ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ TRUYỀN GIÁO
Theo sắc lệnh Truyền giáo số 2, “Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo” nên việc truyền giáo, theo tôi, là cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết. Là một thành viên trong thân thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, tôi hiểu phần nào về những thao thức băn khoăn của Giáo Hội-nói chung, và bổn phận cá nhân của tôi-nói riêng, là thực hiện sứ vụ truyền giáo nơi môi trường mình đang sống. Vì thế, qua bài chia sẻ này, tôi xin đan cử một vài kinh nghiệm gặp Chúa nơi những người nghèo, người đau khổ, đặc biệt ở nơi những người anh em lương dân.
Chúng tôi may mắn xuất thân từ một gia đình công giáo. Ngay từ nhỏ, chúng tôi được cha mẹ chăm lo đời sống đức tin cũng như vật chất: chúng tôi được gia nhập Giáo hội Kitô giáo kể từ khi được lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức… cho đến khi chúng tôi khôn lớn trở thành một gia đình nhỏ, chúng tôi vẫn cố gắng bảo tồn đức tin mà cha mẹ đã vun trồng cho chúng tôi; đồng thời luôn gắn bó với Giáo Hội trong việc thờ phượng, kính mến Thiên Chúa ít là ngày chủ nhật hàng tuần. Tôi cũng có thói quen giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, ăn xin.v.v… tôi chỉ muốn đồng cảm với họ chứ chẳng bao giờ nghĩ mình đang truyền giáo. Nhưng hôm nay, tôi hiểu sâu hơn về những việc tôi đã làm và đang làm nhờ khóa học Truyền giáo tại xứ Hà Nội. Chúng ta có thể thực thi sứ vụ truyền giáo khắp nơi, trong môi trường nhỏ bé của mình và trong những công việc xem ra rất bình thường nhưng phi thường cho tất cả mọi người sống gần chúng ta không phân biệt tôn giáo, màu da …để chúng ta giới thiệu khuôn mặt YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC KITÔ cho họ. Vâng, chính khi hiểu được ý nghĩa của công việc truyền giáo theo nghĩa thông thường, là trở nên những chứng từ sống động, tiếp nối sứ vụ của Ba Ngôi đem hạnh phúc yêu thương đến cho mọi người thì lòng chúng tôi lòng phấn khởi lên và cố gắng “lên đường” phục vụ tha nhân. Sau đây là những mẩu chuyện truyền giáo nho nhỏ mà chúng tôi đã trải qua.
Ở nơi chúng tôi ở, tôi có biết một gia đình nọ, hàng ngày sống bằng nghề thọc trứng kiến. Hai ông bà có ba người con đều đã có gia đình, nhưng người nào cũng nghèo. Hai ông bà sống với người con trai thứ hai, tính tình của người ấy không bình thường, người ta bảo “hơi bị tâm thần”, vì thế anh được giáo xứ quan tâm, xây cho anh một căn nhà gọi là “nhà tình thương”. Rồi anh cũng có vợ, có con. Hàng ngày anh theo cha đi thọc trứng kiến để bán kiếm tiền, chỉ ít lâu sau người cha bị bệnh lao rồi qua đời, còn mẹ anh thì bị bán thân nói mớ. Cô vợ anh ấy hằng ngày đi bán vé số, nhưng chị ta cũng bỏ đi luôn để lấy chồng khác để mặc anh với hai đứa con dại và bà mẹ già. Anh cùng hai con sống nhờ tình thương của hàng xóm.
Một hôm tình cờ tôi đến thăm bà mẹ của anh, tôi thấy bà nằm trên giường mớ, ra dấu là mấy ngày nay mẹ con không có gì ăn. Người cháu phải lội xuống sông lấy những cây môn nước mà nấu ăn cho đỡ đói. Tôi bàng hoàng không ngờ lại có những người khổ đến như thế. Kể từ đó, mỗi ngày tôi đểu mang thức ăn đến cho bà: khi thì ít thịt, một ít cá, một vài trái trứng … Nói đúng ra gia đình tôi hôm nay ăn thứ gì, thì gia đình họ cũng ăn thứ đó để sống qua ngày. Được một thời gian sau, tôi lại phát hiện bà bị thêm một căn bệnh hiểm nghèo khác là ưng thư vú. Bà không có tiền để vào bệnh viện Đồng Nai khám và điều trị, nhìn bà vừa bị liệt vừa bị bệnh ưng thư hoành hành, chúng tôi liền đi xin một vài anh em khá giả ủng hộ để mua thuốc, tả lót lo cho bà. Nhưng vì bà không có đủ tiền chữa trị tại trung tâm ung bướu, nên chỉ một thời gian là bà qua đời. Tôi tự hỏi: tại sao lại có những người từ lúc sinh ra cho đến khi chết, họ chẳng được vui sướng ngày nào?
KHÔNG CÓ TIỀN, THÌ MÌNH GÓP NHẶT ĐỂ GIÚP NGƯỜI NGHÈO
Một câu chuyện khác nữa đó là chuyện của một bà già 78 tuổi, hàng ngày bà đi nhặt từng bao ni-lông, bao xốp rồi rửa sạch, treo lên cho khô để dành cho một chị lượm ve chai ghé qua nhà bà mỗi tuần để lấy. Có khi thì bà để giành cho chị một ít thịt, một ít cá, một ít bánh kẹo, một ít tiền bà dành giụm được. Bà bảo: mình không có tiền cho chị ấy, thì mình chịu khó góp nhặt cái gì mình có để giúp cho chị ấy nuôi chồng, nuôi con để sống qua ngày. Gia đình chị nghèo lắm!
Với những câu chuyện nhỏ bé trên, tôi thiết nghĩ :
Công việc truyền giáo còn được thể hiện trong cách sống đạo, theo phương châm “tốt đạo đẹp đời” để loan truyền Tin Mừng của Chúa giữa lòng dân tộc, vì “trăm nghe không bằng mắt thấy”. Ngoài ra, việc bác ái phải đi đôi với việc loan báo Tin Mừng, nếu không, làm việc bác ái chẳng khác việc làm của các tổ chức từ thiện. Mà từ thiện thì nhiều người vẫn làm, đâu chỉ có những người Kitô giáo!
Việc thăm hỏi những người lương dân, nhất là những người nghèo khổ, neo đơn, bệnh tật, già nua… là công việc truyền giáo hiểu theo nghĩa rộng. Đó là việc làm của mọi giáo dân Kitô. Hiểu được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ tích cực tham gia, đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội tùy theo sức của mình bằng việc làm cụ thể, để nhờ đó, Tin Mừng ngày càng được biết đến qua công tác truyền giáo.
Maria Nguyễn Thị Kim Dung
Gx. Bình Hải, Biên Hoà.