CHỦ NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN
Khi mời gọi chúng ta đến với một tình yêu
toàn hảo, Mạc khải ki tô giáo bảo đảm với chúng ta rằng Tình yêu ấy có khả năng
sáng tạo vĩnh cửu. Như thế, sự sống có thể trở thành thử thách, nhưng thử thách
có một ý nghĩa. Phần chúng ta phải đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, và lời
đáp trả tuyệt vời nhất được diễn tả hoàn toàn nơi Con người Chúa Giê su. Chính
ngang qua cái chết, chúng ta có thể gặp gỡ hoàn toàn với tha nhân và Thiên
Chúa.
Sách Khôn Ngoan 18,6-9
Khi đọc lại các biến cố lớn trong Dân
Chúa, tác giả muốn nói rằng Lịch sử trần gian có một ý nghĩa. Như cuộc Xuất
Hành chẳng những là cuộc giải thoát Israel khỏi ách nô lệ, mà còn là cánh cửa
đưa nhân lọai đến một tình trạng tốt hơn, từ nay phản ảnh Vinh quang Thiên Chúa
và cho phép khám phá ra Sự Khôn Ngoan đích thực.
Thánh vịnh 32
Đây là Bài Thánh ca ca tụng Thiên Chúa đã
tiếp tục công cuộc chân lí, công chính và luật lệ của Người. Những ai quay hướng
về Thiên Chúa có thể kín múc nơi Người sức mạnh.
Hr 11,1-2.8-19
Người Ki tô hữu cảm thấy nhớ nhung các hi
tế do thái cũ. Tác giả bức thư giải thích cho họ ý nghĩa cách sống của tổ tiên,
hướng họ đến tương lai, để tìm kiếm một thực tại mà họ đã thấy từ xa và là Kinh
thành của chính Thiên Chúa. Do vậy thực là vô ích khi quay lại quá khứ. Trái lại,
phải hướng đến tương lai, sẵn sàng hi sinh mọi sự để tiếp nhận đối tượng của Lời
Hứa.
Tin mừng Lc 12,32-48
NGỮ CẢNH
Tiếp liền những lời giảng dạy về việc đoạn
tuyệt với của cải, đọan văn nầy gom góp một vài lời giáo huấn của Chúa Giê su về:
giáo hội (12,32), về việc bố thí (12,33-34), về việc phải tỉnh thức chờ Chúa trở
lại (12,35-48).
TÌM HIỂU
Đoàn chiên bé nhỏ: đó là đòan dân Thiên Chúa đối
với mục tử của mình (Êd 34; Tv23). Nhóm các môn đệ cũng là đòan chiên bé nhỏ đối
với Chúa Giê su, nên họ là đối tượng của tình yêu và sự che chở. X. Cv 20,28.
Tính từ “bé nhỏ”, được Chúa Giê su dùng ở đây, diễn tả thực tại khiêm nhường nhỏ
bé của đoàn chiên Ngài. Nhưng, chính vì bị giới hạn như thế mà đoàn chiên nhận
được lời hứa.
Đã vui lòng: x. Lời cầu nguyện của Chúa Giê su
(10,21). Có thể tất cả đọan nầy đặc biệt nhắm đến các môn đệ được sai đi vào sứ
vụ.
Bố thí: x. 11,41 và
16,9.
Kho tàng: câu nầy như là một câu kết luận: người ta không thể
phân chia tâm hồn của mình; Thiên Chúa là đấng hay ghen tương; Nước Thiên Chúa
không chấp nhận sự cạnh tranh (16,13). Kho tàng đích thực của người môn đệ Đức
Ki tô được giấu kín với Đức Ki tô trong Thiên Chúa (Cl3,3).X. 10,20.
Thắt lưng cho gọn: cách ăn mặc của người đang
làm việc, nhưng cũng là của người Híp pri khi cử hành lễ Vượt Qua (Xh 12,11).
