Suy Niệm
Lời Chúa Chúa Nhật XXX Thường Niên C
BỆNH THÀNH TÍCH TRONG ĐỜI SỐNG ĐẠO
Một
trong những căn bệnh trầm trọng, khó chữa của xã hội Việt Nam bây giờ là bệnh
thành tích. Bệnh này nguy hiểm, vì nó không chỉ khiến nhiều người rơi vào tình
trạng sống ảo, sống giả, bằng lòng với những bản báo cáo, mà còn có nguy cơ tạo
nên một hệ thống dối trá từ trên xuống dưới để ru ngủ, lừa dối nhau. Chúng ta
có thể nghe các thành tích này qua các bản báo cáo từ cấp cao nhất đến cấp địa
phương, những người này tỏ ra thỏa mãn với những thành tích dối trá đó. Lãnh vực
giáo dục cũng đang bị căn bệnh này hoành hành. Tại một trường Trung học dịp cuối
năm vừa qua, trong kỳ họp phụ huynh học sinh, cô chủ nhiệm thông báo: Thưa quý
phụ huynh, kết quả cuối năm của lớp chỉ có 3 em kém nhất là học sinh khá, còn lại
là học sinh giỏi. Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, có một phụ huynh đã đăng một lá
đơn lạ lùng thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người: Đơn xin cho con tôi được
là học sinh dốt, với lý do để cho cháu được sống thật với con người, với khả
năng của nó, không bị sức ép từ phía nhà trường cũng như gia đình. Tại một trường
học ở Sóc Trăng, người ta phải trả một học sinh lớp sáu về lại lớp một vì chưa
viết thạo và chưa biết làm toán. Tất cả sự giả dối này đều do bệnh thành tích
gây ra.
Không
chỉ trong đời sống xã hội, nhưng trong đời sống đức tin, con người cũng rất dễ
mắc phải căn bệnh thành tích này. Họ an phận với một số việc đạo đức, hoặc khoe
khoang về một số việc bác ái từ thiện và bằng lòng với tình trạng của mình, dẫn
đến việc không còn cố gắng. Thiên Chúa không muốn lối sống đạo khoe khoang
khoác lác bên ngoài, nhưng Ngài mong muốn một thái độ khiêm tốn chân thành,
nhìn nhận con người thật của mình. Ngài yêu thương và lắng nghe lời cầu xin của
những kẻ khó nghèo hết lòng tin tưởng cậy trông vào Ngài.
Bài
đọc sách Huấn Ca cho thấy lời cầu nguyện của người nghèo hèn có thể vượt xa
ngàn mây và đụng chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Tác giả khẳng định :
Thiên Chúa là Đấng công minh, không thiên vị ai, Người không vị nể mà làm hại
người nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Thiên Chúa không
làm ngơ trước lời cầu xin của kẻ mồ côi góa bụa, nhưng luôn chấp nhận lời họ
nguyện xin. Cách diễn tả của sách Huấn ca cho thấy, những người được Chúa nhận
lời là những người nghèo tinh thần và vật chất, họ là những người thấp kém
trong xã hội, bị loại trừ, nhưng họ vẫn một mực tin tưởng vào Chúa, vì Thiên
Chúa là Đấng luôn bênh vực họ.
Bài
Tin Mừng, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn cho thấy sự tương phản giữa hai lối sống đạo:
Một người đến với Chúa vì lòng chân thành, còn người kia đến chỉ để khoe khoang
khoác lác, khinh chê người khác. Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người
thu thuế và một người Biệt phái. Người Biệt phái có sẵn trong mình thói khoe
khoang hình thức, họ coi mình là những người công chính tốt lành và xem thường
người khác, nhất là những người thu thuế bị coi là tội lỗi. Người Biệt phái lên
đền thờ với một bản báo cáo thành tích thật hoàn hảo, không có gì có thể chê
trách. Tư thế của ông : đứng thẳng, nghênh ngang. Ngoài miệng ông thưa: Lạy
Chúa, xin tạ ơn Chúa, nhưng liền sau đó, ông kể ra biết bao thành tích của
mình. Ông tự mãn, tự hào so sánh và đặt mình hơn người khác : Tôi không như bao
kẻ khác, không tham lam bất công, không ngoại tình hoặc không như tên thu thuế
kia. Lời tạ ơn của ông không phải là cảm tạ ơn Chúa ban, mà là cách ông kể về
mình, ca tụng mình. Từ sự tự mãn tự hào đi dến sự tự kiêu, ông thấy mình vượt
trội hơn bao người tội lỗi và ném cái nhìn khinh miệt về phía người thu thuế.
