ không nhằm phục vụ,thì sẽ đi đến mục đích hưởng thụ, vun quén cho riêng mình, gia đình và những sở thích hoang tưởng của mình. Giáo Xứ, Giáo Hội không được gì nơi những chủ chăn mang “mặt nạ” kẻ cướp và sẽ đi đến chỗ “bị phá huỷ”.

·        “Chiên sẽ không theo người lạ, không biết tiếng người lạ” : cũng bởi họ không hề được nghe những lời hằng sống của Chúa, nhưng chỉ được nghe những “tiếng lạ” của tiền bạc, của những đóng góp cho những chi tiêu xây dựng hoang tưởng, tốn phí. Toà giảng là nơi dành để nói những chuyện tầm phào, tầm thường và tầm bậy, khoe mẽ về những chuyến du lịch, chuyện xấu hoặc những bực dọc. Chiên không được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, nhưng chỉ bằng những “nhời” vô bổ và nguy hại.

      2. “Ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu”. Cửa chuồng chiên chỉ có một, rộng mở và đón nhận mọi người ra vào chính thức, không có sự phân biệt hay phân loại. Chúa không chấp nhận “kẻ trèo rào”. Chấp nhận làm những người con chính thức của Chúa, Chúa cũng đòi hỏi mỗi người chúng ta cứ “đường đường”, hiên ngang  bước qua cổng chính, để hưởng những đặc ân của những đứa con chính thức. Chấp nhận theo Chúa, chúng ta cũng phải biết lắng nghe và sống theo những gì Ngài truyền dạy.

      3. “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào”. Người chủ chăn chính thức là Chúa. Ngài nuôi sống đàn chiên là Giáo Hội bằng tình yêu thí mạng của Mình. Ngài nuôi chiên bằng Thịt Máu Ngài. Ngài bảo vệ đàn chiên bằng cánh tay hùng mạnh của Ngài.

·        “Ngài đi trước và chiên đi theo sau”, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, cả cái chết, để bảo vệ đàn chiên, chứ không như những người chăn thuê, chỉ biết “vắt sữa” mà không hề biết chăn. Ngài chấp nhận chịu thua thiệt để con chiên được giầu có.

·        “Chúng nhận biết tiếng cùa Ngài”, bởi giáo lý của Ngài là yêu thương, không thù hận; là tha thứ chứ không hề đay nghiến; là khiêm nhường và hiền lành chứ không hề hằn học và trả thù.

·        “Chiên được sống và sống dồi dào” vì được ăn chính Thịt Máu Ngài làm của ăn đầy bổ dưỡng. Ngài chấp nhận tiêu hao sức lực để chiên được bú sữa thoả thuê.

Cầu nguyện:

·        Cầu cho việc đào tạo Linh Mục được kỹ càng, cẩn thận, đầy thận trọng; để sàng lọc những âm mưu xấu và loại trừ được những hiểm hoạ cho Giáo Hội.

·        Cầu cho những chủ chiên luôn ý thức sống thánh thiện, có trách nhiệm và ngày ngày biết trau giồi chính mình trong ân huệ Chúa, để đừng là “gánh nặng” cho đàn chiên mình được giao phó.

·        Lạy Chúa, thật cấp bách và cần thiết biết bao, khi Giáo Hội có được những “chủ chăn như lòng Chúa mong ước”. Amen.

Lm Gioan B. Phan Kế Sự

CHÚA NHẬT V  PHỤC SINH NĂM A

“Anh em đừng xao xuyến- Hãy tin vào Thầy”

(Jn.14,1)

Thế giới con người ngày càng biến động và biến đổi. Nền văn minh khoa học ngày nay đang cung cấp cho con người nhiều thành tựu, nhiều phương tiện hưởng dùng; nhưng đồng thời cũng làm tha hoá con người bằng những trào lưu hưởng thụ và tục hoá. Không xao xuyến và lo âu sao được khi mà những cơn cám dỗ thật hấp dẫn và ngọt ngào, khiến con người,nhất là giới trẻ, không tìm được nơi nương ẩn an toàn cho chính mình.

1.       “Anh em đừng xao xuyến”. Lời của Chúa như là lời trấn an và nâng đỡ cho những yếu đuối và sa ngã của mỗi người chúng ta. Thế gian với những hấp dẫn và ma lực của nó vẫn luôn là những cám dỗ thật ngọt ngào cho bản năng yếu đuối, dễ sa ngã của con người. Chúa cũng không dùng quyền lực của Mình để cất khỏi những cơn cám dỗ, nhưng Ngài sẵn sàng ban ơn và là chỗ dựa an toàn để giúp con người vượt qua và chiến thắng. Ngài không làm thay hoặc đóng thế vai trò “chủ động” của chúng ta, nhưng sẵn sàng là “đồng minh” trung thành và “đầy tin cậy” để cứu giúp, khi chúng ta cần đến Ngài.

