Suy Niệm Lời
Chúa Thứ Năm Tuần XIX Thường Niên
THA và ĐƯỢC THA
Lời
Chúa:
Mt 18, 21 – 19,1
(21) Bấy giờ,
ông Phêrô đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc
phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" (22)
Ðức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần
bảy".
(23) Vì thế, Nước Trời cũng giống như
chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. (24)
Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén
vàng. (25) Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất
cả vợ con tài sản mà trả nợ. (26) Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình
xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả
hết". (27) Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương,
cho y về và tha luôn món nợ. (28) Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ
ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ
mà bảo: "Trả nợ cho tao!" (29) Bấy giờ người đồng bạn sấp
mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo
trả anh". (30) Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho
đến khi trả xong nợ. (31) Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn
của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. (32)
Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha
hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, (33) thì đến lượt
ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi
sao?" (34) Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành
hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. (35) Ấy vậy, Cha của Thầy ở
trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không
hết lòng tha thứ cho anh em mình".
(1) Khi Ðức
Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Galilê và đi đến miền
Giuđê, bên kia sông Giođan.
Suy
Niệm
Ai trong
chúng ta cũng ước muốn một cuộc sống an bình, hạnh phúc và được mọi người yêu mến.
Chúng ta cũng được phú bẩm bản năng yêu thương và tha thứ. Có tha thứ là có yêu
thương và ngược lại. Tin Mừng hôm nay cho ta thấy nỗi khắc khoải của Phê-rô
cũng chính là cái tự nhiên trong mỗi con người chúng ta: “Thưa Thầy, nếu anh em
con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần
không?”. Định mức cho việc tha thứ thường được chúng ta tính toán rất “sòng phẳng”.
Cách đặt vấn
đề của Phê-rô được coi là hoàn hảo so với các Ráp-bi thời xưa chỉ có thể tha đến
ba lần. Con số bảy mà Phê-rô đề cập đến vốn được coi là sự hoàn hảo vào thời Do
thái xưa. Tha thứ cho người xúc phạm đến mình những bảy lần như thế này, thì có
lẽ Phê-rô phải là người rất rộng lượng và bao dung. Thế nhưng, Đức Giê-su lại
đòi hỏi ở Phê-rô nói riêng và mỗi người chúng ta nói chung một con số vượt hẳn
con số hoàn hảo đó, một con số không giới hạn: “Thầy không bảo tha đến bảy lần,
nhưng đến bảy mươi lần bảy”. Liền sau đó Chúa Giê-su kể lại dụ ngôn người tôi tớ
được tha một món nợ lớn, nhưng anh ta lại không tha cho một người bạn mắc nợ
anh ta một món nợ không đáng kể. Anh ta đã bị lên án vì không có lòng xót
thương. Những hình ảnh trái ngược trong dụ ngôn giữa Vua và đầy tớ; giữa mười
ngàn nén vàng và một trăm quan tiền cho ta thấy tình thương và sự tha thứ của
Chúa đối với chúng ta thế nào, đồng thời nó biểu lộ lòng bao dung, quảng đại của Thiên Chúa đối với
con người chúng ta.
Khuynh hướng
trong mỗi con người chúng ta là luôn luôn hướng về mình, ít khi chúng ta nhận
ra cái sai của mình. Khi mình xúc phạm đến người khác thì ta ít thấy, cũng có
khi thấy nhưng ta cố tình lấp liếm hay giả bộ làm ngơ; nhưng khi người khác xúc
phạm đến mình thì mình lại lu loa tính toán. Ta thường là thấy lỗi của người
khác, thấy mình thiệt thòi, thấy mình bị sỉ nhục, làm mất danh dự…hơn là lỗi của mình đối với người khác. Chúng ta thường
không dễ dàng vượt thắng sự yếu đuối của mình, không dám nhận sự thua thiệt về
mình. Lòng hận thù khiến chúng ta dần xa cách người khác, nó như một tảng đá đè
nặng lên cuộc sống của chúng ta. Mang sự hờn giận trong lòng khiến cuộc sống của
ta trở nên nặng nề, lúc nào ta cũng phải bận tâm đến lời nói, hành động của người
khác. Chúng ta được mời gọi sống tình yêu thương tha thứ như Đức Giê-su. Sự tha
thứ làm cho ta thoát khỏi bóng tối của những cảm xúc cay đắng trong lòng. Tha
thứ làm cho con người ta dễ dàng đồng cảm với người khác; tha thứ cũng làm cho
ta không còn chai sạn trong tâm hồn.
Tha
thứ đưa chúng ta tới hành động yêu thương. Tha thứ là biết bỏ đi quá khứ nhưng cũng có nghĩa là
không lặp đi lặp lại một lỗi lầm, không cố tìm cách biện minh cho mình. Chúng ta học tha thứ cho mình lẫn tha thứ cho người khác. Không tha thứ
cho mình, ta khó tha thứ cho người khác; ta cũng hay biện hộ cho chính mình và
lên án người khác. Sự tha thứ làm tan đi nhu cầu
chứng tỏ rằng ta đúng, gột bỏ sự phẫn nộ mà ta cảm nhận, đôi khi chỉ là trong
tưởng tượng. Nếu không tha thứ và biết tha thứ thì quá trình giải thoát
khỏi gánh nặng này sẽ không thể bắt đầu hay có tiến triển. Không biết tha thứ
ta khó cảm nghiệm được tình thương yêu của Thiên Chúa dành cho ta, ta khó cảm
nghiệm được sự tha thứ của người khác khi ta biết mình có lỗi.
Chắc hẳn
trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, ta không thể không mắc sai lầm với
ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn hữu… “nhân vô thập toàn” là vậy. Chúng ta còn
đầy dẫy những yếu đuối, sai lầm nhưng Thiên Chúa đã giơ cánh tay của Người ra,
đỡ nâng chúng ta khỏi lầm lỗi kiếp người. Chúng ta đã bao lần lỗi phạm đến
Chúa, nhưng Chúa đã luôn kiên nhẫn với chúng ta, Chúa không đòi chúng ta “sòng
phẳng” như chúng ta đòi hỏi người bên cạnh mình. Chúa tha thứ cho ta vô biên,
vô tận những :“Bảy mươi lần bảy”, không như chúng ta giới hạn sự tha thứ của
mình với tha nhân “quá tam ba bận”, như Phê-rô : “Tha đến bảy lần”. Chúng ta
hãy học nơi Chúa bài học yêu thương tha thứ không giới hạn.
Xin cho tình
thương tha thứ của Thiên Chúa khắc ghi vào trong tâm hồn chúng ta để chúng ta
luôn sẵn sàng tha thứ cho người khác.
Nt. Maria
Phương Trâm, ĐMPC.