Suy Niệm Lời Chúa chúa Nhật XIX Thường Niên B
Chúng ta được mời gọi “ĐỒNG HÓA” với chính Chúa Giê su để Thần khí ngự trong Ngài trở nên Thánh Thần của chúng ta. Lời mời gọi lạ lùng vượt quá tất cả những gì mà một Vị Thầy bình thường dám đòi hỏi để lưu lại mãi trong các môn đệ của mình. Chúa Giê su tự khẳng định như là ơn ban đáp lại TÌNH YÊU của Chúa Cha.
Sách Các Vua:
Tác giả gợi lại câu chuyện tiên tri Ê li a giữ vững đức tin vào thời mà Is ra el trải qua cuộc khủng hoảng thờ lạy bụt thần trầm trọng nhất vào thế kỉ thứ 9 trước Công Nguyên. Qua đó, ông nhắc lại cách thức mà Thiên Chúa dùng để ban lại cho Tiên tri sức mạnh vào chính lúc tuyệt vọng nhất. Được nuôi sống bằng một tấm bánh mầu nhiệm, Ê li a đã đủ sức đi đến núi mà Thiên Chúa đã mạc khải cho ông Mô sê.
Thánh vịnh 33:
Đây là Thánh vịnh Tạ ơn tuyệt vời. Chúa tụng Thiên Chúa! Người đã cứu thoát người công chính bị hại nhưng đầy lòng tín thác nơi Người và tìm kiếm bình an. Thánh vịnh nầy là lời kinh của “người nghèo”, của “người lầm than”, của “những tâm hồn tan nát” lên đường tìm Thiên Chúa.
Thư gửi Ê phê sô:
Đồng hóa với Đức Ki tô tức là chỉ còn là tình yêu, như chính Ngài hoàn toàn là TÌNH YÊU và THA THỨ, vang vọng từ chính Thiên Chúa. Đó chính là tinh thần mà trong đó chúng ta phải sống các mối tương quan với anh em chúng ta trên trần gian.
Tin mừng: Ga 6,41-51
NGỮ CẢNH
Chương 6 tin mừng Gioan khởi đầu bằng hai trình thuật: Hoá bánh ra nhiều (6,1-15) và Chúa Giê đi trên mặt nước (6,16-21). Tiếp theo là một giáo huấn dài về Bánh ban sự Sống (6,22-59). Đó là giáo huấn đầu tiên của Chúa Giê su dành cho đám đông trong quang cảnh là vùng biển Ga li lê: núi, biển và hội đường Ca phác na um. Bài tin mừng thuộc phần thứ hai của diễn từ (41-51) nói về sứ mạng của Con.
Có thể đọc theo cấu trúc sau đây:
- cc 41-42: phản ứng tiêu cực của người do thái dẫn vào phần khai triển của Chúa Giê su.
- cc 43-51: mạc khải của Chúa Giê su: Ngài là bánh trường sinh, và bánh ấy chính là thịt của Ngài.
TÌM HIỂU
“Người Do thái”: đây là lần đầu tiên đám người Ga li lê nầy được gọi bằng kiểu nói: “người Do thái”, thường được Ga dùng để chỉ những người từ chối tin vào Chúa Giê su. Người Do thái qui chiếu đến một kiểu nói không được trích dẫn đúng như trong lời của Chúa Giê su: “Ta là bánh từ trời xuống”. Lời phàn nàn tạo cơ hội cho Chúa Giê su khai triển giáo huấn của Ngài về Cha.
“Xầm xì phản đối”: cũng như ở phần thứ nhất, phản ứng của các thính giả đặt ở trung tâm của phần khai triển những gì Chúa Giê su nói. Lần nầy, dân chúng phản kháng, nhưng không còn ngỏ với Ngài nữa.
Hậu cảnh phần khai triển luôn là câu chuyện về manna: những lời xầm xì của họ tương tự như những lời than vãn trách móc của dân Is ra el trong thời Xuất hành (Xh 14,11-12;15,24;17,3). Giao ước mới trong Chúa Giê su, như giao ước ở Si nai, cũng sẽ bị từ chối. Và chỉ được hoàn tất nhờ cái chết của Chúa Giê su.
“Con ông Giu se”: X. Lc 4,22. Trong Mc 6,3 thì nói: “Con bà Maria”.
