CHÚA
NHẬT XVIII CHÚA HIỂN DUNG:
GƯƠNG MẶT CỦA THIÊN CHÚA
Một trong những khao khát
sâu thẳm trong tâm hồn con người đó là được tiếp xúc và nhìn thấy gương mặt của
Thiên Chúa. Sự khao khát này khiến cho người Do Thái cứ muốn tìm kiếm một hình ảnh
cụ thể nào đó về Thiên Chúa của họ. Trong khi những dân tộc khác có những thần
linh và tượng thần riêng thì người Do Thái lại thờ phượng và bước theo một
Thiên Chúa vô hình. Do đó, họ bị cám dỗ phải tìm một hình ảnh nào đó để minh họa
về Thiên Chúa. Kinh Thánh kể lại, những con người được coi là bạn của Thiên
Chúa, như Apbraham, Elia, cha mẹ của ông Samsaon và kể cả ông Mose đã nhiều lần
xin Chúa cho được nhìn thấy dung nhan của Ngài. Ông Elia được Chúa cho nhận ra
sự hiện diện của Chúa qua cơn gió nhẹ ban chiều, ông Mose chỉ được nhìn thấy
sau lưng của Thiên Chúa.
Nếu như thời Cựu Ước, các tổ
phụ và các tiên tri chưa ai được nhìn thấy mặt Thiên Chúa thì đến thời Tân Ước,
Thiên Chúa không còn che giấu gương mặt của Ngài nữa, Ngài muốn cho mọi người
nhìn thấy gương mặt nhân từ, giàu lòng thương xót và hay tha thứ của Ngài qua
gương mặt, con người và cả cuộc đời của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, con người dường
như không dễ dàng chấp nhận một Thiên Chúa gần gũi mang thân phận và gương mặt
của một con người như vậy, nên họ đã không chấp nhận Chúa Giêsu. Họ muốn một
Thiên Chúa phải thật uy nghiêm, sẵn sàng ra oai quyền lực, có thể khiến cho mọi
người khiếp sợ, chứ không phải một Thiên Chúa khiêm nhường hiền lành, như một
người bạn và là một người trong họ như vậy.
Các tông đồ là những môn đệ
thân tín, được Chúa gọi và chọn theo Chúa, sống với Chúa, nghe Chúa giảng và chứng
kiến phép lạ Chúa làm. Các tông đồ cũng được chứng kiến những lần Chúa thành công
được mọi người ca tụng, được đám đông đi theo. Các ông cũng chứng kiến cả những
lần Chúa thất bại, bị người ta từ chối không tin, không muốn nghe, không muốn
đón tiếp. Niềm tin của các tông đồ vào Chúa Giêsu còn rất mập mờ. Họ chỉ thấy
nơi Chúa Giêsu như một vị thầy lỗi lạc hơn là Thiên Chúa. Vì thế, khi Chúa
Giêsu nói về cuộc khổ nạn của Ngài, việc Ngài bị bắt, bị hành hạ và giết chết,
các tông đồ không dễ dàng chấp nhận.
Để nâng đỡ đức tin yếu kém của
các tông đồ, hôm nay, Chúa đưa các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi
cao. Chúa Giêsu biến đổi hình dạng trước mặt các ông, dung nhan Ngài chói lọi
như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết, có ông Mose và Elia hiện ra đàm
đạo với Người. Với việc làm này, Chúa Giêsu hé lộ cho các môn đệ thấy một chút
vinh quang rực rỡ của Thiên Chúa nơi con người của Ngài, giúp các ông có thể
đón nhận được biến cố tử nạn thập giá mà Chúa sắp bước vào. Có ông Mose và Elia
hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu. Hai vị này là thủ lãnh, là ngôn sứ nổi bật
trong lịch sử. Mose là người đã được Chúa trao cho Mười Giới răn, là người dẫn
dắt huấn luyện dân Chúa đi theo giới răn lề luật của Chúa. Ông Elia là một vị
ngôn sứ lớn, nổi bật trong tất cả các ngôn sứ. Khi nói đến hai vị này xuất hiện
đàm đạo với Chúa Giêsu, có nghĩa là hai vị đại diện cho toàn bộ Cựu Ước xuất hiện
để minh chứng về Chúa Giêsu.
Chứng kiến vinh quang xán lạn
của Thiên Chúa, các môn đệ hạnh phúc đến ngây ngất, các ông muốn kéo dài những
giây phút hạnh phúc này, Simon Phêrô như mơ sảng đề nghị với Chúa: Thưa Thầy,
chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều. Các ông muốn ở lại
mãi trên ngọn núi này để được chiêm ngắm vinh quang nơi gương mặt Chúa Giêsu,
điều mà các ông chưa bao giờ được tận hưởng. Ý kiến của Phêrô và các tông đồ
không phải là điều Thiên Chúa muốn. Lúc đó, tiếng của Chúa Cha từ đám mây nói với
các ông: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng
nghe lời Người.
