CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI – LỄ III
« Chính Thầy là sự sống lại
và là sự sống »
LỜI CHÚA: Ga 11, 17-27
17 Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy
anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi.18
Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số.19
Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và
Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời.
20 Vừa được tin Đức Giê-su đến,
cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô
Ma-ri-a thì ngồi ở nhà.21 Cô Mác-ta nói với Đức
Giê-su: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không
chết.22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người
cũng sẽ ban cho Thầy." 23 Đức Giê-su nói:
"Em chị sẽ sống lại! "24 Cô Mác-ta thưa:
"Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết."
25 Đức Giê-su liền
phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết,
cũng sẽ được sống.26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị
có tin thế không? "27 Cô Mác-ta đáp:
"Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con
Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."
SUY NIỆM
Đức Giê-su nói: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ
vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.”
Tương tự như thế, khi Ngài nói về người mù bẩm sinh: “Không phải anh ta, cũng
chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn
thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” (Ga 9, 3)
Những bệnh tật, tai họa, bất hạnh, đau khổ một phần đến từ thân phận và
sự sống giới hạn và chưa hoàn hảo, phần khác đến từ chính con người, con người
bị chi phối bởi Sự Dữ, nên gây tai họa cho nhau. Vì vậy, chúng ta nên từ bỏ cái
nhìn lệch lạc coi Thiên Chúa là nguyên nhân trực tiếp của mọi sự. Không phải
Thiên Chúa cố tình gây bệnh, gây tai họa, gây khổ đau để “trắc nghiệm” con
người (qua đó xét đoán sự xứng đáng, như con người vẫn ứng xử với nhau) và tôn
vinh bản thân mình, vì Người không thể xây dựng vinh quang của mình trên sự
tiều tụy, khốn cùng, cùng khổ, nghèo đói, khổ đau, yếu hèn và tội lỗi của con
người, như thánh giáo phụ I-rê-nê nói: “Vinh quang của Thiên Chúa là sự sống
của con người; và sự sống của con người là chiêm ngắm Thiên Chúa”. Chính niềm
vui sống và sự sống, chứ không phải nỗi đau khổ và sự chết của con người làm
cho Chúa được vinh quang.
Tuy nhiên, tất cả những gì đến từ thân phận, số phận, thậm chí từ tội lỗi
và Sự Dữ, đều không thể làm thất bại kế hoạch yêu thương và thông truyền sự
sống của Thiên Chúa cho con người, qua đó bày tỏ cho con người vinh quang của
Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể chuyển hóa mọi sự thành điều tốt cho chúng ta và
để làm vinh Danh Ngài. Như ông Giuse nói với các anh: “Đừng sợ! Tôi đâu có thay
quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều
ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân
đông đảo” (St 50, 19-20). Thập Giá là hậu quả của tội lỗi và Sự Dữ (vì thế,
chúng ta đừng tự tạo thập giá cho mình và cho nhau dưới bất cứ hình thức nào),
nhưng Chúa dùng chính Thập Giá để bày tỏ tình yêu và lòng thương xót vô hạn của
Thiên Chúa, bày tỏ sức mạnh và khôn ngoan, bày tỏ vinh quang Thiên Chúa.
1. Mầu nhiệm
tình yêu
Trong số các tông đồ, Đức Giê-su đặc biệt ưu ái ba vị: Phê-rô, Gia-cô-bê
và Gioan; và trong số các bạn hữu, Ngài có tương quan thân thiết với ba chị em
Mác-ta, Maria và La-da-rô. Điều này làm chúng ta nhớ đến cách hành xử của chính
Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ: giữa nhiều dân tộc, Ngài chọn lựa bằng tình
thương nhưng không Israel và đi vào tương quan thân thiết với Dân Tộc này. Và
chúng ta có thể mở rộng vấn đề lựa chọn ra hơn nữa: Tại sao Chúa không ứng xử
mọi người như nhau? Tại sao Chúa lại “thiên vị” như vậy? Đặt câu hỏi này, là
chúng ta đã để cho “Con Rắn” (x. St 3, 1-7), kẻ chuyên reo rắc nọc độc ghen tị,
thâm nhập vào tâm hồn rồi, làm ô nhiễm, thậm chí đầu độc tâm hồn. Thiên Chúa
ban ơn không như nhau, lí do đơn giản, vì đó là ơn huệ nhưng không; như người
chủ nói với những người làm công: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định
đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen
tức?” (Mt 20, 15).
