Suy Niệm Lời
Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên C
TÌNH
YÊU CỨU ĐỘ
Lời Chúa: Lc 13, 31-35
31 Cũng vào giờ ấy, có mấy
người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua
Hê-rô-đê đang muốn giết ông!” 32 Người bảo họ:
“Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và
chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. 33 Tuy
nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà
chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.’34 “Giê-ru-sa-lem,
Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng
ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con
dưới cánh, mà các ngươi không chịu. 35 Thì
này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các
ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến
nhân danh Đức Chúa!”
Suy niệm:
Đã đến lúc Đức Giêsu
phải hoàn tất xứ mệnh của mình, Ngài cùng các môn đệ tiến lên Giê-ru-sa-lem.
Trên bước hành trình ấy biết bao nhiêu trở ngại, nhưng Đức Giêsu quyết
một lòng thực thi thánh ý Chúa Cha “tôi
phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không
được” (c.33), bởi lẽ đó là tình yêu và là cùng đích của tình yêu
cứu độ. Điều này được diễn ta xuyên xuất trong trình thuật của thánh
sử Luca hôm nay.
Những người Pha-ri-sêu
cảnh báo Đức Giêsu rằng: “Xin ông đi
ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!” Có lẽ đây là thiện
chí của một nhóm nhỏ những pha-ri-sêu quý mến Đức Giêsu, nên đã cảnh
báo về sự hăm dọa của vua Hê-rô-đê; nhưng cũng có thể là một nhóm
pha-ri-sêu đầy toan tính, họ muốn lấy danh Hê-rô-đê để hăm dọa và cản
ngăn những việc lành mà Đức Giêsu đang làm, không muốn Ngài tạo thêm
nhiều ảnh hưởng trên dân chúng. Đáp lại lời đề nghị của nhóm
Pha-ri-sêu và sự hăm dọa của vua Hê-rô-đê, thay vì Đức Giêsu nhún
nhường mà lánh đi, Ngài lại rất mạnh dạn để chứng tỏ một sự cương
nghị, ung dung không sợ hãi. “Các ông
hãy đi nói với con cáo ấy thế này” là một lời nhắn với nhiều hàm ý.
“Con cáo” là một lối nói ẩn dụ của người Do Thái, diễn tả một sự
ranh mảnh, xảo quyệt; nó tượng trưng cho con vật thích ám hại kẻ
khác; đồng thời lối nói ấy cũng tượng trưng cho hạng người phàm
hèn, vô giá trị. Đây là một lời nói khá gay gắt để nói về vua
Hê-rô-đê, một kẻ đã vì sĩ diện hư danh mà giết hại Gioan Tảy giả,
một vị ngôn sứ chứng tá cho sự thật. Qua đó, chúng ta nhận ra rằng
tình yêu Đức Giêsu dành cho con người thật lớn lao, Ngài không vì sợ
hãi mà thôi yêu thương, cũng không vì chút hăm dọa mà trì hoãn công
trình tình yêu Chúa Cha dành cho nhân loại. “Tôi phải tiếp tục đi”
cũng có nghĩa là “tôi tiếp tục yêu thương đến cùng”.
Cũng thế, khi giáp mặt
nhìn thành thánh Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu thốt lên lời tự sự đầy
thương cảm. “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem!” một điệp khúc cảm thán, bày
tỏ lòng mến yêu tha thiết. Nó như thể, tiếng của người mẹ gọi người
con của mình “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem con ơi!”. Người mẹ tiếc nuối
về sự hư đốn của con mình: “Ngươi giết
các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập
họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không
chịu.” Người mẹ hiền không thể thốt lên những lời tiếc thương ấy,
nếu trước đó đã không rất mực yêu thương con mình. Một tình yêu cho đi
tất cả, nhưng đáp lại chỉ là sự lạnh nhạt thờ ơ đầy vô tâm của
người con Giê-ru-sa-lem chỉ muốn làm theo ý riêng của mình. Nhưng cũng
qua lời xót xa thương cảm ấy, và biến cố hiến tế mình trên thập
giá, chúng ta nhận ra tình yêu vô biên mà Đức Giêsu đã giành cho con
người, Ngài đã yêu và yêu đến cùng, không bỏ mặc đứa con hư đốn đã
từng khinh chê tình yêu người mẹ dành cho mình.
Nhìn lại cuộc sống
trần thế của chúng ta, đã bao lần ta khiếp hãi trước thế lực của
đồng tiền, khiếp sợ uy phong của trần thế để rồi bấy nhiêu lần ta
luồn cúi, khúm núm trước quyền lực của đồng tiền và vinh hoa thế
tục của nó. Và rồi, ta đánh mất chính mình không còn dám đương đầu
để lên tiếng bênh vực cho công lý, sự thật và bỏ mặc anh em đồng bào
mình khi họ đau khổ oan sai. Vì tình yêu cứu độ, Đức Giêsu đã đi bước
trước cho chúng ta học theo, khi Ngài ung dung, cương nghị không sợ hãi
trước thế lực của Hê-rô-đê. Lời cảm thán của Đức Giêsu khi gọi tên
Giê-ru-sa-lem cũng là một nhắc nhở cho mỗi tín hữu tỏng đời sống
mình. Hãy trở về với Chúa, vì tình yêu và ân sủng mà Ngài đã ban
cho ta mỗi ngày; chúng ta cần có một thái độ sống tích cực để đáp
trả lại yêu thương ấy. Lạy Chúa, xin trợ lực cho chúng con vì chúng
con cần đến Chúa trong kiếp lữ hành này. Amen.
(Xuân Hạ, O.M.I)