Đèn cháy sáng báo trước Chúa sẽ đến giữa đêm; cuộc Xuất hành cũng xảy ra giữa
đêm tối (Xh 14,20-24) và cũng trong đêm mà người ta cử hành lễ Vượt Qua; việc
đi vào Nước Chúa là đi trong ánh sáng của ngày không cùng: “Đêm đã gần tàn và
ngày gần đến” (Rm 13,12).
Chủ đi ăn cưới về: Chúa Giê su tự đồng hóa với
ông chủ (x. c.40: Con Người). Giữa việc Ngài ra đi (9,310) tương ứng với việc
Người chồng bị đem đi (5,35) và việc Ngài trở lại có một quãng cách, mà chỉ một
mình Thiên Chúa biết mà thôi.
Gõ cửa: “Nầy đây Ta đứng
trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng
bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
Đang tỉnh thức: khi Chúa trở lại, Ngài sẽ thấy người ta
đang hết lòng tin tưởng canh thức (1 Cr 16,13; 1Tx 5,4-8) chăng? Đây là việc
canh thức để đi vào thế giới mới là Ngày của Chúa. Cần phải canh thức như người
Híp pri tưởng niệm họ được giải phóng khỏi Ai cập bằng việc canh thức đêm Vượt
qua (Xh 12,42).
Chủ sẽ thắt lưng: chi tiết nầy, của riêng Lu
ca là một trong những kiểu nói lạ lùng nhất trong Tin mừng của ông. Ông chủ sẽ
thay vị trí các đầy tớ trong bửa tiệc đám cưới (22,27; Kh 19.9).
Một vì Thiên Chúa trong tư thế một người
nô lệ: đây không phải là một mạc khải lạ lùng của tình yêu mà Thiên Chúa dành
cho lòai người sao? Trong Ga 13 (Chúa Giê su rửa chân), như trong Pl 2,6-8,
chúng ta tìm thấy cũng một hình ảnh Chúa Giê su tôi tớ ấy. Tuy nhiên ở đây
chúng có một một cách diễn tả chính xác hơn bởi vì được lồng vào lúc hoàn tất của
Nước Chúa vào lúc cuối thời gian.
Kẻ trộm đến: nếu một chủ nhà có thể để mình bị kẻ trộm
bắt chợt, thỉ chúng ta cũng có thể bị nguy cơ bị bắt chợt trong ngày Chúa đến.
Người quản lí: Chúa Giê su không trả lời trực tiếp cho
câu hỏi của ông Phê rô, nhưng dường như Ngài nghĩ đến các “người quản lí các mầu
nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4,1), những vị đang thi hành một chức vụ trong Giáo
Hội (1Pr 4,10). Các ngài phải quản lí của cải của Nước bằng cách quan tâm đến lợi
ích thiêng liêng của đòan dân. Được chọn lựa giữa các môn đệ trung thành hơn và
khôn ngoan hơn, họ phải tỏ ra có khả năng điều hành những kẻ khác với tất cả nỗ
lực của mình. Họ sẽ được đối xử một cách nghiêm khắc hơn, bởi vì họ đã lãnh nhận
nhiều hơn: ai tỉnh thức, Thiên Chúa sẽ giao phó mọi của cải của Người, nhưng sẽ
từ khước những kẻ nghiêm khắc với kẻ khác, lười biếng và dễ dãi đối với bản
thân mình (x. 8,14;12.19).
Do đó, Phê rô và tất cả những ai có một
nhiệm vụ trong Giáo Hội sẽ được đối xử như các bạn bè ông được đối xử. Đó là những
điều được Phao lô nhắc nhở (Cv 20,28-31) và được Phê rô khuyên nhủ cho các kì mục
(1Pr 5,1-4).
SỨ ĐIỆP
Các bài đọc ngày chủ nhật hôm nay đều nhắc
chúng ta nhớ rằng cuộc đời không phải là một vòng tròn đóng kín. Lịch sử trần
gian hướng đến tương lai. Đó là tin mừng mà chúng ta tìm thấy trong toàn bộ
Thánh Kinh. Thiên Chúa đã ban cho ông Abraham một lời hứa quan trọng. Dù trải
qua bao thăng trầm trong cuộc sống, Abraham, Isaac và Gia cóp đã tin vào lời hứa
ấy, và đã nuôi hưỡng niềm hi vọng cho con cháu họ. Theo mẫu gương sống của các
vị tổ phụ nầy thì tin có nghĩa là chấp nhận tin tưởng mà không hiểu gì cả.