Nhưng lí do tận cùng vẫn là mầu nhiệm Thiên Chúa là tình yêu: tình yêu
chỉ có thể được bày tỏ cách hoàn hảo, không phải trong tương quan “bình đẳng”
với một đám đông, như thể mọi người đều có một “khuôn mặt” như nhau, nhưng
trong một tương quan thiết thân và cá vị. Và vì đó là tình yêu Thiên Chúa, chứ
không phải tình yêu giới hạn và nhiều khi lệch lạc của con người, chúng ta được
mời gọi xác tín rằng, cùng một tình yêu đó, tình yêu mà Chúa đã dành cho những
con người cụ thế đó, Chúa cũng sẽ dành cho từng người chúng ta, một cách đích
danh. Tình yêu Ngài dành cho “Người Môn Đệ Chúa thương mến” chính là lời mời
gọi mỗi người chúng ta, trong thân phận, hoàn cảnh và ơn gọi riêng của mình, có
cùng một kinh nghiệm là “Người được Chúa thương mến”. Và chỉ có tình yêu cá vị
của Chúa dành cho từng người chúng ta, mới có thể khơi dậy tình yêu cá vị của
chúng ta dành cho Chúa mà thôi.
Thực vậy, chính trong và chỉ trong tương quan thân thiết với ba chị em,
mà những mặc khải lớn lao về căn tính đích thật của Chúa, về tiếng khóc cảm
thương của Chúa dành cho những người đau khổ, và về sự sống mới của Chúa, được
bày tỏ, không chỉ cho ba chị em, nhưng cho từng người và cho cả loài người
chúng ta.
2. Đức Giê-su và
Ba Chị Em
a. Căn tính đích thật của Đức Ki-tô
Khi Đức Giê-su đến gần nhà, thì chị Mác-ta liền ra đón người, còn cô em
Maria thì ngồi ở nhà. Nhưng ngay sau đó cô trở về để gọi em, cách trìu mến, ra
gặp Đức Giê-su: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy”. Điều này làm chúng ta nhớ lại
trình thuật của thánh Luca: “Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên
là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe
lời Người dạy (Lc 10, 38-39). Nếu trong trình thuật Luca, cô Mác-ta vừa trách
Chúa và vừa trách em : « Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà
Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! », thì ở đây,
ngay trong biến cố đau buồn, tương quan giữa hai chị em trở nên hiệp nhất và đầm
ấm hơn nhiều.
Cả hai chị em đều nói với Đức Giê-su :
« Thưa Thầy, nếu thầy có ở đây em con đã không chết ». Câu nói này
muốn nói tới khả năng chữa bệnh của Đức Giê-su ; nhưng nếu đặt lời nói này
của hai chị em trong mặc khải mà Ngài sẽ bày tỏ với chị Mác-ta : « Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai
tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống », thì sẽ mang ý nghĩa
Tin Mừng sự sống : Ở đâu có sự hiện diện của Đức
Giê-su, ở đó sự chết không thể ngự trị,
nhưng bị đánh tan, không chỉ là sự chết thể lí, nhưng còn là bầu khí chết chóc
ngự trị ở trong lòng chúng ta và ở giữa chúng ta. Hơn thế nữa, những người được
Chúa thương mến thì sẽ không bị cái chết giam hãm. Thế mà, tất cả chúng ta đều
được Chúa thương và tình thương này bảy tỏ nơi mầu nhiệm Thập Giá. Sau khi phục
sinh, Đức Ki-tô sẽ ở lại mãi mãi với chúng ta, ngang qua Lời và Mình Thánh của
Ngài. Xin cho chúng ta vững tin vào sự sống, dù chúng ta
gặp thử thách, đang đau khổ và đang chết đi.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và chị Mác-ta là cuộc gặp gỡ rất riêng tư và
thân thương, nhưng lại mang tầm mức mặc khải thật lớn lao, có giá trị cho mọi
thời và mọi người. Thật vậy, những gì Đức Giê-su mặc khải về căn tính của Ngài
cho chị là mặc khải cho cả Giáo Hội và toàn nhân loại: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã
chết, cũng sẽ được sống”; và lời tuyên xưng đức tin của chị Mác-ta nơi ngôi
vị của Đức Giê-su, không chỉ là lời tuyên xưng của riêng chị, nhưng là của cả
Giáo Hội và của mỗi người chúng ta:
Thưa Thầy, có. Con vẫn tin
Thầy là Đức Ki-tô,
Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.
b. Tiếng khóc cảm thương
Bài Tin Mừng kể về cái chết và sự hồi sinh của ông thật dài (Ga 11), với
những diễn biến khá phức tạp, nhưng điều đánh động chúng ta nhất, chắc chắn là
những tiếng khóc. Điều đánh động chúng ta nhất, nhưng lại là điều rất đời
thường; bởi vì mỗi khi có người thân yêu qua đời, thì chung quanh người chết,
có rất nhiều tiếng khóc, và đôi khi chỉ có tiếng khóc mà thôi.