Người
Biệt phái sau khi đã đầy tràn tự kiêu, thấy mình hơn người khác, ông tiếp tục
khoe khoang: Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười thu nhập cho đền
thờ. Ở điểm này, ông lại tự thấy mình là một con người quá hoàn hảo. Ông kể lể
công trạng để tính điểm tính công với Chúa, vì ông đã làm mọi việc vượt chỉ
tiêu so với luật quy định. Luật quy định ăn chay một số ngày, ông đã giữ một tuần
hai lần ; luật quy định nộp thuế thập phân hàng năm thì ông nộp hàng ngày hàng
tháng. Ông muốn nói rằng không ai, kể cả Chúa có thể chê trách hoặc bắt lỗi ông
điều gì. Như thế, xét cho cùng, ông lên đền thờ không phải để cầu nguyện, cũng
không phải để gặp Thiên Chúa, mà chỉ để khoe khoang và chiêm ngắm những thành
quả của mình mà thôi. Người Biệt phái không hề tỏ ra biết ơn hoặc tin cậy nơi
Chúa, ông chỉ mượn việc lên đền thờ để đòi Chúa phải biết ơn ông.
Trái
lại, người thu thuế ý thức tình trạng tội lỗi hèn kém của mình trước mặt Thiên
Chúa và trước mặt mọi người. Anh không có gì để kể lể hay khoe khoang, cũng chẳng
có gì để tự hào tự mãn, vì thế, anh chỉ dám đứng đàng xa, không dám ngước mắt
lên trời, đấm ngực thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
Anh đứng xa, vì ý thức sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa. Anh cúi đầu thể
hiện một tấm lòng khiêm nhường sám hối. Anh đặt niềm tin vào Thiên Chúa quyền
năng, giàu lòng thương xót và hay tha thứ để thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin
thương xót tôi là kẻ tội lỗi. Lời cầu xin này là lời phát xuất từ trái tim, từ
tâm hồn tan nát khiêm cung, tin tưởng phó thác. Anh không dám so sánh mình với
ai, vì ý thức tình trạng tội lỗi, anh chỉ biết trông chờ vào lòng Chúa xót
thương mà thôi. Chính vì thái độ này, anh đã đượcThiên Chúa tha thứ. Chúa Giêsu
đã quả quyết: Người này ra về được khỏi tội, được nên công chính, còn người kia
thì không.
Chúa
Giêsu kết luận: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống và ai tự hạ mình xuống sẽ được
tôn lên. Thiên Chúa không thể ra tay cứu giúp chúng ta khi chúng ta không đưa
tay ra cho Ngài. Người hạ mình là người biết xóa mình, khiêm nhường chạy đến với
Chúa, Chúa sẽ nâng người đó lên. Trái lại, ai kiêu ngạo, gạt Chúa ra khỏi cuộc
đời, tự hào tự mãn về khả năng và thành tích của bản thân, người ấy tự loại trừ
mình khỏi sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Sự
tự hào tự mãn có thể đang ảnh hưởng trên đời sống đạo của nhiều người trong
chúng ta. Nhiều người tự cảm thấy đủ với việc đến nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật,
đi cho xong bổn phận mà không có tâm tình tin tưởng phó thác, tạ ơn. Nhiều người
cho mình không cần phải tạ ơn Chúa vì họ nghĩ rằng tất cả những gì họ đang có,
đang hưởng là do khả năng, tài khéo của mình chứ không nghĩ đó là do ơn Chúa
ban. Nhiều người từ chối lãnh nhận Bí tích Giải tội và Thánh Thể vì cho rằng
tôi vẫn sống tốt, chẳng có tội gì, tôi vẫn đầy đủ thuận lợi chẳng phải xin gì.
Nếu
như bệnh thành tích trong đời sống xã hội là bề nổi của sự dối trá bên trong,
thì đời sống đức tin cũng vậy. Có những người đời sống nội tâm trống rỗng nhưng
lại thích khoe khoang kể lể về công trạng của mình như người Biệt Phái. Họ sống
đạo cảm tính hời hợt bên ngoài, nhưng lại thích khoe mẽ lên lớp đạo đức với người
khác. Vì sống đạo theo cảm tính nên họ dễ dàng thay đổi, xuôi chiều theo đám
đông hoặc khi có những gì trái ý, họ dễ dàng buông xuôi tất cả. Họ tìm cách kể
lể về những đóng góp hoặc thành tích của mình và muốn mọi người phải ghi công
tính điểm và mang ơn họ.
Lời
Chúa hôm nay muốn chúng ta đến với Chúa bằng thái độ khiêm tốn chân thành,
không mặc cảm, nhưng luôn tin tưởng, khiêm tốn để nhận ra sự bất toàn, bất túc
của mình trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Khiêm tốn để dễ đón nhận và thông cảm
với những lỗi lầm khiếm khuyết của người khác. Chân thành để đến với Chúa trong
thái độ của người con đến với cha, không khách sáo, không hình thức khoe mẽ bên
ngoài. Chân thành để có thể dễ dàng gặp gỡ và chia sẻ với anh chị em khác.
Không mặc cảm về tình trạng tội lỗi hay nghèo khó của mình, nhưng luôn tin vào
tình yêu, lòng thương xót hay tha thứ của Chúa để xin Chúa nâng đỡ và thứ tha.
Xin
cho chúng ta học nơi Đức Maria, biết nhìn người khác bằng ánh mắt cảm thông, biết
sống khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người, không loại trừ ai, biết tin tưởng
đến với Chúa trong thái độ của người con thảo, để qua đời sống chúng ta, mọi
người nhận biết chúng ta là con của Thiên Chúa. Amen.