Với lời tuyên bố này, Thiên
Chúa Cha đã long trọng khẳng định, Chúa Giêsu không chỉ là một người con bình
thường, mà chính là Con yêu dấu của Ngài. Chúa Giêsu được gọi là Con yêu dấu, tức
là Con mà Thiên Chúa Cha đặt trọn tình yêu và hy vọng nơi Người và chắc chắn
Người Con đó không bao giờ làm sai ý Cha, không bao giờ làm Cha thất vọng. Quả
thật như thế, dù mang địa vị của một Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã hoàn toàn
hạ mình, nhận lấy phận con người, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết
trên cây thập tự. Vì mang thân phận con người, nên có nhiều người, ngay cả các
môn đệ, không dễ dàng nhận ra địa vị cao trọng thực sự nơi Thầy Giêsu.
Nghe lời Thiên Chúa Cha
phán, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất. Các ông kinh hoàng vì vừa được
tiếp xúc, đụng chạm đến thế giới thần thiêng của Thiên Chúa. Kinh hoàng vì phần
nào các ông đã nhận thấy điều khác biệt và hết sức đặc biệt nơi con người thường
ngày của Chúa Giêsu. Các ông sấp mặt xuống đất. Thái độ sấp mặt là thái độ thần
phục, thờ lậy của tạo vật trước sự uy linh cao cả của Đấng tạo dựng, của con
người trước mặt Thiên Chúa. Ngày xưa, Mose đã sấp mặt xuống đất khi nhìn thấy
ngọn lửa cháy ở bụi gai, Đaniel sấp mình khi thị kiến thấy Ngai tòa của Đấng
quyền năng và Đấng ngự trên ngai tòa ấy. Thiên Chúa Cha nói với các tông đồ:
Hãy vâng nghe lời Người, tức là muốn các tông đồ từ đây đừng hồ nghi nữa, nhưng
hoàn toàn để tâm lắng nghe lời của Chúa Giêsu, vì lời đó là lời của chính Thiên
Chúa. Từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu nói cho các tông đồ về việc Chúa sẽ bị
giết và sẽ trỗi dậy từ cõi chết. Có lẽ đây là điều quan trọng nhất mà Thiên
Chúa Cha muốn các tông đồ nghe Chúa Giêsu nói: nói về cái chết và sự phục sinh
của Người.
Thưa quý OBACE, chúng ta
cũng mang tâm trạng khao khát được nhìn thấy Thiên Chúa. Những khi gặp thử
thách đến tột cùng, những lúc rơi vào tăm tối không hy vọng, không lối thoát,
chúng ta lại càng bị cám dỗ thách thức sự hiện diện của Thiên Chúa.
Thiên Chúa vẫn hiện diện với
chúng ta qua từng nhịp bước của cuộc sống, khi vui, khi thành công hay thất bại,
chỉ có điều là chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa hay không mà thôi.
Thiên Chúa vẫn hiện diện với chúng ta qua con người của Chúa Giêsu, Người chạnh
thương với nỗi khốn cùng của chúng ta. Chúng ta có thể nhìn thấy gương mặt yêu
thương của Chúa qua Lời của Ngài đang nói, đang an ủi khích lệ chúng ta. Chúa
cũng hiện hiện diện với chúng ta một cách cụ thể qua Bí Tích Thánh Thể, để
chúng ta có thể chiêm ngắm, tôn thờ và đón nhận Ngài mỗi ngày. Chúa vẫn bày tỏ
gương mặt yêu thương hiền hòa của Chúa qua các Bí tích, nhất là Bí tích Giải Tội,
Ngài bày tỏ gương mặt dịu hiền và nhân từ qua sự ân cần phục vụ của các chủ
chăn và những anh em khác.
Được sinh ra trên trần gian
này, mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa, vì thế hãy làm cho gương mặt của
Thiên Chúa ngày càng rõ nét trên gương mặt của mỗi chúng ta qua đôi tay và qua
trái tim của chúng ta, để mọi người có thể nhìn thấy Chúa qua hành động lời nói
của ta. Dung nhan của Thiên Chúa vần tỏ hiện qua anh chị em chung quanh, nhất
là những người đau khổ nghèo đói, hãy biết mở tay mở lòng ra chia sẻ và phục vụ
họ.
Xin Chúa thanh luyện, biến đổi
tâm hồn và cuộc đời chúng ta, ở mãi trong ta, để chúng ta cũng được trở nên những
người con yêu dấu của Thiên Chúa vì biết lắng nghe và làm đẹp lòng Thiên Chúa mỗi
ngày. Amen.