Là những người Ki tô hữu hôm nay, chúng
ta là những người thừa kế lời Thiên Chúa hứa. Đó chính là tin mừng mà chúng ta
loan báo trong mỗi Thánh lễ: “Chúng con mong chờ vinh quang của Chúa tỏ hiện”.
Tin mừng nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giê su sẽ trở lại. Cả cuộc sống của chúng
ta là để chuẩn bị cuộc gặp gỡ quyết định đó với Ngài. Chúng ta được mời gọi chuẩn
bị cho biến cố đó như là một ngày đại lễ với lòng kiên trì và thái độ tỉnh thức
của người đặt trọn niềm tin vào lời Chúa hứa. Và chúng ta đừng quên rằng chuẩn
bị cho một cuộc lễ, không phải là việc làm của một cá nhân riêng lẻ, nhưng của
cả một nhóm. Vì thế chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ lớn với Đức Ki tô, đó là sứ mạng của
toàn thể Giào Hội và của mỗi phần tử chúng ta.
Nguy cơ lớn nhất, đó là chúng ta ngủ
quên, là xây dựng cuộc sống của chúng ta trên những giá trị không thực hữu.
Chúng ta sống trong một tình thế bất an, trong một thời buổi được đánh dấu bởi
sự bất ổn, sự bất định về ngày mai và lo sợ dấn thân. Trung thành với sự dấn
thân là một điều khó vì nó là một cuộc chinh phục hằng ngày cần phải kiên trì
và củng cố.
Nhưng trong cuộc chiến nầy, chúng ta
không cô đơn. Chúa ở với chúng ta để đồng hành và hướng dẫn chúng ta. Ngài hiện
diện khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta tiếp nhận Lời Ngài và nhất là khi
chúng ta họp nhau để cử hành lễ Tạ ơn. Lời nhắn nhủ quan trọng nhất mà Ngài để
lại cho chúng ta là hãy tỉnh thức, chú ý đến các dấu chỉ sự hiện diện và tình
yêu Ngài. Ngài mời gọi chúng ta thức tình và sẵn sàng phục vụ vì Ngài sẽ trở lại
vào lúc chúng ta không ngờ. Không có thời gian ngừng nghỉ cũng như không có vấn
đề về hưu sớm trong việc đi theo Đức Ki tô. Trái lại, phải luôn trong tư thế
truyền giáo và phục vụ trong suốt cuộc sống chúng ta. Điều đó đòi chúng ta phải
chú ý và thức tỉnh thường xuyên.
Nhưng cần phải hiểu rõ: sự trung thành mà
Chúa chờ đợi chúng ta không phải là sự dửng dưng đầy lạnh lùng lấy
lí do là cuộc sống bị chi phối bởi nhiều nguyên tắc. Nó cũng không bao gồm những tình cảm suông. Trái lại, nó đòi hỏi
nhiều nghị lực và can đảm. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó hệ tại ở tình
yêu. Sự trung thành của chúng ta phải được hình thành trong một tình yêu. Nếu
không như thế thì đời sống chúng ta sẽ trống rỗng. Chính tình yêu hằng ngày của
chúng ta đối với những người chung quanh đem lại giá trị cho cuộc sống trần
gian.
Một cách cụ thể, điều đó có nghĩa là
chúng ta quan tâm nhiều hơn đến những người chung quanh. Chính đó là nơi mà
Chúa chờ đợi chúng ta. Và chắc chắn, chúng ta không quên những người đau yếu,
những người dễ bị tổn thương. Khi Chúa đòi chúng ta phải sẵn sàng phục vụ, Người
muốn mời gọi chúng ta phục vụ tất cả những người mà Người đặt trên đường chúng
ta đi, vì khi tiếp đón họ, chính là cách chúng ta đi về quê hương mà Ngài đã hứa
ban cho chúng ta.
Đôi khi chúng ta bị cám dỗ vì mệt mõi, vì
bi quan hay thất vọng. Chúng ta cũng có thể để mình buông theo những thái độ
quá khích, bị lôi cuốn bởi những lời nói thâm độc vì ác ý. Chúng ta cũng có thể
để mình bị ảo tưởng bởi đủ mọi thứ cám dỗ tìm cách lôi kéo chúng ta lệch xa khỏi
điều cốt yếu. Tỉnh thức, đó chính là ý thức tất cả những nguy hiểm đó và làm mọi
cách để tránh xa. Nhưng nếu chúng ta bị sa ngã, Chúa luôn luôn hiện diện để mời
gọi chúng ta chỗi dậy và đi về với Ngài với cả tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta
thực sự muốn, thì bí tích hòa giải vẫn luôn mời gọi chúng ta. Với Chúa, luôn
luôn có thể đứng dậy và trở về để phục vụ. Mong muốn lớn nhất của Người là thiết
lập một vương quốc tình yêu và công chính bằng đôi tay bé nhỏ của chúng ta.
Chúa còn dạy chúng ta: “Hãy cầm đèn cháy
sáng trong tay”. Chiếc đèn đó chính là đèn tình yêu mà chúng ta đã lãnh nhận từ
nơi Ngài. Có thể sẽ có những bão táp trong cuộc đời khiến cho ánh sáng đèn bị tắt.
Nhưng Chúa luôn luôn chuẩn bị đặt sẵn trên đường chúng ta những người cần thiết
để khơi lại trong chúng ta ánh sáng đến từ Người. Để rồi chính chúng ta, chúng
ta có thể truyền lại ánh sáng ấy cho những ai đang tìm kiếm. Cùng nhau và với
nhau, tất cả chúng ta được Chúa gọi và sai thi hành sứ mạng ấy.
“Anh em hãy tích trử cho mình một kho
tàng trên trời!”. Ai trong chúng ta đều cho rằng kho tàng là tất cả những việc
lành mình đã làm. Nhưng điều quan trọng nhất lại ở chỗ khác. Cái “kho tàng ở
trên trời” là chính Thiên Chúa. Với Người chúng ta phải trở nên giàu có bằng
chính sự giàu có của Thiên Chúa. Nhưng để chiếm hữu kho tàng ấy, phải có một điều
kiện: đó là một tâm hồn của người nghèo, là đoạn tuyệt với tất cả những gì phù
phiếm và sẵn sàng đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa.
Khi lên rước Mình và Máu Thánh Chúa,
chúng ta kín múc từ nơi Ngài sức mạnh cần thiết để được trung thành trong việc
phục vụ của chúng ta. Chúng ta trở nên Mình Đức Ki tô. Đó chính là ánh sáng của
chúng ta.
ĐÀO SÂU
TỈNH THỨC SẴN SÀNG
Kn
18,6-9 Giữa đêm tối, Thiên Chúa đến cứu
thoát dân Người
Tv
33,1+12, 18-19, 20+22 Phúc thay dân tộc
mà Chúa chon làm cơ nghiệp riêng mình
Hr
11,1-2, 8-19 or 11,1-2, 8-12 Đức tin của
Áp-ra-ham là kiểu mẫu cho đức tin của chúng ta
Lc
12, 32-48 or 12,35-40 Hãy sẵn sàng chờ
đón Chúa trở lại
1. HỎI: Ba bài đọc liên kết
với nhau theo chủ đề nào?
THƯA: TỈNH THỨC SẴN SÀNG. Bài
sách Khôn ngoan cho chúng ta thấy con cái Ít-ra-ên vì đã được báo trước về
tương lai nên đã bình tĩnh xử sự trong hiện tại (Bđ1). Chúa Giêsu dạy phải tỉnh
thức và trung thành đang khi chờ đợi ngày Chúa trở lại (BTM). Tác giả thư Hipri
nêu cao gương sáng của Áp-ra-ham khi đã tin vào tương lai thì vững vàng tiến bước
trên đường trần gian (Bđ2).