2.      “Anh em đừng xao xuyến”. Thân phận con người quá giới hạn và mong manh trước mãnh lực của ma quỷ, thế gian và xác thịt. Nhưng chúng ta lại có một thế lực, một sức mạnh vô song là “Đức Kitô”, Người Con duy nhất đã chiến thắng tử thần và đã phục sinh vinh quang. “Đừng xao xuyến”, một thông điệp đầy sức mạnh và quyền năng gíup chúng ta vững tin và phó thác. Ngài luôn hiện diện và đồng hành bên cạnh cuộc đời chúng ta. Có Ngài , ngay cả sự chết cũng không thể xâm hại được chúng ta. Thông điệp “Anh em đừng xao xuyến” càng giúp chúng ta thêm tin tưởng và phó thác vào tình thương và quyền toàn năng của Chúa.

3.      “Hãy tin vào Thầy”. Niềm tin vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa sẽ mãi là điểm  tựa giúp con người yếu hèn của chúng ta thêm vững mạnh và can đảm. Chúa chính là cùng đích và là tất cả cho cuộc đời chúng ta. Ngoài Ngài ra, không có gì tồn tại và ý nghĩa. Nhờ Ngài và qua Ngài, con người chúng ta sẽ tìm lại được chính mình. Chúa muốn tất cả chúng ta hãy đặt trọn niềm tin và phó thác vào Ngài, bởi Ngài luôn yêu thương, quan phòng và săn sóc tất cả chúng ta, như người Cha giầu lòng thương xót.

“Đừng xao xuyến. Hãy tin”. Hơn lúc nào hết, Chúa muốn mỗi người một lần nữa và thêm nhiều lần nữa “Hãy tín thác vào Ngài,vào tình thương và quyền năng của Ngài”. Thân phận con người mỏng manh, hèn yếu hay sa ngã của con người , luôn luôn phải đối diện với biết bao thế lực trần thế, nhất là với lòng tham và tính ích kỷ của chính mình. Thế giới hưởng thụ đầy dẫy những cạm bẫy đang ngày đêm mơn trớn sự yếu đuối của con người. Chỉ có Chúa, Ngài là chỗ dựa, là điểm tựa giúp chúng ta có can đảm và đủ sức mạnh tinh thần để vượt qua tất cả. “Lạy Chúa,xin hãy cứu giúp, kẻo chúng con chết mất” “Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai !”

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,thật xao xuyến và cũng thật sợ hãi khi ngày ngày chúng con đang phải đối diện,phải đụng chạm  với những thế lực và những cơn cám dỗ rất ngọt ngào của trần thế. Như những đứa trẻ đứng trước trần thế,chúng con dễ dàng phạm tội,sẵn sàng thoả hiệp,chấp nhận chịu thua cuộc chỉ để tìm một chút vinh hoa phú quí hoặc lợi lộc trần thế. Xin hãy cứu chúng con,lạy Chúa.Xin hãy là núi đá để chúng con nương ẩn, là sức mạnh để chúng con cậy trông và phó thác .Và xin Chúa mãi mãi là ơn cứu độ để chúng con hằng tin tưởng. Amen.

Lm Gioan B. Phan Kế Sự

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

“Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Jn 14,16)

Lời trấn an của Chúa đi kèm với lời hứa ban Đấng Bảo Trợ, sẽ làm cho các Tông Đồ và tất cả chúng ta thêm tin tưởng,phó thác và cậy trông vì Chúa “không để anh em mồ côi”; nhưng trái lại, Ngài luôn “ở giữa và ở trong anh em”. Trong hành trình đức tin của mỗi người, Đấng Bảo Trợ sẽ luôn là người bạn đường trung thành và cần thiết để giúp chúng ta vượt qua được mọi thử thách.