“Mẹ”: nhóm Do thái nầy là những người đồng hương với Chúa Giê su; việc quen biết gia đình Ngài ngăn cản họ tiếp nhận những gì Chúa Giê su nói về nguồn gốc của Ngài (x. Mt 13,53-58; Mc 6,1-6).
“Đừng có xầm xì với nhau”: Chúa Giê su từ chối đối thoại ở mức độ nầy. Câu trả lời không phải để phủ nhận sự hiểu biết nhân loại mà họ có về Chúa Giê su Na gia rét, nhưng để dẫn họ đến đức tin ngang qua kinh nghiệm họ có về Ngài. Do đó Chúa Giê su lặp lại và khai triển thêm điều mà Ngài đã bắt đầu trình bày ở câu 37.
“Chúa Cha”: để mạc khải chân tính của Ngài, Chúa Giê su nói về Cha. Chúng ta không đi đến với Chúa Giê su từ sáng kiến và bằng ý chí của chúng ta, đó là từ ơn gọi và ơn sủng của Cha. Cha hành động (5,17); Người tìm kiếm những người thờ phượng đích thực (4,23). Cha “đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19); chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Người, khởi đầu từ việc Đức Ki tô tìm kiếm chúng ta.
“Đón nhận giáo huấn của Chúa Cha”: trích dẫn lời sấm Is 54,13. Việc Chúa Giê su đến mang lại một sự chuyển biến và soi sáng nội tâm. Ngài sẽ cắt nghĩa giáo huấn mà Cha ban cho các môn đệ của Ngài bằng cách loan báo cho họ việc cử “Thánh Thần chân lí” (14,16-17). Đó là việc thực hiện lời ngôn sứ Gr 31,34: “Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ nầy nói với người kia: ‘Hãy học cho biết Đức Chúa’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn sẽ biết Ta”.
“Sẽ đến với tôi”: Chúa Giê su nói với những kẻ đi tìm Ngài (6,24). Ở đây Ngài nói cho họ biết điều kiện thiết yếu để cho việc tìm kiếm ấy có kết quả là phải trung thành trong việc lắng nghe Cha. Giáo huấn nầy sẽ được lặp lại trong đoạn 8,42-47.
“Không phải là đã có ai thấy Cha đâu”: “Chưa bao giờ có ai được thấy Thiên Chúa cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (1,18).
“Thật”: dịch sát là “Amen”. Lời tuyên bố long trọng diển tả chính ý muốn của Cha: là con người có sự sống, nhờ niềm tin vào Chúa Giê su. Và để ban sự sống, Chúa Giê su tuyên bố Ngài là bánh (x.6,35).
“Man na”: hình ảnh man na, được lặp lại ở phần cuối, luôn là hậu cảnh cho toàn bộ phần khai triển nầy.
“Đã chết”: sự khác biệt hệ tại ở điều nầy: ai ăn man na thì chết; còn ai ăn bánh Đức Ki tô ban cho thì không chết nữa. Ai “ăn bánh nầy” thì lãnh nhận ơn Thiên Chúa cho phép họ vượt qua sự chết và được sống muôn đời.
“Thịt”: Chúa Giê su xác định Ngài là bánh theo nghĩa nào: ngang qua xác thân, Ngài hiến ban cho chúng ta. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, thịt là thành phần làm nên con người, dấu chỉ sự mỏng giòn của con người, nghĩa là số phận phải chết. Ngôi Lời hoá thân thành nhục thể đã mặc lấy thân phận con người cho đến tận cùng.
Dù bất lực, nhưng thịt là nguyên lí của sự hiệp thông. Thánh Gioan nói về Ngôi Lời trở thành nhục thể như sau: “Ngài đến cư ngụ giữa chúng ta” (1,14). Con người đầu tiên nói về người đàn bà mà Thiên Chúa giới thiệu: “Phen nầy, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (Stk 2,23). Còn hơn một sự bà con; đó là một cội nguồn, một số phận, một bản chất chung. Khi nhận lấy sự yếu hèn của chúng ta, kết hiệp với chúng ta, Chúa Giê su trở nên bánh nuôi chúng ta.
“Thế gian”: cử chỉ nầy mang một tầm mức phổ quát (Ga: “trong thế gian”; Mc 14,24; Mt 26,28: “cho muôn người”).
SỨ ĐIỆP
Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta vào sâu trong tình yêu của Thiên Chúa. Một tình yêu chẳng những quan tâm đến những bước đi của chúng ta trong hành trình đi về Nước Chúa, mà còn được bộc lộ trong những hành động lạ lùng mà con người không thể ngờ được.
Bài đọc một nhắc chúng ta nhớ lại một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của tiên tri Êlia. Khi đọc toàn bộ câu truyện của ông trong Kinh Thánh, chúng ta khám phá ra nơi ông một con người can đảm, thậm chí táo bạo. Quan tâm lớn nhất của ông là làm sao đưa dân Israên quay trở về trung thành với một Thiên Chúa chân thật duy nhất. Đối với ông, đó là một niềm đam mê cháy bỏng. Trọn cuộc sống của ông đã trở thành một cuộc chiến chống lại các tà thần. Khi bị hăm dọa, ông phải chạy trốn. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy một Êlia kiên cường nhưng đã phải gục ngã vì quá chán chường tuyệt vọng, đến nỗi mong ước được chết. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi các chiến sĩ của Ngài. Ngài sai thiên thần đem lương thực và nước uống cho Êlia, mang lại tinh thần và sức sống giúp ông tiếp tục hành trình.
Tin mừng Chủ nhật nói với chúng ta rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục hành động như thế đối với chúng ta: Người ban cho chúng ta bánh cần thiết để đi đường. Bánh ấy, thỉnh thoảng là một lời nói tốt, một sứ điệp, một lời Tin mừng hay một cuộc gặp gỡ nâng đỡ chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn đặt trên đường chúng ta đi những con người hay những dấu chỉ để giúp đỡ chúng ta tiến bước. Nhưng chiếc bánh đích thực Ngài đặt trên đường chúng ta đi luôn hiện diện trong các hội nhóm ngày Chủ nhật. Qua Lời nói và Mình Thánh, Đức Ki tô là chiếc bánh đi đường ban cho chúng ta. Ông Êlia đã đi bộ trong suốt bốn mươi ngày để gặp gỡ Thiên Chúa. Bốn mươi ngày ấy là biểu tượng cho cả một cuộc đời. Người ki tô chúng ta cần đến lương thực Thiên Chúa ban cho để đi cho hết cuộc hành trình ấy.
Bài đọc thứ hai cũng được viết trong một thời kì bách hại. Thánh Phao lô đang bị cầm tù khi viết thư gửi cho Giáo đoàn Êphêsô. Ngài nhắc lại bí tích Rửa tội đã lãnh nhận và mời gọi họ sống trong tình yêu và hiệp nhất. Điều quan trong là bắt chước Thiên Chúa. Chỉ trong Ngài chúng mới tìm được niềm vui và hạnh phúc, cả trong những lúc khó khăn nhất.
Bài tin mừng là lời mời gọi tìm kiếm và gặp gỡ Chúa Giê su, không chỉ như một người quê ở Na gia rét mà tất cả mọi người đều biết. Nhưng phải nhìn qua bên kia khía cạnh nhân loại của Ngài. Đức Ki tô tự biểu lộ cho tất cả mọi người như là bánh từ trời xuống. Ngài là quà tặng quí giá nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Chúa Giê su tự trao ban để cho tất cả mọi người được sống đời đời. Đó là quà tặng đầy bất ngờ mà không ai đoán trước được. Chúng ta hoàn toàn không xứng đáng với quà tặng đó, vì là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ biết lãnh nhận với tất cả lòng tin vì không phải dễ dàng để gắn bó với sứ điệp lạ lùng đó.
Bẳng cách đó, Chúa Giê su mạc khải cho chúng ta Ngài đích thực là ai. Và sự mạc khải ấy sắp gây ra một cuộc khủng hoảng. Sẽ có những người tin vào lời loan báo lạ lùng đó, và cũng có những người sẽ không tin. Tin mừng ấy đặt ra chúng ta nhiều nghi ngờ, nhiều câu hỏi. Ngày nay cũng như ngày xưa, nhiều người chỉ nhìn thấy khía cạnh nhân loại nơi Chúa Giê su và không chấp nhận thần tính của Ngài. Bài tin mừng muốn mời gọi chúng ta ra khỏi những xác tín, khỏi những gì mà chúng tưởng rằng mình biết về Chúa Giê su. Ngày nay, Ngài vẫn là “bánh bởi trời” nghĩa là một lương thực cần thiết cho chúng ta đi đường. Ngài mời gọi chúng ta phải “ăn” Ngài. Đến với Ngài, là tin vào Lời Ngài dạy, ăn Lời Ngài, tiếp nhận nơi chúng ta như đấng từ Thiên Chúa đến tận tâm hồn sâu thẳm của chúng ta.
Đức tin đòi một sự chọn lựa, một bước nhảy vào khoảng không chưa từng biết đến, là đối mặt với một nguy cơ. Đừng lí luận và chỉ gắn bó với cái bên ngòai. Hôm nay, Đức Ki tô mời gọi chúng ta hãy thực hiện bước đi của lòng tin. Chúng ta phải lựa chọn giữa sự sống và sự chết. Hãy chọn sự sống đến từ Thiên Chúa. Hãy tiếp nhận lời Ngài, cả khi nó làm chúng ta chao đảo. Mỗi ngày chủ nhật, Chúa đến qui tụ chúng ta lại để nuôi chúng ta bằng lời và Thánh Thể của Ngài. Khi qui tụ chúng ta chung quanh Ngài, Ngài mời gọi chúng ta hãy làm lại sự lựa chọn để tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa tình yêu.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Bài đọc một có nội dung như thế nào?
THƯA: Bài đọc một kể lại hành trình tiến về núi Thánh của tiên tri Êlia. Sau khi đã chiến thắng các tiên tri Ba an trên núi Các mê lô, ông đã bị truy sát. Trên đường chạy trốn ông đã mệt mõi, chán nản, thất vọng và xin được chết. Nhưng Thiên Chúa không chiều ý ông, nhưng đã cho thiên sứ đem bánh và nước cho ông giúp ông hồi sinh tiếp tục chạy về núi Thánh để gặp Ngài.
2. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một như thế nào?
THƯA: Chúng ta đang ở vào giữa những năm 875 và 850 tr. CN. Êlia là người gốc Tishbê ở Galaad phía bắc Giọc đa ni. Tên ông có nghĩ là ‘Thiên Chúa của tôi là Đức Gia vê’ tóm gọn ý nghĩa cuộc đời của ông là kiên trì chống lại thói thờ lạy bụt thần.
3. HỎI: Tình hình tôn giáo ở Vương quốc Ít ra ên phía bắc như thế nào?
THƯA: Bấy giờ vương quốc Ít ra ên phía bắcđang trải qua một cuộc khủng hoảng tôn giáo trầm trọng. Vua Akháp cưới công chúa I-dê-ven con vua Siđôn ngoại đạo. Bà nầy không những không bỏ đạo thờ bụt thần khi lấy vua Akháp mà còn đưa đạo ấy cùng với tượng thần, tư tế và tiên tri vào ngay trong lâu đài của vua ở Sa ma ria.
4. HỎI: Tình hình xã hội như thế nào?
THƯA: Lúc bấy giờ đang xảy ra cơn hạn hán khốc liệt ở khắp vùng trung đông. Hạn hán ở vùng nông nghiệp đồng nghĩa vớichết đói. Trong một thời gian ngắn, nhiều thành phố đã biến mất vì nạn đói kéo dài nầy. Được Thiên Chúa báo trước, Tiên tri Êlia côngbố: ‘Nhân danh Thiên Chúa là đấng tôi phụng thờ, trong những năm này sẽ không có sương hay mưa rơi xuống’.
5. HỎI: Cuộc thảm sát ở núi Các mê lô diễn ra như thế nào?
THƯA: Sau hai năm khô hạn, Thiên Chúa loan báo rằng mưa sắp rơi và sai Êlia báo cho Vua Akháp. Nhưng thay vì bằng lòng với việc loan báo tin mừng, Êlia lại tìm cách khai thác tình hình theo hướng có lợi cho Thiên Chúa. Ông đưa ra lời thách đấu với các tiên tri Ba an: Thần Ba an hay Thiên Chúa của Ít ra ên, ai có thể khiến lửa từ trời xuống.Thế là hai bên chuẩn bị hi tế trên một bàn thờ khổng lồ ở núi Carmêlô. Các tiêntri Ba anđã làm hết sức mình để kêu khấn thần linh của họ nhưng cuối cùng thất bại, không có gì xảy ra. Đến phiên mình, Êlia cầu khấn và được Thiên Chúa nhậm lời. Lửa từ trời xuống thiêu đốt hi tế trong khoảnh khắc. Toàn dân phấnkhích. Êlia liền ra lệnh thảm sát tất cả các tiên tri thần ngoại.
6. HỎI: Bà Hoàng I-dê-ven phản ứng như thế nào
THƯA: Bà hoàng I-dê-ven nổi giận truyền truy sát Êlia. Ông liền chạy trốn. ‘Khi tới Bơ-e Se-va thuộc Giu-đa, ông để đứa tiểu đồng lại đấy, còn ông thì đi một ngày đường trong sa mạc. Ông đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: "Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con’ (1V 19,4).
7. HỎI: Tại sao thế?
THƯA: Vì ông ý thức sự tàn ác của mình. Ông đã loan báo một Thiên Chúa khủng khiếp khi loại bỏ tất cả đối thủ của mình, ông có sai lầm khi chiến đấu với họ không? Và điều tệ hơn, ông đòi những bằng chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa, vậy có khác gì cha ông trong suốt cuộc xuất hành đã càm ràm chống lại Thiên Chúa và buộc Ngài phải tỏ mình.
8. HỎI:Thiên Chúa đã đáp lại như thế nào?
THƯA: Trong cơn hoạn nạn và trốn chạy ấy, ông đã khám phá Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Ngài đã cho thiên thần mang đến cho ông lương thực cần thiết để tiếp tục cuộc hành trình trong suốt 40 ngày đêm đến núi Sinai.
9. HỎI: Cuối cùng Êlia đã chạy đến đâu?
THƯA: Cuối cùng Êlia đã tới hang động mà trước kia Mô sê đã nhìn thấy Thiên Chúa sau khi đã lãnh nhận các bia đá lề luật của Ngài (Xh19).
10. HỎI: Bốn mươi ngày đêm có ý nghĩa gì?
THƯA: TrongKinh thánh số 40 là một con số ước lệ không có thật để chỉ một thời gian dài chuẩn bị cho một biến cố lớn. Dân Ít ra ên đi lang thang trong sa mạc 40 năm trước khi được vào Đất Hứa. Chúa Giê su bị ma quỉ cám dỗ sau khi đã ở trong hoang địa 40 ngày trước khi bắt đầu sứ vụ công khai. Sau khi sống lại, Chúa Giê su còn lưu lại trên thế gian 40 ngày để dạy dỗ các môn đệ, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, kết thúc sứ mạng cứu độ ở trần gian.
11. HỎI: Lương thực mà Êlia nhận được trong chuyến đi về núi thánh có ý nghĩa gì?
THƯA: Lương thực mà Êlia nhận được trong chuyến hành trình đã trở thành biểu tượng cho của ăn đi đường trợ giúp các tín hữu trong suốt cuộc hành trình trần gian. Trong bài tin mừng, Chúa Giê su đã nói rõ lương thực ấy chính là Thân Mình của Ngài được trao ban qua hiến tế trên thập giá.
12. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Chương 6 tin mừng Gioan khởi đầu bằng hai trình thuật: Hoá bánh ra nhiều (6,1-15) và Chúa Giê đi trên mặt nước (6,16-21). Tiếp theo là một giáo huấn dài về Bánh ban sự Sống (6,22-59). Đó là giáo huấn đầu tiên của Chúa Giê su dành cho đám đông trong quang cảnh là vùng biển Ga li lê: núi, biển và hội đường Ca phác na um. Bài tin mừng thuộc phần thứ hai của diễn từ (41-51) nói về sứ mạng của Con. Có 2 ý chính: 1. Phản ứng tiêu cực của người do thái dẫn vào phần khai triển của Chúa Giê su (cc 41-42). 2. Mạc khải của Chúa Giê su: Ngài là bánh trường sinh, và bánh ấy chính là thịt của Ngài (cc 43-51).
13. HỎI: “Người Do Thái” mà tin mừng Ga nói đến là ai?
THƯA: Trong tin mừng thánh Gioan, kiểu nói ‘người Do thái’ được dùng để chỉ hàng lãnh đạo Do thái giáo. Ở đây họ xầm xì bảo nhau: “Ông ta là con ông Giuse và Bà Maria đang sống với chúng ta đây mà lại tự cho mình từ trời đến”.
14. HỎI: Tại sao người Do thái xì xầm phản đối?
THƯA: Người Do thái xì xầm phản đối vì Chúa Giê su nói Ngài từ trời xuống.Vì Chúa Giê su tự cho mình là lương thực ban sự sống khi tuyên bố: “Ta là bánh từ trời xuống”. Nói cách khác Ngài tự cho mình là Lời của Thiên Chúa: “Con người không chỉ sống nhờ bánh, mà còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8, 4). Bởi thế người Do thái phản đối: “Tại sao Ngài lại dám tự cho mình là Lời Thiên Chúa? Tại sao Ngài dám tự cho mình là người mang lại sự sống đời đời? Trong khi ai cũng biết Ngài là người làng quê Nagiarét, cha mẹ Ngài cũng ở đó.
15. HỎI: Lời Chúa Giê su: “Các ông đừng có xầm xì với nhau” nhắc lại điều gì?
THƯA: Đối với người Do Thái, lời Chúa Giê su là một lời trách cứ nặng nề. Đó là lời nhắc lại những lời xầm xì phản đối của cha ông họ trong sa mạc, điều mà người ta có thể gọi là tội nguyên tổ của Israên. Bốn mươi năm trong sa mạc chứng kiến những khủng hoảng của niềm tin: khi gặp những khó khăn, đói khát, rắn độc, hay bị quân thù tấn công, người ta lại nghi ngờ ông Mô sê và chính Thiên Chúa đã muốn dẫn họ vào cõi chết (Xh 16,2.8).
16. HỎI: Câu: “Không ai đến được với Ta nếu Chúa Cha là Đấng sai Ta không lôi kéo người ấy” có nghĩa gì?
THƯA: Câu ấy có nghĩa là con người cần thiết phải có tác động của Thiên Chúa để có thể tin và hiểu biết Chúa Giê su (x. Is 54, 13; Gr 31,33-34). Trong công cuộc cứu độ, chính Thiên Chúa là người đi bước trước, nhưng không bao giờ ép buộc chúng ta, mà chỉ gợi lên sự đáp trả tự do của chúng ta. Như thế, Thiên Chúa không lôi kéo bằng áp lực, nhưng bằng tình yêu và chân lí. Ngoài ra, Thiên Chúa còn lôi kéo bằng cách dạy dỗ từ trong nội tâm, ngang qua tác động của ân sủng.
17. HỎI: Người Do thái tin có bao nhiêu thứ lương thực?
THƯA: Họ tin có hai thứ lương thực: lương thực vật chất và lương thực thiêng liêng. Và họ cũng biết rằng chỉ có thứ lương thực thiêng liêng duy nhất mới thực sự là ban sự sống, đó là Lời Chúa. Bánh, lương thực vật chất, nuôi sống thân xác, còn Lời Chúa, thức ăn thiêng liêng nuôi sự sống thiêng liêng. Sẽ có ngày đời sống sinh học ngừng lại, cỏn đời sống thiêng liêng thì vĩnh cửu, không bao giờ mất.
18. HỎI: “Ta là bánh trường sinh” có nghĩa gì?
THƯA: Chúa Giê su muốn khẳng định với người Do thái rằng Ngài chính là bánh hằng sống, bởi vì Ngài là Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Phục sinh, luôn sống mãi. Vì thế, người tín hữu được lôi kéo đến cùng Ngài, để ngay từ bây giờ thông phần vào mầu nhiệm của Ngài và cuối cùng được dẫn đến sự phục sinh vinh quang.
19. HỎI: Sự sống vĩnh cửu là gì?
THƯA: Đối với Gioan, sự sống vĩnh cửu là sự sống sung mãn, hoàn hảo, trọn vẹn, không chấm dứt theo thời gian nhưng kéo dài mãi. Đó là sự sống thần linh vì sự sống là đặc điểm của thần tính, bao gồm cả sự sống thiêng liêng và thể xác.
20. HỎI: Chúa Giê su trở nên Bánh sự sống lúc nào?
THƯA: Chúa Giê su trở nên Bánh ban sự sống cho con người lúc Ngài tự hiến chính mình trong cái chết trên thánh giá.
21. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa hôm nay là gì?
THƯA: Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người đã tự hóa thân thành Bánh và Nước trường sinh cho những ai tin vào Ngài trong cuộc hành trình trần gian để có đủ sức thi hành sứ vụ được giao phó và vượt qua những chặng đường dài mà đi tới nơi Thiên Chúa đợi chờ họ.
22. HỎI: Phải thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: Chúng ta phải làm 2 việc sau:
1. Nhìn nhận Chúa Giê-su Ki-tô là Con Một Thiên Chúa, là Đấng từ Trời đến, là Đấng đã hóa thân làm Của Ăn Của Uống cho lữ khách trần gian.
2. Siêng năng và sốt sắng đón rước Chúa Giê-su Thánh Thể để có đủ sức thực thi sứ mạng và về tới Nhà Cha.