2. HỎI:
Tác giả bài đọc sách Khôn ngoan suy niệm điều gì?
THƯA: Tác giả bài sách Khôn
Ngoan mời gọi suy tư về ‘Đêm Vượt Qua giải thoát dân Ít-ra-ên’. Đó là đêm mà
ông Mô-sê dẫn dân Ít-ra-ên trốn chạy khỏi Ai cập. Kể từ đêm ấy, qua nhiều thế hệ,
dân Ít-ra-ên cử hành bữa ăn vượt qua để tưởng niệm mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã
thực hiện để giải thoát họ.
3. HỎI:
Hai chiều kích của việc cử hành Lễ Vượt qua là gì?
THƯA: Hai chiều kích của việc cử
hành Lễ Vượt qua là: Tạ ơn Thiên Chúa vì công cuộc Cứu độ của Người thực hiện
cho dân, và dấn thân sống trung thành với các điều răn của Người đã dạy.
4. HỎI: Tạ ơn là sao?
THƯA: Đêm giải phóng khỏi Ai cập
đã nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa và được loan báo từ trước. Lời hứa đã được
Thiên Chúa ban cho ông Áp-ra-ham (Stk 15,13-14) và được lặp lại cho các tổ phụ
I-sa-ac và Gia-cóp (Stk 46,3-4). Vì thế nhắc lại biến cố xuất hành là để nhớ lại
và tạ ơn Thiên Chúa đã bảo vệ Dân Người và trừng phạt những kẻ áp bức họ.
5. HỎI: Dấn thân của cá
nhân và cộng đoàn là sao?
THƯA: Luật Ít-ra-ên luôn liên kết
việc cử hành các ơn ban Thiên Chúa với sự liên đới của toàn dân với Giao ước. ‘Họ âm thầm dâng lễ tế trong nhà và đồng tâm
nhất trí liên đới với nhau: có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia’ (18,9).
6. HỎI: Còn bài học nào về
phía người Ai cập thì sao?
THƯA: Khi quyết đinh đàn áp và đối
xử bạo lực với dân riêng của Chúa, người Ai cập đã tự gây ra sự diệt vong cho
chính mình.
7. HỎI: Chúa Giê su có
liên kết hai chiều kích ấy không?
THƯA: Có. Trong một bữa ăn cử
hành lễ tưởng niệm Vượt qua Chúa Giê su đã rửa chân cho các môn đệ Ngài.
8. HỎI: Bài đọc 2 (Hr 11, 1-2, 8-19) có nội dung như thế nào?
THƯA: Đức tin của tổ phụ
Áp-ra-ham thật tuyệt vời. Do tin vào lời Chúa, ông đã bỏ quê hương xứ sở ra đi
mà không cần biết trước sẽ đi tới đâu; do đức tin, ông đã dám đem đứa con duy
nhất sinh ra trong lúc tuổi già để giết làm lễ vật dâng lên cho Chúa.
9. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng
(Lc 12, 32-48) như thế nào?
THƯA: Chúa Giê su và các môn đệ tiếp tục cuộc hành trình lên
Giê-ru-sa-lem. Ngài tiếp tục giáo huấn các môn đệ về của cải trần thế
(12,22-32). Đặc biệt về cách sử dụng của cải (12,32-34) và ba dụ ngôn khuyên
hãy tỉnh thức và trung thành (35-48).
10. HỎI: Chúa Giêsu muốn
nói đến điều gì khi dùng kiểu nói: ‘Nước Thiên Chúa’?
THƯA: Chúa Giêsu dùng kiểu nói ấy
để đề cập đến vương quyền hay quyền bá chủ của Thiên Chúa trên tất cả mọi sự.
Khái niệm này trái ngược với sức mạnh thống trị áp chế của quyền lực thế gian,
như người La mã đã thực hiện khi chiếm Pa-lết-ti-na.
11. HỎI: Tại sao Chúa Giê
su sử dụng hình ảnh đàn chiên?