Ø Tiếng khóc của hai người chị dành cho đứa em trai chết sớm.
Ø Tiếng khóc của những người đến chia buồn.
Ø Và nhất là tâm tình thổn thức, xao xuyến và cả tiếng khóc của chính Đức
Giê-su (c. 33-35).
Và chính chúng ta cũng có thể khóc khi cầu nguyện với trình thuật Tin Mừng
này. Nhưng điều quan trọng hơn, là chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của Đức
Giê-su. Tại sao Ngài lại khóc? Trong khi, Ngài biết rõ Ngài là ai: Ngài là sự
sống lại và là sự sống; ai tin vào Ngài, dù đã chết, cũng sẽ được sống (c. 25).
Hơn thế nữa, Ngài cũng biết rõ Ngài sẽ làm gì: “La-da-rô, bạn của chúng ta,
đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” (c. 11). Vậy thì tại sao
Ngài vẫn thổn thức, xao xuyến và rơi nước mắt?
Vì sự chết không nằm trong kế hoạch sự sống của Thiên Chúa, hay ít nhất,
đau khổ và sự chết không phải là điểm chung cục. Điểm chung cục phải là sự sống
bất diệt, được đón nhận trong tiếng cười và niềm vui khôn tả; đơn giản là vì
Thiên Chúa là Sự Sống. Vì thế, tiếng khóc của Ngài không chỉ là tiếng khóc dành
cho một mình anh La-da-rô, nhưng có giá trị phổ quát và vĩnh viễn: Ngài khóc
cho mọi người, mọi thời, cho những người thân yêu và cho chính chúng ta, đang
đau bệnh, gặp tai họa, bị khuyết tật, đang chết đi và đã chết đi. Như thế,
tiếng khóc của Đức Giê-su đem lại cho chúng ta sự an ủi và niềm hi vọng.
3. Mầu nhiệm
Vượt Qua của Đức Ki-tô
Trình thuật kể về biến cố Đức Giê-su làm cho anh La-da-rô sống lại, nhưng
lại được đánh dấu rất rõ nét bởi hành trình đi vào cuộc Thương Khó, nghĩa là đi
nộp mình chịu chết:
Ø Người nói với các môn đệ: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê!” Các
môn đệ nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại
còn đến đó sao?” (c. 7).
Ø Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa,
chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (c. 16)
Như thế, chính khi Ngài đi cứu sống con người, lại là lúc Ngài cho đi
chính sự sống của mình, để vừa bày tỏ sự thương cảm với đau khổ của chúng ta,
và vừa chỉ cho chúng ta con đường băng qua sự chết để đi vào sự sống mới. Vì
thế, chúng ta không thể không so sánh biến cố hồi sinh của La-da-rô và mầu
nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô:
Sáng tạo thứ nhất
Lazarô chết và hồi sinh
|
Sáng tạo mới
Đức
Ki-tô chết và phục sinh
|
- Chết do bệnh
- Hồi sinh, trước mặt mọi người, người còn đầy băng vải
- Mọi người đều nhận ra
- Chết một
lần nữa
|
- Chết vì bị
bách hại và bị hành hình bằng một phương tiện ghê rợn nhất, để đụng chạm được
mọi cái chết của loài người.
- Đi vào sự
sống mới, không ai chứng kiến, nhưng để lại các băng vải.
- Không ai
tự mình nhận ra Đức Ki-tô phục sinh; Ngài cho nhận ra, người ta mới nhận ra.
- Không bao
giờ chết nữa
|
Cả hai sáng tạo đều đến từ quyền năng sáng tạo của chính Thiên Chúa:
quyền năng sáng tạo từ hư vô hay từ “hư vô sự chết”. Nhưng một bên là sáng tạo
thứ nhất, và một bên là sáng tạo mới. Chính sáng tạo mới, mới là công trình
sáng tạo chúng ta mong chờ, mới làm thỏa mãn lòng ước ao vô biên của loài người
và của từng người chúng ta. Đó chính là ý nghĩa và tầm mức đích thật của những
gì Đức Giê-su nói với cô Mác-ta và cũng là lý do tận cùng, mời gọi chúng ta
tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời, nhất là những người
thân yêu của chúng ta:
Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc