Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên
TRÊN CẢ LỀ LUẬT
Lời Chúa: Lc 14:1-6
(1) Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm
Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. (2) Và kìa trước mặt Ðức
Giêsu, có một người mắc bệnh phù thũng. (3) Người lên tiếng nói với
các nhà thông luật và những người Pharisêu: "Có được phép chữa bệnh ngày
sabát hay không?" (4) Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh
nhân, chữa khỏi và cho về. (5) Rồi Người nói với họ: "Ai trong
các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên
ngay, dù là ngày sabát?" (6) Và họ không thể đáp lại những lời
đó.
Suy Niệm
Luật lệ được đặt ra vì con người, con người phải là chủ
thể vượt trên tất cả mọi lề luật. Bài Tin mừng hôm nay là một minh chứng, Đức
Giê-su đã tháo cởi và dạy cho người ta biết yêu thương con người hơn là lề
luật.
Đã có nhiều cuộc thăm viếng, nhiều tình huống, nhiều bất
đồng xảy ra trong hành trình rao giảng của Đức Ki-tô và hôm nay khi đến dùng
bữa tại nhà một thủ lãnh Phariseu Chúa Giê-su đã chữa lành một người bệnh phù
thũng. Việc làm của Chúa Giê-su đã làm cho những người chứng kiến lấy làm khó
chịu, vì đó là ngày Sabat, ngày không được phép chữa bệnh theo luật Do thái. Họ
có vẻ không thuận tình với Đức Giê-su bằng thái độ im lặng của mình và họ cũng
chờ cơ hộ để dò xét, tìm cách để bắt lỗi Đức Giê-su. Đức Giê-su đã không màng
đến thái độ của họ, ngài đã ân cần chữa lành cho người bệnh, dù đó là ngày
sabat. Vượt trên tất cả lề luật, Đức Giê-su hành động ngược lại với suy nghĩ
của những người phariseu. Đức Giê-su đã hành động bằng tình thương, lòng trắc
ẩn của một người mục tử trước những đau khổ của người khác. Đức Giê-su đi ngược
lại với những người lệ luật, họ chỉ biết khư khư giữ luật mà không tỏ một chút
thương cảm trước những đau khổ của người anh em mình.
Lợi dụng cơ hội này, Đức Giê-su đã giảng dạy cho những
người Phariseu về tình thương, lòng bác ái. Người nói với họ: “Ai trong các ông
có đứa con trai hoặc có con lừa sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù
là ngày sabat?”. Ngày Sabat giúp con người nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng
thẳng; ngày sabat cấm con người làm việc kiếm tiền, đây cũng là cách giúp người
ta giảm bớt những ham muốn của cải vật chất. Ngày sabat không cấm người ta làm
việc bác ái, thăm viếng người nghèo, an ủi người cô thân cô thế... mà ngược lại
ngày này còn khuyến khích người ta gia tăng làm việc thiện, là thời gian giúp
cho con người bồi bổ tâm linh. Đức Giê-su cũng khuyến khích và dạy con người
lợi dụng những ngày này để làm tăng triển đời sống thiêng liêng; đồng thời mời
gọi con người tuân giữ luật tình thương. Chính Chúa Giê-su biết rõ người ta
đang dò xét Ngài nhưng chính vì chạnh lòng thương những người đau khổ bệnh tật,
trước nỗi thống khổ của con người mà Đức Giê-su không màng đến thái độ dò xét
của những người đang tìm cách hại người.
Mỗi người ki-tô hữu chúng ta cũng được cật vấn về lề
luật. Chúng ta phải có thái độ nào trước những luật lệ trong cuộc sống, trước
những kỷ luật của cộng đoàn. Ta có dò xét, chỉ trích một người nào đó vì lệ
luật hay không? Trước những đau khổ và bất công ta phải có thái độ nào? Đôi lúc
trong cuộc sống, chúng ta sốt sắng với công việc chung, chăm chăm chú chú làm
việc nhân danh lề luật mà quên đi những anh chị em đau khổ quanh mình đang cần
chúng ta giúp đỡ. Chúng ta luôn tuân giữ lề luật nhưng lại không sẵn sàng chia
sẻ thời giờ, khả năng của mình với người khác.
Việc làm của Chúa Giê-su trong bài Tin mừng hôm nay nói
lên tình thương của Chúa trước những đau khổ của con người. Tình thương của
Ngài đã vượt trên tất cả những luật lệ khắt khe do con người đặt ra, hơn nữa
Chúa còn dạy cho những người Phariseu bài học về lòng bác ái, phê phán thái độ
vụ lề luật của họ. Chúng ta hãy mặc lấy tinh thần của Chúa, sống yêu thương,
quan tâm đến những người chung quanh, ân cần giúp đỡ những người đau khổ, những
người đang cần đến tình thương và lòng quảng đại của chúng ta hơn là chỉ chú
tâm tuân giữ luật lệ mà vô cảm hay nại đến luật lệ mà thoái thác trách nhiệm
với anh chị em chung quanh.
Nt. Maria Phương Trâm, Dòng Đa Minh Phú Cường.