THƯA: Chúa Giê su muốn cho các
thính giả của Ngài suy nghĩ về một thực tế mà họ quen thuộc: cuộc đời của một mục
tử, sự gắn bó với đoàn chiên và tầm quan trọng của một con chiên.
12. HỎI: Chân dung Vị Mục
tử ấy như thế nào?
THƯA:
Thiên Chúa giống như một mục tử quan tâm đến tất cả đàn
chiên và từng con một. Thật vậy, Người không ngần ngại để lại 99 con trong đàn
để đi tìm con chiên đi lạc. Ngài muốn ban vương quốc của mình cho đàn chiên. Mục
tử và đàn chiên là một. Cũng như người Ít-ra-ên nghe đọc và giải thích chương
34 tiên tri Ê-dê-ki-ên trong Hội đường: Thiên Chúa là vị mục tử đích thật quan
tâm đến những con chiên ốm yếu nhất, chữa lành những chiên bị thương tích và tập
họp những chiên bị phân tán. Cũng thế, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng việc
Ngài tiếp nhận người tội lỗi và những người cùng khổ là phù hợp với mẫu Mục tử
đích thật được mô tả trong Kinh Thánh.
13. HỎI: Chúa Giê su gọi
ai là đàn chiên bé nhỏ của Ngài?
THƯA: Đàn chiên là hình ảnh Cựu
Ước thường dùng để chỉ Dân Thiên Chúa (Stk 48,15; Hs 4,16…). Chúa Giê su áp dụng
cách gọi ấy cho dân Ít-ra-ên (Mt 9,36; Mc 6,34) cho những người Do thái tội lỗi
(Mt 10,6) và cho các môn đệ như ở đây. Ngài âu yếm gọi họ là đàn chiên bé nhỏ.
14. HỎI: Tại sao ‘đừng sợ’?
THƯA: Vì
đàn chiên được Thiên Chúa Cha thương ban Nước Trời, được đặt dưới quyền thống
trị của Thiên Chúa. Quà tặng lớn lao ấy kèm theo các đòi hỏi: ‘Ai đã được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều,
và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn’ (12, 48).
15. HỎI: Chúa Giê su dạy
gì về việc duy nhất mà chúng ta phải làm?
THƯA: Đó là thực hiện lời Thiên
Chúa dạy. Và bắt đầu bằng cách giải tỏa tất cả mọi bận tâm khác: ‘Hãy bán tất cả những gì mình có mà bố thí.
Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở
trên trời nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá’.
16. HỎI: Chúa Giê su đưa
ra mấy dụ ngôn về những gì phải làm?
THƯA: Chúa Giê su đưa ra ba dụ
ngôn ngắn: dụ ngôn thứ nhất nói về những người tôi tớ đợi chủ về; dụ ngôn thứ
hai so sánh chuyến trở về của ông chủ với việc kẻ trộm đến nhà mà không ai hay
biết; dụ ngôn thứ ba nói đến việc chủ nhà trở về và phán xét các đầy tớ mình.
17. HỎI: Ý chính trong ba
dụ ngôn là gì?
THƯA: Là phục
vụ. Thiên Chúa ban cho chúng ta vinh dự được phục vụ Người, được trở thành những
người cộng tác với Người.
18. HỎI: Phục vụ như thế
nào?
THƯA: Phục vụ Nước Chúa là làm
sao cho Nước Chúa mau hiển hiện, cho ngày đó mau đến (2Pr 3,12). ‘Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha
trị đến’.
19. HỎI: Tại sao Thiên Chúa
không ép buộc người ta vào Nước Trời?
THƯA:
Thiên Chúa rất cần đến sự cộng tác của con người, vì Nước
Trời không thể hình thành mà không có chúng ta. Tuy nhiên, Người luôn tôn trọng
tự do của con người nên không ép buộc ai vào Nước Trời. Người ban cho chúng ta
được vinh dự đóng góp vào kế hoạch cứu độ nhân loại của Ngài. Và chính điều đó
làm cho cuộc đời chúng ta nên giá trị vì chúng ta có thể làm cho ngày của Thiên
Chúa mau đến như lời Thánh Phê rô nói (2P3). Dù khiêm tốn, cố gắng của chúng ta
cũng góp phần vào việc làm cho Nước Chúa trị đến.