·        “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các giới răn của Thầy”. Việc nghe và giữ giới răn của Chúa, luôn là mối bận tâm và là điều kiện nói lên lòng mến đối với Chúa. Quả vậy, sống giữa trần thế đầy thử thách và cạm bẫy, con người như lạc giữa một rừng sói luôn rình chực để ăn tươi nuốt sống. Không còn Chúa hiện diện, đồng hành, quả là nguy hiểm và đầy lo âu. Nhưng giáo lý, các giới răn của Ngài vẫn mãi là kim chỉ nam dẫn con người không lạc lối. Chúa đã nhiều lần và rất nhiều lần khẳng định việc lắng nghe và giữ các giới răn của Ngài, không chỉ nói lên lòng mến, mà còn dẫn con người đi trong ánh sáng, trong sự thật và sự sống đời đời. Thách đố nằm ở mỗi người có đủ can đảm,  kiên trì để sống và “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chính chúng ta”

·        “Thầy sẽ xin với Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. Tình thương của Chúa được biểu tỏ một cách hết sức chu đáo và ân cần Ngài hiểu rõ và thấy trước những hiểm nguy đang rình rập và nhất là bản tính yếu hèn của con người dễ sa ngã, yếu đuối và nhát sợ.Tư tưởng của Đức Thánh Cha Bênêdictô, trong bài nói chuyện với giới trẻ nước Mỹ trong dịp tông du vừa qua,cũng đã nhắc nhở “ Đối với một xã hội sung túc, một chướng ngại khác cản trở cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống là ảnh hưởng tinh vi của chủ nghĩa duy vật, là quá dễ dãi tập trung chú ý vào phần gấp trăm mà Thiên Chúa hứa cho lúc này đây, mà quên đi sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa hứa vào thời sẽ tới (Mc 10,30)” . Đấng Bảo Trợ mà Thiên Chúa xin Chúa Cha ban cho con người, là chính Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài là sức mạnh, là ơn thông hiểu, là sự khôn ngoan, sự dũng cảm để giúp con người vượt qua được mọi thử thách và những khó khăn của mọi thời đại con người. Tình yêu của Chúa thật tuyệt vời và đầy  khôn ngoan, bởi “Ngài yêu đến cùng” những tạo vật mà Ngài đã phải trả bằng giá máu của Mình để chuộc lấy.

Lịch sử và gia tài của con người qua mọi thời đại, luôn là những kinh nghiệm của tội lỗi, của vấp phạm và yếu đuối. Chúa hiểu rõ hơn ai hết khi có thời gian chung sống và đồng hành trong thân phận con người với các môn đệ thân yêu của Mình. Những cơn cám dỗ, qua mọi thời đại, với nhiều hình thái khác nhau, vẫn luôn có một hấp lực và mùi vị thật ngọt ngào. Thế giới con người ngày càng văn minh, càng cung cấp cho con người nhiều phương tiện hưởng thụ và tiện ích; nhưng mặt trái của nó vẫn lôi kéo và mơn trớn con người sống xa Chúa, trở lại tình trạng nô lệ và đánh mất mọi cơ hội trở thành con cái Thiên Chúa. Chúa muốn và ao ước mỗi chúng ta hãy kiên trì sống giáo lí yêu thương của Ngài. Đấng Bảo Trợ sẽ là nguồn trợ lực “luôn ở giữa và ở trong anh em” sẽ giúp chúng ta hoàn tất hành trình đời người của mình trong sự trung tín và khôn ngoan nhất.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin hãy ở mãi với chúng con,vì ngày đời chúng con thật vắn vỏi và thân phận con người chúng con thật yếu đuối. Xin igúp chúng con quảng đại và kiên trì sống giáo lý yêu thương của Chúa để chúng con mãi mãi được ở lại trong tình yêu của Chúa. Lạy Chúa là sức mạnh, xin hãy ở lại và nâng đỡ chúng con luôn. Amen.

Lm Gioan B. Phan Kế Sự

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM A- Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM C- CHÚA THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG BẢO TRỢ GIÁO HỘI- Lm Jos tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM C- THIÊN CHÚA LÀM MỌI SỰ TRONG MỌI NGƯỜI. Lm HK
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN VII PHỤC SINH NĂM C-Lm. Dom Trần Công Hiển.
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN VII PHỤC SINH NĂM C- CHÚA GIÊ SU TRAO QUYỀN TỐI THƯỢNG CHO PHÊ RÔ. Madalena Nguyễn Thị Lan. O.P
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN VII PHỤC SINH NĂM C-Lm. Vinh sơn Phạm Ngọc Anh Tuấn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN - THIÊN ĐÀNG: NƯỚC YÊU THƯƠNG- Lm Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN- NGƯỜI ĐI VỌNG MÃI TIẾNG CÒN.Nt Maria Anh Thư O.P
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN VII PHỤC SINH NĂM C. Lm. Jos tạ Duy Tuyền