20. HỎI: Dụ ngôn thứ nhất
dạy gì?
THƯA: Dụ ngôn thứ nhất dạy phải
tỉnh thức và kiên trì chờ đợi Thiên Chúa đến.
21. HỎI: Dụ ngôn thứ hai
có ví Thiên Chúa như tên ăn trộm không?
THƯA: Không. Dụ ngôn thứ hai
không ví Thiên Chúa như tên ăn trộm, nhưng muốn so sánh sự xuất hiện bất ngờ của
Ngài như sự xuất hiện của kẻ trộm. Việc Người ngự đến bất ngờ không báo trước
đòi những kẻ theo Ngài phải luôn tỉnh thức chờ đợi.
22. HỎI: Dụ ngôn thứ ba
dành cho ai?
THƯA: Dụ ngôn thứ ba dành cho
các vị đứng đầu các cộng đoàn. Ai thi hành đầy đủ bổn phận thì khi Thiên Chúa đến
sẽ được trọng thưởng. Còn ai không làm trọn bổn phận được giao phó sẽ bị đày xuống
hỏa ngục.
23. HỎI: Lời của Chúa
Giêsu: ‘Ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều, thì sẽ
bị đòi hỏi nhiều hơn’ muốn nói đến điều gì?
THƯA: Ai trong cuộc sống trần
gian được ban cho nhiều đặc sủng, khả năng, đức tính hơn người khác, sẽ phải trả
lẽ trước mặt Thiên Chúa về cách sử dụng những hồng ân ấy. Người Kitô hữu đã nhận
được đầy đủ sự mặc khải của Thiên Chúa không thể tỏ ra thua kém trước ơn ban to
lớn như vậy. Họ sẽ bị đòi hỏi hơn bất cứ người nào khác về ơn được làm con
Thiên Chúa mà họ đã nhận được nhờ sự nhập thể và khổ nạn của Chúa Giê su Ki tô,
Chúa chúng ta.
24. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế
nào?
THƯA: 1.
‘Thắt lưng cho gọn’ là sống không vướng bận, không dính bén đối với của cải, chức
quyền, danh vọng, lạc thú trần gian.
2.
‘Thắp đèn cho sáng’ là sống tỉnh thức, nhiệt thành, sốt sáng và sẵn sàng nghênh
đón Chúa Ki-tô vào bất cứ thời điểm nào.
GLCG 2849 (540, 612 2612 162) Trong
cuộc chiến đấu này, chúng ta chỉ có thể chiến thắng nhờ cầu nguyện. Nhờ cầu
nguyện, Ðức Giê-su đã chiến thắng Tên Cám Dỗ, lúc khởi đầu sứ vụ (x. Mt 4,1-11)
và trong cuộc chiến cuối cùng (x. Mt 26,36-44) vào giờ hấp hối. Ðức Ki-tô kết
hiệp chúng ta với Người trong cuộc chiến đấu và cơn hấp hối của Người để xin
Chúa Cha ‘chớ để chúng con sa chước cám dỗ’. Người khẩn nài chúng ta cùng canh thức
với Người. Canh thức là giữ tâm hồn mình. Ðức Giê-su xin Chúa Cha ‘gìn giữ
chúng ta trong danh Cha’ (Ga 17,11). Chúa Thánh Thần luôn tìm cách giúp chúng
ta canh thức. Lời cầu xin này càng trở nên quan trọng hơn nữa, khi cuộc chiến đấu
trên trần thế của ta bước vào cơn cám dỗ cuối cùng; chúng ta phải xin ơn bền đỗ
đến cùng: ‘Ðây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ đang canh thức’ (Kh 16,15). (x. Cầu
nguyện, tỉnh
thức, khiêm tốn và tin tưởng như con thảo trước những thất bại và chiến đấu trên
đường đức tin 2728-2734. 2849. Hy vọng như
Abraham 1817-1819).